Trích ý kiến của Đại biểu Hứa Chu Khem – Sóc Trăng về Dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:52 26-05-2009

... tôi xin tham gia 5 vấn đề sau.

Thứ nhất là về tên gọi, khi nghiên cứu về tên gọi của luật này, tôi thấy có một số đại biểu đã phát biểu là nên giữ lại tên cũ. Theo quan điểm của tôi giữ lại tên cũ là Luật bồi thường Nhà nước thì hợp lý hơn, nếu chúng ta lấy tên luật gắn thêm chữ trách nhiệm thì rõ ràng sẽ không hết những nội dung bởi trong luật này rất nhiều nội dung như điều kiện, chủ thể, khách thể, trình tự thủ tục, kinh phí, trách nhiệm bồi thường v.v.... Nếu chúng ta lấy tên luật là Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì không bao quát hết.

Hơn nữa trong ngôn ngữ chúng ta phải hiểu đây là mình ghép từ, chữ "bồi thường" hiểu thông thường cho là động từ, nhưng ở đây sẽ sử dụng như một danh từ và chữ "Nhà nước" cũng là danh từ luôn. Để đặt ra thành tên luật, tôi có nghiên cứu nhiều nước trên thế giới thì thấy họ cũng lấy tên là Luật bồi thường Nhà nước, không ghi là Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Lúc trước khi đề nghị ta lại thêm chữ "về" trong tên luật, sau này ta bỏ đi, tôi đề nghị để cho gọn chúng ta lấy tên là Luật bồi thường Nhà nước cho dễ hiểu và cũng như một số nước lấy tên luật như vậy thì khi dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp cũng bình thường và hợp lý.

Thứ hai, về vấn đề thời hiệu để người dân hay tổ chức, cá nhân có yêu cầu được bồi thường, quy định ở Điều 5 thời hạn là 2 năm. Khi chúng tôi thảo luận ở địa phương, các cơ quan tố tụng đề nghị nên giữ thời hiệu như Nghị quyết 388 là 3 năm, thậm chí hơn nữa là 4-5 năm. Bởi vì thủ tục xác định người dân chúng ta cũng đưa ra một số điều kiện để có đơn yêu cầu, chúng ta biết thủ tục này cũng không phải dễ cho nên thời hiệu để yêu cầu nên xem lại. Liên quan đến thời hiệu chúng tôi thấy trong điều, khoản đã soạn ở Điều 65 hiệu lực thi hành, Điều 66 là điều khoản chuyển tiếp thì đề nghị Ban soạn thảo các đồng chí xem lại, chúng ta viết như thế này thì người thực hiện pháp luật cũng khó thực hiện. Bây giờ Điều 65 khẳng định là kể từ ngày 01-01-2010 những văn bản sau đây sẽ không còn hiệu lực, tức là nói đến Nghị quyết 388 và Nghị định 47 của Chính phủ không còn hiệu lực. Nhưng khi xuống dưới điều khoản chuyển tiếp thì ta lại nói là trường hợp một số vụ việc mà đang thụ lý theo Nghị quyết 388 hoặc là đang thực hiện Nghị định 47 vẫn chưa xong thì chúng ta lại tiếp tục thực hiện. Tôi cho rằng diễn đạt ở Điều 66 này là hợp lý, nhưng nếu ta chấp nhận Điều 66 thì nên bổ sung ở Khoản 2 Điều 65 một cụm từ: "các văn bản quy phạm pháp luật sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày luật này có hiệu lực trừ trường hợp đã được quy định tại các Khoản 1, 2 của Điều 66". Ta viết như thế nó sẽ minh bạch hơn. Bởi khi đọc vào ta biết Điều 65 sẽ là mất hiệu lực hai văn bản kia, nhưng trường hợp hai văn bản kia cơ quan thụ lý đang làm chưa xong thì sẽ tiếp tục áp dụng như là ở Điều 65 này.

Trở lại Điều 66 chúng tôi thấy có mâu thuẫn, nếu như chúng ta ở Khoản 2 Điều 66 nói rằng những trường hợp bồi thường theo Nghị quyết 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc là Nghị định 47 của Chính phủ thì khi giải quyết như vậy người có thẩm quyền cơ quan tiến hành tố tụng mà còn thời hiệu hai văn bản này thời hiệu 3 năm. Như vậy những văn bản mà còn thời hiệu áp dụng là 3 năm thì trong khi đó dưới này chúng ta lại ghi do việc chưa yêu cầu Nhà nước bồi thường hoặc đã yêu cầu nhưng chưa được thụ lý thì áp dụng các quy định của luật này để giải quyết mà quay trở lại áp dụng luật này thì nó lại chỉ có thời hiệu 2 năm. Như vậy rõ ràng khi vận dụng văn bản mà không có rõ thì người thực hiện không biết 2 năm hay 3 năm. Đó là điểm tôi đề nghị cân nhắc xem lại chữ nghĩa trong đó.

Vấn đề thứ ba, xin góp ở Điều 18 về xác minh thiệt hại, bây giờ người công dân sau khi đã xác định được thời hiệu mà mình còn để xin bồi thường thiệt hại thì Nhà nước sẽ đưa đến gặp gỡ thương lượng, thương lượng không thành bắt đầu đưa ra giám định đánh giá. Bây giờ ở Khoản 3 ta ghi là chi phí định giá, giám định được đảm bảo từ cơ quan Nhà nước. Tôi thấy rõ ràng cái này là hợp lý vì Nhà nước giám định đánh giá để dùng ngân sách Nhà nước làm việc đó mà nếu chúng ta thương lượng không thành thì ta mới làm động tác này. Nếu trường hợp người dân yêu cầu định giá, giám định thì họ lại phải trả tiền, tôi cho rằng trong các văn bản pháp luật hiện nay nếu người dân họ đề nghị Nhà nước giám định hoặc kiểm tra, kiểm định những mẫu hoặc là họ đề nghị cơ quan có khả năng làm dịch vụ chính xác họ giám định thì lúc đó nếu như việc giám định đó người dân đúng thì Nhà nước phải chịu tiền chứ, các văn bản khác đều áp dụng theo cách này. Cho nên tôi đề nghị nếu trường hợp người dân họ đề nghị giám định, định giá lại mà họ đề nghị đúng thì ngân sách trả chứ không phải để người dân trả thì để cho nó thống nhất với một số văn bản luật khác.

Cuối cùng tôi đồng ý với một điều gợi ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thảo luận ở Điều 11 rõ ràng đây là một luật cần phải rõ ràng cho nên quy định thêm những chức năng ở Điều 11, các cơ quan hoàn toàn hợp lý bởi vì nếu không chúng ta sẽ vướng nhiều việc sau này là trách nhiệm và những quy định nó sẽ có những khoản hở và chúng ta cho rằng các bộ và các cơ quan có liên quan sẽ tự động biết trách nhiệm mình, việc này thì chưa chắc tự động biết trách nhiệm đâu, vì đây là một lĩnh vực trong quá trình thực hiện có khi người ta lại né tránh hay lý do nào đó.

Các văn bản liên quan