Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Đi kiện phải có chứng cứ

Thứ Tư 15:43 13-10-2010

Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Đi kiện phải có chứng cứ

KTĐT - “Vì là luật bảo vệ người tiêu dùng nên hầu hết nội dung trong dự thảo đều nói đến đối tượng người tiêu dùng mà không biết rằng hai bên mua và bán là bình đẳng, tự nguyện với nhau”.

Đó là một trong những ý kiến thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 29/9.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng, quy định miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi và miễn tạm ứng án phí, lệ phí cho người tiêu dùng là mâu thuẫn với Luật Dân sự và sẽ khiến người tiêu dùng có thể khởi kiện tràn lan, không có căn cứ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, nguyên tắc khi soạn thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng là không trái với Bộ Luật Dân sự, nếu trái là không thể thực hiện. Bộ Luật Dân sự gồm 800 điều, trong đó nhiều điều liên quan đến cả doanh nghiệp và khách hàng. Người tiêu dùng đi kiện mà không có trách nhiệm chứng minh có lỗi thì không thể bắt bẻ doanh nghiệp bồi thường được.

Đại biểu Vượng lấy ví dụ ở Điều 15 Dự thảo nói về Giải thích hợp đồng giao kết với người tiêu dùng nêu rõ “Trong trường hợp có cách hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”.

Điều này ngược với quy định của Bộ Luật Dân sự, người mua và người bán thỏa thuận với nhau thông qua kí kết hợp đồng về sản phẩm. Khi đã thỏa thuận về giá cả, chất lượng, nếu có gì xảy ra là do lỗi cả hai bên. Căn cứ đầu tiên để giải quyết tranh chấp là hợp đồng, nội dung hợp đồng thế nào thì sẽ làm như thế.

“Vì là luật bảo vệ người tiêu dùng nên hầu hết nội dung trong dự thảo đều nói đến đối tượng người tiêu dùng mà không biết rằng hai bên mua và bán là bình đẳng, tự nguyện với nhau”, ông Vượng nói.

Cũng theo ông Vượng, trong dự thảo Luật phần lớn chỉ tập trung vào khách hàng mà ít nhắc đến nhà sản xuất. Chính điều này sẽ cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà sản xuất không dám bán hàng cho người tiêu dùng vì nếu có chuyện gì xảy ra thì nhà sản xuất hoàn toàn chịu trách nhiệm vì người tiêu dùng được nhà nước bảo vệ tối đa.

Giải đáp ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, để thực hiện việc khởi kiện, người tiêu dùng vẫn phải chứng minh thiệt hại, cung cấp chứng cứ cũng như hành vi gây ra thiệt hại mà không cần chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây ra thiệt hại đó. Quy định này xuất phát từ vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với nhà cung cấp dịch vụ.

Trong thực tế, hầu hết các vụ việc vi phạm, người tiêu dùng không thể chứng minh được lỗi của nhà sản xuất do thiếu điều kiện về kiến thức, phương tiện cũng như năng lực tài chính. Ví như vụ xăng pha aceton, sữa nhiễm melamine, nước tương nhiễm 3 MCPD,…người tiêu dùng không thể chứng minh được các chất hóa học này có hại trong sản phẩm.

“Việc này chỉ có nhà sản xuất mới biết được chất lượng sản phẩm như thế nào. Thế nên, mục đích của Luật Bảo vệ người tiêu dùng là nhằm ràng buộc nhà sản xuất có trách nhiệm đem lại hàng hóa có chất lượng cho khách hàng”, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Luật cần quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, UBND các cấp trong các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.

Tại khoản 4 Điều 22 có nêu: “Sau khi thu hồi hàng hóa, tổ chức cá nhân phải báo cáo kết quả cho cơ quan chức năng về bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương nơi thực hiện thu hồi”. Theo ông Thuận, quy định như vậy là quá sơ sài, chung chung mà không rõ cơ quan chức năng là ai.

Thảo luận về cơ chế, hình thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, đại biếu Nguyễn Văn Thuận đồng tình với việc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải.

Tuy nhiên, ông Thuận cũng cho rằng, đối với các trường hợp hàng hóa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng thì không thể giải giải quyết thông qua hòa giải mà cần bổ sung quy định cấm thương lượng, hòa giải mà phải đưa ra tòa dân sự để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo VnExpress

 

Các văn bản liên quan