Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình – Bến Tre

Thứ Hai 10:00 01-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phép tham gia một số ý kiến vào Mục 4, Chương IV của dự thảo luật về vấn đề giải quyết tranh chấp tại Tòa án:

Việc giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Tòa án thực chất là tất cả các nội dung về trình tự thủ tục phải tuân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Theo quy định trong một số điều của mục này, đối chiếu với pháp luật tố tụng dân sự còn chưa thống nhất, tôi xin phép tham gia 4 vấn đề:

Vấn đề thứ nhất, ở Điều 41 về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại Khoản 2 có quy định vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 điều này, Khoản 3 quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án dân sự đơn giản. Theo nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự cũng trình ra xin ý kiến Quốc hội lần này theo hướng bỏ thủ tục rút gọn thì trong luật này đương nhiên sẽ bỏ Khoản 3, Điều 41 quy định về thủ tục rút gọn. Như thế tại điều này chỉ cần quy định đến Khoản 2, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, như thế là đủ.

Vấn đề thứ hai, tại Điều 43 của dự thảo quy định về vấn đề án phí, lệ phí Tòa án đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ở đây có quy định là trường hợp người tiêu dùng, tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nguyên đơn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được miễn, tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án. Đối với quy định của pháp luật tố tụng và quy định về án phí, lệ phí hiện hành thì hiện nay việc đóng tạm ứng thì chỉ có tạm ứng án phí, không có tạm ứng lệ phí. Vì thế cho nên trong vấn đề này quy định nếu mà miễn thì chỉ miễn tạm ứng án phí, không có nêu thêm phần quy định miễn về lệ phí.

Vấn đề thứ ba, ở tại Điều 45 của dự thảo quy định về vấn đề thông báo quyết định công nhận hòa giải thành trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện. Tại điều luật này quy định quyết định của Tòa án công nhận sự thỏa thuận của các bên trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện phải được niêm yết công khai tại Tòa án và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng bằng hình thức thích hợp. Mục đích của việc niêm yết công khai tại Tòa án và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thì để làm gì? Để cho những người bị hại biết, nếu để cho người bị hại biết thì đã có đại diện của họ đấy là tổ chức xã hội mà khởi kiện tại tòa án là chịu trách nhiệm ở chỗ này. Còn quy định cho tòa án thực hiện vấn đề này trên thực tế theo quy định của pháp luật tố tụng hiện nay thì việc niêm yết công khai tại tòa án là vấn đề đơn giản. Nhưng vấn đề công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thì phải thực hiện đúng quy định là công bố liên tục bao nhiêu ngày ở báo trung ương thì mới đảm bảo đúng quy định. Mục đích của tòa án công báo việc này khi mà đã giải quyết xong vấn đề thì nó không đảm bảo ý nghĩa của việc công báo. Đây là trách nhiệm của tổ chức, xã hội thực hiện việc khởi kiện sẽ có trách nhiệm thông báo cho những người tiêu dùng có liên quan thì phù hợp hơn.

Vấn đề thứ tư, về phân chia tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án do tổ chức xã hội tham gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện quy định tại Điều 46 của dự thảo. Ở đây quy định việc phân chia tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng khởi kiện thì được thực hiện theo bản án quyết định của tòa án. Quy định này không phù hợp với nguyên tắc trong tố tụng dân sự. Cụ thể về nguyên tắc , tòa án quyết định số tiền bồi thường trên cơ sở yêu cầu của người tiêu dùng tham gia khởi kiện hoặc đại diện của người tiêu dùng tham gia khởi kiện tòa án đã quyết định mức bồi thường thiệt hại cụ thể và người tiêu dùng hoặc đại diện người tiêu dùng sẽ tự phân chia số tiền bồi thường này. Quá trình phân chia tiền bồi thường thiệt hại mà có tranh chấp thì họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về chia tài sản chung, do đó đề nghị xem xét quy định cụ thể thêm về nguyên tắc để phân chia tiền bồi thường thiệt hại để trên cơ sở đó tòa án sẽ xem xét giải quyết. Nếu quy định như thế này trong điều luật thì rất khó thi hành.

Trên đây là một số ý kiến tôi tham gia. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan