Góp ý của VCCI

Thứ Ba 17:10 13-05-2008


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
................................................
Số:    049  5  /PTM-PC


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
...................................................
Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2008


Kính gửi: BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ 
V/v: Góp ý dự thảo Luật Công nghệ cao


Căn cứ vào đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Công nghệ cao, tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp thành viên và ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến góp ý sau:


      I. ĐÁNH GIÁ CHUNG


      1.      Nguyên tắc đánh giá


      Khi xây dựng và hoàn thiện, Dự thảo luật phải đáp ứng các tiêu chí sau: 
      (1)  Đảm bảo tính thống nhất của Dự thảo luật trong hệ thống pháp luật 
      (2)  Đảm bảo tính hợp lý, khả thi của Dự thảo luật 
      (3)  Ngôn ngữ sử dụng trong Dự thảo luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu và dễ áp dụng.

      2.      Đánh giá chung về Dự thảo luật

      Dự thảo Luật đã quy định khá cụ thể về các hoạt động công nghệ cao và biện pháp khuyến khích hoạt động công nghệ cao. Tuy nhiên, một số quy định trong Dự thảo chưa đáp ứng được các nguyên tắc nêu trên, cụ thể như sau:

      II. CÁC NỘI DUNG GÓP Ý CỤ THỂ


      1.      Về các chính sách ưu đãi phát triển công nghệ cao


      Trong các Chương II, III, IV, VI của Dự thảo, một trong những biện pháp để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao là áp dụng thuế suất ưu đãi và miễn thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng đang được sửa đổi, bổ sung. Để tránh việc quy định mâu thuẫn với pháp luật về thuế, đề nghị Ban soạn thảo dẫn chiếu đến các quy định của luật thuế chứ không quy định cụ thể trong Dự thảo này. 
      Hỗ trợ một phần kinh phí nhập khẩu công nghệ (khoản 2 Điều 12) là một trong những biện pháp ưu đãi tổ chức, nhập khẩu. Ưu đãi có thể được thông qua miễn, giảm thuế nhập khẩu công nghệ cao, hỗ trợ vốn để nhập khẩu..... Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đề nghị Ban soạn thảo đưa ra những hình thức hỗ trợ và những nguyên tắc cụ thể trong Dự thảo này. 
      Một trong những biện pháp khuyến khích phát triển công nghệ cao là việc ưu đãi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia nhập khẩu công nghệ cao. . Những quy định tại khoản 2 Điều 12 là chưa đầy đủ, đề nghị Ban soạn thảo đưa vào các loại hình hỗ trợ liên quan. 
      Điểm c khoản 3 Điều 26 về Ưu đãi đối với chuyên gia công nghệ cao quy định “Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ hoạt động công nghệ cao tại Việt Nam”. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại điểm này. Đây là một quy định mang tính khuyến khích đối với các chuyên gia, tuy nhiên trên thực tế có thể mang hiệu ứng ngược. Theo quy định pháp luật các nước và theo quy định tại các hiệp định song phương được ký kết với trên 50 nước về tránh đánh thuế hai lần, nếu nước ta không đánh thuế đối với các chuyên gia, khi về nước họ có thể bị đánh thuế và với mức cao hơn. Điều đó dẫn tới hậu quả không những không khuyến khích mà làm hạn chế chuyên gia khi tham gia vào hoạt động công nghệ cao tại Việt Nam.

      2.      Thông tin về công nghệ cao (Điều 13)


      Khoản 2 Điều 13 quy định “Hệ thống thông tin về công nghệ cao, cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ cao được cung cấp miễn phí”. Xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về công nghệ cao là điều hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Tuy vậy, công nghệ cao là hoạt động liên quan nhiều tới sở hữu trí tuệ, các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu trí tuệ cần được bảo vệ. Các thông tin về công nghệ cao không phải lúc nào cũng được cung cấp và cung cấp miễn phí. Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, căn cứ vào các quy định về pháp luật sở hữu trí tuệ và các quy định liên quan, căn cứ vào tính chất và nội dung các thông tin công nghệ cao để đưa ra các nguyên tắc, tiêu chuẩn, trong trường hợp nào, đối với những loại thông tin nào thì nên được cung cấp miễn phí, cung cấp có thu phí hoặc không cung cấp.


      3. Một số góp ý khác


      -         Khoản 5 Điều 3 Dự thảo đã đưa ra giải thích về “doanh nghiệp công nghệ cao”, do đó đề nghị không nên quy định lại tại khoản 1 Điều 16. 
      -         Điểm g khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định “Công nghệ biển” là một lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Công nghệ biển là một lĩnh vực chung, không phải công nghệ liên quan tới biển nào cũng được coi là công nghệ cao. Đề nghị Ban soạn thảo đưa ra những quy định cụ thể hơn về lĩnh vực công nghệ cao này. 
      -         Đối với khoản 3 Điều 17, đề nghị Ban soạn thảo đối chiếu với các quy định tại Dự thảo Luật công vụ. Theo quy định tại Dự thảo Luật công vụ, những đối tượng là giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học không còn là cán bộ công chức nhà nước. Nếu theo quy định này thì những giảng viên, cán bộ nghiên cứu có quyền được thành lập hoặc kiêm nhiệm thành lập doanh nghiệp công nghệ cao mà không cần quy định tại luật này. 
      -         Khoản 4 Điều 17 quy định “Sinh viên thành lập doanh nghiệp công nghệ cao, tham gia hoạt động công nghệ cao được bảo lưu kết quả học tập”. Đây là quy định khá chung chung. Thứ nhất, thành lập doanh nghiệp công nghệ cao là quyền của cá nhân nói chung và sinh viên nói riêng. Thứ hai, luật không cấm sinh viên được thành lập doanh nghiệp. Thứ ba, Luật giáo dục và các văn bản liên quan quy định cụ thể về bảo lưu kết quả học tập. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo, nếu đưa khoản này vào trong Dự thảo, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn. 
      -         Đối với Điều 33, đề nghị Dự thảo quy định trường hợp loại trừ hiệu lực của các văn bản khác có quy định về công nghệ cao từ khi Luật này có hiệu lực để tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. 
      -         So với các quy định hiện hành thì việc giải thích các từ ngữ như “công nghệ cao”, “hoạt động công nghệ cao”, “sản phẩm công nghệ cao”, “khu công nghệ cao”, “ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao” có nhiều điểm khác biệt[1]. Ngoài ra, có sự khác nhau giữa chính sách ưu đãi đối với hoạt động công nghệ cao giữa các quy định hiện hành và quy định trong Dự thảo. Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và đảm bảo sự kế thừa và chuyển tiếp giữa các ưu đãi khi Luật có hiệu lực, đề nghị, Ban soạn thảo đưa ra các nguyên tắc chuyển tiếp trong Dự thảo. Theo đó, khi Luật này có hiệu lực thì những văn bản, quy định pháp luật nào sẽ bị thay thế, bãi bỏ. Đối với các chủ thể đang được hưởng mức ưu đãi hiện hành thì có được hưởng mức ưu đãi theo luật không nếu có thì bước chuyển tiếp sẽ như thế nào? 
      -         Đề nghị bỏ đoạn “Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành luật này” tại Điều 34 của Dự thảo. Theo Điều 9 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì việc hướng dẫn chi tiết thi hành đã được quy định tại các điều khoản cụ thể của Luật, do đó không cần thiết phải đưa ra thành một Điều riêng .

      Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Luật Công nghệ cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo.

      Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.


 
 
Nơi nhận:
-          Như trên
-         Lưu VT, PC


T/L CHỦ TỊCH
TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ
 
 
 
Trần Hữu Huỳnh


 
 
 

[1] Ví dụ quy định trong Quy chế khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003

Các văn bản liên quan