THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP CẦN ĐƠN GIẢN, RÕ RÀNG

Thứ Bảy 11:20 29-03-2008

THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP CẦN ĐƠN GIẢN, RÕ RÀNG

VÀ KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN, ĐÓNG GÓP CHO XÃ HỘI

 

Luật sư Trần Vũ Hải

 

            Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật thuế Thu nhập Doanh nghiệp (sửa đổi), tôi có một số ý kiến như sau:

1.      Mức thuế suất phổ thông được đề xuất 25% cần giảm xuống 22%, vì:

a/   Theo luật thuế thu nhập cá nhân, người có thu nhập từ lợi tức kinh doanh phải đóng thêm 5% thu nhập này (đây là thuế mới đối với thu nhập loại này). Nếu thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ xuống 25%, tức nếu doanh nghiệp có lãi trước thuế 100 đồng, phải đóng thuế 25 đồng, cổ đông được chia 75 đồng phải đóng thuế 5%x75 đồng =3,75 đồng, tổng cộng phải đóng thuế 28,75 đồng cao hơn mức 28% so với luật thuế hiện hành.

b/ Thực tế các nước cho thấy, thuế suất càng thấp, doanh nghiệp sẽ càng đóng nhiều, càng giảm việc tiêu cực giữa doanh nghiệp và cán bộ thuế để ăn chia việc giảm thuế (mà thực tế vẫn diễn ra phổ biến). Vì vậy chúng tôi đề nghị thuế suất phổ thông là 22%, vừa có lợi cho ngân sách Nhà nước (về dài hạn), vừa khuyến khích doanh nghiệp.

2.      Cần thu gọn các mức thuế suất:

Dự thảo quy định có các mức thuế xuất là 25% (thông thường);10% và 20% (ưu đãi),  ngoài ra còn có mức 0% (miễn thuế) và giảm thuế 50% (tức có mức 5%). Như vậy có 5 mức thuế suất. Chúng tôi đề nghị, chỉ quy định 3 mức thuế suất (và không có mức giảm thuế), cụ thể như sau:

-         Mức thuế phổ thông: 22%

-         Mức thuế ưu đãi: 11%

-         Mức thuế ưu đãi đặc biệt: 0%.

3.      Cần thu gọn các thời hạn áp dụng mức thuế ưu đãi

Thời hạn ưu đãi thuế được quy định tại điều 15  gồm các mức 15 năm, 10 năm, 9 năm, 4 năm và 2 năm; trường hợp đặc biệt có thời hạn ưu đãi thuế có thể lớn hơn 15 năm. Chúng tôi đề xuất thu gọn 5 thời hạn này thành 3 thời hạn: 2 năm, 6 năm và  15 năm, cụ thể có những mức và thời hạn ưu đãi như sau:

a/   Mức 1: Mức ưu đãi phổ biến 2 năm với thuế suất ưu đãi 11% (có thể áp dụng cho mọi doanh nghiệp mới thành lập, do người khởi sự doanh nghiệp trực tiếp điều hành doanh nghiệp, tức những người trước đó chưa tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp khác)

b/   Mức 2: Hoặc thuế suất 0% trong 2 năm hoặc thuế suất 11% trong 6 năm tùy doanh nghiệp lựa chọn, nếu họ thuộc đối tượng được ưu đãi.

c/   Mức 3: Hoặc thuế suất 0% trong 6 năm hoặc thuế suất 11% trong 15 năm tùy doanh nghiệp lựa chọn nếu họ thuộc đối tượng ưu đãi. 

d/   Mức đặc biệt: Thuế suất 0% trong 6 năm và tiếp theo thuế suất 11% trong thời hạn không quá 15 năm sau đó đối với những dự án đặc biệt do Thủ tướng chính phủ quyết định.

4.      Cần tính cho doanh nghiệp các chi phí trước thuế như theo thông lệ quốc tế,

Các chi phí này không thanh toán cho cổ đông, hoặc tăng vốn cho doanh nghiệp nhưng có lợi cho người lao động và cho xã hội, cụ thể những chi phí như sau:

a/  Chi phí phúc lợi khen thưởng (cho người lao động cũng như cho người quản lý doanh nghiệp). Người hưởng lợi phải tính thu nhập này vào thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân.

b/  Chi phí cho phát triển thể thao, văn hóa nghệ thuật, từ thiện, hoặc tương tự nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào xã hội hóa các lĩnh vực mà Nhà nước cần quan tâm phát triển nhưng chưa đủ nguồn lực.

Để tránh việc lạm dụng chi phí này có thể quy định các chi phí này không quá 10% lợi nhuận trước thuế (nếu quá sẽ không được tinh là chi phí hợp lý trước thuế đối với phần vượt 10%.

5.      Cần có quy định về thu thuế doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, Văn phòng luật sư.

Thông lệ các nước đều quy định thu nhập của những chủ doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư này tính vào thu nhập cá nhân chịu thuế thu nhập cá nhân, không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng tiếc luật thuế thu nhập cá nhân đã chưa chấp nhận quan điểm này. Nếu Luật thuế thu nhập doanh nghiệp lại quy định những đối tượng này phải vừa nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, vừa nộp thuế thu nhập cá nhân (từ lợi tức doanh nghiệp) là không công bằng. Do đó cần có điều chỉnh thích hợp để giảm thiểu sự không công bằng này.

Chúng tôi đề nghị chủ DNTN, VPLS trực tiếp là người điều hành doanh nghiệp, cần tính cho họ chi phí tương đương 5 triệu đồng/tháng là thu nhập để tái tạo sức lao động cho chính họ trước khi tính thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp. Ví dụ: một VPLS có thu nhập 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí 60 triệu đồng như trên, thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ là 90 triệu đồng và với thu nhập này họ sẽ phải chịu 2 loại thuế: Thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ lợi tức kinh doanh.

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi rất mong được ban soạn thảo xem xét,

Trân trọng!

Các văn bản liên quan