Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luật – Kiên Giang

Thứ Ba 10:00 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản tán thành nhiều nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tôi xin được tham gia ý kiến về hai vấn đề:

Thứ nhất, là thủ tục kiểm soát đặc biệt. Theo quy định của Luật hiện hành có quy định thủ tục kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, tức là đang mất khả năng chi trả, người đứng đầu các tổ chức tín dụng báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt, khi Ngân hàng nhà nước Việt Nam quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt thì đương nhiên thông tin liên quan đến các tổ chức tín dụng sẽ được giữ bí mật để tránh tình trạng gây ra phản ứng dây truyền, vì việc kinh doanh tiền tệ của các tổ chức tín dụng liên quan đến rất nhiều khách hàng, liên quan đến vấn đề thực hiện chính sách tiền tệ, an ninh tiền tệ v.v...cho nên tôi rất tán thành quy định như trong dự thảo. Qua thông tin chúng tôi tìm hiểu được biết, tôi lấy ví dụ như năm 2007 chúng ta có 34 tổ chức tín dụng, vào thời điểm đó Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng đặt 4 tổ chức tín dụng dưới thủ tục là kiểm soát đặc biệt và thời gian gần đây có một số tổ chức đã lành mạnh hóa được khả năng tài chính cho nên đã chấm dứt việc này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị khi áp dụng thủ tục này thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cần có thủ tục là chúng ta, tất nhiên không thể cứ bí mật mãi áp dụng này vì khi áp dụng thủ tục kiểm soát đặc biệt thì đương nhiên ngân hàng Nhà nước phải xem xét khả năng tài chính rồi khả năng lành mạnh hóa phục hồi kinh doanh để tiếp tục cung cấp tín dụng hay tiền để các tổ chức này hoạt động. Nếu tiếp tục tiếp diễn việc này thì đương nhiên mất khả năng chi trả vẫn xảy ra, nếu các tổ chức tín dụng không có kế hoạch kinh doanh tốt. Để đảm bảo phù hợp quy định của Luật phá sản năm 2004, Luật phá sản có quy định là trước khi tòa án thụ lý yêu cầu tuyên bố phá sản đối với các tổ chức tín dụng thì bắt buộc các tổ chức tín dụng phải thông qua thủ tục kiểm soát đặc biệt. Vấn đề này chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm để khi áp dụng các thủ tục này có thời gian, có kế hoạch rất cụ thể và đối với những trường hợp mà không thể tiếp tục áp dụng thủ tục kiểm soát đặc biệt nữa thì cần phải thông báo cho tòa án để áp dụng các quy định Luật phá sản kịp thời.

Theo như chúng tôi biết năm 2009 tòa án các cấp đã mở thủ tục phá sản đối với 103 doanh nghiệp nhưng không có tổ chức tín dụng nào, đây là một vấn đề đặt ra trong quá trình áp dụng các thủ tục kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, sáng hôm nay các vị đại biểu đã thảo luận rất nhiều về vấn đề lãi suất trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội chủ tọa đã kết luận. Tôi xin báo cáo với Quốc hội một thực tiễn giải quyết các tranh chấp có liên quan đến các hợp đồng vay tài sản thông qua hoạt động tòa án trong thời gian vừa qua. Nếu tính tỷ lệ tranh chấp các hợp đồng vay tài sản có liên quan đến lãi suất mà tòa án thụ lý rất nhiều và đặc biệt trong thời gian qua phương tiện thông tin đại chúng cũng đã nêu hụi họ, bưu phường là nhiều nơi nhất là miền núi, ngay cả tỉnh Gia Lai - Kon Tum tệ nạn phát triển, nhiều gia đình mất rất nhiều tài sản vì các chủ hụi họ đưa ra lãi suất cao để đánh kích thích vào lãi suất để cho người có tài sản gửi vào đó và giật hụi rất nhiều gia đình bị mất tài sản. Nếu chúng ta không áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự khi giải quyết thì rất không công bằng, không bảo vệ được quyền lợi cho người có tài sản cũng như bên vay. Hầu hết những vụ tranh chấp dù các bên có thỏa thuận lãi suất cao đi bao nhiêu chăng nữa, thì khi giải quyết tranh chấp tòa án vẫn chỉ chấp nhận mức lãi suất được quy định trong Bộ luật dân sự thì cái này cũng đảm bảo ổn định xã hội, công bằng xã hội.

Qua nghiên cứu bản thuyết minh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có liên quan đến dự thảo luật này có nói về vấn đề lãi suất, có đưa ra 4 lý do để không quy định lãi suất cơ bản trong dự thảo luật, tôi xin nêu như sau:

Thứ nhất, Ngân hàng nhà nước cho rằng việc áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động ngân hàng phù hợp với định hướng, đường lối, chính sách của Đảng tại Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Khóa IX về nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm là "Thực hiện chính sách lãi suất thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường". Ở đây mới chỉ viện dẫn thế thôi chứ chưa giải thích rõ hiểu như thế nào cho đúng tinh thần nghị quyết của Đảng.

Thứ hai, thực tiễn cho thấy việc quy định trần lãi suất quy định tại Điều 476 Luật dân sự có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, tức là chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay không đủ bù đắp chi phí hoạt động. Nêu như thế này chưa thuyết phục và chưa thấy báo cáo việc áp dụng lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự nó ảnh hưởng tiêu cực đến bao nhiêu tổ chức tín dụng và ảnh hưởng đến khả năng chi trả.

Thứ ba, hiện nay có 120 tổ chức tín dụng mức độ cạnh tranh trong ngân hàng là rất lớn, dù không quy định nhưng có thể kiểm soát được lãi suất. Chúng tôi thấy trong thời gian vừa qua càng nhiều tổ chức tín dụng đua nhau, cạnh tranh nhau mức lãi suất thì không thể kiểm soát được.

Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước có nêu việc áp dụng trần lãi suất có thể làm cho lãi suất cho vay của các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng không phản ánh đúng và đầy đủ tình trạng thanh toán của các ngân hàng, vô hiệu hóa tín hiệu quan trọng nhất để điều hành chính sách tiền tệ.

Chúng tôi thấy có 4 lý do nêu trong bản thuyết minh của ngân hàng nhà nước về không quy định lãi suất cơ bản chúng tôi thấy chưa thuyết phục. Sáng nay nhiều đại biểu đã phát biểu, tôi tán thành và chỉ xin đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn 4 lý do như chúng tôi vừa trình bày để thuyết phục hơn trong vấn đề quyết định có liên quan đến chính sách lãi suất của nhà nước ta. Xin hết.

Các văn bản liên quan