Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng – Hà Nam
Kính thưa Quốc hội,
Xây dựng Luật trọng tài thương mại là cần thiết, nhằm khắc phục những bất cập của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, đáp ứng được thực tiễn hoạt động kinh doanh và yêu cầu ngày càng cao về hội nhập kinh tế quốc tế. Sau đây tôi xin đóng góp một số ý kiến về dự thảo luật như sau:
Vấn đề thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại. Tại Điều 2 dự thảo luật đưa ra 2 phương án quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại, trong đó phương án 2 được hiểu là mọi tranh chấp nếu có thỏa thuận thì được giải quyết bằng trọng tài, ngay cả tranh chấp đó một bên là Nhà nước. Quy định như vậy là quá rộng, khó đảm bảo chất lượng và có tính khả thi trên thực tế. Theo Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp thì 6 năm thi hành Pháp lệnh trọng tài thương mại mới có 7 trung tâm trọng tài được thành lập, trong đó 3 trung tâm từ khi thành lập đến nay chưa giải quyết được vụ việc nào và số lượng giải quyết thấp mới được khoảng 280 vụ việc. Khả năng uy tín chuyên môn của trọng tài viên chưa đáp ứng được yêu cầu, bên cạnh đó tâm lý của các bên tranh chấp coi việc giải quyết tranh chấp tại tòa án nhiều hơn.
Tôi nhất trí với phương án thứ nhất quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp về trọng tài thương mại mà dự thảo luật đưa ra và như Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp. Vì các tranh chấp thương mại theo Luật thương mại và Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 quy định tương đối đầy đủ và cụ thể. Song do tình hình thực tế như một số luật: Luật doanh nghiệp, Luật xây dựng, Luật hàng không dân dụng, Luật chứng khoán và các luật khác có quy định một số tranh chấp được giải quyết bằng hình thức trọng tài. Để đảm bảo sự phù hợp giữa các luật và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế nên quy định mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại.
Song tôi cũng xin đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định cụ thể hơn nữa các tranh chấp của trọng tài thương mại bằng các hình thức liệt kê các tranh chấp giải quyết so với quy định như phương án 1 của dự thảo luật sẽ có những tranh chấp phát sinh thuộc cả thẩm quyền giải quyết của Tòa án và thuộc cả thẩm quyền của trọng tài thương mại như quy định tại Khoản 2, Điều 2 dự thảo luật này. Theo Bộ luật tố tụng dân sự và theo Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì các tranh chấp phát sinh giữa các bên nếu như ít nhất có 1 bên hoạt động kinh doanh thương mại thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Nếu có mục đích kinh doanh thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa kinh tế, nếu không có mục đích kinh doanh thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa dân sự. Đề nghị Ban soạn thảo đối chiếu với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để quy định phù hợp, tránh gây mâu thuẫn giữa các luật.
Vấn đề thứ hai, về phí trọng tài thương mại được quy định tại Điều 33 dự thảo luật. Các khoản phí trọng tài được quy định tại Điều 33 như phí hành chính, phí chỉ định trọng tài viên vụ việc theo yêu cầu của các bên tranh chấp, phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi trung tâm trọng tài, chi phí khác cho trọng tài viên. Đây là những khoản chi phí không hợp lý, rất dễ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng, Ban soạn thảo phải giải thích những khoản phí là như thế nào.
Theo tôi Điều 33 dự thảo luật chỉ nên quy định phí trọng tài gồm thù lao trọng tài viên, chi phí cho việc thu thập chứng cứ, đi lại, tham vấn chuyên gia nếu có, ngoài ra không bao gồm chi phí khác. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ trong dự thảo luật những trường hợp phải chịu chi phí giải quyết, trường hợp được miễn nộp, trường hợp nếu như các bên rút đơn khởi kiện, các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc thì phí trọng tài được giải quyết như thế nào. Chi phí tạm ứng cho việc giải quyết tranh chấp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thẩm quyền quy định của việc nộp tạm ứng chi phí giải quyết được coi là thụ lý đơn khởi kiện không là căn cứ bắt đầu tính từ thời điểm được coi là thời điểm bắt đầu của quá trình tố tụng giải quyết trọng tài không?
Vấn đề thứ ba, về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tôi nhất trí với quy định của dự thảo luật về việc Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo tính chủ động khi giải quyết vụ việc tranh chấp. Tôi đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ việc giải quyết việc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là do Chủ tịch Hội đồng trọng tài ra quyết định hay cả Hội đồng trọng tài ra quyết định.
Tôi đề nghị bỏ Khoản 2, Điều 52 dự thảo luật, dự thảo luật quy định: "Tòa án xem xét, hỗ trợ Hội đồng trọng tài thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời theo thẩm quyền của mình". Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật hiện hành không có quy định nào Tòa án phải có trách nhiệm hỗ trợ Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Việc hỗ trợ theo dự thảo luật như thế nào? Cách thức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ra sao? Dự thảo luật chỉ quy định chung chung trách nhiệm của các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà chưa có quy định trách nhiệm của Hội đồng trọng tài trong trường hợp tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Thứ tư, đề nghị Ban soạn thảo cần quy định trong dự thảo luật về quyền, nghĩa vụ của các bên tranh chấp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tranh chấp trong quá trình giải quyết tranh chấp vì trong toàn bộ dự thảo luật không đề cập đến vấn đề này.
Trong dự thảo luật có đề cập đến vai trò, chức năng của Tòa án, nhưng chưa xác định rõ vai trò của Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án trong việc thi hành các quyết định của trọng tài viên, để đảm bảo sự phù hợp giữa Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vai trò, trách nhiệm của các cơ quan này trong dự thảo luật. Xin hết.