Sửa đổi Luật Giao thông đường bộ: Lái xe có mùi rượu là phạt!

Thứ Sáu 09:17 14-03-2008
Sửa đổi Luật Giao thông đường bộ: Lái xe có mùi rượu là phạt!
 
Nếu dự luật được thông qua, đi xe gắn máy vào quán uống bia như thế này sẽ bị phạt.
 
Bằng lái xe của người say xỉn sẽ bị trừ điểm hoặc thu hồi vĩnh viễn.

Dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi đang được lấy ý kiến và sẽ được trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay. Trong đó có đưa ra vấn đề mới là cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu và các chất kích thích khác trước và trong khi điều khiển xe.

Nhậu hôm trước, hôm sau còn mùi cũng bị phạt

Theo thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM, tùy theo cơ địa, thể trạng của từng người ở từng thời điểm mà lượng rượu, bia được tiếp nhận vào trong người nhiều hay ít có thể dẫn đến say xỉn, mất tỉnh táo. “Hôm nào khỏe, người lái xe có thể uống năm, sáu chai bia chưa say. Nhưng hôm nào mệt mỏi, thể trạng yếu, anh ta chỉ cần uống một, hai chai là đã say quắc cần câu! Nếu căn cứ theo nồng độ rượu trong máu hoặc trong hơi thở quy định tại Luật GTĐB hiện nay rất khó xác định tình trạng tâm lý, sức khỏe của người lái xe” - thượng tá Thịnh nói.

Theo dự luật, bất kể người lái xe uống rượu, bia từ hôm trước, trước hoặc trong khi cầm lái và dù nồng độ rượu trong máu, hơi thở có thể đã giảm xuống nhưng trong người tỏa ra mùi rượu, bia là sẽ bị phạt. Theo ban soạn thảo dự luật, luật GTĐB của các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ... đều cấm người lái xe sử dụng rượu, bia trước và trong khi lái xe, không cần căn cứ theo nồng độ.

Máy đo nồng độ rượu không chính xác

Theo Luật GTĐB, cấm người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 40 mg/lít khí thở. Quy định này có nhiều bất cập khi thực hiện. Thiếu tá Đặng Thế Trung, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết các loại máy, giấy quỳ dùng để đo nồng độ rượu rất bất tiện và không cho ra chỉ số chính xác. Nhiều trường hợp đo được nồng độ rượu trong hơi thở người lái xe chưa vượt quá 40 mg/lít khí thở theo quy định của Luật GTĐB nên CSGT không thể xử phạt được dù người lái xe đã say mèm.

Theo thiếu tá Phạm Văn Xị, Đội trưởng Đội CSGT số 4 (TP.HCM), khi tuần tra trên đường, không thể có bác sĩ, kỹ thuật viên y khoa đi cùng để thử máu người lái xe. Theo thiếu tá Trung, gặp trường hợp người lái ôtô, xe máy say xỉn, cách tốt nhất là đưa anh ta đến bệnh viện gần nhất để thử máu, lấy cơ sở xử phạt. Nhưng cách làm này rất nhiêu khê, mất thời gian và buộc các tổ tuần tra phải cắt, cử CSGT đi cùng người vi phạm đến bệnh viện. Vì vậy, cách dựa vào mùi để phát hiện người lái xe uống rượu, bia sẽ giúp CSGT thuận lợi hơn trong xử phạt người vi phạm.

Trừ điểm bằng lái xe?

Dự luật đưa ra vấn đề phải quản lý người vi phạm luật giao thông, trong đó có người say. Đây là vấn đề hoàn toàn mới nên có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng không thể quản lý người vi phạm vì nó không phù hợp với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Người vi phạm đã thi hành xong quyết định xử phạt mà không tái phạm trong một năm thì được coi như là chưa vi phạm. Mặt khác, nếu quản lý theo cách trên thì CSGT các tỉnh, thành phố phải thống kê, theo dõi người vi phạm, nhất là các lái xe khách và chia sẻ thông tin cho nhau mới có thể thực hiện được.

Thượng tá Thịnh đề xuất quản lý người lái xe say rượu bằng cách xây dựng thang điểm cho các loại bằng lái xe và nối mạng CSGT trên toàn quốc. Khi người lái xe vi phạm ở tỉnh nào thì chỉ cần vào mạng xem anh ta đã vi phạm ở đâu chưa, đã bị trừ bao nhiêu điểm. Trong thang điểm, sẽ có từng “nấc” điểm bị trừ xuống bao nhiêu thì bị tạm giữ bằng lái 30, 60, 90 ngày hoặc thu bằng lái xe vĩnh viễn.

Mức xử phạt người say rượu lái xe tại một số nước

- Na Uy: Ngồi tù ba tuần và làm lao động, tịch thu bằng lái một năm. Vi phạm lần thứ hai trong vòng năm năm, bằng lái sẽ bị thu hồi vĩnh viễn.

- Anh: Treo bằng lái một năm và phạt tiền. Nếu say nhiều bị phạt tù một năm.

- Thổ Nhĩ Kỳ: Cảnh sát chở người vi phạm đi cách xa nơi cư ngụ 20 dặm (32 km) và yêu cầu họ đi bộ trở về dưới sự giám sát của cảnh sát.

- Mỹ: Người vi phạm xem như bị tội tiểu hình, bị giam trong vòng 24 tiếng, sau đó ra tòa và bị phạt tiền, nhẹ nhất khoảng 1.800 USD (29 triệu đồng VN). Bằng lái của người vi phạm sẽ bị tịch thu chờ duyệt xét lại, thường là sáu tháng. Có đến 90% người uống rượu lái xe bị bắt khi về gần đến nhà.

Muốn lấy lại bằng lái, họ phải tham gia khóa học cai rượu 6-8 tuần (một giờ mỗi tuần) và làm lao động hai ngày cuối tuần trong tám tuần. Chưa kể tiền mua bảo hiểm xe hơi sẽ tăng vọt và tiền thuê luật sư bảo vệ có thể lên đến 15.000 USD (240 triệu đồng VN). Tùy theo số lần vi phạm mà số ngày lao động, số ngày đi học cai rượu tăng lên. Đến lần vi phạm thứ tư sẽ bị khép tội đại hình, có thể ngồi tù đến ba năm và gần như vĩnh viễn không được phép lái xe nữa.

NRTG

- Người đang lái xe ôtô khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định bị phạt 1-3 triệu đồng. Người đang lái xe máy vi phạm tương tự bị phạt 400.000-800.000 đồng. (Theo Luật GTĐB năm 2001 và Nghị định 146 năm 2007)

- Máy đo nồng độ cồn ở nước ta hiện có nhiều điểm chưa tiện lợi như mất vệ sinh, dễ lây truyền bệnh, nhất là khi dùng cùng lúc cho nhiều người. Chi phí nhập thiết bị cao (riêng đầu thổi 10-15 USD/chiếc), thời gian sử dụng thấp (vài tháng hay 80 lần đo). Máy thường nhận diện sai, nhất là với các chất tương đương rượu như thuốc Tây, mật ong...

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN - Theo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/3/2008

Các văn bản liên quan