Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tổng kết Hội nghị

Thứ Ba 09:28 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Chúng tôi trân trọng mời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu một số ý kiến nhưng đồng chí Thống đốc có nói là xin được lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để nay mai chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu một cách xác đáng, hoàn chỉnh dự án luật này trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Kết thúc phiên họp tại Hội trường có 18 đại biểu phát biểu ý kiến. Tôi xin có một số ý kiến để kết thúc phiên thảo luận sáng nay.

Thứ nhất, về địa vị pháp lý của ngân hàng Nhà nước, tinh thần chung của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường và qua tổng hợp tại tổ thì các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý mấy điểm.

Một, phải tạo điều kiện để nâng cao tính tự chủ của ngân hàng Nhà nước trong việc nghiên cứu tham mưu chừng mực thẩm quyền cho việc hoạch định và sau đó tổ chức thực thi chính sách tiền tệ.

Hai, phải phù hợp với thể chế chính trị của chúng ta với trình độ quản lý và trình độ phát triển của đất nước.

Ba, về nguyên tắc chung trong quản lý điều hành tiền tệ tài chính kinh tế phải phù hợp với Hiến pháp. Cho nên ý kiến chung của các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình từng bước xây dựng ngân hàng Trung ương hiện đại. Nói từng bước nhưng mà cũng nghiên cứu kỹ làm sao càng ngày và ngay trong Luật này tăng chức năng của ngân hàng Trung ương lên, thể hiện một cách tương đối rõ nét, phù hợp với ba vấn đề như tôi đã nêu ở trên.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh thì cũng có ý kiến cho rằng việc này chỉ nên quy định hoạt động của ngân hàng Nhà nước còn tổ chức thì thôi. Nhưng tuyệt đại đa số đồng ý quy định cả tổ chức và hoạt động, nhưng trong dự thảo những vấn đề quy định về tổ chức xem chừng nó cũng còn chưa đủ lắm, đề nghị nghiên cứu thêm. Đương nhiên xoay quanh vấn đề hoạt động của ngân hàng Nhà nước có một số điểm tôi sẽ trình bày sau.

Thứ ba, là phân định chức năng của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngân hàng Nhà nước xoay quanh vấn đề hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ. Ý kiến chung của các vị đại biểu Quốc hội và qua nghiên cứu đề xuất của các chuyên gia, các nhà khoa học thì việc phân định này phải được nghiên cứu kỹ để đảm bảo mấy nguyên tắc.

Nguyên tắc thứ nhất là phải phù hợp với pháp luật hiện hành, trong đó có Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, nhưng Hiến pháp là gốc, mà Hiến pháp đang quy định Quốc hội quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm và 5 năm, quyết định dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm. Tuy nhiên, cũng phải nghiên cứu để thể hiện rõ hơn là chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cụ thể là cái gì để trên cơ sở đó xác định thẩm quyền của Quốc hội.

Thứ hai, ngân hàng Nhà nước là thành viên của Chính phủ cho nên phải xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo tính thống nhất trong chỉ đạo và điều hành. Đồng thời làm rõ và quy định nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước theo hướng tăng tính tự chủ, tính linh hoạt nhưng phải đi đôi với tăng trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Cho nên trong các quy định phải thể hiện rõ được sự thống nhất này, nhưng cũng rõ được sự phân định thẩm quyền này, quyền đi đôi với trách nhiệm, hoạt động trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Các đại biểu cũng lưu ý giữa thẩm quyền của Chính phủ với thẩm quyền Thủ tướng phải thật rành mạch trong lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm, ý kiến chung của các vị đại biểu Quốc hội cũng đề nghị phải quy định rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước, nếu không quy định lý do tại sao so với quy định của pháp luật. Đối với Quốc hội có nhiều ý kiến nên cân nhắc những quyết định của pháp luật hiện hành không chỉ quyết định định hướng chỉ tiêu lạm phát, nếu có phải suy nghĩ đến việc quyết định một khung, một chỉ tiêu liên quan đến chính sách tiền tệ, khung này không chỉ có ý nghĩa điều hành chính sách tiền tệ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà phải có một khoảng thời gian trung hạn và dài hạn nhất định.

Vấn đề thứ tư, về thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong điều kiện thực tế của nước ta thì các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị ngoài những nguyên tắc như trên tôi đã nói giữa Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ v.v.... đứng ở góc độ riêng các cơ quan của Quốc hội thì cũng phải thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội liên quan đến chính sách về tài chính tiền tệ. Trong đó cũng rất lưu ý đến một số vấn đề cụ thể như vấn đề tạm ứng ngân sách, vấn đề sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp đột xuất cấp bách của Nhà nước. Cần thiết thì phải có một quy định riêng một điều hoặc 2, 3 điều về vấn đề này. Ngay cả quỹ dự trữ ngoại hối cũng như vậy, nguồn gốc như thế nào, cơ cấu hình thành ra làm sao, thẩm quyền quyết định như thế nào, quy trình thủ tục để thực hiện thẩm quyền này. Những cái gì đã rõ thì chúng ta cũng nên nghiên cứu để có quy định cho nó phù hợp.

Thứ năm, về đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các tổ chức tín dụng và góp vốn thành lập doanh nghiệp. Qua ý kiến của các vị đại biểu thì cũng thấy thể hiện tương đối rõ là cần tích cực triển khai tách chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tiến tới một thời gian thích hợp nào đó chúng ta bỏ cơ chế bộ chủ quản, nếu có đặc thù thì phải có thêm những công cụ, cụ thể để điều tiết thị trường. Còn đối với ngân hàng Nhà nước thì không nên góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác trừ đối với nhà máy in tiền, nhà máy hoạt động với cơ chế hết sức đặc biệt. Đương nhiên cũng phải quy định rất cụ thể những vấn đề có liên quan đến việc góp vốn vào nhà máy in tiền và các vấn đề có liên quan đến in và phát hành tiền.

Thứ sáu, về lãi suất, có đại biểu đề cập nhiều đến vấn đề quy định lãi suất cơ bản, hay là không? Hay là quy định trần lãi suất? thì cũng có một số những khía cạnh chúng tôi thấy các vị đại biểu Quốc hội đề cập rất xác đáng:

Một, tính phù hợp của các quy định dự thảo luật này với hệ thống pháp luật có liên quan từ Hiến pháp trở xuống.

Hai, cũng phải xem xét một cách thực chất hơn về bản chất và tính khoa học của quy định về lãi suất cơ bản. Để đảm bảo làm sao hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, các tổ chức tín dụng và người gửi tiền.

Ba, chúng ta cũng đã hội nhập với quốc tế rồi, cho nên cũng nghiên cứu kỹ để có vận dụng cho phù hợp với điều kiện của nước ta.

Bốn, Ngân hàng Nhà nước, ý chung của các vị đại biểu phải công bố lãi suất để điều hành chính sách tiền tệ và điều hành thị trường. Đồng thời trong thực tế của nước ta đó là một căn cứ rất quan trọng để Nhà nước quản lý những hoạt động mang tính chất dân sự ngoài phạm vi hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Năm, các vị đại biểu cũng đề cập đến trong trường hợp cần thiết cũng đồng ý giao thẩm quyền can thiệp của Ngân hàng Nhà nước thông qua cơ chế lãi suất của các tổ chức tín dụng để ổn định giá trị đồng tiền và ổn định kinh tế vĩ mô. Và từ thực tiễn khủng hoảng kinh tế vừa qua trên thế giới và thực tế nước ta thì thấy rằng chúng ta cũng vừa tôn trọng những nguyên tắc của kinh tế thị trường, nhưng mà phải phát huy vai trò kiểm soát quản lý của Nhà nước để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Còn hiểu tự do theo kiểu mở thả phanh thì không được, cho nên các nhà kinh điển trước đây cũng đã nói tự do hành động đúng quy luật, chứ không phải tự do muốn làm gì thì làm. Trong gia đình cũng thế nói là bình đẳng ông bà, bố mẹ, con cháu nhưng không lẽ lại bằng nhau, nhà phải có nóc, phải có điều hành có trật tự có kỷ cương, đương nhiên không triệt tiêu động lực, linh hoạt của mỗi thành viên trong gia đình.

Thứ bảy, về giám sát hoạt động ngân hàng mà Hội thồng tham mưu chính sách tiền tệ trực thuộc ngân hàng Nhà nước thì ý kiến chung của các đại biểu Quốc hội cũng đồng ý phải trao chức năng thanh tra, giám sát hoạt động các tổ chức tín dụng cho ngân hàng Nhà nước. Nhưng cũng đồng ý với Báo cáo thẩm tra cơ quan chủ trì của Uỷ ban Kinh tế không nên đặt vấn đề thanh tra, giám sát đối với công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm là các công ty con của các tổ chức tín dụng. Cái này nên để cho các bộ khác như Bộ Tài chính chẳng hạn.

Còn đối với Hội đồng tham mưu chính sách tiền tệ trực thuộc ngân hàng Nhà nước thì các đại biểu cũng nhất trí tinh thần phải có hoạt động tham mưu cho Thống đốc ngân hàng Nhà nước về các chính sách tiền tệ. Còn hoạt động này thông qua loại mô hình nào, có tổ chức thành một tổ chức chuyên trách hay không hay là sử dụng các bộ máy trong ngân hàng Nhà nước, thì vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thống đốc ngân hàng Nhà nước cũng không nên quy định cứng vào trong Luật. Theo tôi chắc chắn đồng chí Thống đốc ngân hàng Nhà nước là người hiểu sâu lĩnh vực này thì phải sử dụng bộ máy của mình, còn hình thành tổ chức đó là tổ chức kiêm nhiệm thôi, chứ không phải là tổ chức có biên chế riêng độc lập, kiêm nhiệm để giúp cho nghiên cứu, tham mưu chính sách tiền tệ, trình Chính phủ để Chính phủ xem xét rồi trình hoặc quyết định theo thẩm quyền. Chúng tôi thấy có hoạt động này, còn hướng hình thành theo tổ chức nào đó, mang tính chất kiêm nhiệm hoặc thành lập lúc thế này, lúc thế khác và có thể cần chấm dứt thì thuộc thẩm quyền của Thống đốc ngân hàng Nhà nước không ghi trong dự thảo luật này.

Thứ tám, về những quy định bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng và vấn đề kiểm soát, đặc biệt có ít đại biểu phát biểu tại Hội trường nhưng qua thảo luận về những quy định mà ngân hàng Nhà nước với tư cách là thành viên của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước can thiệp bằng các biện pháp như thế nào đó để đảm bảo tính an toàn của hệ thống ngân hàng, nhưng cũng phải rà lại để vừa đảm bảo yêu cầu an toàn, tính ổn định của hệ thống ngân hàng, của các tổ chức tín dụng, của chính sách tiền tệ, nhưng cũng đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức tín dụng vì các tổ chức tín dụng cũng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với tư cách là kinh doanh tiền tệ. Đối với kiểm soát đặc biệt, các đại biểu đồng ý để thực hiện cho được yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ chín, về quản lý hoạt động bảo hiểm tiền gửi, các đại biểu Quốc hội cũng đề cập đến qua thảo luận ở tổ, tại Hội trường. Mục đích của bảo hiểm tiền gửi là vì quyền lợi của người gửi tiền, cho nên bảo hiểm tiền gửi đóng một vai trò tương đối quan trọng vào việc ổn định thị trường ngân hàng. Trong trường hợp chưa có luật riêng về vấn đề này thì trước mắt cần có một số quy định mang tính nguyên tắc trong luật này để ngân hàng Nhà nước có chức năng quản lý đối với bảo hiểm tiền gửi, nhưng đồng thời cũng không bó chặt bảo hiểm tiền gửi mà phải tạo điều kiện cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chủ động phát huy vài trò của mình trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Vấn đề thứ mười, về cơ chế tài chính và hệ thống của các chi nhánh của ngân hàng Nhà nước, các đại biểu cũng đã đề cập đến mấy khía cạnh:

Thứ nhất, trách nhiệm ngày càng lớn của ngân hàng Nhà nước đó là tự chủ hơn trong điều hành chính sách tiền tệ vì chúng ta cũng thống nhất phải tăng quy định gắn liền với chức năng của ngân hàng trung ương, nên chăng ở dự thảo luật này. Cho nên trách nhiệm của ngân hàng Nhà nước lớn hơn trong vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, chính vì thế nên cũng phải tạo điều kiện có những cơ chế tài chính nó phù hợp, để ngân hàng Nhà nước thực hiện được trách nhiệm lớn hơn. Nói là đặc thù hay là riêng biệt thì cũng còn có ý kiến khác nhau nhưng rõ ràng trong một lĩnh vực hết sức phức tạp và nhạy cảm đòi hỏi năng lực của đội ngũ cán bộ phải cao hơn trách nhiệm Quốc hội giao cho lớn hơn thông qua luật, thì phải có những cơ chế tài chính phù hợp với đòi hỏi cao về quyền và trách nhiệm đối với ngân hàng Nhà nước. Với ngân hàng Nhà nước có tính đặc thù có một số hoạt động mang tính chất tương tự như kinh doanh, trong kinh doanh tiền tệ nhất là vấn đề gửi, rút ngoại tệ. Rồi thông qua sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ kể cả tái cấp vốn, tái triết khấu rồi quy định những vấn đề nghiệp vụ khác. Cho nên thực tế vừa qua chúng ta cho phép áp dụng một số quy định về cơ chế tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ để nó phù hợp với đặc thù riêng của ngân hàng Nhà nước. Nhưng nay mai cũng rà lại để đảm bảo tính thống nhất kể cả hoạch toán về tài chính, vấn đề lương bổng, thưởng của hệ thống Nhà nước về vấn đề này nói chung và của cả hệ thống chính trị nói riêng. Còn nếu bảo cũng bằng nhau thì cũng khó, ngay bây giờ những cơ quan như tư pháp cũng thế, cũng có một số quy định nhưng thú thực quy định đó cũng chưa đáp ứng được trách nhiệm rất cao của các cơ quan tư pháp. Nhưng tiền chúng ta có ít, tùy cơ biện lẽ nói ra không thực hiện mang tiếng. Nhưng mà không có cũng không được, chúng ta cũng nên có cách nhìn thực tiễn hơn đối với hoạt động của ngân hàng.

Vấn đề mười một, xoay quanh vấn đề về quy định về cán bộ, quy định về bộ máy, về chế độ báo cáo và việc cung cấp thông tin thì các đại biểu cũng lưu ý cần làm rõ hơn vấn đề này.

Vấn đề mười hai, xoay quanh vấn đề mục tiêu của chính sách tiền tệ thì chúng ta cũng thống nhất là ổn định giá trị đồng tiền và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nói ổn định không có nghĩa là cố định. Cho nên cũng thống nhất với quy định của dự thảo nhưng làm rõ hơn về vấn đề này.

Vấn đề thứ mười ba, xoay quanh vấn đề về tính cụ thể của dự án Luật này. Tôi đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan có nghiên cứu, rà soát lại những nội dung quy định trong văn bản dưới luật hiện hành. Nếu đã rõ, đã được khẳng định và khả thi trong thực tế thì chúng ta đưa vào trong Luật để bớt những nội dung phải hướng dẫn nhiều trong các văn bản dưới Luật.

Vấn đề cuối cùng, xoay quanh vấn đề về tính ổn định của quy định trong các đạo luật thì chúng tôi rất chia sẻ với đại biểu Nguyễn Văn Phúc Đoàn đại biểu Bình Thuận chúng ta cũng đều mong muốn như vậy. Đất nước của chúng ta đang chuyển đổi, chúng ta cũng mới hội nhập, còn các nước người ta đã có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, ổn định hàng trăm năm nay rồi. Ngay nước mình số lượng của những đạo luật bao quát hết các lĩnh vực còn đang rất thiếu, nếu làm với tốc độ như thế này thì theo dự tính của các chuyên gia như trước đây cũng còn phải vài chục năm nữa mới hết được chạy theo số lượng. Cho nên không thể tránh khỏi có những quy định mà chúng ta mới ban hành, tuổi thọ còn ngắn mà chúng ta phải sửa đổi, sửa quy định thôi chứ không phải là Luật của chúng ta mới quy định xong lại phải sửa. Nói như vậy nó không thật chính xác, chỉ có một số quy định thôi thì chính xác hơn. Chúng ta sẽ cố gắng để phấn đấu làm sao bớt được những hạt sạn và gắn được kể cả đáp ứng được những yêu cầu trước mắt và có tầm nhìn dài hạn, có tuổi thọ đạo luật vừa tầm, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước, đáp ứng được yêu cầu của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật.

Kính thưa Quốc hội,

Sau phiên họp này Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tổng hợp, tiếp tục có những hội thảo trao đổi ở trong nước và ngoài nước để hoàn chỉnh dự án Luật này, để chúng ta thông qua vào kỳ họp sau.

Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan