Luật Giao thông đường bộ – Được sửa đổi những gì?

Thứ Sáu 09:18 14-03-2008

Luật Giao thông đường bộ - Được sửa đổi những gì?

Dự thảo Luật ĐBVN (sửa đổi) gồm 9 chương với 89 điều. So với Luật năm 2001 có 25 Điều được giữ nguyên cả nội dung và kết cấu (chiếm 28,1%); 2 Điều giữ nguyên về nội dung nhưng có thay đổi về kết cấu (chiếm 2,2%); 48 Điều bổ sung, sửa đổi (chiếm 54%) và 14 Điều mới (chiếm 15,7%). Ngày 1/3 vừa qua, Bộ GTVT đã tổ chức giới thiệu và lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương về Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5/2008 và trình Quốc hội vào tháng 10/2008.

Việc sửa đổi Luật GTĐB được tiến hành trên nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa nội dung điều chỉnh của Luật, chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh, hay quy định chưa rõ, hoặc còn thiếu thống nhất; Bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển hội nhập của ngành GTVT; Nâng lên thành Luật những quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật GTĐB năm 2001 đã ổn định và phù hợp với thực tế; Vận dụng quy định của các điều ước, tập quán quốc tế và luật nước ngoài phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật VN và xu thế, thực tiễn của hoạt động GTVT đường bộ trong nước.

Cụ thể, những nội dung cơ bản Dự thảo Luật như sau:

Chương I. Những quy định chung, gồm 9 Điều. Ngay điều 1 “Phạm vi điều chỉnh” đã nói rõ: “Luật này quy định về quy tắc giao thông đường bộ; Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Người tham gia giao thông đường bộ; Hoạt động vận tải đường bộ”. Như vậy, so với Luật năm 2001, có thay đổi lớn. Dự thảo Luật quy định toàn diện tất cả các lĩnh vực hoạt động của giao thông đường bộ: an toàn giao thông đường bộ, quản lý vận tải, đầu tư, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; Quy định rõ và bổ sung một số nguyên tắc trong hoạt động giao thông đường bộ cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh toàn diện hoạt động giao thông vận tải đường bộ; Bổ sung một số điều mới quy định về giải thích từ ngữ, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ và các hành vi bị nghiêm cấm; Chuyển quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ từ Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2001 lên Chương I.

Chương II-Quy tắc giao thông đường bộ, gồm 30 Điều. So với Luật năm 2001, Dự thảo Luật có bổ sung một số quy định về quy tắc giao thông đường bộ (như: đèn tín hiệu giao thông, dừng xe, đỗ xe trên đường, xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông, quyền ưu tiên của một số xe, quy tắc đi qua đảo giao thông, người đi bộ, các hoạt động văn hóa - thể thao, diễu hành trên đường bộ, trách nhiệm tổ chức giao thông). Tại chương này, các quy định của Nghị định 14/2003/NĐ-CP ngày 19/2/2003 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật GTĐB lên thành Luật.

Chương III- Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, gồm 12 Điều. Chương này, so với Luật năm 2001, Dự thảo Luật có bổ sung khái niệm các loại đường, bổ sung các quy định về thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ, trách nhiệm lập và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng, thẩm định an toàn giao thông, quỹ bảo trì đường bộ, công trình báo hiệu đường bộ, thi công công trình trên đường bộ đang khai thác, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Như vậy, điều 5, 6, 7, 8, 9, điều 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44 Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 5/11/2004 Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB được nâng lên thành Luật và đưa vào Dự thảo Luật này.

Dự thảo cũng tham khảo Luật đường bộ của một số nước trong khu vực, đưa bổ sung vào Luật một số quy định mới. Đặc biệt Dự thảo lần đầu nói rõ: “Nguồn tài chính đảm bảo cho quản lý bảo trì đường bộ từ Quỹ bảo trì đường bộ”.

Chương IV- Phương tiện tham gia giao thông đường bộ, gồm 5 Điều. Chương này, so với Luật năm 2001, Dự thảo Luật bổ sung quy định về tay lái của xe ô tô do cam kết của VN khi gia nhập WTO và thỏa thuận trong Hiệp định GMS giữa VN với Lào, Thái Lan và Campuchia về hoạt động vận tải du lịch đường bộ cho phép xe tay lái bên phải của các nước này vào VN.

Dự thảo cũng sửa đổi một số từ ngữ cho phù hợp với Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Bổ sung, mở rộng quy định về niên hạn xe, không chỉ đối với xe ôtô kinh doanh vận tải, mà đối với tất cả các loại xe cơ giới khác để bảo đảm ATGT.

Chương V- Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, gồm 6 Điều. So với Luật năm 2001, Dự thảo Luật đã bổ sung, sửa đổi quy định về giấy phép lái xe, tuổi của người lái xe ô tô, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ban hành quy định về điều kiện sức khoẻ và đào tạo người lái xe. Nâng hạng GPLX rơmoóc, đầu kéo sơmi rơmoóc lên hạng FC nhằm đảm bảo ATGT xuất phát từ yêu cầu thực tế.

Chương VI- Vận tải đường bộ, gồm 18 Điều. So với Luật Đường bộ hiện hành, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung chương Vận tải đường bộ trên cơ sở Nghị định 110 về Kinh doanh vận tải ôtô và tham khảo các Luật chuyên ngành khác về GTVT, bổ sung thêm một số quy định mới để tăng cường công tác quản lý, đặc biệt với ôtô chở khách.

Dự thảo quy định về quản lý hoạt động vận tải đường bộ, kinh doanh vận tải bằng ô tô; quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải, người lái xe và nhân viên phục vụ trên ô tô vận tải hành khách, hành khách, người thuê vận tải hàng hoá, người nhận hàng; tổ chức, hoạt động của bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ; vận tải động vật sống để tăng cường công tác quản lý, đặc biệt đối với xe ô tô chở khách, đáp ứng yêu cầu thực tế, bảo đảm an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu phát triển của kinh tế quốc dân.

Chương VII- Quản lý Nhà nước, gồm 5 Điều. So với Luật năm 2001, Dự thảo Luật có bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ, thanh tra đường bộ, tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ.

Phương Dung - Theo Vnexpress

Các văn bản liên quan