Góp ý của Ths – Luật sư Ngô Văn Hiệp – Trưởng văn phòng luật sư Hiệp và Cộng sự

Thứ Hai 14:28 23-06-2008

Trước hết, chúng tôi xin được cảm ơn anh và Quý Ban về buổi hội thảo tổ chức ngày 17/6/2008.

Đề cập đến vấn đề nêu trên, chúng tôi xin được trình bày là do thời gian có hạn vì vậy, chúng tôi chưa có cơ hội trình bày tham luận góp ý vào dự thảo Luật bồi thường nhà nước. Chính vì vậy, bằng công văn này, chúng tôi xin được góp ý vào dự thảo nêu trên như sau:

Thứ nhất, về giá trị tiền bồi thường:

Thực tiễn cho thấy có một số vụ các bên không đạt được thoả thuận về khoản tiền bồi thường trong trường hợp tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất. Điển hình gần đây là vụ đòi bồi thường thiệt hại giữa ông Hoàng Minh Tiến và Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội. Theo đó, ông Tiến bị oan từ năm 1993, do vậy ông Tiến yêu cầu đền bù hơn 4 tỷ đồng. Vụ ông Vũ Duy Hà (Phường 10, quận 5, TP. Hồ Chí Minh) yêu cầu Công an TP. Hồ Chí Minh bồi thường do ông bị bắt giam oan, các khoản gồm trên 4 tỷ đồng tiền thiệt hại về tinh thần và trên 3 tỷ đồng về thu nhập thực tế bị mất. Vụ ông Trần Công Ơi ở huyện Chợ Gạo, bị giam 4 năm 2 ngày; ông Bùi Văn Mãnh ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang bị tù oan 4 năm 3 tháng 20 ngày, do thương lượng không có kết quả, hai ông đã tiến hành khởi kiện và được Toà án nhân dân huyện nơi thường trú thụ lý giải quyết.

Tựu chung lại, lý do dẫn đến các trường hợp thương lượng không thành là vì số tiền bồi thường bên bị thiệt hại đưa ra quá cao, ngân sách dành cho bồi thường thì hạn chế, đành rằng thiệt hại về vật chất và tinh thần đối với người bị oan là rất lớn và việc bồi thường cũng chỉ phần nào khắc phục được thiệt hại đã xảy ra. Chính vì vậy, trong tương lai, cần nâng mức tiền bồi thường thiệt hại cho người bị oan cao hơn so với quy định hiện thời.

Thứ hai, về cơ quan có trách nhiệm đứng ra bồi thường.

Một trong những nguyên nhân khiến thương lượng ít khi đi đến kết quả là do từ trước đến nay các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ quen “cầm cân nảy mực”, ít khi phải thương lượng, hoà giải vì vậy họ khó thông cảm đến sự khốn khổ, tan nát nhà cửa của người bị oan. Theo quy định của pháp luật, nếu thương lượng không thành, người bị oan có quyền khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, người khởi kiện đa phần là “lực cùng, thế kiệt” do mắc vào vòng lao lý, cửa nhà, tài sản tiêu tan mà kiện chắc gì đã thắng. Chính vì vậy, về vấn đề đàm phán bồi thường không nên giao cho một cơ quan tố tụng nào đó thực hiện mà việc bồi thường cần có một Hội đồng giải quyết bồi thường nhà nước bao gồm đại diện của các ngành các giới, do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì dưới sự giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố và đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố. Chỉ như vậy mới đảm bảo tính khách quan, có lý, có tình.

Do vậy, khoản 2, 3 điều 37 dự thảo Luật bồi thường nhà nước nên sửa đổi, bổ sung theo hướng như sau: “2. Trong thời hạn 45 ngày, cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự phải thành lập hội đồng Hội đồng giải quyết bồi thường nhà nước bao gồm đại diện của các ngành các giới, do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì dưới sự giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố và đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố đểtiến hành xác minh thiệt hại và thương lượng với bên bị thiệt hại nhằm giải quyết bồi thường. Khi tiến hành thương lượng phải lập biên bản.

 Tuỳ thuộc vào tính chất của vụ việc, Hội đồng giải quyết bồi thường nhà nước có thể tổ chức việc định giá, giám định thiệt hại hoặc lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan về việc giải quyết bồi thường.

3. Trong trường hợp thương lượng không thành thì chậm nhất là bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản thương lượng thành, Chủ tịch Hội đồng giải quyếi bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự phải ra quyết định bồi thường và gửi cho người bị thiệt hại”.  

Về các vấn đề liên quan đến chế định bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, trước đây chúng tôi đã có bài viết khá chi tiết đăng trên Tạp chí Dân chủ & Pháp luật - Số 4 (157) tháng 4/2005; Tạp chí Toà án nhân dân Tối cao 2004; Website: www.hieplawfirm.com/theme/ncuu.asp?page=13. Nếu cần thiết, Quý Ban có thể tham khảo theo các địa chỉ nêu trên.

Một lần nữa chúng tôi xin được cảm ơn vì Quý Ban đã mời tham gia hội thảo. 
  

Trưởng Văn phòng 
     
ThS-Luật sư­: Ngô Văn Hiệp

Các văn bản liên quan