Góp ý của Bà Nguyễn Thị Phưong Minh – VietcomBank

Thứ Hai 10:34 17-11-2008

NGHỊ ĐỊNH VỀ TẬP ĐOÀN KINH TẾ NHÀ NƯỚC

Dự thảo Nghị định về Tập đoàn kinh tế nhà nước đang được cơ quan chủ trì là Bộ Kế hoạch đầu tư lấy ý kiến các cơ quan ban ngành và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn còn nhiều vấn đề cần được làm rõ.

Trước hết đó là vấn đề về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định. Nghị định này chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến Tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong khi đó, trên thực tế nhiều tập đoàn kinh tế của khu vực tư nhân đã xuất hiện. Vậy mô hình tập đoàn kinh tế của khu vực tư sẽ thực hiện trong khung pháp lý nào? Theo lộ trình hội nhập chung, chúng ta đang dần dần tạo lập một sân chơi chung cho các doanh nghiệp không phân biệt loại hình sở hữu. Việc ban hành văn bản quy định riêng về Tập đoàn kinh tế nhà nước là đi ngược lại với tiến trình hội nhập. Mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế không phân biệt hình thức sở hữu đang tiến tới một sân chơi chung là Luật Doanh nghiệp năm 2005, vì vậy một sân chơi chung cho các tập đoàn kinh tế không phân biệt loại hình sở hữu là phù hợp với lộ trình hội nhập chung của Việt Nam. Còn nếu như Nghị định chỉ dừng lại ở các quy định dưới góc độ nhà nước là chủ sở hữu vốn đầu tư vào các doanh nghiệp trong tập đoàn kinh tế thì nội dung này đã được quy định tại Nghị định số 199/2004/NĐ-CP.

Về cơ cầu của một tập đoàn kinh tế. Theo Điều 3, khoản 4 của Dự thảo thì ngoài các Công ty con, trong cơ cấu của tập đoàn kinh tế nhà nước còn có các “doanh nghiệp có vốn góp dưới mức chi phối của công ty mẹ và của công ty con; doanh nghiệp không có vốn góp của công ty mẹ và của công ty con, tham gia liên kết dưới hình thức hợp đồng liên kết hoặc không có hợp đồng liên kết nhưng có mối quan hệ gắn bó lâu dài về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác với công ty mẹ hoặc doanh nghiệp thành viên khác trong tập đoàn”. Việc coi các doanh nghiệp mà công ty mẹ không có vốn góp chi phối hoặc không có vốn góp vào là thành viên của Tập đoàn là không hợp lý. Công ty mẹ sẽ không đủ mức vốn góp cần thiết để chi phối hoạt động của các công ty thành viên này và không đủ thẩm quyền biểu quyết để định hướng sự phát triển của các công ty này theo định hướng chung của tập đoàn. Còn nếu dựa trên các hợp đồng liên kết chung chung thì cũng không thể đảm bảo được tính chi phối, vì về nguyên tắc các bên tham gia hợp đồng là bình đẳng và tính bên vững của hợp đồng phụ thuộc vào thiện chí hợp tác của 2 bên.

Về trình tự, thủ tục xây dựng và triển khai đề án hình thành, phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước: Trong toàn bộ nội dung của Nghị định vai trò của Đại hội đồng cổ đông hay hội đồng thành viên của công ty mẹ và các công ty con không được nhắc tới trong việc quyết định có tham gia vào tập đoàn hay không? Trong khi đó Đại hội đồng cổ đông và hội đồng thành viên mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất trong một doanh nghiệp. Mặc dù Công ty mẹ là một đơn vị có vốn góp chi phối (trên 50%) vào các công ty con, tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thì với mức sở hữu tối thiểu này, Công ty mẹ chưa đủ lá phiếu biểu quyết để quyết định những vấn đề lớn của công ty con, trong đó có việc có hay không tham gia tập đoàn. Cũng như vậy, trong dự thảo Nghị định còn rất nhiều quy định theo hướng Công ty mẹ được quyết định định hướng kinh doanh của các công ty thành viên, can thiệp trực tiếp vào vấn đề điều hành và tổ chức của công ty thành viên, quy định này sẽ tước đi quyền của toàn bộ các cổ đông thiểu số góp vốn vào các công ty con. Trong khi đó, vấn đề bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số đang là vấn đề được các nhà quản lý và các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, đi vào một số quy định cụ thể, Dự thảo còn một số điểm cần làm rõ như sau:

  1. Tại Điều 3 khoản 1 có quy định Tập đoàn kinh tế nhà nước có không quá ba cấp doanh nghiệp và công ty mẹ được coi là doanh nghiệp cấp I. Tuy nhiên, cũng tại Điều 3 khoản 4 điểm c lại quy định trong cơ cấu của doanh nghiệp nhà nước có “công ty con của doanh nghiệp cấp II hoặc của doanh nghiệp các cấp dưới tiếp theo”. Như vậy, quy định này lại thừa nhận tập đoàn có thể có các doanh nghiệp dưới cấp III.
  2. Điều 3, Khoản 4, đề nghị bỏ cụm từ “giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo”. Cụm từ này là không phù hợp. Công ty mẹ chi phối các công ty con thông qua tính áp đảo về sở hữu vốn tại các doanh nghiệp thành viên, công ty mẹ không phải là một cơ quan quản lý nhà nước hay một cơ quan lãnh đạo công ty con.
  3. Điều 5 về Giải thích thuật ngữ có đưa ra khái niệm ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề kinh doanh có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính. Tuy nhiên, việc xác định ngành nghề kinh doanh có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính theo các tiêu chí như trong dự thảo đưa ra là rất khó xác định và khó kiểm soát. Vì vậy, đề nghị quy định dựa theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg của Chính phủ. Theo đó, các ngành nghề kinh doanh có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính là những ngành nghề cùng nằm trong nhóm ngành cấp I của Hệ thống ngành kinh tế của VN ban hành theo QĐ 10/2007/QĐ-TTg nêu trên.
  4. Đề nghị xem lại khái niệm “nhượng quyền thương mại” quy định tại Điều 5, quy định này là rất chung chung và không chính xác. Đề nghị trích dẫn nguyên văn khái niệm “nhượng quyền thương mại” như quy định tại Điều 284 Luật Thương mại, hoặc có thể dẫn chiếu đến quy định này.
  5. Điều 9, Điều kiện chuyển đổi, hoạt động theo hình thức tập đoàn kinh tế NN có đưa ra điều kiện thứ 5 là “Tổng công ty, nhóm công ty mẹ - công ty con hoạt động kinh doanh có lãi trong ba năm liền và không có lỗ luỹ kế tính đến trước thời điểm chuyển đổi; hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với nhà nước”. Quy định này là quá cứng nhắc, vì mục đích của việc hình thành tập đoàn kinh tế là nhằm sử dụng lợi thế của sự hợp tác giữa các thành viên trong tập đoàn để cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn. Những doanh nghiệp làm ăn chưa hiệu quả sẽ được sự trợ giúp của công ty mẹ và các đơn vị thành viên khác về kinh nghiệm quản lý, về thị trường, về thương hiệu… để phát triển tốt hơn. Vì vậy, đề nghị bỏ điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 9 này.
  6. Đề nghị làm rõ hơn quy định tại Khoản 2 Điều 10. Tại đây có quy định “… , thì không phải làm thủ tục chuyển đổi theo quy định của nghị định này”. Phải chăng quy định này thừa nhận việc hình thành tập đoàn một cách tự động.
  7. Tại Điều 14, khoản 3 có quy định “các doanh nghiệp thành viên có quyền tham gia đấu thầu thực hiện các dự án của công ty mẹ và của các doanh nghiệp thành viên khác trong tập đoàn kinh tế”. Quy định này đã trái với quy định tại khoản 1, Điều 11 Luật Đấu thầu, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng đối với các nhóm doanh nghiệp nhà nước khác không phải là tập đoàn kinh tế nhà nước.

Hà nội, 07/11/2008

                                   Nguyễn Thị Phương Minh

Các văn bản liên quan