Dự thảo luật kiểm toán độc lập: Doanh nghiệp vẫn băn khoăn

Thứ Ba 10:14 12-10-2010

Dự thảo luật kiểm toán độc lập: Doanh nghiệp vẫn băn khoăn

 

- Sau 19 năm hoạt động, việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập là cần thiết để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán được minh bạch hơn. Tuy nhiên, dự thảo Luật Kiểm toán độc lập vẫn còn không ít điều khoản chưa tạo được sự đồng thuận của nhiều đại biểu cũng như các doanh nghiệp.

Kỹ thuật viên hành nghề: Thiếu công bằng và không thực tế

Một vấn đề được nhiều ý kiến đóng góp nhất là vấn đề xác định thế nào là kiểm toán viên (KTV) hành nghề.

 

Theo ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch Hội KTV hành nghề Việt Nam, nếu quy định KTV chỉ được hành nghề trong doanh nghiệp kiểm toán mà không được hành nghề kiểm toán cá nhân là chưa hợp lý bởi theo quy định, quy mô của doanh nghiệp kiểm toán sẽ phải tăng gấp đôi trong thời gian tới.


Điều đó đồng nghĩa với chi phí cho một cuộc kiểm toán cũng sẽ rất lớn. Do đó, nếu không cho phép hành nghề cá nhân sẽ gây khó khăn về tài chính cho rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khi cần tiến hành kiểm toán.


Còn luật gia Vũ Xuân Tiền (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, dự luật quy định, những KTV đang làm việc tại các công ty kiểm toán mới được gọi là “KTV hành nghề” là thiếu công bằng và không thực tế.


Lý do là bởi, “hành nghề” là từ dùng để chỉ những người đang làm công việc thuộc về nghề nghiệp để sinh sống và thực tế là họ đang sống bằng nghề đấy.

Do đó, nếu theo dự thảo luật, những người có chứng chỉ KTV nhưng đang làm việc tại bộ phận kiểm toán nội bộ của một ngân hàng thương mại hay công ty cổ phần đại chúng mà không được cho là đang hành nghề là không hợp lý.


“KTV hành nghề là những người có chứng chỉ KTV và đang làm nghề kiểm toán”, ông Tiền kiến nghị.


Bên cạnh đó, việc xác nhận bằng cấp của KTV, nhiều ý kiến cho rằng cũng cần được xem xét lại. Theo ông Phạm Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Nexia, việc quy định bằng cấp trong dự luật không nên giới hạn trong khối ngành kinh tế, bởi hiện Việt Nam đang thiếu trầm trọng nhân lực cho ngành kiểm toán. Việc hạn chế như trên sẽ không tạo điều kiện để phát triển số lượng KTV.


“Hiện xu hướng chung của thế giới là không phân biệt tốt nghiệp đại học chuyên ngành nào, miễn là cá nhân đó qua được kỳ thi cấp chứng chỉ KTV”, ông Hưng cho biết.

Còn theo TS. Đinh Xuân Thảo- Đại biểu quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, KTV là một dạng hành nghề độc lập và tự do trong khuôn khổ của pháp luật. Vấn đề đặt ra là độ tin tưởng của KTV đang có nhiều vấn đề. Do đó, không nên bàn về việc học ngành gì mới được cấp chứng chỉ, mà phải làm thế nào để nâng cao năng lực, phẩm chất của cá nhân thực hiện. Vì trách nhiệm công việc suy cho cùng là trách nhiệm độc lập từng cá nhân.


Trong khi đó công tác hậu kiểm lại rất yếu kém, do đó chỉ khi nào phát hiện sai phạm thì mới kiểm tra, kiểm tra tới đâu lại là một vấn đề để bàn.

Mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp


Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là điều kiện thành lập các công ty kiểm toán. Theo luật gia Vũ Xuân Tiền (Hội Luật gia Việt Nam), tại khoản 4 Điều 4 Dự thảo luật đã giải thích “DN kiểm toán: Là DN được thành lập và hoạt động theo quy định của luật này và các văn bản pháp luật có liên quan”. Như vậy, mặc dù là DN, nhưng DN TĐL lại không chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.


Tiếp sau đó, tại tiết d, khoản 2 Điều 10 quy định một trong những trách nhiệm của Bộ Tài chính là “d) Cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của DN kiểm toán, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN kiểm toán trong nước; chấp thuận thành lập chi nhánh hoặc Cty của DN kiểm toán ở nước ngoài”. Điều 22 của DT Luật quy định: “Bộ Tài chính cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động cho DN kiểm toán. Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

Nhiều ý kiến góp ý cho DT Luật KTĐL cho rằng, quy định về thành lập DN KTĐL như nêu trên là một bước thụt lùi trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, là tái xác lập cơ chế “xin – cho” trong quản lý kinh tế - xã hội.


Lý giải điều này, Luật gia Vũ Xuân Tiền cho biết: Điều 57 Hiến pháp quy định: “Công dân được quyền kinh doanh trong những lĩnh vực nhà nước không cấm”. Vì vậy, không có cơ sở để duy trì “Giấy phép thành lập và hoạt động”. KTĐL là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, khi DN đáp ứng đủ những điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật thì DN đương nhiên được quyền kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kinh doanh của mình. Trong trường hợp đó, để hoạt động kinh doanh, DN không phải “xin phép” ai và vì vậy không thể có “giấy phép”. Hơn nữa, nếu kiên quyết duy trì “Giấy phép” thì khi DN KTĐL vi phạm pháp luật, người cấp “Giấy phép” có chịu trách nhiệm cùng với DN không ? Câu trả lời chắc chắn là: không!


Còn theo TS. Đinh Xuân Thảo- Đại biểu quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, khác với các ngân hàng thương mại, Cty tài chính, DN kiểm toán không chỉ cung ứng dịch vụ kiểm toán mà còn được phép kinh doanh các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, có Cty kiểm toán đồng thời kinh doanh cả dịch vụ tin học, tư vấn về nguồn nhân lực, đào tạo ngắn hạn về quản trị kinh doanh... Những lĩnh vực kinh doanh đó không thuộc sự quản lý về chuyên môn của Bộ Tài chính. Do đó, quy định “Giấy phép thành lập và hoạt động” đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là không hợp lý.

Mai Nguyễn 21/08/2010  Theo Bee.net.vn

 

 

Các văn bản liên quan