Góp ý của VCCI về Dự luật thuế giá trị gia tăng

Thứ Ba 17:14 13-05-2008


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
***
Số:                           /PTM-PC
V/v: Góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (bản ngày 20/2/08)


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------------------------------------
Hà Nội, ngày        tháng         năm 2008


                       
Kính gửi:………………………………………………………………. 
  
         

         Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) là một văn bản pháp luật có vị trí quan trọng trong khung pháp luật điều chỉnh về mặt tài chính nói riêng và về hoạt động nói chung của các doanh nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp, các chuyên gia, luật sư, các nhà hoạt động thực tiễn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (Dự thảo) như sau:

         I.     VỀ QUAN ĐIỂM TIẾP CẬN

      Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng[1] về chính sách cơ bản trong vấn đề thuế, những đòi hỏi của quá trình hội nhập (mà đặc biệt là những cam kết WTO) và những yêu cầu cơ bản về pháp lý đối với một văn bản pháp luật, Dự Luật cần đảm bảo đồng thời và ở mức tốt nhất có thể các nguyên tắc cơ bản sau đây:
(i)                Đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế;
(ii)             Đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, chính xác và hợp lý của hệ thống pháp luật;
(iii)           Đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình thực thi.
Đối chiếu Dự thảo hiện hành (bản ngày 20/2/2008) với các nguyên tắc nêu trên cho thấy mặc dù có một số quy định đáp ứng được những yêu cầu này, Dự thảo còn nhiều nội dung chưa đáp ứng được các nguyên tắc này và cần được xem xét điều chỉnh kịp thời.

      II.                GÓP Ý CỤ THỂ

      Theo Luật hiện hành  thì những bất cập và những vấn đề được coi là đặc thù , nổi cộm của Thuế GTGT như: diện không chịu thuế quá rộng, áp dụng 2 phương pháp tính thuế, không có ngưỡng thu thuế, việc hướng tới 1 thuế suất thống nhất[2]... chưa được đưa vào nội dung sửa đổi cơ bản mà việc sửa đổi bổ sung  theo nội dung tờ trình và dự thảo Luật sửa đổi còn mang tính chất tạm thời, chưa thực sự ngang tầm của một Luật thuế sửa đổi bổ sung đã được đưa vào chiến lược cải cách thuế.

      1.      Về đối tượng không chịu thuế GTGT (Điều 4)

      Các quy định của Dự thảo về đối tượng chịu thuế chưa đảm bảo được nguyên tắc thống nhất, hợp lý và rõ ràng ở những điểm sau: 
      Thứ nhất, các quy định không căn cứ trên một tiêu chí chung để xác định đối tượng không thuộc diện chịu thuế. Đề nghị đưa đối tượng tại khoản 25 Điều 4 ra khỏi danh mục không chịu thuế, vì thuế GTGT được xác định trên cơ sở hàng hoá dịch vụ khi tiêu dùng, bán ra, không nên duy trì cho chủ thể kinh doanh hàng hoá dịch vụ mà lại được xác định trên cơ sở thu nhập là phức tạp trong quản lý và không đúng tính chất điều chỉnh của thuế gián thu.
Thứ hai, có những đối tượng về bản chất không tạo ra khoản giá trị gia tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ nhưng vẫn không được liệt kê vào đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. Đề nghị đưa “dịch vụ bảo hiểm” vào danh mục đối tượng tại điều 4 của Dự thảo này[3]. 
      Thứ ba, các quy định về đối tượng chịu thuế chưa đảm bảo tính chính xác, rõ ràng, cần được quy định cụ thể hơn ở một số điểm sau: 
      -   Khoản 7 Điều 4 quy định: “Dịch vụ tín dụng, kinh doanh chứng khoán, chuyển nhượng vốn và các dịch vụ tài chính phái sinh”. Đề nghị ghi rõ các dịch vụ tài chính phái sinh là những dịch vụ gì? Đây là khái niệm mới đưa vào Luật lần này nên cần có cách hiểu thống nhất; 
      -   Khoản 14 Điều 4 quy định: “Duy tu, sửa chữa, xây dựngbằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân và vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà tình nghĩa”. Đề nghị sửa lại là: “Duy tu, sửa chữa, xây dựngcác công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà tình nghĩa”. Không nên sử dụng tiêu chí nguồn vốn đầu tư để xác định đối tượng chịu thuế hay không chịu thuế. Nếu quy định như dự thảo sẽ rất khó xử lý khi việc duy tu, sửa chữa, xây dựng các công trình thuộc phạm vi nêu trên bằng cả nguồn vốn nhà nuớc, vốn nhân dân đóng góp và vốn viện trợ nhân đạo, đặc biệt là khi nguồn vốn của Nhà nước lại chiếm tỷ trọng nhỏ. 
      -   Khoản 22 Điều 4 quy định “Dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập”. Đề nghị làm rõ những dịch vụ nào về bưu chính, viễn thông công  ích, dịch vụ nào không được coi là công ích và thế nào là Internet phổ cập? 
      -   Đoạn cuối của Điều 4 quy định“Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều này không được khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, trừ trường hợp được áp dụng mức thuế suất 0% quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này”. Đề nghị bỏ đoạn “ trừ trường hợp được áp dụng mức thuế suất 0% quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật này”. Bởi lẽ, nếu viết như dự thảo là có sự nhầm lẫn giữa hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT nhưng được áp dụng thuế suất 0%. Sai sót này về mặt lý thuyết, không gây tác hại trong thực tế nhưng không nên có trong một văn bản luật.
Nên chăng, để đảm bảo tính thống nhất cho cả Dự thảo và việc áp dụng thống nhất trong tương lai, đề nghị Dự thảo đưa ra một điều khoản riêng để giải thích các từ ngữ. 
      Đồng thời để đảm bảo tính liên hoàn của thuế GTGT trong việc khấu trừ, tính  thuế đầu vào, đầu ra cần thu hẹp diện không chịu thuế. Hàng hoá dịch vụ không chịu thuế GTGT chỉ nên để các nhóm như: sản phẩm nông nghiệp và một số nguyên liệu đầu  vào phục vụ cho lĩnh vực này, dịch vụ giáo dục, y tế, dịch vụ tài chính, hoạt động viện trợ, văn hoá phẩm thiết yếu và hoạt động vận tải hành khách công cộng.

      2.      Về thuế suất thuế GTGT

      Xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay là thống nhất về một mức thuế suất thuế GTGT để bảo đảm sự công bằng về cạnh tranh trên thị trường và giảm bớt sự phiền hà trong công tác quản lý thuế. Vì vậy, đề nghị Dự thảo đưa ra lộ trình áp dụng, trong khoảng 05 năm tới, ở Việt Nam chỉ nên duy trì hai mức thuế suất là 0% và 10%. Lộ trình này có thể được quy định tại Dự thảo Luật này[4].

      3.      Về  điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào 
      

       -  Tiết b, khoản 2 Điều 9 của Dự thảo Luật quy định: “Hàng hóa, dịch vụ mua vào phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng trừ các trường hợp đặc biệt và hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị thấp. Chính phủ quy định các trường hợp đặc biệt và mức tiền không phải thanh toán qua ngân hàng”. Đây là một trong những nội dung cơ bản và quan trọng, cần được quy định ngay trong Luật để đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả thi. Nếu không quy định cụ thể thì Dự thảo cũng nên đưa ra những nguyên tắc để từ đó Chính phủ đưa ra các quy định hướng dẫn cụ thể. 
      -   Tiết c, khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật quy định: “Đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện nêu tại điểm a, b nêu trên phải có tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu,....” Việc phải có Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu sẽ không có gì phải bàn khi xuất khẩu hàng hóa. Song, sẽ là vướng mắc lớn khi đó là dịch vụ xuât khẩu như: hoạt động tư vấn; cung ứng phần mềm; du lịch lữ hành quốc tế; vận tải quốc tế, v.v... Vì vậy, đề nghị có quy định riêng cho hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ xuất khẩu.

      4.      Về phương pháp tính thuế

      Dự thảo vẫn duy trì 2 phương pháp tính thuế, trong thực tế phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng trên cơ sở xác định giá trị tăng thêm của từng loại hàng hoá dịch vụ, ở từng địa bàn là thực sự khó khăn để đáp ứng yêu cầu rõ ràng, chính xác mà còn thường nặng về tính thuế trên doanh thu nhiều hơn. Để khắc phục tình trạng này, nên cân nhắc có thể cho áp dụng sớm ngưỡng thu thuế GTGT; Đến một mức doanh thu nào đó mới áp dụng thuế GTGT và chỉ áp dụng thống nhất phương pháp khấu trừ thuế. Đối tượng kinh doanh dưới ngưỡng này sẽ không áp dụng  thuế GTGT mà chuyến sang nộp thuế tương tự như thuế doanh thu; tuy nhiên có nghiên cứu tỷ lệ thu thuế phù hợp đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá dịch vụ phù hợp...( trong quản lý thuế nên lưu ý: cá nhân kinh doanh có nộp thuế GTGT hoặc thuế doanh thu khi đã xác định ngưỡng và thuế thu nhập cá nhân nên được quản lý thuế bởi một đối tượng trong quá trình phân công, phân cấp quản lý thuế của cơ quan thuế).

      5.      Về hoàn thuế

      Thống nhất các bổ sung quy định về thủ tục hoàn thuế GTGT cũng như các quy định khác nhằm việc hoàn thuế được chặt chẽ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoàn thuế. Để tạo điều kiện thảo gỡ cho doanh nghiệp mới về vốn đầu tư, đề nghị bổ sung điều kiện hoàn thuế cho trường hợp: Cơ sở mới thành lập có số thuế đầu vào phát sinh từ 200 triệu đồng/ tháng trở lên thì được hoàn thuế theo tháng.

      6. Một số ý kiến góp ý khác


      Điều 9 Luật Ban hành văn bản quy phạm quy định về việc hướng dẫn chi tiết luật, pháp lệnh “Những điều khoản cần được hướng dẫn chi tiết thi hành thì được quy định ngay tại điều khoản nó về phạm vi và nội dung hướng dẫn”. Nhìn lại Dự thảo chỉ thấy duy nhất Điểm b, khoản 2 Điều 9 quy định về hướng dẫn chi tiết thi hành. Đề nghị bỏ Điều 14 mà thay vào đó những điều khoản nào cần được hướng dẫn thì quy định trực tiếp. Tránh tình trạng luật phải chờ văn bản dưới luật ban hành mới được thực thi .
Về cấu trúc, Điều 13 về áp dụng điều ước quốc tế, không nên để trong phần điều khoản thi hành mà nên để trong phần những quy định chung.
Rất mong các ý kiến nêu trên của VCCI được quý Cơ quan xem xét và tiếp thu trong quá trình điều chỉnh Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng./
 


 
 
Nơi nhận:
- Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội
- Bộ Tài chính
- Lưu VT, PC


CHỦ TỊCH
 
 
 
 
 
VŨ TIẾN LỘC


 

[1] Về vấn đề này, Nghị quyết có nêu “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế theo nguyên tắc công bằng, thống nhất và đồng bộ, bảo đảm môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh”.

[2] Tính đến ngày 18/03/2008, có khoảng gần 750 Công văn của Tổng Cục thuế để hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng được đăng tải trên web: www.luatvietnam.com.vn. Trên thực tế, số lượng này còn lớn hơn nhiều. Theo thống kê, có ngày Tổng Cục thuế phải ra khoảng 8 hoặc nhiều hơn Công văn trả lời về những vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực hiện luật thuế giá trị gia tăng. Những nội dung chủ yểu trong các công văn trả lời liên quan tới đối tượng chịu thuế, khấu trừ, hoàn thuế, hóa đơn.v.v. 

[3] Bản chất của bảo hiểm không có giá trị gia tăng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm vì chỉ nhằm mục đích hình thành nên quỹ bảo hiểm bồi thường cho những tổn thất được bảo hiểm xảy ra. Người tham gia bảo hiểm với mục đích đem lại quyền lợi cho họ được bồi thường nếu tổn thất được bảo hiểm xảy ra và nếu không xảy ra thì họ không được hoàn tiền phí bảo hiểm đã đóng. Số tiền này được bồi thường cho những người kém may mắn khi tham gia bảo hiểm gặp rủi ro tổn thất . Khía cạnh này chứng tỏ:
-          Nếu người tham gia bảo hiểm bị tổn thất được bồi thường thì không nên đánh thuế GTGT vào đối tượng đang gặp khó khăn, thiên tai hay tai nạn.
-          Người tham gia bảo hiểm không gặp tổn thất thì họ trở thành nhà từ thiện góp quỹ bảo hiểm để bồi thường cho người khác kém may mắn hơn bị tổn thất. Vì vậy, không nên đánh thuế GTGT với hoạt động “từ thiện” này.
-          Hơn nữa, khi nhận tiền bồi thường, theo nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm thì người tham gia bảo hiểm chỉ nhận được nhiều nhất bằng đúng giá trị tổn thất thực tế được bảo hiểm xảy ra, không có giá trị gia tăng ở phần này. Cho dù, một người có mua nhiều hợp đồng bảo hiểm cho một chiếc ô tô của mình thì tổn thất xảy ra chỉ được bồi thường tối đa duy nhất là một chiếc ô tô đã bị thiệt hại được bảo hiểm.
Mặt khác, công ty bảo hiểm bồi thường chủ yếu là bồi thường bằng tiền hoặc thanh toán bằng tiền cho các chi phí sửa chữa mua sắm lại tài sản bị tổn thất mà hoá đơn chứng từ mang tên người tham gia bảo hiểm thực hiện (sau đó công ty bảo hiểm sẽ giám định xem xét loại trừ những chi phí sửa chữa cho những tổn thất không thuộc rủi ro được bảo hiểm, sửa chữa thêm, nâng cấp thêm hoặc mua sắm tài sản hiện đại hơn). Chính vì vậy, nếu áp dụng thuế GTGT trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm đem lại thiệt hại cho khách hàng tham gia bảo hiểm (vì là thuế gián thu nên họ phải mua bảo hiểm với số tiền cộng thêm 10%) và làm khó khăn cho DNBH trong khâu khấu trừ hoá đơn đầu vào khi bồi thường bằng tiền.
Với giác độ trên, đề nghị không đánh thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm vì quyền lợi của khách hàng (cá nhân và doanh nghiệp) mua bảo hiểm đem lại lợi ích cho cộng đồng, những người gặp rủi ro tai nạn và có phần nào đó giảm đi sự trợ giúp của ngân sách Nhà nước với rủi ro tai nạn nói trên.
 

[4] Luật Doanh nghiệp 2005 đã có những quy định cụ thể về lộ trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Cách quy định lộ trình trong luật này cũng có thể áp dụng tương tự như Luật Doanh nghiệp.

Các văn bản liên quan