Tập đoàn kinh tế sẽ phải trả giá vì kinh doanh đa ngành

Thứ Ba 11:27 18-11-2008

Lạm phát và tập đoàn

(TBKTSG 3/8/2008) - Trong nền kinh tế hiện đại, đa dạng hóa đầu tư sẽ tiếp tục trở thành xu hướng phát triển ngày càng đậm nét của các tập đoàn kinh tế ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng này cũng có thể dẫn đến sự sụp đổ hay suy yếu của nhiều tập đoàn.

Tại Việt Nam, tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), ngoài các sản phẩm, dịch vụ liên quan tới viễn thông và công nghệ thông tin, còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như dịch vụ quảng cáo, kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngoài lĩnh vực hoạt động truyền thống là sản xuất kinh doanh điện năng, viễn thông công cộng và cơ khí điện lực, còn đầu tư mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, tài chính - ngân hàng.

Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) cũng không chịu bó khuôn trong lĩnh vực cao su, mà còn nhảy sang ngành cơ khí, quản lý khai thác cảng biển, vận tải, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ khách sạn, du lịch nội địa, quốc tế.

Tập đoàn Vinashin ngoài lĩnh vực chính của mình, cũng đã đầu tư dịch vụ vận tải biển, thủy điện, tài chính, chế tạo cơ khí...

Thực tiễn cho thấy, việc hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực cũng có tính hai mặt của nó: Một mặt, nếu doanh nghiệp đi đúng hướng và đầu tư thành công sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế và đạt được những mục tiêu mới; mặt khác, nếu “chệch hướng” hoặc đầu tư không hiệu quả có thể làm suy sụp hình ảnh của doanh nghiệp, thậm chí đánh mất thương hiệu và gây ra những thiệt hại to lớn khó lường cho doanh nghiệp.

Mặt trái của đa dạng hóa đầu tư là khi doanh nghiệp đầu tư đa ngành, đa nghề thì ít nhiều sẽ đánh mất lợi thế so sánh của mình trong lĩnh vực chính, rất dễ mắc sai lầm do sự phân tán các nguồn lực và thiếu kinh nghiệm của bộ máy quản lý và cả do thiếu cập nhật thông tin.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát vốn đưa vào hoạt động đa lĩnh vực là rất phức tạp, nếu làm không tốt thì sự thất thoát, lãng phí và khả năng đổ vỡ tài chính là những nguy cơ có thực. Đặc biệt, cần thấy rằng, với khả năng tài chính có hạn của mình, việc đầu tư vốn dàn trải sẽ buộc doanh nghiệp phải tìm đến nguồn vay mới với những điều khoản thương mại ngặt nghèo, dễ đưa họ sa vào chiếc bẫy nợ nần.

Hơn nữa, sự đa dạng hóa đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn trực tiếp góp phần làm tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam. Vì sao?

Mặt trái của đa dạng hóa đầu tư là khi doanh nghiệp đầu tư đa ngành, đa nghề thì ít nhiều sẽ đánh mất lợi thế so sánh của mình trong lĩnh vực chính, rất dễ mắc sai lầm do sự phân tán các nguồn lực và thiếu kinh nghiệm của bộ máy quản lý và cả do thiếu cập nhật thông tin.
Một là, cơ cấu đầu tư của các DNNN thường có quy mô lớn lại tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng, không trực tiếp tạo ra hàng hóa, do đó làm tăng lượng tiền trong lưu thông và chênh lệch cung - cầu, tức làm tăng lạm phát tiền tệ và lạm phát cơ cấu.

Hai là, hiệu quả kinh doanh và đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DNNN nói chung, cả ở trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, đều không cao, và thường là thấp nhất so với các đầu tư và kinh doanh tương tự, nhưng do các nhà đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân trong nước thực hiện.

Điều này liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến: đặc điểm của sở hữu (sở hữu nhà nước thường dẫn đến cảnh “cha chung không ai khóc”); cơ chế cán bộ và tuyển dụng lao động (thường không thực sự coi trọng chuyên môn và người tài), trách nhiệm cá nhân của nhà quản lý đầu tư (thường rất thấp vì đề cao và lạm dụng cơ chế lãnh đạo và trách nhiệm tập thể) và cơ chế quản lý vốn đầu tư - bao gồm cả việc lựa chọn lĩnh vực kinh doanh (thường bị áp đặt hoặc dễ dãi, gắn với lợi ích cục bộ, thậm chí do lợi ích cá nhân và phe nhóm, lợi dụng vốn nhà nước để “đánh quả” và trục lợi), cũng như cơ chế ra quyết định đầu tư (vừa phức tạp, chậm trễ, vừa lỏng lẻo, hình thức và nhiều cơ hội cho tham nhũng phát sinh, phát triển)...

Ba là, nhiều dự án đầu tư đa ngành mà các DNNN đã và đang triển khai còn cho thấy khá đậm tính chất cơ hội ngắn hạn, gắn với khai thác yếu tố độc quyền hoặc “vận động hành lang”, thậm chí chưa thuyết phục về chuyên môn nên có độ rủi ro cao.
Chắc chắn lạm phát sẽ gia tăng áp lực nếu không ngăn chặn kịp thời sự “liên minh” giữa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với các ngân hàng thương mại nhà nước và các quan chức có liên quan trong việc vay và cho vay vốn, đầu tư chéo, đầu tư đa ngành hàng ngàn tỉ đồng mang nặng tính đầu cơ, trục lợi, lũng đoạn thị trường và lãng phí các nguồn lực quốc gia.

TS. NGUYỄN MINH PHONG

Các văn bản liên quan