Định lại giá trị đích thực của khối tài sản nhà nước

Thứ Hai 10:26 17-11-2008
Định lại giá trị đích thực của khối tài sản nhà nước     
 
Các cơ quan quản lý nhà nước đang tìm lại hướng đi cho tài sản, đồng vốn nhà nước sau 11 năm được quản lý khá lỏng lẻo.

Ba ngày trước khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong cổ phần hóa (CPH), Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương.
 
Nếu tính cả những đề xuất liên tục được Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gửi đến Chính phủ trong thời gian gần đây, dễ nhận thấy các cơ quan quản lý nhà nước đang tìm lại hướng đi cho tài sản, đồng vốn nhà nước sau 11 năm được quản lý khá lỏng lẻo.
 
Con số 30 DNNN được CPH trong sáu tháng đầu năm, bằng 20% số doanh nghiệp được CPH năm 2007 là một bước thụt lùi đáng kể. Sự chậm trễ này càng khiến cho mục tiêu phải chuyển hết 1.720 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước còn lại sang mô hình công ty cổ phần hoặc công ty TNHH một thành viên sau hai năm nữa (vào tháng 7-2010) như yêu cầu của Chính phủ  trở nên khó khăn hơn.
 
Bản báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH cũng cho rằng, với tốc độ như trên, ít nhất đến năm 2010 có khoảng 700 DNNN chưa thể CPH được, như vậy là khó đạt được yêu cầu đề ra.
 
Ngoài những tác động khách quan, sự chậm trễ này xét cho cùng lại là khoảng lặng cần thiết để các cơ quan quản lý DNNN có thời gian xem lại đường đi của khối tài sản nhà nước được chuyển đổi, mua bán thế nào tại các doanh nghiệp CPH. Lâu nay do chính sách CPH khá thông thoáng và nhiều lúc không rõ ràng nên một lượng tài sản rất lớn của nhà nước được xử lý khá dễ dàng mà không được luật hóa.
 
Thậm chí, nhiều cách xử lý tài sản công khi CPH còn bị cá nhân trục lợi, làm cho người dân nghi ngờ hiệu lực quản lý của nhà nước và phần nào làm méo mó bản chất tích cực của chủ trương và lộ trình CPH DNNN.
 
Đoàn giám sát của UBTVQH đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về xử lý đất đai, mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp khi thực hiện CPH DNNN trong sáu tháng qua. Đặc biệt, việc xử lý quỹ đất nhà nước tại doanh nghiệp là vấn đề nổi cộm nhất trong việc xác định giá trị doanh nghiệp.
 
Thực ra vấn đề này đã nảy sinh ngay từ khi các DNNN đầu tiên được CPH thí điểm đến nay. Từ năm 1996 đến nay đã có năm nghị định về CPH ra đời (trung bình hai năm/nghị định), trong đó chính sách về xử lý đất đai đã thay đổi nhiều, song càng thay đổi lại càng chồng chéo, lúng túng và tạo nhiều kẽ hở về pháp luật hơn.
 
Vì vậy tài sản nhà nước giao cho doanh nghiệp không những chẳng sinh sôi nảy nở về giá trị như mong muốn mà còn bị thất thoát và biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau.
 
Trong ba nghị định đầu tiên về CPH (tính đến Nghị định 64/2002), pháp luật chưa quy định việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp CPH.
 
Thậm chí việc xác định giá trị doanh nghiệp không nhất thiết phải thuê kiểm toán độc lập. Hậu quả là hàng loạt các doanh nghiệp được CPH với giá trị doanh nghiệp thấp hơn giá trị thực tại thời điểm CPH. Trong nhiều trường hợp và bằng nhiều cách khác nhau, tài sản nhà nước (trong đó có đất đai) đã được chuyển đổi mục đích sử dụng và được tư nhân hóa.
 
Từ năm 2002 đến nay, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức thuê đất hoặc giao đất theo quy định thì lại nảy sinh nhiều bất cập khác. Báo cáo giám sát của UBTVQH hôm 19-8 cho thấy, 90% doanh nghiệp đã chọn hình thức trả tiền thuê đất cho nhà nước để không phải đưa quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Trong khi giá thuê đất (dù có tính cả lợi thế từ vị trí địa lý) vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá thuê đất từ thị trường.
 
Ấy là chưa kể đến một số địa phương vì mục đích thu hút đầu tư đã quy định giá thuê đất thấp hơn giá trị trường khoảng 30% (theo công bố của Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội) làm thiệt hại cho nguồn thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó là hàng loạt các biến tướng khác trong quá trình xử lý đất đai nhà nước tại doanh nghiệp.
 
Ở một góc nhìn khác, nếu căn cứ vào các nghị định về CPH để xác định giá trị doanh nghiệp thì quả là rối rắm. Nghị định 181 của Chính phủ ngày 29-10-2004 khẳng định quyền sử dụng đất nhà nước tại doanh nghiệp do được giao, được cho thuê phải được tính vào giá trị doanh nghiệp khi CPH.
 
Nhưng Nghị định số 187 cũng của Chính phủ ban hành sau đó chưa đầy một tháng (16-11-2004) lại quy định trường hợp doanh nghiệp CPH khi chọn hình thức thuê đất thì không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Đây chính là mấu chốt của việc các doanh nghiệp thi nhau chọn cách thuê đất, vừa rẻ lại vừa hạn chế được nguồn vốn của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp sau khi CPH.
 
Một thực tế khác nữa là khó xác định giá trị lợi thế của vị trí đất vào giá trị doanh nghiệp. Theo quy định của Bộ Tài chính, giá trị này chính là mức chênh lệch giữa giá chuyển nhượng thực tế trong điều kiện bình thường so với giá đất do chính quyền địa phương công bố vào ngày 1 tháng 1 hàng năm. Nhưng bộ lại không cho biết tiêu chí xác định thế nào là “điều kiện bình thường”, thế nào là “giá chuyển nhượng thực tế” nên cũng không có căn cứ tính toán.
 
Với con số 3.786 DNNN đã CPH trong thời gian qua, điều dễ nhận thấy là một khối lượng lớn tài sản đất đai của Nhà nước trong quá trình chuyển đổi đã không được kiểm soát chặt chẽ để sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Tuy nhiên, các doanh nghiệp CPH nói trên chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (chiếm 16% vốn nhà nước tại doanh nghiệp).
 
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để tiến tới ban hành Luật Cổ phần hóa chắc chắn là chưa muộn. Đặc biệt, phải tính đến phương án Nhà nước góp vốn tại doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất với những quy định rõ ràng, minh bạch để tiến trình CPH không bị ách tắc như hiện nay. 

Ngọc Lan TBKTSG ngày 28/8/2008

Các văn bản liên quan