Góp ý Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt – LS Lê Nga

Thứ Sáu 13:59 01-08-2008

  
1.     Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế

a)    Nên mở rộng đối tượng chịu thuế:

a.1. Dịch vụ làm đẹp và giải phẫu thẩm mỹ:

-  Về mặt kinh tế, đây là các dịch vụ xa xỉ mà chỉ có một bộ phận người thành phố mới có điều kiện và nhu cầu sử dụng. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế thì nên hạn chế sử dụng dịch vụ này, và điều này cũng là hợp lý khi luật hiện hành của chúng ta đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ mát xa, một dịch vụ có tính chất và mục đích sử dụng tương tự như làm đẹp va giải phẫu thẩm mỹ.

-  Về mặt Xã hội, đây là các dịch vụ có ảnh hưởng, phần lớn là không có lợi cho sức khỏe con người, cũng cần hạn chế sử dụng.

-  Mức thuế suất của dịch vụ này nên để tương đương với đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có tính chất và mục đích sử dụng tương tự là mát xa, 40%. 

 a.2. Thuốc lá điện tử:

-  Trên thế giới đã xuất hiện thuốc lá này, vì thế cũng nên đề cập đến loại hàng hóa này trong dự thảo lần này (chịu thuế hay không chịu thuế). Theo ý kiến cá nhân thì đây vẫn nên là đối tượng chịu thuế bởi việc sử dụng một sản phẩm không mang lại lợi ích gì là một điều cần hạn chế tiêu dùng, đặc biệt loại sản phẩm này cũng là một loạ hàng hóa xa xỉ và có thể cũng chỉ là những người giàu mới có điều kiện để dùng.

b) Về các đối tượng chịu thuế đã được đề cập trong Dự thảo

a.1. Ô tô chạy bằng năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời :

-  Không nên đánh thuế các đối tượng hàng hóa này bởi việc sử dụng các hàng hóa này cần được khuyến khích do các ảnh hưởng tích cực của nó tới giá cả, môi trường. Bởi đã là nhu cầu thì trước sau gì  người dân cũng sẽ sử dụng, nhưng trước hai sản phẩm, một ô tô chạy bằng xăng và một ô tô chạy bằng năng lượng sinh học hay năng lương mặt trời có giả rẻ hơn, tiết kiệm chi phí nhiên liệu hơn thì chắc chắn người dân sẽ cân nhắc.

-  Từ lý do trên, do đó, cũng nên hạ mức thuế suất đối với Ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời xuống còn 50% so với mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại, như thế mới là công bằng và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường này.

2.  Thứ hai, về đối tượng không thuộc diện chịu thuế

-  Dự thảo lần này đưa thêm một đối tượng chịu thuế là Tàu bay và du thuyền. Đây là một đối tượng cần thiết phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, Dự thảo cũng quy định tàu bay và du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa hành khách, khách du lịch không là phải là đối tượng chịu thuế. Nhưng cũng cần phải xác định rõ thế nào được xem là để sử dụng cho các mục đích thuộc diện được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt như trên. Việc làm rõ điều này là vô cùng cần thiết, bởi nếu không thì sẽ dẫn đến tình trạng trốn thuế hàng loạt như việc lách luật đối với lệ phí trước bạ của việc mua sắm xe ô tô. Chỉ cần Doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề như vận tải bằng ô tô, cho thuê xe ô tô là được hưởng mức lệ phí trước bạ 2% (thay vì 5% đối với mục đích sử dụng thông thường) vì được xem là tạo tài sản cố định cho kinh doanh. Do đó, hàng loạt công ty trước khi mua sắm ô tô đã đi đăng ký bổ sung ngành nghề vận tải bằng ô tô hoặc cho thuê xe ô tô, dù thực tế các công ty này không bao giờ kinh doanh ngành nghề đó cả.

-   Cũng liên quan đến quy định này, một vấn đề nữa là và việc loại trừ đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Tàu bay và du thuyền như vậy thì đã là công bằng đối với mặt hàng ô tô hay chưa, bởi vì câu hỏi đặt ra là : nếu ô tô cũng được mua để phục vụ mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hoá, hành khách, khách du lịch thì tại sao lại không được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt?

3.  Thứ tư, về một số từ ngữ trong dự thảo

-  Điểm d khoản 1 điều 2 dự thảo quy định : “d) Ô tô chở người dưới 24 chỗ, kể cả ô tô thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng (xe VAN, xe Pick-up có từ hai hàng ghế trở lên);”. Việc thêm từ “chở người” là không cần thiết, bởi khi nói ô tô dưới 12 chỗ thì đã có nghĩa là “chở người” rồi, vì chỉ có chở người thì mới tính “chỗ”, còn nếu không thuộc diện chỉ chở người, thì đó lại đã là “ô tô thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng”.

-  Nên bỏ từ vàng mã trong đối tượng chịu thuế, bởi vàng mã, xét cho cùng, cũng là hàng mã mà thôi.

Các văn bản liên quan