Nhà nước: Lúng túng chia vai chủ sở hữu – quản lý với DNNN

Thứ Hai 14:03 17-11-2008

Nhà nước: Lúng túng chia vai chủ sở hữu - quản lý với DNNN
 
Nhà nước nhiều khi lãng quên trách nhiệm của một chủ sở hữu, chỉ thực hiện chức năng người quản lý nhà nước với các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo các chuyên gia, một cơ chế quản lý đặc biệt cần được xây dựng, như mô hình Ủy ban Quản lý tài sản Quốc gia của Trung Quốc.

Tại Hội nghị đổi mới DNNN ngày 23/4, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã kiến nghị sửa đổi các quy định để tách bạch chức năng sở hữu ra khỏi các cơ quan quản lý nhà nước, chấm dứt việc phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm trực tiếp cho các DNNN.
Đề nghị này một lần nữa, làm nóng lên cuộc tranh luận xoay quanh tồn tại cố hữu lâu nay của hệ thống: sự nhập nhằng, thiếu minh bạch giữa quản lý của chủ sở hữu và quản lý nhà nước trong các cơ quan của VN.

"Không thể vừa là cầu thủ, vừa là trọng tài"

"Cơ quan quản lý của VN đang đồng thời làm 2 nhiệm vụ: quản lý của chủ sở hữu và quản lý nhà nước, không có sự phân biệt rạch ròi", TS Trần Tiến Cường, Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Kế hoạch Đầu tư (CIEM) nhận xét.

Hiện nay, Chính phủ là đại diện chủ sở hữu, thay mặt toàn dân quản lý tài sản, tham gia vào cuộc chơi, đồng thời lại là người quản lý nhà nước, đưa ra những quy định về luật chơi, thông qua hệ thống pháp lý. Nói cách khác, giống như trên một sân bóng, nhà nước vừa đóng vai trò cầu thủ, vừa là trọng tài. Điều này đẩy Nhà nước vào nhiều tình huống khó xử.

Đơn cử khi nội bộ DNNN có tranh chấp phát sinh, với tư cách chủ sở hữu tài sản, chính quyền phải lo hoà giải, can thiệp. Tuy nhiên, chức năng hoà giải và sự can thiệp hành chính nhà nước nhiều khi không có sự phân biệt.

Nếu không cẩn thận, Nhà nước sẽ vi phạm chính luật chơi đã được nhà nước vạch ra, đảm bảo quyền tự chủ cho DN, đã được quy định tại Nghị định 132/2005/NĐ-CP về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước.

Ngược lại, vì đóng một lúc hai vai, nên mới có chuyện "nhiều khi nhà nước quên đi vai trò chủ sở hữu của mình, chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các DNNN" như đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, trưởng ban chính sách kinh tế vĩ mô CIEM.

Theo NĐ 132/2005/NĐ-CP, "chủ sở hữu nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi quyết định dự án đầu tư". Thế nhưng, các quyết định đầu tư hiện nay phần nhiều vẫn do DN "tự chủ".

Dựa vào tiêu chí của tập đoàn phải đa ngành, các tổng công ty muốn nhanh chóng trở thành tập đoàn bằng các quyết định hành chính thay vì chuyển đổi về bản chất, tận dụng điều kiện để tự phát triển để thành tập đoàn.

Viện lí do, "lấy ngắn nuôi dài", "ngành nghề chính mang tính công ích, lợi nhuận thấp, thậm chí phải bù lỗ", các DNNN bung ra, "bỏ quên" lĩnh vực kinh doanh chính, đầu tư đa ngành. Tập đoàn Dầu khí - PetroVietnam đầu tư nhiệt điện, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, hàng không...; Tập đoàn Điện lực đầu tư vào ngân hàng, viễn thông...

Thậm chí, có doanh nghiệp còn bán bớt cổ phần tại các đơn vị kinh doanh mang lại nguồn thu nhập chủ chốt cho mình, để rút vốn đầu tư và xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê, khách sạn... Còn những Tổng công ty chưa đa dạng ngành như Tổng Công ty Xi măng phấn đấu mở thêm ngành mới, bởi chỉ kinh doanh xi măng thì không thể thành tập đoàn.

Đến khi lạm phát tăng cao, Nhà nước yêu cầu DNNN cùng chung vai, đồng lòng vượt qua khó khăn, người ta mới giật mình phát hiện, số tiền mà các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào tài chính, ngân hàng, bất động sản lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, con số mà Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đưa ra tại Hội nghị sắp xếp DNNN hôm 23/4 lên đến gần 117.000 tỷ đồng, trong đó, có 28/70 tổng công ty có hoạt động vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… với giá trị lên đến hơn 23.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, như phân tích của ông Trần Tiến Cường, những DN đã trở thành tập đoàn về danh nghĩa, nhưng trên thực tế vẫn chưa hình thành được các đặc trưng, đặc điểm của Tập đoàn kinh tế, chưa chuyển đổi quan hệ cũ kiểu hành chính trong các Tổng công ty sang quan hệ thị trường; chưa xây dựng được hình tượng chung, thương hiệu chung và gắn kết các DN thành viên bằng thương hiệu chung, biểu tượng chung của tập đoàn.

Ông Cường nói rõ, hiện nay, hai vai trò quản lý nhà nước với vai trò quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với các TĐKT nhà nước của Chính phủ và các Bộ, ngành chưa được phân biệt rõ ràng.

Chính phủ và các Bộ, ngành vẫn đồng thời tham gia quyết định nhiều vấn đề của tập đoàn, nhưng chưa nhận thức được khi nào thực hiện quyền của chủ sở hữu tập đoàn, thực hiện các quyền gì, có phù hợp quy định không, và khi nào các cơ quan này quản lý, giám sát với tư cách của cơ quan quản lý hành chính công, bình đẳng với các DN, không phân biệt cơ cấu và hình thức sở hữu.

Nhà nước cần đảm bảo DN hoạt động theo mong muốn, mục tiêu của chủ sở hữu. Để giải quyết vấn đề tách bạch chủ sở hữu với tập đoàn kinh tế, cần xem xét phương án như thành lập tổ chức chuyên trách trực thuộc Chính phủ thực hiện chức năng của chủ sở hữu nhưng tách bạch với chức năng quản lý nhà nước. Hoặc xác định cụ thể tổ chức, cá nhân trong bộ máy chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại DN quy mô lớn, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế, kể cả khi các Tập đoàn kinh tế cổ phần hóa công ty mẹ.

Dù theo phương án nào, các tổ chức chuyên trách thực hiện chức năng chủ sở hữu phải có trách nhiệm giải trình trước Chính phủ và Quốc hội về việc thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với các Tập đoàn Kinh tế.

Câu chuyện Trung Quốc

Tại Diễn đàn Kinh tế chuyển đổi, chủ đề nóng được các học giả Việt Nam, Lào, Ukraine đặt lên bàn GS. Wang Yukai, Trường Hành chính Quốc gia Trung Quốc chính là mô hình nào cho quản lý DNNN ở Trung Quốc hiện nay. Trong bối cảnh đóng một lúc hai vai, vừa là người quản lý nhà nước, vừa là chủ sở hữu tài sản quốc gia, cơ quan công quyền ở các nước đều phải đau đầu để xử lý.

Đáp lời những băn khoăn, thắc mắc đó, GS. Wang phân tích, cải cách là một quá trình gian nan, gắn với quá trình xác lập và tách ra của DN và Bộ chủ quản.

Tại Trung Quốc, trong giai đoạn thể chế kinh tế kế hoạch, tất cả các DN lớn của nhà nước đều do các Bộ quản lý: Bộ than, Bộ điện tử, Bộ cơ khí... theo lĩnh vực cụ thể, chi tiết. Qua 8 năm cải cách, Trung Quốc dần bỏ các Bộ không cần thiết, từ đó, các DNNN trực thuộc quản lý của các Bộ lớn theo ngành. Sau một thời gian, Trung Quốc nhận thấy mô thức đó không ổn.

Năm 2003, Trung Quốc quyết định chuyển tất cả các DNNN lớn từ Bộ chủ quản sang UB Quản lý tài sản Nhà nước. Ủy ban này không phải là đơn vị hành chính như Bộ chủ quản mà là cơ quan đặc biệt. Việc quản lý con người, tài sản, công việc của DNNN lớn đều đưa hết vào Ủy ban này.

Mô thức này đã giúp chuyển từ Bộ, ngành quản lý trực tiếp DN sang một Ủy ban quản lý thống nhất. Ủy ban có quyền bổ nhiệm người đứng đầu DNNN, thực hiện chức năng giám quản (giám sát và quản lý).

Nhờ đó, Trung Quốc đã tách bạch việc quản lý của Nhà nước với tư cách chủ sở hữu tài sản và việc quản lý nhà nước thuần tuý. Hiện nay, Uỷ ban Quản lý tài sản Nhà nước Trung Quốc đang nắm trong tay quyền quản lý khoảng 100 DNNN lớn, những đầu tàu của nền kinh tế đang nổi này.

TS Nguyễn Đình Cung: Hiện nay, đang tồn tại một xu hướng khá nguy hiểm là thành lập các ngân hàng bên trong tập đoàn và cho vay chéo. Những động thái này là chịu tác động của mô hình Nhật Bản: quản trị công ty dựa trên trung tâm là ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng của Nhật Bản không do các DN thành lập.
Tại Nhật, các ngân hàng vốn do dòng tộc xây dựng, sau đó, đi đầu tư khoản nhỏ vào các công ty, tập đoàn lớn để với tư cách chủ sở hữu, tư cách cổ đông có thông tin về việc các công ty sử dụng, quản lý vốn như thế nào, từ đó quản lý chặt hơn, tốt hơn khoản vốn ngân hàng cho DN vay.
Tức là, các ngân hàng vừa đóng vai trò là cổ đông, vừa đóng vai trò chủ nợ và sự tham gia của ngân hàng vào tập đoàn chỉ để nắm thông tin đủ nhất và tốt nhất nhằm giám sát hoạt động của DN và hiệu quả sử dụng đồng vốn vay của DN. Từ đó, tăng hiệu quả đầu tư và cho vay.
Tại VN, Nhà nước là chủ sở hữu giao huy động vốn, phân bố, sử dụng cho hoạt động, bất ổn kinh tế vĩ mô. Mô hình không nên làm và nhà nước càng không nên làm.
Hơn nữa, lại tiềm ẩn xung đột lợi ích, hoạt động trên tiền của dân chúng, nhà nước làm chủ nhưng lại do DN quyết định dự án, đối tác nào được cho vay, mà không tính đến hiệu quả.
  •  Phương Loan  Theo VietNamnet ngày 24/4/2008

Các văn bản liên quan