Góp ý Dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước – Ông Hoàng Văn Hiệu, Khoa Luật, Học viện Cảnh sát nhân dân

Thứ Ba 14:10 17-06-2008


GÓP Ý DỰ THẢO
LUẬT BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC


Chúng ta đang tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân, trong đó công dân và Nhà nước được đối xử bình đẳng trên cơ sở các quy định của pháp luật. Điều đó có nghĩa là khi quyền và lợi ích của công dân, tổ chức bị xâm phạm thì đối tượng có hành vi xâm phạm đó phải chịu trách nhiệm theo sự điều chỉnh của các quan hệ pháp luật.

Đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề là khi quyền lợi của công dân, tổ chức bị xâm phạm bởi các quy định, hành vi của các cơ quan Nhà nước trái với pháp luật thì sẽ xử lý ra sao? Ai là người phải chịu trách nhiệm? Phải chăng là người đứng đầu các cơ quan Nhà nước đó hay cán bộ, công chức trực tiếp tiến hành các hoạt động dẫn đến các hành vi sai phạm đó phải chịu trách nhiệm bởi thực tế chúng ta rất hay nói đến “trách nhiệm liên đới”. Vậy vấn đề này được hiểu như thế nào?

Nhìn lại quá trình lập pháp và hành pháp chúng ta thấy trong suốt một thời gian dài chúng ta chưa xây dựng được một quy chế hay một văn bản có giá trị pháp lý cao, đồng thời có tính khả thi cao trong vấn đề giải quyết xung đột, giải quyết các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức bị các cơ quan Nhà nước xâm phạm. Rất nhiều trường hợp người dân phải đi hết nơi này đến nơi khác để đòi quyền lợi cho mình nhưng không biết kêu ai trong khi các cơ quan hành chính Nhà nước cũng lúng túng vì không thể tìm ra một cách giải quyết cho phù hợp, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Điều đó đã cho thấy trách nhiệm bồi thường Nhà nước chưa thực sự được quan tâm, quyền và lợi ích của người dân chưa thực sự được triệt để tôn trọng.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận rằng trong khoảng 15 năm trở lại đây, nhất là từ sau khi Hiến pháp năm 1992 ra đời thì quyền và lợ ích của công dân đã được Nhà nước quan tâm hơn. Điều đó được minh chứng qua hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật lần lượt được ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ giữa cá nhân, tổ chức với một bên là đại diện cho cơ quan Nhà nước. Hay nói cách khác, trách nhiẹm bồi thường Nhà nước đã manh nha hình thành, chẳng hạn như trong Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Dân sự 2005… Hiến pháp năm 1992 đã có quy định mang tính nguyên tắc về quyền được bồi thường thiệt hại của cá nhân, tổ chức trong quan hệ với các quan, Nhà nước. Điều 72 quy định “Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, bị xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về thể chất và phục hồi danh dự”, “mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi về danh dự” (Điều 74). Bộ luật dân sự năm 2005 cũng đã quy định về trách nhiệm bồi thường của các cơ quan Nhà nước được thể hiện trong các Điều 619 và Điều 620. Để cụ thể hoá các quy định nêu trên của Bộ luật Dân sự cho đến nay Nhà nước đã ban hành nhiều ăn bản hướng dẫn trong đó phải kể đến Nghị định số 49/Chính phủ ngày 3 tháng 5 năm 1997 về giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức, người có thâm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Khi Nghị định 49/Chính phủ ra đời người dân đánh giá rất cao bởi nó sẽ giải quyết được các mâu thuẫn, xung đột giữa người dân với cơ quan Nhà nước xung quanh các quy định trái với pháp luật mà cơ quan Nhà nước đã gây ra cho họ. Tuy nhiên thực tế không như mong mỏi của người dân bởi các quy định trong Nghị định 49/Chính phủ chỉ mang tính hành thức mà không có tính khả thi cao. Nghị định này chỉ nêu các hành thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức khi thi hành công vụ mà chưa đề cập đến trách nhiệm bồ thường thiệt hại nếu đối tượng này gây thiệt hại cho công dân và tổ chức. Tuy nhiên đây cũng là một điểm mới trong quan niệm của những người làm luật, đó cũng là tiền đề cho việc ra đời Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH khoá XI ngày 17/03/3003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Nghị quyết này về cơ bản đã giải quyết được các thiệt hại giữa quyền và lợi ích của công dân do các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước gây ra trong lĩnh vực Tố tụng hình sự, song nó vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu cần điều chỉnh một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến trách nhiệm bồi thường Nhà nước của các cơ quan Nhà nước.

Như vậy xây dựng Luật Bồi thường Nhà nước là yêu cầu bức thiết cần phải tiến hành ngay. Việc cho ra đời văn bản pháp lý có hiệu lực cao như vậy sẽ đảm bảo cho việ thực thi có hiệu quả, đồng thời góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đúng với tinh thần của Nghị quyết số 48 về chiến lược hoàn thiện pháp luật giai đoạn 2005 – 2010 của Bộ chính trị.

Xung quanh vấn đề xây dựng Luật Bồi thường Nhà nước chúng tôi thấy rằng việc xây dựng Luật Bồi thường Nhà nước xuất phát từ quan điểm coi đó là một dạng trách nhiệm bồi thường, đó là trách nhiệm dân sự đặc thù. Đây là một quan điểm đúng đắn.

Với góc độ chuyên môn của mình chúng tôi xin đi vào góp ý cụ thể tại Điều 29, Điều 30 Mục 1, Chương III: Bồi thường Nhà nước trong hoạt động Tố tụng hình sự.

Điều 29. Bồi thường thiệt hại trong hoạt động Tố tụng hình sự
Điểm a, Khoản 1 có quy định: “Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào”.

Chúng tôi băn khoăn trong trường hợp này việc xác định trách nhiệm thuộc về Viện kiểm sát hay Cơ quan điều tra hay các cơ quan khác bởi điều luật chỉ nêu chung chung là cơ quan có thẩm quyền. Vậy cơ quan có thẩm quyền ở đây là cơ quan nào bởi vì cơ quan điều tra là nơi ra quyết định tạm giữ, còn Viện kiểm sát ra quyết định phê chuẩn quyết định tạm giữ. Như vậy có những trường hợp bắt người trong trường hợp phạm hợp khẩn cấp do Cơ quan điều tra tiến hành nhưng sau đó Viện kiểm sát không phê chuẩn Quyết định tạm giữ, vậy Cơ quan điều tra có phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này không? Nếu có thì thật sự là rất khó cho Cơ quan điều tra trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm bởi lúc này Cơ quan điều tra chỉ dựa vào những thông tin ban đầu nên không thể đòi hỏi phải tuyệt đối chính xác được. Vì vậy chúng tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong trường hợp này.

Điểm d, Khoản 1 quy định: “Những người thuộc các trường hợp quy định tại khoản a, b và c Điều này nếu có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu mà bị thiệt hại thì được bồi thường”.

Theo chúng tôi việc quy định như vậy còn mang tính chung chung, không sát với thực tế. Chúng tôi băn khoăn Dự thảo căn cứ vào đâu, vào thời điểm nào để xác định việc bồi thường thiệt hại? bởi thực tế cho thấy nhiều tài sản sau khi bị tạm giữ, kê biên đến khi được mang ra sử dụng đã mất đi giá trị của nó và tính năng sử dụng cũng không còn được như ban đầu. Như vậy nếu chúng ta tính thời điểm để định giá tài sản là khi chứng minh được người bị tạm giữ, người bị tạm giam hay người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án… bị oan thì giá trị tài sản được định giá sẽ không còn giá trị nữa. Vì vậy để đảm bảo quyền và lợi ích của công dân, tổ chức, chúng tôi xin bổ xung cụm từ “theo giá trị tài sản ban đầu”. Xin sửa thành:

“Những người thuộc các trường hợp quy định tại khoản a, b và c Điều này nếu có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu mà bị thiệt hại thì được bồi thường theo giá trị tài sản ban đầu”.

Trên đây là một số góp ý của chúng tôi. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các bạn. Xin chân thành cảm ơn. 

                                                                                                                                          Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2008 
                                                                                                                                                      Hoàng Văn Hiệu 
                                                                                                                                Khoa Luật – Học viện Cảnh sát nhân dân. 
                                                                                                                                                      Điện thoại 0912897988
 

Các văn bản liên quan