Phải thay đổi mô hình tập đoàn thí điểm

Thứ Ba 11:20 18-11-2008
(TBKTSG) - Hai báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thuộc Chính phủ đều dùng những từ “an toàn, hợp lý” khi nói về những con số tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở 76 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Nhưng không phải vô tình mà ngay trong những báo cáo đó, bộ thì đề nghị phải có quy chế rõ ràng về bộ máy và tổ chức hoạt động cho tập đoàn, còn ban thì yêu cầu đến tháng 7-2010 phải chuyển tất cả các tập đoàn, tổng công ty về mô hình công ty TNHH hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) trình Chính phủ trong tháng 9 phải ra đời trước những yêu cầu thực tế như vậy.Khác với mỗi bộ nắm quyền quản lý nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty theo chuyên ngành, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp là nơi nắm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khá toàn diện.

Ban vừa kiến nghị Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải tạm dừng ngay trong năm 2008 việc đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Từ năm sau, việc đầu tư vào các lĩnh vực nói trên phải có các báo cáo cụ thể. Hơn nữa, ban này cũng đề xuất từ sau tháng 7-2010, tức là chỉ hai năm nữa, tất cả các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước phải có lộ trình chuyển thành công ty TNHH một thành viên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Thật ra những yêu cầu trên là bình thường vì thực tế, tám tập đoàn hiện nay đang hoạt động theo mô hình thí điểm, mà nói như Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng hôm có mặt tất cả lãnh đạo của các tập đoàn tại Hà Nội cách đây hai tuần thì mỗi TĐKTNN hiện đang hoạt động theo một cách riêng, chưa có mô hình chung.

Mong muốn của Chính phủ là phải có một hành lang pháp lý cho các tập đoàn hoạt động ngay từ quí 1-2008 nhưng đã phải lùi đến quí 4-2008, tức là không còn sớm so với thời hạn tháng 7-2010.

Chủ tịch HĐQT tập đoàn Dầu khí (PVN) Đinh La Thăng ngại rằng bản dự thảo nghị định quyết định đổi tên các tập đoàn thành công ty TNHH một thành viên là kéo lùi hoạt động của các tập đoàn về theo Luật Doanh nghiệp nhà nước trước đây. Nhưng đó là một sự hiểu lầm, vì chỉ có cách chuyển tên gọi đó mới làm cho các tập đoàn có tư cách pháp nhân thực sự.
Việc thay đổi tên gọi cho đúng luật thực tế cũng chỉ là thay đổi bên ngoài. Nhưng cái được lớn nhất của nó là chuẩn hóa mô hình hoạt động, phân cấp rõ ràng về trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu từ công ty mẹ đến các công ty con.

Ngay ở PVN, sự lúng túng về quản lý được ông Lê Xuân Vệ, Trưởng ban tổ chức nhân sự PVN, nói rõ: “Hình thức tổ chức doanh nghiệp cổ phần mà công ty mẹ có cổ phần chi phối là hình thức tổ chức chủ yếu của các công ty con thuộc PVN hiện nay. Mặc dù đã có các quy định tương đối rõ ràng về mối quan hệ của công ty mẹ đối với công ty con loại này nhưng việc quản lý các doanh nghiệp này còn lúng túng”.

Ông Vệ giải thích, với những nhận thức, hiểu biết không giống nhau cộng với lề lối làm việc cũ dẫn đến tình trạng có đơn vị bị buông lỏng quản lý, có đơn vị lạm dụng quyền hạn của mình, gây ra những trục trặc trong vận hành toàn bộ hệ thống. Nhiều công ty con vẫn chưa thoát khỏi cơ chế bao cấp xin - cho, không dám chịu trách nhiệm, có quyền nhưng không dám quyết và lúc nào cũng xin ý kiến công ty mẹ.

Vẫn theo lời ông Vệ thì hiện tại cơ chế tài chính tại TĐKTNN được quy định bởi Nghị định 142 của Chính phủ nhưng triển khai khó khăn: “Sự bất cập lớn nhất là PVN được quy định là một doanh nghiệp nhưng cơ chế tài chính chưa đảm bảo để PVN trở thành một doanh nghiệp thực sự”. Ông dẫn ra việc lập báo cáo tài chính hợp nhất tập đoàn thường chậm và khó khăn so với yêu cầu do đa số các công ty con trong PVN có quy mô lớn.

Một chuyên gia quản lý lâu năm về việc phân bổ vốn đầu tư và kế hoạch ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói với TBKTSG rằng: phản ứng ban đầu của một số lãnh đạo TĐKTNN về bản dự thảo nghị định phần nào cũng có thể hiểu được vì từ khi ra đời đến nay, các tập đoàn này hoạt động trong môi trường pháp lý tuy có nhiều cấp quản lý nhưng thực chất lại không rõ ràng; được bao cấp hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với các loại hình doanh nghiệp khác về nguồn vốn, thậm chí được bù lỗ cho kinh doanh.

Các báo cáo kiểm toán của những doanh nghiệp này chỉ là những báo cáo kiểm toán nội bộ và việc kiểm toán (nếu có) cũng không phải thực hiện ở tất cả các tập đoàn như các tập đoàn kinh tế ngoài nhà nước hoặc công ty đại chúng.
Do vậy, theo chuyên gia nói trên, dù bản dự thảo nghị định đôi chỗ có thể còn chồng chéo hoặc lúng túng về câu chữ nhưng cần được ủng hộ để đưa hoạt động của các TĐKTNN về một hành lang pháp lý chung. Làm như vậy chính là tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh cho TĐKTNN, chứ không phải để họ sống bằng những ưu đãi riêng về cơ chế hay đồng vốn như hiện tại.

NGỌC LAN 21/8/2008

Các văn bản liên quan