Tính cấp thiết và sự hoàn thiện: các ngân hàng sẽ không đầu tư vào hoạt động phi ngân hàng?

Thứ Tư 09:09 12-03-2008


2DuanluatNH.Bai2/TLAN/1507t
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM (SỬA ĐỔI) VÀ LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG:

TÍNH CẤP THIẾT VÀ SỰ HOÀN THIỆN

Nêu như Dự thảo Luật Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam (sửa đổi) theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, ông Đặng Thanh Bình tuy ngắn nhưng rất phức tạp thì Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) dơn giản hơn. Tuy nhiên, với 13 chương, 171 điều lại "đụng chạm" tới hoạt động "sát sườn" của các NH, TCTD nên để dung hoà được tính cấp thiết và sự hoàn thiện của một dự án luật trước khi trình lên Chinh phủ, Quốc hội lại là vấn đề không đơn giản...

Bài 2: CÁC NGÂN HÀNG SẼ KHÔNG ĐƯỢC ĐẦU TƯ VÀO HOẠT ĐỘNG PHI NGÂN HÀNG?

Một trong các điểm mới của Dự thảo Luật các TCTD là đã sử dụng khai niệm "dịch vụ ngân hàng (NH)" (thay vì khái niệm "hoạt động NH") để làm "ranh giới" xác định một tổ chức có phải là TCTD hay không và sử dụng khai niệm "nhận tiền gửi công chúng", "làm dịch vụ thanh toán" để phân biệt giữa NH và các TCTD khác. Dự thảo cũng đã bổ sung nhiều thuật ngữ quan trọng như "Tập đoàn NH", "Công ty con", "công ty liên kết", "người liên quan", "người quản lý", "người điều hành", "thành viên HĐQT", "thành viên HĐTV"..., theo lý giải của Ban soạn thảo là để đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn so với quy định của Luật DN...

Tuy nhiên, câu chuyện về mối liên quan giữa Luật DN và Luật các TCTD cũng được khá nhiều ý kiến đề cập đến và có ý kiến cho rằng Luật các TCTD như là Luật DN thứ hai. Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đặng Thanh Bình, Dự thảo đã giảm tối đa các thủ tục hành chính trong việc cấp phép thành lập. Cụ thể, Dự thảo quy định cụ thể các điều kiện cấp phép đối với từng loại hình tổ chức tín dụng theo hướng nâng cao các yêu cầu, tiêu chí về đảm bảo an toàn của từng TCTD và cả hệ thống các TCTD; Dự thảo cũng quy định theo hướng Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD đồng thời là Giấy chứng nhận ĐKKD và bổ sung các quy định về công bố giấy phép. Tuy nhiên, sự "mạnh dạn" này khiến nhiều người e ngại bởi việc ĐKKD lại liên quan đến Luật DN (Thực hiện tại Phòng ĐKKD thuộc các Sở KH&ĐT). Chưa kể, ý tưởng cải cách hành chính của NHNN lại mâu thuẫn với chính các điều khoản sau đó trong Dự luật khi Điều 20 của Dự thảo quy định thời hạn cấp phép là 180 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Đây là thời hạn "quá trì trệ" theo nhận xét của TS Lê Thị Thu Thuỷ- ĐH Quốc gia Hà Nội. Để giảm bớt thủ tục hành chính và tăng quyền tự chủ cho TCTD, Dự thảo Luật đã thay đổi căn bản quy định về những thay đổi cần chấp thuận của NHNN theo hướng bỏ quy định về chuẩn y, giảm bớt các nội dung thay đổi cần xin chấp thuận của NHNN…

Một điểm mới của Dự thảo Luật các TCTD là đã đề cập đến mô hình tập đoàn NH. Đây cũng là vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau và bản thân NHNN cũng tỏ ra lúng túng bởi  hiện chưa có một văn bản pháp lý nào quy định rõ về mô hình tập đoàn nói chung, vậy thì các tập đoàn tài chính- NH được hiểu như thế nào? Thực tế cho thấy có DN kinh doanh NH (Ví dụ NH TMCP Dầu khí của Tập đoàn Dầu khí, NH TMCP An Bình của Tập đoàn điện lực…), hay có Công ty bảo hiểm kinh doanh NH (Ví dụ Bảo Việt…) và có NH kinh doanh bảo hiểm (Ví dụ BIDV…), vậy thì gọi là Tập đoàn tài chính hay NH? Theo GS Phil Wellon, Chuyên gia Dự án Star Việt Nam, các Tập đoàn tài chính NH có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức. Một công ty mẹ có thể sở hữu và kiểm soát nhiều loại công ty khác trong tập đoàn. Một NH có thể sở hữu nhiều loại công ty khác. Bản thân NH có thể cung cấp nhiều loại dịch vụ tài chính đa dạng đôi khi nằm ngoài cả phạm vi hoạt động NH thương mại. Các quyết định chính sách về hình thức lựa chọn sẽ thể hiện quan điểm của nhà nước với phạm dịch vụ thích hợp mà một NH thương mại được phép cung cấp. Tập đoàn tài chính NH cũng đều có thể có địa vị pháp lý theo quy định của pháp luật (giống Hoa Kỳ) hoặc đơn giản chỉ bao gồm các công ty có liên quan (giống như các quốc gia cho phép hoạt động NH phổ cập)…

Điểm mới được đặc biệt lưu ý là các quy định về hoạt động góp vốn, mua cổ phần. Dự thảo luật quy định chặt chẽ các giới hạn và phạm vi góp vốn mua cổ phần của các TCTD để hạn chế hoạt động đâu tư chéo và đầu tư sang lĩnh vực phi tài chính với mục tiêu nhằm nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD. “Thực ra Luật TCTD hiện hành cũng đã quy định, nhưng không rõ ràng, dẫn đến tình trang có NH đầu tư sang lĩnh vực sản xuất, thương mại, dẫn đến bất bình đẳng trong quan hệ tín dụng…”- Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đặng Thanh Bình nhận xét. Chính vì quan điểm “cấm tiệt” như vậy nên trong Dự thảo đưa ra một quy định rất “lạ” là “NH thương mại không được trực tiếp tham gia kinh doanh bất động sản thông qua cho vay đối với các công ty kinh doanh bất động sản nhằm mục đích kinh doanh” (!?). “- Nếu như vậy thì các công ty kinh doanh bất động sản lấy đâu ra vốn để kinh doanh?”- TS Nguyễn Giang Thu, ĐH Luật Hà Nội vấn đề. Theo ông Peter Nicholl, chuyên gia của Dự án Star Việt Nam, việc Dự thảo Luật các TCTD đặt ra vấn đề này là rất đáng hoan nghênh vì đây cũng là ván đề mà WB đưa vào danh mục các tiêu chí đảm bảo việc quản trị tốt DN. Tiêu chí của việc sở hữu NH quy định rằng “khuyến khích các quy định của pháp luật cấm các hoạt động kiểm soát NH bằng các biện pháp tài chính. Nếu các biện pháp đó vẫn được phép thực hiện thì cơ quan giám sát phải yêu cầu phải có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đói với các giao dịch của các bên liên quan và đòi hỏi Ban Giám sát của NH phải có đa số các thành viên là giám đốc độc lập”. “Chúng tôi khuyến nghị giới chức Việt Nam nên xem xét việc cấm thực hiện các biện pháp kiểm soát phi tài chính đối với NH. Tuy nhiên, nếu đây không phải là đề xuất khả thi trong môi trường kinh tế của Việt Nam, thì chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước khác trong các nỗ lực giới hạn phạm vi lạm dụng và sẽ có những khuyến nghị thích hợp cho Việt Nam”- Ông Peter Nicholl nói. Theo ông Peter Nicholl, việc các NH đầu tư vào các hoạt động phi NH, tiêu chí mà WB đặt ra là các NH không được phép kiểm soát hoặc tham gia các hoạt động phi NH dù là trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên, thực tế hầu như có rất ít nước thực sự cấm các hoạt động đầu tư đó. Thay vào đó, phần lớn các nước đều quy định trong luật của mình một điều khoản để giới hạn về số vốn mà một NH có thể sử dụng để đầu tư vào các hoạt động đó. Giới hạn được đề xuất là 15% giá tri vốn…

Còn quá nhiều vấn đề mà chắc chắn các NH, TCTD thấy mới mẻ trong dự thảo và đã có ý kiến đề nghị cần tiếp tục lấy ý kiến của chính những đối tượng mà Dự luật điều chỉnh trước khi chuyên sang Bộ Tư pháp vào giữa tháng này. NHNN cũng đang chịu sức ép về việc có Luật sớm trong bối cảnh hiện nay nhưng đồng thời Luật đó phải hoàn thiện, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển đồng thời đảm bảo mục tiêu an toàn, ổn định nền tài chsinh tiền tệ quốc gia…   

THANH LAN - Báo Pháp luật Việt Nam

Các văn bản liên quan