Góp ý của Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm – Thái Bình

Thứ Ba 10:00 17-11-2009

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa Quốc hội,

Tôi thấy sửa Luật các tổ chức tín dụng lần này có nhiều điểm mới và sát cũng đã tiến dần và đáp ứng được tinh thần hội nhập với các tổ chức tín dụng quốc tế. Tôi tin rằng những tiến bộ lần này của điều chỉnh luật sẽ tạo cơ sở thông thoáng hơn cho hoạt động của các ngân hàng thương mại và của các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, tôi thấy cách điều chỉnh và nội dung điều chỉnh vẫn còn 2 vấn đề hạn chế:

Thứ nhất, là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của các ngân hàng thương mại hay các định chế tài chính mà có hoạt động ngân hàng được luật này chi phối còn hạn chế, đôi khi hơi gò bó. Nếu đúng theo tinh thần Nghị định 112 của Chính phủ năm 2006 thì những vấn đề cần giải quyết cũng chưa được thoát ra theo tinh thần Nghị định 112. Đấy là hạn chế thứ nhất.

Hạn chế thứ hai, đây là một luật không phải mang tính định hướng quản lý mà luật quy định để thực hiện, những quy định trong luật này càng cụ thể, càng chi tiết thì càng tạo điều kiện cho các hoạt động của ngân hàng thương mại tốt hơn. Nhưng những vấn đề đã được sửa đổi hoặc quy định nó còn quá nhiều những nội dung mà phải chờ Chính phủ, chờ Ngân hàng Nhà nước quy định, như trong Báo cáo của Ủy ban Kinh tế thì đưa ra có 4 vấn đề sau khi luật này được điều chỉnh, thì vẫn phải chờ hướng dẫn, chờ quy định tiếp của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước. Đây là nội dung quá nhiều vấn đề mà chúng ta phải chờ đợi và khó khăn trong việc thực thi của các ngân hàng thương mại.

Đấy là 2 vấn đề chúng tôi thấy cần nghiên cứu tiếp, cần phải có chỉnh sửa tiếp để hạn chế tối đa phần chúng ta phải hướng dẫn sau luật. Còn 4 vấn đề cụ thể chúng tôi muốn tham gia.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của luật. Tôi tán thành lần này chúng ta chỉ điều chỉnh những định chế hoạt động tín dụng, còn các định chế khác có liên quan hoặc phi ngân hàng thì chúng ta phải điều chỉnh bằng hệ thống pháp luật khác, không gói vào đây vì nó rất khó trong việc quản lý và điều hành. Nhưng chúng tôi thấy cần phải làm rõ và nêu hướng giải quyết của những đình chế tài chính phi ngân hàng hoặc có hoạt động ngân hàng mà nó liên quan đến chính sách tài chính tiền tệ phân công cho các luật khác, các lĩnh vực khác quản lý không hết, không đủ, nó gây ra có thể có lỗ hổng cho hoạt động tài chính tiền tệ, gây rủi ro cho nền kinh tế thì phải được đặt ra và giải quyết đồng bộ, vì hiện nay thị trường ngầm tín dụng, chứng khoán mà chúng ta không kiểm soát được vẫn còn và thậm chí đôi lúc còn chi phối. Cho nên phải có chế tài để quản lý, giám sát, để chặn những lỗ hổng này cùng với luật của tổ chức tín dụng. Đó là nội dung cần phải làm rõ và giải quyết tiếp.

Thứ hai, là ban kiểm soát và kiểm toán nội bộ. Vì tính chất hoạt động của ngân hàng thương mại vừa là một đình chế để phục vụ khách hàng, đình chế không gian để phục vụ khách hàng, vừa là nội dung phải quản lý trong bản thân tài chính của nó, cho nên tôi tán thành là phải có ban kiểm soát nội bộ. Ngoài việc kiểm soát chung của hoạt động tín dụng và thanh toán thì còn một bộ phận chuyên làm kiểm soát trong nội bộ về hoạt động tài chính của các ngân hàng này để đảm bảo an toàn tuyệt đối, trước hết là hoạt động nội bộ để góp phần cho việc phục vụ cho nền kinh tế được tốt hơn hoặc phục vụ cho các doanh nghiệp được tốt hơn.

Thứ ba, là quản trị thì lần này có hai điểm mới trong quản trị và biểu quyết của Hội đồng quản trị và cổ đông, thứ nhất là thành viên độc lập của Hội đồng quản trị khác tất cả các lần trước, lần này chúng ta có một đến hai thành viên độc lập mà thậm chí không phải góp vốn, không phải sở hữu một nguồn vốn trong đấy mà có quyền tham gia thậm chí làm chủ tịch của các ngân hàng thương mại thì đây là điểm mới. Cho nên phải làm rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm của thành viên độc lập này, nếu không thì có thể chúng ta sẽ có một cái khó là bố trí lực lượng không đủ, không có điều kiện nhưng cũng làm cho vị trí của các thành viên này khó phát huy tác dụng hoặc lạm quyền.

Một điểm nữa khó khăn hiện nay là quyết định của cổ đông theo luật trước thì chúng ta quy định là 71% trở lên cổ đông, hoặc cổ đông được đại diện phải bỏ phiếu thông qua thì nghị quyết của hội đồng mới có giá trị. Nhưng thực tế vừa qua nhiều Hội đồng quản trị không đủ số này và các nước thì số này người ta quy định thấp hơn chúng ta nhiều trên 50% là được. Lần này chúng ta cũng có thay đổi theo quy định giống như các nước trong khu vực và thế giới, nhưng chúng tôi cũng đề nghị phải có sự phân loại, phân biệt về nội dung hoạt động, tính chất hoạt động, mức độ hoạt động, mức độ an toàn của các ngân hàng để chúng ta quy định.

Vấn đề nữa là trong giải quyết những vấn đề về giới hạn sở hữu cổ phần, về giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng, về giới hạn cho vay một khách hàng của ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng, nhìn chung 3 quy định này tôi thấy nó còn quá chặt hoặc quá thấp, nên nới rộng ra ít nhất là theo hướng các ngân hàng khu vực người ta đang làm. Vì trong này nói rất cụ thể nên tôi xin không nhắc lại. Còn viêc công khai thông tin của hệ thống ngân hàng để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, càng công khai bao nhiêu càng minh bạch bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Nhưng riêng những ngân hàng trong diện quản lý đặc biệt hoặc những ngân hàng đang hoạt động mà cần phải công bố các thông tin thì có một quy định bất di bất dịch là khi đã công bố thông tin là những thông tin đấy đã được cơ quan chức năng, cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý Nhà nước xác định, kết luận và có hướng giải quyết cụ thể rồi thì mới công khai. Chứ còn đang kiểm tra, đang đặt vấn đề mà công khai ra thì làm hỗn loạn, làm thiệt thòi, làm khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động, thậm chí làm đổ vỡ nó và đổ vỡ một ngân hàng thì nó sẽ đổ vỡ cả hệ thống. Tôi xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan