Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc – Thái Bình
Kính thưa Đoàn Chủ tịch.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội.
Tôi đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật trọng tài thương mại lần này. Dự thảo đã khắc phục nhiều điểm bất cập của Pháp lệnh trọng tài thương mại hiện hành, đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đồng thời tiếp cận được những nguyên tắc cơ bản của pháp luật trọng tài quốc tế hiện đại, đặc biệt là Luật mẫu về trọng tài của Uỷ ban thương mại Quốc tế của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên trong quá trình thảo luận về dự án Luật còn nhiều ý kiến khác nhau. Sau đây tôi xin được bày tỏ ý kiến của mình về một số vấn đề đang còn có ý kiến khác nhau và theo gợi ý của Đoàn Chủ tịch.
Thứ nhất, về tên gọi của dự luật, tôi đề nghị gọi là Luật trọng tài thay cho Luật trọng tài thương mại vì tên Luật trọng tài sẽ khắc phục được hạn chế trong việc xác định thẩm quyền của trọng tài. Nếu là Luật trọng tài thương mại sẽ hạn chế phạm vi thẩm quyền của trọng tài chỉ trong lĩnh vực tranh chấp thương mại. Điều này không phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam và đặc biệt là xu hướng phát triển của trọng tài ở nước ta cũng như là trên thế giới trong thời gian tới. Pháp luật trọng tài của nhiều nước không có sự phân biệt rạch ròi giữa thương mại và dân sự. Trọng tài có thẩm quyền giải quyết cả tranh chấp dân sự và thương mại. Theo tôi được biết có trên 90% số nước trên thế giới đã ban hành Luật trọng tài chứ không phải Luật trọng tài thương mại.
Thứ hai, về phạm vi thẩm quyền của trọng tài tôi ủng hộ phương án 2 vì việc dân sự là việc của các bên. Nhà nước chỉ can thiệp và quản lý giám sát trực tiếp các giao dịch có liên quan đến yếu tố công và trật tự công. Những giao dịch thương mại kể cả chỉ khi một bên là thương nhân thì nên để cho các bên tự định đoạt và quyết định trong đó quyền của họ trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp cũng được tôn trọng. Nếu xác định phạm vi thẩm quyền của trọng tài chỉ giới hạn đối với các tranh chấp phát sinh của hoạt động thương mại có quy định của Luật thương mại. Tức là Nhà nước đã loại bỏ một phương thức giải quyết tranh chấp rất có hiệu quả của các bên. Trên thực tế nhiều tranh chấp dân sự có thể giải quyết bằng trọng tài và các bên đều mong muốn đưa ra giải quyết tranh chấp bằng trọng tài do thủ tục đơn giản, linh hoạt, nhanh chóng và rất quan trọng là bí mật. Trong trường hợp này Nhà nước nên khuyến khích và tôn trọng quyền tự quyết của họ. Hiện nay Nhà nước đang có chủ trương xã hội hóa nhiều lĩnh vực hoạt động dịch vụ công và theo hướng đó thì việc mở rộng phạm vi hoạt động của trọng tài cũng sẽ góp phần giảm tải công việc của hệ thống tòa án đang rất nặng nề hiện nay.
Ngoài ra theo quy định tại Điều 3 Khoản 1 của Luật thương mại năm 2005 thì hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi bao gồm hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đầu tư xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Như vậy chỉ có các giao dịch nhằm mục đích sinh lợi mới có thể được lựa chọn trọng tài điều này theo tôi là chưa hợp lý. Vì sẽ phát sinh tranh cãi trong việc xác định thế nào là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Thực tế giải quyết tranh chấp ở nước ta trong những năm qua cho thấy nhiều khi việc phân biệt các vụ tranh chấp dân sự và tranh chấp kinh doanh thương mại là rất khó khăn.
Luật đầu tư năm 2005 đã xác định trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong đó một bên là cơ quan quản lý Nhà nước, mặc dù hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước không nhằm mục đích sinh lợi.
Trên thực tế hiện nay có rất nhiều chủ thể công đã và đang tham gia ngày càng nhiều vào các giao dịch dân sự, ví dụ các ban quản lý, các dự án đầu tư công, các cơ quan hành chính sự nghiệp tổ chức đấu thầu hoặc giao kết hợp đồng kể cả các hợp đồng mua sắm của Chính phủ, các chủ thể của các hợp đồng đó không nhằm mục đích sinh lời. Theo quy định của dự thảo thì các giao dịch này không được lựa chọn trọng tài, trong khi đó luật của hầu hết các nước trên thế giới và Công ước quốc tế thì không có hạn chế nào như vậy. Thậm chí các định chế quốc tế như IMF, World Bank thì còn khuyến nghị các nước sử dụng trọng tài đối với các giao dịch này. Rất nhiều loại tranh chấp phát sinh quan hệ không nhằm mục đích sinh lợi như tranh chấp do đâm va tàu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng v.v... Nếu hạn chế các dạng tranh chấp này không được đưa ra trọng tài giải quyết là không hợp lý, vì đó là các giao dịch dân sự thuần túy thuộc quyền định đoạt của các bên tranh chấp. Các bên có quyền lựa chọn bất kỳ phương thức nào để giải quyết cả phương thức trọng tài.
Từ những vấn đề thực tiễn nêu trên trong hoạt động kinh doanh của nước ta cũng như trên phạm vi thế giới tôi đề nghị lựa chọn phương án hai trong dự thảo. Tuy nhiên liên quan đến phương án hai tôi không tán thành việc loại trừ thẩm quyền của trọng tài đối với các tranh chấp về bất động sản, tại Mục c, Điều 2, Khoản 2 của dự luật. Thực tế tranh chấp liên quan đến bất động sản rất rộng, tôi đề nghị chỉ nên loại trừ tranh chấp liên quan đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Pháp lệnh trọng tài thương mại hiện hành đã xác lập thẩm quyền của trọng tài trong việc giải quyết một số tranh chấp liên quan đến đất đai, như tranh chấp về hợp đồng thuê đất, hợp đồng thuê nhà. Do vậy nếu loại trừ các tranh chấp liên quan đến bất động sản, tức là dự luật này đã lùi một bước so với Pháp lệnh trọng tài thương mại hiện hành.
Ba, về biện pháp khẩn cấp tạm thời, Điều 48, tôi tán thành phương án giao thẩm quyền cho Hội đồng trọng tài được áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời là vì:
Thứ nhất, việc Hội đồng trọng tài ra quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và tính hấp dẫn của phương thức trọng tài. Cụ thể thời gian giải quyết tranh chấp được rút ngắn do các bên không phải qua thủ tục tòa án như quy định trước đây. Do Hội đồng trọng tài trực tiếp giải quyết các vụ tranh chấp, nên việc quy định sẽ chính xác bảo đảm tính nhanh chóng kịp thời theo đúng bản chất và ý nghĩa của biện pháp này.
Thứ hai, quy định này tương thích với Luật trọng tài mẫu của Ủy ban pháp luật thương mại quốc tế và hầu hết các quốc gia đều giao thẩm quyền này cho các hội đồng trọng tài.
Thứ tư, về vai trò hỗ trợ và giám sát của tòa án đối với trọng tài theo tôi là rất cần thiết và cần phải được quy định trong dự thảo. Thực tiễn cho thấy nếu không có sự hỗ trợ giám sát của tòa án đối với trọng tài thì trọng tài sẽ không phát huy được tác dụng và hiệu quả như mong muốn. Như chúng ta đều biết phương thức trọng tài tuy xuất hiện khá lâu ở Việt Nam nhưng vẫn chưa phát huy được tác dụng cần thiết, số vụ xét xử bằng trọng tài ít, hiệu lực và các phán quyết của trọng tài không cao. Ngoài những lý do về năng lực của trọng tài, nhận thức của xã hội và của các bên tranh chấp thì có nguyên nhân quan trọng của tình trạng đó là do pháp luật chưa có quy định cụ thể về vai trò hỗ trợ của tòa án đối với trọng tài để đảm bảo hiệu lực các phán quyết của trọng tài.
Với bản chất là cơ chế giải quyết tranh chấp tư, trọng tài có hạn chế nhất định về thẩm quyền. Thẩm quyền của trọng tài chỉ được hình thành từ thỏa thuận của các bên tranh chấp và chỉ có hiệu lực đối với các bên tranh chấp mà thôi. Nhưng trọng tài không có thẩm quyền giống như tòa án trong việc ban hành các quyết định mang tính chất bắt buộc cưỡng chế đối với bên thứ ba. Chẳng hạn như yêu cầu bên thứ ba trong việc cung cấp chứng từ, triệu tập nhân chứng hay phong tỏa tài khoản tại ngân hàng v.v.... Do đó để khắc phục sự hạn chế về thẩm quyền của trọng tài, pháp luật trọng tài quốc tế đã thiết lập cơ chế hỗ trợ của tòa án đối với trọng tài, nhằm bảo đảm quá trình trọng tài có hiệu quả cao nhất và tôi thiết nghĩ luật pháp của ta cũng cần có chế định như vậy.
Kính thưa Quốc hội, trên đây là một số ý kiến góp ý của tôi vào dự thảo Luật trọng tài. Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội.