Góp ý của VCCI về Dự luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ Ba 17:23 13-05-2008


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
***
Số:                  /PTM-PC
V/v: Góp ý Dự thảo Luật Thuế Thu nhập (bản ngày 20/2/08)


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------------------------------------
Hà Nội, ngày        tháng         năm 2008


                        Kính gửi:……………………………………………………………….


      Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp là một văn bản pháp luật có vị trí đặc biệt quan trọng trong khung pháp luật điều chỉnh về mặt tài chính nói riêng và về hoạt động nói chung của các doanh nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp, các chuyên gia, luật sư, các nhà hoạt động thực tiễn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (Dự thảo) như sau:


      I. Về quan điểm tiếp cận


      Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng[1] về chính sách cơ bản trong vấn đề thuế, những đòi hỏi của quá trình hội nhập (mà đặc biệt là những cam kết WTO) và những yêu cầu cơ bản về pháp lý đối với một văn bản pháp luật, Dự Luật cần đảm bảo đồng thời và ở mức tốt nhất có thể các nguyên tắc cơ bản sau đây:

(i) Đảm bảo đồng thời lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, nguồn thu của Nhà nước và tác động khuyến khích, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế;

(ii) Đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế;

(iii)  Đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình thực thi;

(iv)  Đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, chính xác và hợp lý của hệ thống pháp luật.

Đối chiếu Dự thảo hiện hành (bản ngày 20/2/2008) với các nguyên tắc nêu trên cho thấy mặc dù có một số quy định đáp ứng được những yêu cầu này, Dự thảo còn nhiều nội dung không đáp ứng được các nguyên tắc này và cần được xem xét điều chỉnh kịp thời.


      II. Góp ý cụ thể


      1. Nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa cộng đồng doanh nghiệp, Ngân sách Nhà nước và mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế


      Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là công cụ pháp luật quan trọng điều tiết mối quan hệ về lợi ích giữa doanh nghiệp (tăng nguồn lực tài chính, lợi nhuận, tích lũy, tái đầu tư) và Nhà nước (nguồn thu phát triển KT-VH-XH), và kéo theo những quan hệ lợi ích với các chủ thể khác (người lao động, các đối tượng thụ hưởng nguồn thu từ thuế, từ các hoạt động nhân đạo, tài trợ của doanh nghiệp). Đồng thời, các quy định phải đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài so với các nước khác có cùng điều kiện trong khu vực. 

      Xét từ góc độ này, có lẽ một số quy định hiện tại của Dự thảo cần được cân nhắc và điều chỉnh. Ví dụ: 

      (i) Quy định về mức thuế suất 25% (Điều 11.1) 

      So với mức thuế 28% hiện hành, mức 25% (giảm tuyệt đối) mà Dự Luật đưa ra đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nhiều hơn trước. Mức 25% này cũng được dự báo là sẽ góp phần vào việc tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, số doanh nghiệp được thành lập mới và số hoạt động hiệu quả sẽ tăng lên, nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước vì thế cũng được đảm bảo không bị thiệt hại lớn từ việc giảm thuế. 

      Tuy nhiên, mức 25% này xét trong tương quan chung chưa phải là giảm và chưa hẳn đã đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư bởi những lý do sau: 

      -  Với quy định mới về thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ ngày 1/1/2009 theo Luật Thuế thu nhập cá nhân), khoản thu nhập của người đầu tư kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế 2 lần (một lần theo thuế thu nhập doanh nghiệp và một lần theo thuế thu nhập cá nhân) và do đó tính tổng thuế thì về tương đối là không giảm; 

      -   Theo kết quả điều tra Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2007 của VCCI[2] thì 68,25% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức; 11,54% phải chi trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức; điều này cho thấy mức thuế 25% trên thực tế là 25% ++ (và do đó mức thuế 25% Dự thảo đề xuất, mức được coi là hấp dẫn so với mức thuế suất áp dụng tại các nước trong khu vực, chỉ là tương đối và chưa hẳn đã đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư[3]). 

      -   Theo nhiều chuyên gia thì mức thuế càng cao thì hiện tượng trốn thuế, lẩn tránh thuế càng phổ biến. Nếu thuế suất giảm xuống đến mức “chấp nhận được” khiến “chi phí” (bao gồm cả rủi ro pháp lý) cho việc lẩn tránh thuế sẽ cao hơn thuế thì doanh nghiệp sẽ có xu hướng tuân thủ pháp luật thuế tốt hơn. Nếu đánh giá này là đúng thì việc giảm mức thuế TNDN xuống dưới 25% có thể sẽ không làm tổn hại đến nguồn thu của Ngân sách Nhà nước mà còn có tác động tích cực trong việc khuyến khích tuân thủ pháp luật thuế. 

      Với những lý do trên đây, rất có thể mức thuế TNDN 25% tại Dự thảo chưa phải là mức “cân bằng” về lợi ích giữa các chủ thể mà còn có thể cần giảm hơn nữa (ví dụ xuống mức 22%). 

      (ii) Quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định chi phí chịu thuế (Điều 10.2) 

      - Đối với phần chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại…vượt quá 10% tổng số chi phí được trừ: 

      Quy định này có thể hạn chế ở mức nào đó hiện tượng lẩn tránh thuế của doanh nghiệp và do đó hạn chế thất thu cho Ngân sách. Tuy nhiên, ở góc độ của doanh nghiệp, quy định này không chỉ làm thiệt hại cho các doanh nghiệp thực tế đã chi cho các hoạt động này trên 10% tổng chi (mà số này là phổ biến trong hoàn cảnh việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi chi phí rất lớn) mà về lâu dài còn là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp có quy mô khác nhau và nhu cầu về quảng cáo, khuyến mại, xây dựng thương hiệu... Chính vì những bất hợp lý và thiệt hại về lợi ích này mà doanh nghiệp đã phản đối, khiếu nại rất mạnh trong thời gian qua[4]. 

      Bỏ giới hạn mức chi phí hợp lý[5] là khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh và thu lợi nhuận của doanh nghiệp – trong khi đó Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi của doanh nghiệp này đồng thời là khoản thu của doanh nghiệp khác và NN đã đánh thuế đối với khoản thu này[6]. Ngoài ra, việc áp dụng Luật quản lý thuế một cách hiệu quả cũng sẽ góp phần hạn chế gian lận và đảm bảo nguồn thu Ngân sách trong trường hợp này. 

      - Đối với các khoản chi trả cho người lao động không được quy định trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể theo quy định của Bộ luật lao động: 

      Quy định này gián tiếp ngăn cản các doanh nghiệp tạo điều kiện cải thiện đời sống của người lao động (trong hoàn cảnh các khoản thưởng thành tích cá nhân, các hoạt động văn hóa-thể thao dành cho tập thể người lao động… hầu hết đều không được quy định trước trong hợp đồng lao động hay thỏa ước tập thể mà phụ thuộc vào khả năng tài chính và kết quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp từng thời kỳ). Do đó mục tiêu về tăng cường lợi ích cho người lao động, thúc đẩy tái tạo sức lao động là không đạt được (trong khi đây là mục tiêu rất quan trọng và không thể bỏ qua). 

      Nếu bỏ quy định này (cho phép được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế các loại chi phí này) thì quyền lợi của người lao động có cơ hội được tăng cường trong khi nguồn thu Ngân sách có thể không vì thế mà bị hạn chế (bởi cùng với những chi phí của doanh nghiệp này là nguồn thu của doanh nghiệp khác, nếu có hóa đơn; hoặc thu nhập và tiêu dùng của cá nhân người lao động từ các khoản chi này là nguồn thu các loại thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng… của Nhà nước). 

      - Đối với các khoản tài trợ, từ thiện ngoài tài trợ cho giáo dục theo quy định của pháp luật: 

      Đối với những chi phí dạng này, nếu được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thì đúng là Ngân sách sẽ mất một khoản thu (bởi thu nhập tương ứng của các tổ chức từ thiện cũng không bị đánh thuế TNDN). Tuy nhiên, bù vào đó là một phần trách nhiệm xã hội đối với những đối tượng khó khăn của Nhà nước phải làm đã được doanh nghiệp san sẻ một phần (đôi khi là phần quan trọng)[7]. Vì vậy, xét từ góc độ lợi ích lẫn logic đều không có lý do gì để Dự thảo không xếp các loại chi phí này vào chi phí được phép trừ khỏi thu nhập chịu thuế nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh và đáp ứng những điều kiện khác nếu cần[8].
 
2. Về nguyên tắc công bằng giữa các đối tượng nộp thuế


      Thuế TNDN có liên quan trực tiếp và tức thời đến lợi ích của các đối tượng chịu thuế được xác định. Vì vậy, để đảm bảo việc thực thi, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tránh những phản ứng tiêu cực không có lợi, thuế TNDN phải công bằng ở mức tốt nhất có thể. 

      Tuy nhiên, Dự thảo hiện tại còn nhiều điểm chưa đáp ứng được yêu cầu này, dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ 

      (i) Đánh thuế thu nhập 2 lần với cùng một khoản thu nhập 

      Ví dụ Điều 10.2(i) về việc không cho phép trừ tiền lương, tiền công của chủ DNTN khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với doanh nghiệp tư nhân. 

      Như vậy, với cùng một khoản tiền (tiền lương của chủ DNTN)  đó sẽ có 2 loại thuế áp dụng (là thuế TNDN và thuế TNCN). Điều này rõ ràng là bất bình đẳng so với quy định về thuế đối với tiền lương của người lao động bình thường (chỉ phải chịu thuế TNCN mà không phải chịu thuế TNDN)[9]; 

      (ii) Không minh bạch dẫn tới bất bình đẳng giữa các đối tượng có điều kiện như nhau 

      Ví dụ Điều 10.2 về các loại chi phí không được phép trừ khi tính thu nhập chịu thuế còn rất nhiều điểm mơ hồ, không rõ ràng. 

      Với các quy định còn quá nhiều điểm không rõ ràng, dẫn chiếu đến nhiều văn bản khác (mà không được xác định cụ thể) trong khoản này, dễ dàng dự đoán được quá trình thực thi sẽ đòi hỏi những giải thích cụ thể từ cơ quan thuế với từng trường hợp. Cơ quan thuế được trao quá nhiều quyền trong việc giải thích dẫn đến khả năng các giải thích đó không thống nhất với nhau và không áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp có cùng điều kiện liên quan. Điều này dẫn đến hệ quả bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp có điều kiện như nhau nhưng áp dụng những giải thích khác nhau của cơ quan thuế. 

      Ví dụ về một số điểm không rõ ràng, thiếu minh bạch trong Điều 10.2: 

      -   Điểm c: “phần chi phí quản lý kinh doanh do công ty nước ngoài phân bổ… vượt quá mức tính theo phương pháp phân bổ do pháp luật quy định” – “pháp luật” này là văn bản nào? phương pháp phân bổ được xác định thế nào? 

      -   Điểm d: “Phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật có liên quan về trích lập dự phòng, tiền trang phục, tiền ăn giữa ca” – “pháp luật có liên quan” là pháp luật nào? các mức này cụ thể là gì? Cơ quan ra quy định về các định mức này căn cứ vào đâu để xác định các mức này? 

      -   Điểm đ: “mức tiêu hao hợp lý” là gì? Quy định ở đâu? Căn cứ vào cái gì để quy định mức đó? 

      -   Điểm e: “ngân hàng thương mại” là ngân hàng nào? mỗi ngân hàng có nhiều thang bậc lãi suất tùy theo đặc điểm của khoản vay thì phải lựa chọn mức lãi suất nào? 

      -   Điểm g: “quy định của pháp luật về khấu hao tài sản cố định” là quy định nào? mức khấu hao tài sản cố định được quy định như thế nào? căn cứ vào đâu? 

      -   Điểm h: “hết thời hạn quy định” là thời hạn nào? quy định ở đâu? 

      -   Điểm n: “khoản tài trợ cho giáo dục theo quy định của pháp luật” là quy định nào? với nội dung như thế nào? 

      Tất cả những điểm thiếu minh bạch nêu trên nếu không được làm rõ sẽ không chỉ tạo ra bất bình đẳng giữa các đối tượng chịu thuế mà còn là dư địa cho tham nhũng, hối lộ và các vấn đề phức tạp khác. 

      Việc làm rõ những điểm này không phải là không khả thi bởi thực tế thực hiện Luật thuế TNDN trong những năm qua cùng với các văn bản giải thích những vấn đề liên quan của Bộ Tài chính[10] là nguồn tư liệu tốt để bổ sung những nội dung này vào Dự thảo để các doanh nghiệp, chuyên gia bình luận, cơ quan thẩm tra và thông qua xem xét và có quyết định cụ thể. 

      (iii) Đối xử khác biệt mà không có lý do chính đáng 

      Ví dụ Điều 4.5 về việc miễn thuế TNDN đối với thu nhập từ các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của các Hợp tác xã. 

      Rất khó giải thích tại sao đối tượng miễn thuế trong trường hợp này chỉ là các Hợp tác xã trong bối cảnh các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đều hướng tới việc không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. 

      Ví dụ Điều 10.2 (n) về việc cho phép trừ chi phí tài trợ cho giáo dục khi xác định thu nhập chịu thuế. 

      Khó có lý do để giải thích việc không đánh thuế các khoản tài trợ cho giáo dục mà lại đánh thuế các tài trợ cho các mục đích xã hội khác cũng quan trọng không kém (ví dụ tài trợ cho người nghèo, cho người tàn tật, cho các khu vực bị thiên tai…). 

      Ví dụ Điều 19 quy định về việc trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp 

      Dự thảo cho phép doanh nghiệp được trích doanh thu để thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ (không phải đóng thuế với các khoản này, tất nhiên với các điều kiện nhất định). Quy định này được hiểu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên, trên thực tế có những doanh nghiệp không có nhu cầu lớn về phát triển khoa học công nghệ (ví dụ các doanh nghiệp dịch vụ) nhưng lại có nhu cầu cấp thiết về các hoạt động khác (ví dụ đào tạo nâng cao trình độ người lao động/người quản lý) và nhu cầu này là chính đáng. 

      Vì vậy, cần có nghiên cứu đầy đủ hơn về những nhu cầu chung, lớn, cấp thiết của các doanh nghiệp để có quy định hợp lý và công bằng (ví dụ bên cạnh “Quỹ phát triển khoa học công nghệ” thì có thể xem xét thêm “Quỹ phát triển nguồn nhân lực” với những điều kiện và mức trích doanh thu phù hợp với tính chất của các quỹ này). 

      (iv) Đối xử ưu tiên bất hợp lý cho một số nhóm đối tượng 

      Ví dụ Điều 14-15 về thuế suất ưu đãi, miễn và giảm thuế 
      Dự thảo quy định hình thức ưu đãi ngang nhau cho doanh nghiệp mới thành lập tại địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn và doanh nghiệp mới thành tại tại Khu công nghiệp do Chính phủ quyết định thành lập (nơi có điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi). Việc xếp chung 02 nhóm đối tượng này vào cùng một cơ chế về thuế là không có lý do chính đáng (ít nhất các doanh nghiệp ở địa bàn khó khăn phải được ưu đãi hơn doanh nghiệp thành lập trong Khu Công nghiệp). 

      Ví dụ Điều 17.2 về việc giảm thuế đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng nhiều lao động nữ. 

      Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng hệ thống thuế của Việt Nam rất phức tạp mà nguyên nhân chủ yếu nằm trong cơ chế ưu đãi thuế (khiến cho thuế không trung lập theo đúng tính chất, làm méo mó cơ chế giá[11]). Trong khi chờ đợi một giải pháp khác để chuyển các hỗ trợ ra khỏi hệ thống thuế, nên hạn chế dần các đối tượng được hưởng ưu đãi thuế. Nếu đây là hướng đi được lựa chọn thì rõ ràng cách quy định tại Điều 17.2 này là không hợp lý bởi đối tượng được giảm thuế quá phổ biến (có những ngành hầu như sử dụng lao động nữ là chủ yếu, ví dụ da giầy, dệt may… không phải vì họ ưu tiên lao động nữ mà vì đối tượng này thích hợp hơn theo yêu cầu/đòi hỏi của những ngành nghề này)[12]. 
  
      3. Về nguyên tắc khả thi và hiệu quả


      Một Luật quan trọng như Luật Thuế TNDN chỉ có thể có tác động tích cực đến môi trường kinh doanh, mang lại nguồn thu cho Ngân sách và khuyến khích phát triển khi các quy định của nó khả thi và được triển khai một cách hiệu quả trên thực tế. 

      Rà soát các quy định của Dự thảo cho thấy ở rất nhiều điểm của Dự thảo yêu cầu này đã không được đáp ứng và nếu không được điều chỉnh, khó có thể hy vọng Dự Luật mang lại những hiệu quả mong muốn so với Luật Thuế TNDN hiện hành. 

      (i) Hệ thống thuế phức tạp 

      Một điều kiện quan trọng để một Luật thuế khả thi là các quy định phải đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên, quy định của Dự thảo lại không được thiết kế phức tạp, nhiều tầng nấc. 

      Ví dụ Điều 13 về nơi nộp thuế của doanh nghiệp 

      Với quy định về việc phân bổ thu nhập tính thuế giữa nơi kinh doanh và nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp, việc phân bổ ngân sách (nguồn thu) giữa các địa phương có thể công bằng[13] và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, quy định như vậy là chỉ tính đến thuận lợi cho phía Nhà nước mà không tính đến khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong việc phân bổ doanh thu để nộp thuế hai nơi (chưa nói đến những khó khăn phát sinh từ việc bản thân “nguyên tắc phân bổ” này cũng chưa được xác định nội dung cụ thể). 

      Ví dụ Điều 14 về các loại thuế suất ưu đãi 

      Dự thảo nêu 02 nhóm ưu đãi (thuế suất ưu đãi và miễn giảm thuế suất) cho cùng các nhóm đối tượng. Điều này dẫn tới ít nhất hệ quả đối với mỗi đối tượng này cơ quan thuế phải cùng lúc tính toán 02 loại ưu đãi (đặc biệt trong những năm đầu hoạt động của doanh nghiệp), do đó rất phức tạp. 

      Để tránh hình thức phức tạp (ưu đãi đúp cho cùng đối tượng) nên chăng thay thế bằng một hình thức ưu đãi duy nhất (lựa chọn hoặc là thuế suất ưu đãi, hoặc là miễn/giảm thuế) với mức ưu đãi được tính toán để cộng gộp cả 2 loại ưu đãi dự kiến (ví dụ nếu chọn thuế suất ưu đãi là hình thức ưu đãi duy nhất thì thay vì mức 10% hoặc 20% có thể giảm xuống tương ứng còn 7% hoặc 16% [14]để bao hàm trong đó cả ưu đãi miễn/giảm đã cắt bỏ). 

      Ví dụ Điều 11.2 về thuế suất đối với doanh nghiệp tiến hành tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm 

      Dự thảo quy định khung thuế suất riêng cho các trường hợp này (chỉ định khung, không nêu cụ thể từng trường hợp mà giao Chính phủ quy định chi tiết). Quy định này làm hệ thống thuế TNDN trở nên phức tạp bởi có quá nhiều loại thuế suất; hơn nữa việc xếp các hoạt động thăm dò tìm kiếm (chưa có sản phẩm) với các hoạt động khai thác (có sản phẩm) dường như không hợp lý và không công bằng. 

      Có lẽ sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu vẫn áp dụng mức thuế suất chung cho những doanh nghiệp dạng này, việc đánh thuế với những sản phẩm có giá trị lớn khai thác được nên chuyển sang thuế tài nguyên (ví dụ sửa Luật Thuế tài nguyên). 

      Ví dụ Điều 17 về việc miễn/giảm thuế trong các trường hợp khác 

      Điều này chỉ nêu những đối tượng có thể được miễn, giảm thuế mà chưa đề cập bất kỳ chi tiết nào đến mức ưu đãi cho những trường hợp này (thậm chí cũng không giao cho Chính phủ quy định về việc này). 

      Dự thảo cần quy định cụ thể về mức ưu đãi, điều kiện ưu đãi đối với từng nhóm đối tượng (trường hợp giao Chính phủ quy định cũng cần nêu những điểm cơ bản về nguyên tắc). 

      (iii) Hệ thống thuế không minh bạch, không đầy đủ và thiếu chính xác 

      Một hệ thống thuế chỉ hiệu quả và khả thi nếu được thiết kế một cách rõ ràng (để các đối tượng thực thi có căn cứ chính xác và thống nhất thực hiện). Đứng từ góc độ này thì Dự thảo còn rất nhiều điểm không rõ ràng và về cơ bản sẽ khó có thể thực thi trong thực tế (hoặc nếu thực thi được thì đòi hỏi rất nhiều công văn hướng dẫn – một hình thức làm giảm hiệu lực pháp lý của Luật và khiến việc thực thi thiếu thống nhất, không công bằng, gây nhiều khiếu nại, khúc mắc của doanh nghiệp). 

      Ví dụ Điều 3 về thu nhập chịu thuế 

      Điều này quy định thu nhập chịu thuế bao gồm các “thu nhập khác”, đoạn 2 giải thích các “thu nhập khác” là gì nhưng lại cũng bao gồm “các thu nhập khác”. Đây là những chi tiết rất quan trọng để tính thuế mà lại không được làm rõ thì không thể thực hiện được. 

      Cần liệt kê theo danh sách “đóng” các loại thu nhập chịu thuế. Nhà nước muốn đánh thuế đối với thu nhập nào thì phải nêu rõ, trường hợp bản thân Nhà nước không thể nêu rõ thì không thể đánh thuế (việc quy định danh sách “mở” là không công bằng bởi phương pháp này đẩy rủi ro sang phía doanh nghiệp và tạo cơ hội quá lớn cho cơ quan Nhà nước trong việc giải thích thu nhập nào bị đánh thuế, thu nhập nào không). 

      Ví dụ Điều 4.7 về miễn thuế đối với các khoản tài trợ nhận được của tổ chức có thu nhập không chia dùng cho hoạt động từ thiện, nhân đạo, văn hóa… 

      Điều khoản này quy định mục tiêu từ thiện/xã hội của các tổ chức này phải “được pháp luật công nhận”. Vấn đề là pháp luật nào công nhận? Công nhận bằng văn bản pháp luật chung về các hoạt động đó hay phải có một văn bản công nhận riêng của cơ quan chức năng cho tổ chức đó (và trong trường hợp này cơ quan nào có thẩm quyền công nhận)? 

      Để minh bạch, dự thảo phải nêu rõ làm rõ những câu hỏi nói trên, hoặc nếu không phải thay thế bằng quy định “tổ chức từ thiện… có đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này”. 

      Ví dụ Điều 5 về kỳ tính thuế 

      Dự thảo quy định kỳ tính thuế theo năm với 2 loại: năm dương lịch hoặc năm tài chính nhưng lại không xác định cụ thể khi nào thì áp dụng kỳ tính thuế là năm dương lịch, khi nào là năm tài chính và cũng không làm rõ ai (doanh nghiệp hay cơ quan thuế) có quyền lựa chọn xác định kỳ tính thuế theo loại năm nào. 

      Ví dụ Điều 8 về xác định thu nhập chịu thuế 

      Dự thảo đưa các vấn đề về xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản vào một quy chế riêng (kê khai riêng, nộp thuế riêng), tách biệt khỏi quy định chung về thuế TNDN trong Luật này. Tuy nhiên Dự thảo lại không đưa ra được bất kỳ một quy định, phương pháp hay hướng dẫn nào về quy chế thuế TNDN riêng cho chuyển nhượng bất động sản. 

      Đọan cuối của Điều này có quy định “Chính phủ quy định cụ thể phương pháp xác định thu nhập chịu thuế” nhưng không rõ đây là quy định áp dụng cho cả Điều 8 này hay chỉ áp dụng riêng cho trường hợp thuế TNDN đối với bất động sản. Ngay cả khi đọan này áp dụng cho trường hợp về bất động sản thì Dự thảo cũng cần đưa ra những nguyên tắc xác định thu nhập chịu thuế với trường hợp này để Chính phủ dựa vào đó ban hành quy định hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính thuế. 

      Ví dụ Điều 10 về các khoản chi được trừ và những khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế 

      Đây là quy định quan trọng, gây nhiều tranh cãi và cũng thiếu rõ ràng nhất trong Dự thảo. Việc quy định thiếu rõ ràng không chỉ gây khó khăn trong quá trình áp dụng, dẫn tới hệ quả không công bằng giữa các đối tượng nộp thuế mà còn là dư địa cho cơ chế xin-cho, các hiện tượng tham nhũng, hối lộ, tạo tâm lý coi thường pháp luật của các đối tượng chịu thuế (Xem thêm phân tích trang 5 Bản góp ý này). 

      Ví dụ Điều 8,9,10 về thu nhập chịu thuế TNDN 

      Dự thảo đưa ra các quy định để xác định thu nhập chịu thuế áp dụng trong các trường hợp chung. Tuy nhiên, quy định này khó có thể áp dụng trong một số ngành kinh doanh có cơ chế tài chính đặc thù (ví dụ ngành bảo hiểm) hoặc trong các trường hợp có sự chuyển đổi đặc biệt về tài chính (ví dụ chia tách, sáp nhập công ty). Nếu không có những nguyên tắc và/hoặc dẫn chiếu đến các trường hợp đặc thù thì việc tính thu nhập chịu thuế cho những trường hợp này sẽ được thực hiện như thế nào? 

      Để đảm bảo tính chặt chẽ của pháp luật về thuế, Dự thảo cần dự kiến giải pháp cho những trường hợp đặc thù này hoặc ít nhất cũng nêu nguyên tắc và dẫn chiếu tới các phương pháp hoặc văn bản áp dụng thay thế hoặc hướng dẫn. 
  
      4. Về nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất, hợp lý, chính xác của hệ thống


      Là một văn bản quan trọng trong hệ thống pháp luật thuế nói riêng và trong hệ thống văn bản pháp luật về môi trường kinh doanh nói chung, Luật Thuế TNDN cần đảm bảo đầy đủ những yêu cầu về mặt pháp lý đối với một văn bản pháp luật. Tuy nhiên, Dự thảo hiện tại còn rất nhiều điểm chưa đảm bảo các yêu cầu này và nếu không được điều chỉnh thì sẽ tạo ra những rủi ro pháp lý lớn trong quá trình thực thi cả cho doanh nghiệp và cho Ngân sách nhà nước. 

      (i) Không thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan khác 

      Ví dụ Điều 2.2 về các đối tượng chịu thuế 

      Điều này liệt kê các loại đối tượng phải chịu thuế TNDN nhưng không phù hợp với các loại hình doanh nghiệp theo quy định tại các văn bản pháp luật khác, ví dụ: 

      -  Không có doanh nghiệp nào thành lập theo quy định của Luật Đầu tư (Luật Đầu tư chỉ quy định về các hình thức đầu tư, không quy định về doanh nghiệp); 

      -  Có rất nhiều “doanh nghiệp” không thành lập theo Luật Doanh nghiệp mà theo pháp luật kinh doanh chuyên ngành (ví dụ doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng, các văn phòng luật sư, cơ sở y tế…); 

      -   Có những doanh nghiệp nhà nước thành lập và hoạt động theo các văn bản pháp luật cũ (Luật Doanh nghiệp Nhà nước…) và chưa chuyển đổi sang mô hình mới (Luật Doanh nghiệp 2005 quy định thời hạn chuyển đổi đối với các doanh nghiệp Nhà nước đến 2010). 

      Ví dụ Điều 6 về áp dụng điều ước quốc tế 

      Điều này quy định ưu tiên áp dụng các quy định của điều ước quốc tế về cơ sở thường trú và phương pháp xác định thu nhập chịu thuế nếu có khác biệt với quy định liên quan của Luật này. Tuy nhiên, quy định này không hoàn toàn phù hợp với quy định tại Luật Điều ước quốc tế (Điều 6) theo đó trường hợp có khác biệt giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế thì ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế. Như vậy, việc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế là trong tất cả các quy định chứ không chỉ hạn chế ở các quy định về cơ sở thường trú và phương pháp xác định thu nhập chịu thuế. 

      Vì vậy, cần điều chỉnh lại Điều này theo đúng công thức chung “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì ưu tiên áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. 

      Ví dụ Điều 10.2(e) về chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất vượt quá 1,2 lần lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại tại thời điểm vay 

      Việc không cho phép trừ phân chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất vượt quá mức 1,2 lần là gián tiếp không thừa nhận tính hợp pháp của những khoản vay của doanh nghiệp với mức lãi suất trên mức này. Quy định này không phù hợp với Bộ Luật Dân sự (Điều 476) theo đó mức lãi suất tối đa mà các bên được phép thỏa thuận là 1.5 lần mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố với khoản vay tương tự)[15]. 

      Cần điều chỉnh lại quy định này, ít nhất là cho phù hợp với mức 1,5 lần tại Bộ Luật Dân sự (có thể cân nhắc một mức lãi suất cao hơn bởi giao dịch vay thương mại không hoàn toàn giống vay dân sự). 

      Ví dụ Điều 14, 15 về ưu đãi thuế 

      Các trường hợp được ưu đãi thuế quy định trong các Điều này không tương thích với các trường hợp doanh nghiệp được ưu đãi thuế quy định trong Luật Đầu tư 2005 và Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư. Sự khác biệt này có thể được giải thích một phần bởi lý do Luật Đầu tư chỉ quy định về ưu đãi thuế nói chung, có thể có những trường hợp được liệt kê trong Luật Đầu tư nhưng không phải là đối tượng được ưu đãi thuế TNDN mà được ưu đãi thuế khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đối với doanh nghiệp, loại thuế quan trọng nhất và chung nhất là thuế TNDN, vì vậy việc ưu đãi thuế nêu trong Luật Đầu tư thực chất là hướng tới thuế TNDN này chứ không phải một loại thuế cá biệt, chỉ áp dụng cho các nhóm doanh nghiệp nhỏ hoặc thuế do doanh nghiệp thu hộ (VAT) nào khác. 

      Vì vậy, cần xem xét điều chỉnh danh mục đối tượng ưu đãi thuế trong các điều này cho phù hợp với danh mục nêu tại Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006. 

      (ii) Thiếu chính xác 

      Không có Điều khoản nào định nghĩa thuật ngữ 
      Một văn bản pháp luật phải đảm bảo tính chính xác và cách hiểu thống nhất trong các thuật ngữ sử dụng trong văn bản đó. Yêu cầu này càng quan trọng hơn với một văn bản pháp luật về thuế (đặc biệt là các thuật ngữ liên quan đến khoản thu nhập chịu thuế, các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế…). Để đảm bảo điều này hầu hết các văn bản Luật đều có một Điều để “giải thích từ ngữ”. 

      Dự thảo cần bổ sung Điều khoản này. 

      Nhiều quy định chi tiết không đảm bảo tính chính xác 

      - Ví dụ Điều 2 quy định rất rối và không chính xác[16] 

      - Ví dụ Điều 3, 4 (về thu nhập chịu thuế và thu nhập miễn thuế): Hai Điều này quy định phải gắn kết chứ không thể tách rời bởi với phương pháp loại trừ, tất cả các thu nhập không phải thu nhập chịu thuế thì là thu nhập được miễn thuế. Vì vậy tại Điều 3 cần có lời dẫn “Tất cả các thu nhập liệt kê dưới đây là thu nhập chịu thuế trừ các thu nhập nêu tại Điều 4 Luật này” (theo cách quy định tương tự của Luật Thuế Thu nhập cá nhân); 

      - Ví dụ Điều 10.1 về các khoản chi được trừ: các điều kiện nêu ra trùng lặp (ví dụ các khoản chi “đủ hóa đơn, chứng từ” đương nhiên được xem là “hợp pháp”) hoặc không khả thi (điều kiện “khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh” phải chứng minh như thế nào? với các yêu cầu gì?)… 

      Từ các phân tích và các ví dụ chứng minh nêu trên cho thấy so với những nguyên tắc cơ bản của Luật thuế nói chung và Luật thuế TNDN nói riêng, Dự thảo còn rất nhiều điểm chưa phù hợp. Để có một văn bản thuế khả thi, hiệu quả và tạo tác động tích cực, bền vững đối với môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, những điều chỉnh đối với nội dung Dự thảo là đặc biệt cần thiết. 

      Rất mong các ý kiến nêu trên của VCCI được quý Cơ quan xem xét và tiếp thu trong quá trình điều chỉnh Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp./
 


 
 
 
 
 
Nơi nhận:
- Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội
- Bộ Tài chính
- Lưu VT, PC


CHỦ TỊCH
 
 
 
 
VŨ TIẾN LỘC


 


[1] Về vấn đề này, Nghị quyết có nêu “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế theo nguyên tắc công bằng, thống nhất và đồng bộ, bảo đảm môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh”.


[2] Điều tra 6.700 doanh nghiệp dân doanh ở tất cả 64 tỉnh thành.


[3] Có ý kiến cho rằng với quy định được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước về việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần chênh lệch giữa thuế suất áp dụng tại nước doanh nghiệp đầu tư và thuế suất áp dụng tại nước doanh nghiệp mang quốc tịch, mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp không có ý nghĩa trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (bởi tính tổng thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải trả phần thuế chênh lệch cho Ngân sách nước họ).
Lập luận này chỉ chính xác đối với những trường hợp nước đầu tư áp dụng mức thuế suất thuế TNDN cao hơn mức 25%; còn nếu áp dụng mức thấp hơn thì theo thông lệ chung nước mà nhà đầu tư mang quốc tịch sẽ không thu thuế TNDN của họ, do đó trong trường hợp này việc quy định mức thuế suất thấp vẫn tỏ ra có hiệu quả trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu về đầu tư tại Việt Nam tính đến 4/2007 (bao gồm Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, British Virgin Island, Hà Lan, Hoa Kỳ, Pháp, Cayman Islands) thì chỉ có 4 nước hiện đang đánh thuế TNDN ở mức cao hơn 25% (và chỉ có 1 nước nằm trong top 5 nước/vùng lãnh thổ đứng đầu về FDI tại Việt Nam).


[4] Lập luận cho rằng trên thực tế cũng có doanh nghiệp phản ánh thực tế khác (ví dụ mức 10% có khi không dùng hết) không thuyết phục bởi mỗi doanh nghiệp có nhu cầu khác nhau (có DN không dùng đến 10% thì cũng có DN chi quá mức đó) và việc Nhà nước quy định các mức cố định cho những hoạt động gắn liền với quá trình kinh doanh bản thân nó đã là sự can thiệp quá sâu vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp


[5] Trường hợp không thể thực hiện được điều này (với điều kiện phải nêu được lý do chính đáng và thuyết phục) thì theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, thì hoặc là Dự thảo cần nâng mức giới hạn lên (ví dụ 20%), hoặc là cần tách các chi phí tiếp tân, khánh tiết ra khỏi nhóm các chi phí quảng cáo, tiếp thị… và chỉ quy định giới hạn 10% đối với nhóm chi phí tiếp tân, khánh tiết này.


[6] Từ góc độ công bằng, việc Nhà nước chấp nhận nguồn thu từ hoạt động dịch vụ quảng cáo, tiếp thị…của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (dưới hình thức thuế TNDN áp dụng cho các doanh nghiệp này) mà lại không thừa nhận các khoản chi cho chính các hoạt động này của doanh nghiệp thuê dịch vụ là rất khó chấp nhận được.


[7] Có một thực tế là các hoạt động từ thiện của các doanh nghiệp thường mang ý nghĩa đúp: bên cạnh ý nghĩa đạo đức, trách nhiệm xã hội, hoạt động này còn là một hình thức quảng cáo, tiếp thị hình ảnh gián tiếp cho các doanh nghiệp. Như vậy nếu không đánh thuế đối với các khoản chi từ thiện của các doanh nghiệp thì cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước từ bỏ một phần nguồn thu từ các hoạt động “quảng cáo” gián tiếp này. Tuy nhiên, trong trường hợp này có lẽ Nhà nước cũng phải thực hiện một phép đánh đổi tương ứng - chấp nhận mất một phần nguồn thu (nhỏ) để có được sự chung sức của doanh nghiệp đối với các hoạt động xã hội – từ thiện, phúc lợi xã hội của Nhà nước.


[8] Quy định này sẽ góp phần giải tỏa mối quan ngại về việc các doanh nghiệp lợi dụng điều này để chuyển đi chuyển lại các khoản tiền lớn dưới hình thức từ thiện trá hình để trốn thuế.


[9] Phần tiền lương này đang được xem xét độc lập với phần thu nhập của chủ DNTN từ thu nhập của chính DNTN (phần này, tương tự như thu nhập từ cổ tức, hiện cũng đang bị đánh thuế 2 lần – thuế TNCN và thuế TNDN trong khi lẽ ra phải cho họ quyền lựa chọn 1 trong 2 loại thuế).


[10] Ngoài ra nếu lập luận rằng các văn bản giải thích đó đến nay cũng chưa đủ và bản thân cơ quan soạn thảo không thể làm rõ hơn các quy định này (cùng với đó là yêu cầu rằng đơn vị bình luận phải cung cấp giải pháp cụ thể cho từng trường hợp) thì rõ ràng điều này là không hợp pháp và không hợp lý (bởi nếu bản thân cơ quan sọan thảo và tiếp đó là cơ quan ban hành không biết rõ thì làm sao yêu cầu thực thi quy định được).


[11] Trong khi lẽ ra các chính sách xã hội hỗ trợ các đối tượng liên quan nên được thực hiện riêng, trong các cơ chế hỗ trợ khác.


[12] Ngoài ra, quy định này cũng không thống nhất với các quy định trong cùng điều khoản khi ưu đãi thuế cho thu nhập của cả doanh nghiệp (trong khi các trường hợp khác chỉ ưu đãi thuế đối với phần thu nhập được tạo ra hoặc có liên quan đến các đối tượng ưu tiên).


[13] Theo lập luận rằng địa phương nơi có đơn vị kinh doanh hoạt động phải cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho đơn vị đó nên có quyền được hưởng thuế mà đơn vị này đóng góp. Tuy nhiên, có lập luận khác cho rằng ngay cả khi không thu được đồng thuế nào từ những đơn vị này thì bản thân việc đơn vị đó hoạt động tại địa phương cũng đã mang lại những lợi ích nhất định (ví dụ giải quyết công ăn việc làm, tiêu thụ các sản phẩm của địa phương…).


[14] Đây chỉ là ví dụ để trình bày dễ hiểu hơn – việc quyết định mức ưu đãi “cộng gộp” như thế nào cần được tính toán chi tiết để có mức thích hợp.


[15] Đó là chưa tính đến thực tế là nhiều doanh nghiệp do không thể vay của các ngân hàng đã phải chấp nhận những khoản vay bên ngoài với mức lãi suất rất cao (không chỉ dừng lại ở mức mà Bộ luật Dân sự quy định cho các giao dịch dân sự).


[16] Có thể sửa đổi lại như sau:
Điều 2. Đối tượng chịu thuế
Đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật này bao gồm:
1. Doanh nghiệp được thành lập hợp pháp tại Việt Nam theo pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã và các văn bản pháp luật kinh tế chuyên ngành (chịu thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam);
2. Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam (chịu thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam thông qua cơ sở thường trú và đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam không liên quan đến cơ sở thường trú);
3. Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (chịu thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam);
4. Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (chịu thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam);
5. Tổ chức được thành lập và hoạt động theo luật pháp Việt Nam trong các lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội khác vì mục tiêu hoà bình, hữu nghị, phát triển kinh tế - xã hội có thu nhập nhưng không chia (gọi tắt là tổ chức có thu nhập không chia), bao gồm cả tổ chức nước ngoài được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
6. Các tổ chức khác có hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, có thu nhập.
(Khoản 3 của Điều 2 Dự thảo hiện tại nên chuyển sang Điều về giải thích từ ngữ)

Các văn bản liên quan