Đoạn trường đòi bồi thường oan

Thứ Ba 14:35 24-06-2008

Đoạn trường đòi bồi thường oan

18-06-2008 00:09:15 GMT +7

THANH HẢI

Thiệt hại của pháp nhân chưa được bồi thường. Theo dự luật, sẽ bồi thường oan và sai trong hành chính, thi hành án, tố tụng hình sự.

Ngày (17-6), hội thảo góp ý dự án Luật Bồi thường nhà nước do Bộ Tư pháp phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã nóng đến cuối buổi. Đây là lần đầu tiên dự luật này được đưa ra lấy ý kiến của những người từng bị bắt, giam oan, đồng thời là những người nhiều năm liên hệ với các cơ quan chức năng để đòi bồi thường.

Tưởng tiện, hóa ra phiền

Ông Lương Ngọc Phi, Giám đốc Công ty thương mại Thanh Phong (TP Thái Bình), người từng bị bắt giam oan 35 tháng (từ năm 1998 đến 2001) về hai tội danh lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và trốn thuế. Vụ việc của ông Phi được các cơ quan tố tụng họp thống nhất chỉ rõ TAND TP Thái Bình (cơ quan tố tụng sau cùng) chịu trách nhiệm bồi thường. Thế nhưng tòa chỉ đồng ý bồi thường phần bắt giam oan, còn phần tài sản tịch thu oan của doanh nghiệp thì tòa không thu và hướng dẫn ông sang công an giải quyết. Công an cũng lắc đầu do Nghị quyết 388 về bồi thường cho người bị oan quy định một cơ quan đầu mối giải quyết nên chỉ ông quay lại tòa.

“Hạn chế của Nghị quyết 388 là chỉ quy định “cơ quan tố tụng sau cùng là cơ quan bồi thường oan” chứ không quy định đó là cơ quan “giải quyết việc bồi thường”. Đến nay, sau nhiều lần chạy tới lui, quyền lợi của tôi vẫn chưa được bảo đảm” - ông Phi nói. Ông kiến nghị cần đưa vào Luật Bồi thường nhà nước nội dung này.

Phải bồi thường cho cả pháp nhân

Một trong những vấn đề được đại diện các doanh nghiệp đặt ra là cần giải quyết bồi thường oan cho cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp lẫn doanh nghiệp (nếu doanh nghiệp bị cơ quan tiến hành tố tụng gây thiệt hại, dẫn đến việc doanh nghiệp bị ngừng hoạt động hoặc phá sản). Khi ông Phi bị bắt giam, cơ quan tố tụng đã thu hồi các tài sản của doanh nghiệp ông như con dấu, niêm phong các tài sản khác khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động. Ông Hoàng Minh Tiến bị oan hàng chục năm cũng từng bị thu hồi con dấu doanh nghiệp ngay sau khi ông bị bắt giam khiến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Đến nay ông vẫn chưa được bồi thường thỏa đáng.

Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), tổ trưởng tổ biên tập dự luật, khẳng định sẽ xem xét đưa vào dự luật nội dung này. “Đằng sau cá nhân là một pháp nhân, do đó quyết định của cơ quan nhà nước gây oan, sai cho doanh nghiệp và cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp đều phải được xem xét bồi thường” - ông Huệ nói.

Tiền luật sư, chi phí thăm nuôi: Có bồi thường?

Một trong những vấn đề được đại diện các doanh nghiệp đặt ra là Nghị quyết 388 chưa giải quyết bồi thường một số chi phí hợp lệ cho người bị oan. Các ý kiến cho rằng nên đưa vào dự luật bồi thường cả khoản tiền chi phí thuê luật sư trong quá trình kêu oan lẫn tiền đi lại thăm nuôi của gia đình trong suốt thời gian bị giam oan. Ông Dương Đăng Huệ khẳng định đây là những nội dung mà ban soạn thảo sẽ xem xét đưa vào dự luật nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị oan.

Theo dự luật, nhà nước sẽ bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị oan hoặc sai. Cá nhân, tổ chức bị oan, sai do cơ quan nhà nước gây ra trong ba lĩnh vực hành pháp, thi hành án và tố tụng hình sự sẽ được xem xét bồi thường. Dự luật sẽ được tiếp tục lấy ý kiến và trình Quốc hội thông qua vào tháng 10-2009.

 

Các văn bản liên quan