Góp ý của ông Vũ Xuân Tiền – Tổng giám đốc công ty tư vấn VFAM

Thứ Sáu 13:56 01-08-2008
  •  
    VÀI Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT
    THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VÀ NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THỰC HIỆN LUẬT
    --------------------------------------
                                        Luật gia Vũ Xuân Tiền
                                         Tổng giám đốc
                                  Công ty cổ phần tư vấn quản lý và đào tạo
                                         VFAM Việt Nam
     
    Căn cứ các tài liệu đã được cung cấp gồm: Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); Dự thảo Luật thuế TTĐB và Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB
    Xin nêu vài ý kiến sau góp ý vào Dự thảo Luật và Dự thảo Nghị định của Chính phủ:

    VỀ DỰ THẢO LUẬT:

    Dự thảo Luật Thuế TTĐB lần này, về cơ bản cũng tương tự Luật đã ban hành, trừ những phần đương nhiên không có do đã quy định ở Luật Quản lý thuế. Thuế TTĐB là loại thuế chỉ đánh vào một số hàng hóa và dịch vụ, do đó, phạm vi tác động không rộng như thuế GTGT và thuế TNDN. Tuy nhiên, theo yêu cầu bảo đảm sự minh bạch – một nguyên tắc quan trọng của WTO – và những tồn tại trong thực hiện Luật Thuế TT ĐB những năm vừa qua, xin nêu những ý kiến sau để Ban soạn thảo tham khảo hoặc cùng nhau trao đổi:

    Thế nào là tiêu thụ đặc biệt?

    Với tên gọi của Luật, đây là loại thuế đánh vào hành vi tiêu thụ và đó phải là tiêu thụ đặc biệt. Song, rất tiếc, văn bản luật hoàn toàn không có khái niệm về thuế TTĐB, không có điều khoản giải thích từ ngữ và mặc nhiên ấn định về những hàng hóa, dịch vụ là đối tượng chịu thuế TTĐB. Để đảm bảo sự minh bạch, đề nghị bổ sung một điều khoản làm rõ thế nào là thuế TTĐB và một điều khoản làm rõ những tiêu chí để xác định hàng hóa và dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB.

    Thuế TTĐB được áp dụng theo loại hàng hóa, dịch vụ hay theo mục đích sử dụng của hàng hóa dịch vụ?

    Đây là vấn đề cần làm rõ để bảo đảm sự nhất quán. Bởi lẽ, nếu áp dụng theo loại hàng hóa, dịch vụ (hàng cao cấp, hàng thông thường) thì danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB có thể sẽ bổ sung thêm và cũng có thể bớt đi. Chẳng hạn, các loại nước hoa và mỹ phẩm cao cấp; máy dùng cho Matsa, các loại trò chơi có thưởng…là những hàng cao cấp phải đưa vào đối tượng chịu thuế TTĐB, trong khi đó, dịch vụ Karaoke, đến nay đã là dịch vụ thông thường không nên đưa vào diện chịu thuế TTĐB…Nếu áp dụng theo mục đích của việc tiêu dùng, chẳng hạn, tiêu dùng cho sản xuất kinh doanh thì không chịu thuế TTĐB, tiêu dùng cho cá nhân thì thuộc diện chịu thuế TTĐB như lý giải đối với “ Tàu bay và du thuyền (trừ tàu bay và du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hoá, hành khách, khách du lịch)”. Chúng tôi cho rằng, việc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB dựa vào mục đích tiêu dùng sẽ là bất khả thi. Bởi lẽ, một hàng hóa, dịch vụ sẽ được sử dụng với những mục đích khác nhau tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể.

    Về đối tượng chịu thuế:

    Mục d, khoản 1, Điều 2, Dự thảo Luật quy định:  “d) Ô tô chở người dưới 24 chỗ, kể cảô tô thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng (xe VAN, xe Pick-up có từ hai hàng ghế trở lên)”. Theo chúng tôi, không nên có đoạn giải thích trong ngoặc (xe VAN, xe Pick-up có từ hai hàng ghế trở lên) vì như vậy sẽ khó xử lý khi trên thị trường xuất hiện một loại xe khác như cũng vừa chở người, vừa chở hàng. Đề nghị chỉ nên quy định “d) Ô tô chở người dưới 24 chỗ, kể cảô tô thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng có từ hai hàng ghế trở lên”.

    Về giá tính thuế:

    a) Khoản 3, điều 6 Dự thảo Luật quy định:

    Đối với hàng hóa gia công là giá tính thuế của hàng hóa bán ra của cơ sở giao gia công hoặc giá bán của sản phẩm cùng loại hoặc tương đương tại cùng thời điểm bán hàng.

    Vấn đề cần làm rõ trong quy định trên là: Thuế TTĐB đánh vào giá trị của hàng hóa gia công hay phí gia công do người làm gia công những hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB thu được? Nếu thuế TTĐB đánh vào giá trị của hàng hóa giao gia công thì quy định trên là không cần thiết vì thuế suất không phân biệt giữa hàng giao gia công và hàng do cơ sở tự sản xuất. Nếu thuế TTĐB đánh vào phí gia công thì điều đó là vô lý vì phí gia công dù ở bất kỳ trường hợp nào cũng không thuộc diện chịu thuế TTĐB.
      b) Khoản 4 Điều 6 Dự thảo Luật quy định: Đối với dịch vụ là giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt. Riêng đối với dịch vụ ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược, kinh doanh gôn, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt do Chính phủ quy định.

    Tại sao các trường hợp khác được quy định ngay trong văn bản luật nhưng “Riêng đối với dịch vụ ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược, kinh doanh gôn” thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt lại do Chính phủ quy định?

    Về hiệu lực thi hành của Luật:

    Điều 10 dự thảo luật quy định:

    1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2009. Riêng đối với mặt hàng rượu và bia, hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

    2. Bãi bỏ các qui định tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 05/1998/QH10; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 08/2003/QH11; Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng số 57/2005/QH11 trừ các qui định đối với mặt hàng rượu và bia được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2009.

    3. Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 05/1998/QH10; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 08/2003/QH11; Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng số 57/2005/QH11 hết hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

    Theo thiết kế trên, Luật cũ chưa hết hiệu lực hoàn toàn, Luật mới đã có hiệu lực dẫn đến sự chồng chéo khó cả cho người thực hiện và cơ quan quản lý.

    Nên chăng chỉ ban hành Luật mới, nhưng những nội dung liên quan đến rượu và bia thì giữ nguyên như luật cũ. Vào kỳ họp thứ 2 năm 2009 của Quốc hội sẽ trình để sửa đổi, bố sung những nội dung liên quan đến rượu, bia vào có hiệu lực từ 1/1/2010. Như vậy, từ 1/4/2009 Luật mới có hiệu lực và Luật cũ hết hiệu lực toàn bộ.

    VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH

    Nghị định của Chính phủ có nhiệm vụ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật. Nghị định phải đáp ứng hai yêu cầu:

    Không dẫn đến tình trạng hiểu sai văn bản Luật;

    Quy định chi tiết hơn văn bản luật để làm căn cứ pháp lý cho người thực hiện.

    Căn cứ vào bản dự , có thể thấy, dự thảo Nghị định chưa đáp ứng được hai yêu cầu nêu trên., cụ thể là:

    Điều 2 của Nghị định có thể dẫn đến hiểu sai văn bản luật.

    “Điều 2 của Dự thảo Nghị định về Đối tượng chịu thuế quy định như sau:

    1. Thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ lá thuốc lá qui định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật thuế TTĐB bao gồm: thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá bột để hít, thuốc lá lá để nhai hoặc ngậm, ngửi.

    2. Ô tô thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng qui định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật thuế TTĐB bao gồm xe VAN và xe Pick-up có thiết kế khoang chở hàng riêng, có vách ngăn cố định và có từ hai hàng ghế trở lên.

    3. Tàu bay và du thuyền thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt qui định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật thuế TTĐB bao gồm loại sử dụng cho mục đích dân dụng cho cá nhân hoặc công ty nhưng không đăng ký sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách và khách du lịch.

    4. Trò chơi điện tử có thưởng qui định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Luật thuế TTĐB bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy slot (slot-machine) và bằng các loại máy tương tự như máy jắc-pót, máy slot.

    5. Kinh doanh đặt cược là loại hình kinh doanh bao gồm cả kinh doanh cá cược, các hình thức vui chơi có thưởng dưới các loại hình thức được thực hiện theo qui định của pháp luật”.

    Với cách viết như trên, có thể hiểu đối tượng chịu thuế TTĐB chỉ là 5 loại hàng hóa dịch vụ được liệt kê.

    Toàn bộ nội dung của Nghị định không chi tiết hơn  so với văn bản luật, cụ thể như sau:

    a) Mục b, khoản 2 Điều 3 DT Luật quy định: Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng chuyển khẩu theo qui định của Chính phủ.

    Nội dung trên chưa được hướng dẫn trong dự thảo Nghị định.

    b) Khoản 4. Điều 6 của DT Luật quy định: Đối với dịch vụ là giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt. Riêng đối với dịch vụ ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược, kinh doanh gôn, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt do Chính phủ quy định.

    Hướng dẫn khoản nêu trên, Khoản 3 Điều 5 DT Nghị định của Chính phủ quy định:

    “Giá tính thuế TTĐB đối với dịch vụ trong một số trường hợp:

    a) Đối với kinh doanh gôn là doanh thu từ bán thẻ hội viên, bán vé hội viên bao gồm cả các khoản phí do người chơi gôn trả và tiền ký quỹ (nếu có).

    b) Đối với dịch vụ ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược là doanh thu từ hoạt động này trừ số tiền đã trả thưởng cho khách”.

    Theo chúng tôi, hướng dẫn nêu trên không có gì đặc biệt. Tại sao không đưa nội dung này vào văn bản Luật?

    c). Mục b, khoản 1 Điều 3 DT Nghị định quy định đối tượng không chịu thuế TTĐB là:  Quà tặng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân trong định mức.

    d) Mục d, khoản 1 Điều 3 DT Nghị định quy định: Hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế nhập khẩu trong định mức.

    Nội dung quan trọng nhất và cần chi tiết là ở cụm từ “ trong định mức”. Đề nghị có quy định định mức và đưa vào Phụ lục của Nghị định.

    e) Khoản đ, mục 1 Điều 3 DT Nghị định của Chính phủ quy định: Hàng nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế cho tổ chức, cá nhân  nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, người xuất cảnh, nhập cảnh và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ.

    Đây là Nghị định của Chính phủ mà lại dẫn chiếu “ theo quy định của Chính phủ” thì người thực hiện biết theo văn bản nào?
     
                                 -----------------------------------------------
     
  • Các văn bản liên quan