Góp ý của Đại biểu Quốc hội Võ Thị Thuý Loan – Tiền Giang
Kính thưa Quốc hội,
Về dự án Luật trọng tài thương mại, tôi quan tâm nhiều nhất về phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại vì nó có vai trò quyết định đến ý nghĩa của luật đối với thực tiễn. Tôi xin phép phát biểu một số suy nghĩ của mình như sau:
Tôi không đồng tình với Ban soạn thảo về việc mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại đối với các tranh chấp ngoài hợp đồng thương mại, kể cả 2 phương án được nêu trong dự thảo luật. Tôi cho rằng việc mở rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại sang các lĩnh vực khác trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay là chưa đủ sức thuyết phục. Điều này được thể hiện qua Báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 cho thấy mặc dù giải quyết tranh chấp bằng trọng tài gọn nhẹ, kín đáo hơn so với giải quyết bằng Tòa án nhưng nhiều người chưa tin tưởng phương thức này, chiếm 98,6%; Có nhiều người chưa biết đến phương thức này, chiếm 74,3%. Hiệu lực thi hành của quyết định trọng tài thấp 61,4%, năng lực của đội ngũ trọng tài viên chưa đủ mạnh để giúp cho cộng đồng doanh nghiệp giải quyết được tranh chấp và giảm bớt gánh nặng công việc cho toà án.
Điều quan trọng nhất mà mọi người đều phải thừa nhận là trọng tài thương mại Việt Nam chưa xây dựng được danh tiếng và tin cậy của xã hội đối với trọng tài, với tư cách là một thiết chế tự do các bên tự tạo ra. Vấn đề đặt ra là có nên mở rộng thẩm quyền cho trọng tài thương mại trong khi xã hội chưa có nhu cầu vì chưa có một báo cáo nào đánh giá được vai trò của thiết chế trọng tài thương mại đối với đời sống riêng tư của cá nhân ở nước ta và sự mở rộng thẩm quyền này sẽ có ảnh hưởng ra sao đến các giao dịch giữa cá nhân và giao dịch của người tiêu dùng. Bởi lẽ trong tranh chấp dân sự đôi khi người ta kiện nhau chỉ vì khẳng định mình có lẽ phải và họ luôn cảm thấy toà án tuyên án mạnh hơn phán quyết của trọng tài. Trong khi đó tranh chấp kinh doanh thương mại phải luôn tính đến mục tiêu kinh tế và đó cũng chính là lý do mà thiết chế trọng tài thương mại ra đời để phục vụ cho nhu cầu chủ yếu của giới thương nhân.
Khi Việt Nam tham gia công ước NewYork năm 1958 Việt Nam có mục bảo lưu thế nào là hành vi thương mại. Về điều đó có nghĩa là phải áp dụng theo luật nội địa vả lại khi ban hành Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 thì nhà làm luật cũng đã tham khảo Luật trọng tài mẫu năm 1985. Nếu so sánh về mặt câu chữ thì sẽ thấy Pháp lệnh trọng tài thương mại giống tới 80% với luật mẫu, hơn nữa khái niệm hoạt động thương mại trong Luật thương mại hiện nay có phạm vi tương đối rộng, bao hàm mọi quan hệ thương mại, hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng. Điều này hoàn toàn phù hợp với thuật ngữ thương mại trong luật mẫu cũng như bảo đảm cho Việt Nam khi thực hiện các công ước quốc tế trong quá trình hội nhập. Do đó Quốc hội cũng cần phải cân nhắc và thận trọng khi quyết định mở rộng thẩm quyền giải quyết cho trọng tài thương mại trong điều kiện ở nước ta hiện nay.
Tôi thiết nghĩ phạm vi thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại hiện nay bị bó hẹp không phải vì phạm vi tranh chấp hoạt động thương mại hẹp và không đủ việc cho trọng tài thương mại giải quyết mà do vấn đề về nhận thức đối với khái niệm hoạt động thương mại, tranh chấp thương mại chưa được thống nhất cho nên các trung tâm trọng tài không đủ tự tin để thụ lý các tranh chấp như tranh chấp về chứng khoán, tranh chấp giữa các cổ đông, thành viên công ty v.v... Vì sợ rủi ro các phán quyết trọng tài có thể bị toà án huỷ bất kỳ lúc nào, cũng vì nhiều trường hợp không hội đủ điều kiện bắt buộc các bên tranh chấp phải là cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh theo quy định của Pháp lệnh trọng tài thương mại và Bộ luật tố tụng dân sự. Tôi cho rằng nguyên nhân của sự bó hẹp phạm vi thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại là bởi lẽ ở nước ta giữa các bộ, ngành có tình trạng cát cứ trong tình trạng soạn thảo văn bản pháp luật, mỗi bộ, ngành tự soạn thảo văn bản pháp luật cho mình mà không quan tâm đầy đủ đến văn bản pháp luật của các bộ, ngành khác. Do đó giữa các văn bản luật có sự không thống nhất, đôi khi gây khó khăn trong việc áp dụng luật vào trong cuộc sống thực tế. Cụ thể là trong Luật thương mại định nghĩa hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lời trong khi đó Luật doanh nghiệp không sử dụng khái niệm thương mại mà sử dụng khái niệm kinh doanh cũng có tính chất sinh lợi. Hai đạo luật trên dùng hai khái niệm khác nhau nhưng chúng có cùng một nội hàm đều là hoạt động nhằm mục đích sinh lời, cho nên trong Bộ luật tố tụng dân sự các khái niệm trên được ghép lại là "kinh doanh - thương mại" và được thể hiện ở Điều 29 của Bộ luật tố tụng dân sự đó là tranh chấp về kinh doanh thương mại. Hơn nữa khái niệm hoạt động thương mại hiện nay chưa được pháp luật quy định thống nhất, cụ thể là Khoản 3 của Điều 3 Pháp lệnh trọng tài thương mại giải thích hoạt động thương mại là hành vi của thương nhân, đồng thời liệt kê các hành vi thương mại.
Điều này hoàn toàn phù hợp với Luật thương mại năm 1997 vì lúc bấy giờ vẫn đang có hiệu lực, thực ra không phải như vậy nên Luật thương mại năm 2005 quy định hoạt động thương mại không chỉ là hoạt động của thương nhân, mọi người đều có thể thực hiện hành vi thương mại. Do đó để đảm bảo tính khả thi của dự luật trong điều kiện của Việt Nam, tôi đề nghị hiện tại Luật chỉ nên giới hạn phạm vi giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại bằng trọng tài thương mại theo quy định của Luật thương mại năm 2005 kể cả tranh chấp kinh doanh trong Luật doanh nghiệp cũng được hiểu tương tự như tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại. Vì hoạt động kinh doanh thương mại không chỉ là hoạt động trực tiếp theo đăng ký kinh doanh thương mại mà còn bao gồm các hoạt động khác phục vụ, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh thương mại. Ngoài ra Luật cũng nên thừa nhận tranh chấp kinh doanh ở Điều 29 của Bộ luật tố tụng dân sự cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại. Tuy nhiên, để cởi trói cho trọng tài thương mại thì cần phải khắc phục bất cập hiện nay về điều kiện để trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại đó là bỏ điều kiện. Hiện nay đòi hỏi các bên tranh chấp trong hoạt động thương mại là cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh mà nên tập trung vào bản chất hoạt động thương mại đó chính là nhằm mục đích sinh lợi và Luật chỉ nên đòi hỏi cá nhân, tổ chức đều có mục đích lợi nhuận từ hoạt động thương mại để xác đinh đó là tranh chấp thương mại hay là tranh chấp dân sự. Và cũng cần lưu ý rằng vì là mục tiêu nên có thể đạt hoặc không đạt được, nhưng mục đích lợi nhuận phải luôn luôn được đặt ra ngay từ khi bắt đầu tham gia vào một giao dịch nào đó để tránh trường hợp bị tòa án lạm dụng và dựa vào đó để mà hủy phán quyết của trọng tài thương mại. Vì thời gian có hạn nên tôi xin phép dừng tại đây. Xin chân thành cảm ơn Quốc hội.