Ý kiến của TS. Nguyễn Minh Đoan – ĐH Luật Hà Nội

Thứ Sáu 15:45 28-03-2008

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT SỬA ĐỔI

                                                                                    TS. Nguyễn Minh Đoan

1.      Nhận xét chung

Có thể nói những năm gần đây hoạt động xây dựng pháp luật ở nước ta nói chung, của Quốc hội nói riêng có rất nhiều khởi sắc. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều về số lượng và chất lượng cũng không ngừng được củng cố, nâng cao. Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật được mở rộng bao quát hầu hết các lĩnh vực cơ bản quan trọng của đời sống xã hội. Quy trình, thủ tục, thẩm quyền và những vấn đề quan trọng khác liên quan đến việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương đều đã được pháp luật (cụ thể là Hiến pháp, các luật tổ chức bộ máy nhà nước, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân) quy định tương đối chặt chẽ, đầy đủ.

Bên cạnh những thành tựu hết sức to lớn như vậy, thì một thực tế không thể phủ nhận là chất lượng của một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành thời gian qua vẫn không cao, mặc dù tất cả những quy trình, quy phạm nói trên về cơ bản đều đã được thực hiện đầy đủ. Một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tính quy phạm không cao nên rất khó đi vào cuộc sống. Có quá nhiều nội dung của văn bản luật muốn thực hiện được phải cần tới rất nhiều các văn bản quy định chi tiết, hướng dân thi hành. Trong khi hoạt động kiểm tra, giám sát việc quy định chi tiết của Quốc hội đối với các cơ quan được giao quy định chi tiết về nội dung và thời gian ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn không được thường xuyên và hiệu quả không cao.

Trên thực tế việc ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành văn bản luật thường rất chậm, không tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục thời gian và thậm chí còn sai cả về nội dung cần quy định chi tiết. Một số luật có những quy định không thống nhất với nhau hoặc trùng lặp quá nhiều. Chẳng hạn, sự lặp lại của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là quá nhiều, đến mức không cần thiết. Đọc các luật này người ta có cảm giác Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân chỉ là sự chi tiết hoá các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Và sự quá chi tiết này lại làm cho Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hình như là quy định chưa đầy đủ đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương.

Trong khi ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX các chuyên gia pháp luật đã đề nghị soạn thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó phải bao gồm cả việc ban hành hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương và văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước địa phương vì tất cả chúng đều là văn bản quy phạm pháp luật nên quá trình soạn thảo, ban hành, việc xác định hiệu lực, nguyên tắc áp dụng có rất nhiều điểm giống nhau. Như vậy, chỉ cần một văn bản luật quy định về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là đủ và nội dung luật này cũng không có gì là quá lớn. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được chia tách thành nhiều luật như vậy mang tính cắt khúc và khó thống nhất. Hơn nữa xuất phát từ nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất, hoạt động của bộ máy nhà nước phải thống nhất thì các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước được phân công ban hành cũng phải thống nhất.

Nhiều văn bản được ban hành một cách vội vàng do sức ép về thời gian nên công tác chuẩn bị chưa được tốt. Sức ép thời gian còn thể hiện ở chỗ cứ mỗi công đoạn, quy trình, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản thường bị chậm một chút dẫn đến các công đoạn sau càng phải vội vàng, bị dồn ép về thời gian.

Luật quy định là Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự thảo văn bản luật, Bộ Tư pháp thực hiện việc thẩm định, song trên thực tế số lượng cán bộ trực tiếp tham gia thẩm định hoặc thẩm tra dự thảo văn bản là không nhiều và số có điều kiện đọc, nghiên cứu kỹ dự thảo văn bản để thẩm tra, thẩm định lại càng ít nên chất lượng thẩm tra, thẩm định không cao.    

Pháp luật là hiện tượng chính trị xã hội theo nghĩa rộng của nó, do vậy, việc xây dựng và nội dung các văn bản luật, các quy phạm pháp luật luôn phản ánh kết quả của sự tranh đấu, sự thoả hiệp giữa các cấp, các ngành, các tầng lớp, lực lượng xã hội khác nhau trong xã hội hiện tại. Từ đó cho thấy việc phân chia quyền lực, lợi ích giữa những lực lượng trong xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đưa ra chính sách pháp luật này hay chính sách pháp luật khác, ban hành văn bản hay quy định pháp luật. Tất cả những sự phức tạp đó sẽ lý giải cho việc xây dựng các quy phạm pháp luật phù hợp với quy luật vận động và phát triển xã hội hay chỉ phù hợp với lợi ích của lực lượng này hay của lực lượng khác và lực lượng đó có đại diện cho sự tiến bộ xã hội hay không? Vấn đề này là tuỳ thuộc vào giác độ và quan điểm của người đánh giá. Cuộc tranh đấu về lợi ích đó diễn ra ngay từ khi soạn thảo văn bản (giữa các thành viên của ban soạn thảo hoặc những người có ảnh hưởng tới quá trình soạn thảo văn bản); trên diễn đàn các kỳ họp của Quốc hội và cả trong quá trình ban hành các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành (nội dung các vấn đề được giao cho các bộ, ngành để quy định chi tiết thường phức tạp nên mỗi ngành, mỗi cơ quan luôn có xu hướng quy định, hướng dẫn sao cho có lợi cho bộ, ngành mình nhiều nhất). 

Nếu trước đây khi ban hành pháp luật người ta thường nhấn mạnh đến lợi ích giữa giai cấp này với giai cấp khác thì ngày nay cần chú ý là pháp luật không chỉ liên quan đến lợi ích của giai cấp mà còn là lợi ích của các nhóm có chung lợi ích ngay trong cùng một giai cấp. Bởi trong mỗi giai cấp cũng có sự phân tầng của nó (tầng lớp trên, tầng lớp trung gian và tầng lớp dưới). Tầng lớp trên thường có nhiều quyền hạn, lợi ích hơn, gắn bó với quyền lực nhà nước chặt chẽ hơn, còn tầng lớp dưới thường là đông đảo hơn song lợi ích thường ít hơn, vai trò và ảnh hưởng thường nhật đến quyền lực nhà nước ít hơn. Vì vậy, để có thể giải quyết được vấn đề lợi ích của các lực lượng thông qua các quy định của một văn bản quy phạm pháp luật một cách hài hoà, có thể chấp nhận được là rất khó.

Đôi khi tư tưởng chỉ đạo về nội dung của một số dự án luật không thống nhât, chưa rõ ràng, đầy đủ. Những nhà phân tích chính sách không đưa ra được những định hướng chính xác, tối ưu và đầy đủ. Các cơ quan lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, kể cả Quốc hội thường không đưa ra được đề cương chi tiết với những tư tưởng chỉ đạo thật chặt chẽ, đầy đủ nên những người trực tiếp soạn thảo văn bản gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế trên cho thấy, hầu như công việc soạn thảo dự án luật được dồn lên vai ban soạn thảo (những người làm công tác trực tiếp soạn thảo dự án luật) là chủ yếu.

Để khắc phục những hiện tượng trên thì việc sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết. Dự thảo có rất nhiều tiến bộ so với Luật cũ, song cũng còn những điểm theo chúng tôi cần khắc phục.

2.      Về thu gọn các loại văn bản quy phạm pháp luật

Hiện nay ở nước ta có quá nhiều văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật, nhiều văn bản chứa đựng những nội dung lặp lại của các văn bản khác, nhất là của các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn. Nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành lại là sự sao chép lại văn bản chính và có bổ sung đôi chút, nên số lượng quy phạm (các quy định pháp luật) là quá nhiều, dẫn đến khả năng bao quát nội dung của tất cả các văn bản, xác định sự mâu thuẫn, chống chéo giữa các văn bản là rất khó khăn, ảnh hưởng không tốt đến cả hoạt động ban hành và cả hoạt động thực hiện pháp luật, do vậy, việc giảm bớt hình thức văn bản quy phạm pháp luật như dự thảo là cần thiết. Theo tôi nên bỏ luôn cả “thông tư liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị- xã hội” được quy định trong khoản 10 điều 2 của dự thảo. Bởi pháp luật là của Nhà nước, nếu có vấn đề gì liên quan đến tổ chức chính trị -  xã hội thì cơ quan nhà nước sẽ (phải) tham khảo ý kiến của các tổ chức đó là đủ.

3. Ban soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Theo quy định của Luật luật thì Ban soạn thảo phảI thực hiện rất nhiều công việc, mà số lượng thành viên Ban soạn thảo không nhiều. Thành phần các Ban soạn thảo thì rất “hoành tráng” với đầy đủ đại diện của các cơ quan, ban, ngành có liên quan cùng những người có trách nhiệm, quyền hạn. Song trên thực tế những người trong Ban soạn thảo tham gia trực tiếp soạn thảo văn bản là không nhiều, hầu hết công việc là do tổ biên tập thực hiện. Như vậy, nhiều người có tên trong ban soạn thảo chẳng qua là chỉ để cho “đẹp đội hình” Ban soạn thảo còn thực chất vai trò tác dụng của họ đối với việc chuẩn bị dự thảo văn bản là rất ít. Thành phần của ban soạn thảo thuộc nhiều cơ quan, ban, ngành khác nhau nên việc phối hợp với nhau cũng rất khó khăn, do vậy, hầu như cơ quan chủ trì phải thực hiện là chính.

Chưa kể là đôi khi Ban soạn thảo còn bị chi phối (sức ép) của một số ý kiến chỉ đạo có tính chất chủ quan của một số cá nhân có địa vị trong xã hội. Những ý kiến chỉ đạo này hoặc do nhận thức chưa đầy đủ, không sâu hoặc do lợi ích cục bộ của cơ quan, ngành, địa phương mình...gây không ít khó khăn cho những người trực tiếp soạn thảo. Một số bộ, ngành, hay cá nhân được giao chủ trì hay tham gia soạn thảo văn bản chỉ chú trọng đến việc bảo vệ hay đấu tranh vì lợi ích cục bộ của bộ, ngành mình được quy định trong dự thảo văn bản mà không chú ý đến lợi ích chung của toàn xã hội.

Như vậy, người có quyền thường thì lại là người không thực sự thực hiện quyền đó mà thường do những người khác thực hiện. Cũng chính tình trạng này mà trách nhiệm của mỗi người trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thường không cao và pháp luật cũng không quy định trách nhiệm pháp lý bất lợi đối với những người tham gia soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật sai trái hoặc có chất lượng không tốt.

Do vậy, cần củng cố, nâng cao đội ngũ những người trực tiếp tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật ở các bộ, ban ngành. Thu hút nhiều chuyên gia pháp luật giỏi của các vụ, viện, trường đại học vào công tác xây dựng pháp luật. Trong thành phần các ban soạn thảo cần bổ sung thêm số lượng các chuyên gia pháp lý có trình độ cao (khoảng 50%). Làm như vậy thì mới khắc phục được hiện tượng về lỗi kỹ thuật trong nội dung các dự thảo và kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật mới được nâng cao. Cần thu hút những chuyên gia pháp lý thực sự giỏI vào các Ban soạn thảo để có thể chuyển hoá những tư tưởng chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền thành những dự thảo có chất lượng, đúng đắn và chính xác nhất.

4. Vấn đề lấy ý kiến

Số lượng các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở nước ta hiện nay không nhiều, thành phần đại biểu Quốc hội là thành viên của chính phủ là tương đối nhiều nên các tư tưởng chỉ đạo của Quốc hội bị chi phối bởi các quan điểm của Chính phủ quá nhiều. Tình trạng trên dẫn đến nội dung một số văn bản luật thường có lợi và thuận lợi cho việc quản lý của Chính phủ nhiều hơn là cho xã hội, cho người dân, cho các đối tượng bị quản lý. Trong khi theo tinh thần “nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, nhà nước phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân thì nội dung các văn bản luật phải vì lợi ích của xã hội, của nhân dân nhiều hơn. Ban hành pháp luật tức là nhà nước thay mặt xã hội, ghi nhận những quy luật vận động, phát triển của xã hội bằng các quy định pháp luật để đảm bảo cho toàn xã hội hoạt động thống nhất, có trật tự vì lợi ích của xã hội trong đó có lợi ích của nhà nước. Không nên chỉ đặt lợi ích của nhà nước (mà thực chất là của bộ máy nhà nước) lên trên lợi ích xã hội. Với cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quốc hội như hiện nay cộng thêm vào tính “cả nể vốn có” của người Việt Nam nên trên diễn đàn Quốc hội ít có những cuộc tranh luận nẩy lửa, mà người ta thường tìm cách dung hoà các quan điểm khác nhau hoặc tìm cách “vận động hành lang”, thậm chí là “đi đêm” với nhau để một số dự thảo văn bản luật mặc dù chưa tốt vấn được thông qua.

Một số dự thảo văn bản luật được tổ chức lấy ý kiến đóng góp thông qua các cuộc hội thảo, thảo luận đóng góp ý kiến thì tác dụng cũng không cao vì nhiều lý do như những người đóng góp ý kiến thường không thực sự tâm huyết; ý kiến đóng góp do không nắm được tư tưởng chỉ đạo nên thường không sát với nội dung dự thảo; những ý kiến đó thường ít khi đến tai những người có chức vụ, quyền hạn, những người có ảnh hưởng lớn đến nội dung dự thảo văn bản vì họ không tham dự hoặc không có điều kiện tham dự mà chỉ nghe báo cáo lại thông qua lăng kính tập hợp có yếu tố chủ quan của những người tập hợp nên sự thuyết phục của những ý kiến đóng góp là không cao.

Do vậy, dự thảo nên quy định quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật nếu có liên quan đến ngành nào, tầng lớp nào trong xã hội thì đều phải có ý kiến của ngành, tầng lớp đó khi trình cơ quan ban hành. Nói cách khác, chủ thể nào chịu sự tác động của văn bản thì đều được tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản. Đặc biệt cần coi trọng ý kiến của các tổ chức, hiệp hội khoa học và ý kiến của các nhà khoa học, các trường, học viện... 

Cần có cơ chế phản hồi để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được biết ý kiến của mình có được tiếp thu hay không? Vì sao không được tiếp thu? trong Luật cũng nên quy định kênh thông tin hai chiều nào đó để thực hiện vấn đề này.

5. Vấn đề quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và giải thích pháp luật

Một thực trạng là ở nước ta văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành theo quy định của pháp luật thì có hiệu lực và giá trị pháp lý thấp nhưng lại được thực hiện nghiêm hơn, có giá trị thực tế cao hơn, mặc dù có văn bản hướng dẫn nội dung còn trái với cả văn bản mà nó hướng dẫn. Điều này có nhiều nguyên nhân như:

- Nhiều văn bản quy phạm pháp luật của nước ta còn quá chung chung, nên có nhiều trường hợp không áp dụng trực tiếp được;
- Thói quen của các cơ quan, nhân viên nhà nước là chờ các văn bản hướng dẫn thi hành mà ít chú ý đến văn bản gốc vì văn bản hướng dẫn thi hành thường là của cơ quan quản lý hay chỉ đạo trực tiếp;
- Nhiều cơ quan, nhân viên không nắm được hoặc không dám tuân theo các nguyên tắc áp dụng văn bản hay quy phạm pháp luật…

 Để khắc phục tình trạng trên dự thảo quy định về văn bản quy định chi tiết, văn bản hướng dẫn thi hành như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, việc giải thích pháp luật vẫn cần quy định có một cơ quan nhà nước có thẩm quyền “phán quyết” về tính đúng đắn của lời giải thích chính thức nào đó hoặc đưa ra lời giải thích mang tính phán quyết về nội dung, tinh thần các quy định pháp luật cụ thể. Vấn đề này ở nhiều nước được giao cho toà án giải quyết, giải thích pháp luật của toà án là giải thích mang tính phán quyết. Ngoài ra toà án còn có thể phán quyết về tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật. Rất tiếc là vấn đề này trong dự thảo vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chẳng hạn, nếu có người cho rằng Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành một pháp lệnh có nội dung trái với luật, thì chính Uỷ ban thường vụ Quốc hội lại đứng ra giải thích về pháp lệnh của mình và khẳng định là pháp lệnh đó là hợp pháp hoàn toàn không trái với luật như cáo buộc. Trong trường hợp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã “phán quyết” về văn bản mà chính mình đã ban hành.Với cách giải quyết như hiện nay, dễ dẫn đến sự nghi ngờ về tính vô tư, khách quan của các lời giải thích mang tính “phán quyết” của các cơ quan nói trên. Do vậy, nếu có thể thì giao cho toà án hoặc một cơ quan nào đó được thành lập từ các chuyên gia pháp lý có trình độ cao giải thích mang tính “phán quyết” khi xảy ra những xung đột trong quá trình giải thích các quy định pháp luật.

6. Về trách nhiệm của các tổ chức cá nhân tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Các văn bản quy phạm pháp luật để được ban hành đều phải trải qua thủ tục trình tự khắt khe từ thẩm định, đến thẩm tra của các cơ quan, có thẩm quyền nhưng tình trạng sai phạm vẫn tồn tại khá phổ biến và các cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra, thẩm định cũng không phải chịu trách nhiệm gì. Nếu văn bản có sai phạm gì thì người ta chỉ nói tới cơ quan ban hành văn bản chứ không đả động gì đến các cơ quan thẩm định, thẩm tra.

Nói khái quát thì chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta không cao thì cũng chẳng có cơ quan hay một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cả. Biện pháp xử lý đối với các văn bản có sai phạm (trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc của cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp) chỉ là kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ văn bản hay quy định đó. Còn những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đúng thời điểm (thường là chậm trễ so với quy định của pháp luật hoặc nhu cầu của cuộc sống) hoặc có chất lượng không tốt gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của đất nước và nhân dân thì không sao cả. Trong các báo cáo của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng chỉ có một số nhận xét chung chung về những ưu điểm, hạn chế của công tác xây dựng luật, pháp lệnh mà chưa có những tiêu chí cụ thể cho việc đánh giá về hiệu quả công tác xây dựng pháp luật. Các báo cáo cũng không chỉ cụ thể ra được những nguyên nhân của sự hạn chế đó, ai phải chịu trách nhiệm về những hạn chế đó và sẽ có những biện pháp cụ thể gì để khác phục những hạn chế đó.

Như vậy, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước xây dựng pháp luật chỉ là trách nhiệm có tính chất đạo đức chính trị nhiều hơn hoặc trách nhiệm theo nghĩa nghĩa vụ chứ chưa có trách nhiệm theo nghĩa hậu quả pháp lý bất lợi. Từ đó cho thấy trách nhiệm của những cơ quan ban hành hoặc các bộ phận trực tiếp xây dựng chủ yếu là trách nhiệm đối với ngành mình, cơ quan mình hoặc lợi ích cục bộ của bản thân nhiều hơn là đối với đất nước, dân tộc theo nghĩa rộng.

Do vậy, trong dự thảo cần quy định trách nhiệm pháp lý đối các mỗi cơ quan nhà nước trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu một cơ quan nhà nước hay một cá nhân có thẩm quyền tham gia soạn thảo, thẩm định, thẩm tra hay ban hành văn bản quy phạm pháp luật có lỗi do hành vi của mình dẫn đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng cho nhà nước và xã hội thì phải chịu trách nhiệm pháp lý theo hướng hậu quả pháp lý bất lợi. Nếu có thể nên quy định trách nhiệm pháp lý đối với từng cá nhân hoặc từng bộ phận tham gia soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thậm chí kể cả trường hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật không trái pháp luật nhưng do những lý do không chính đáng như tắc trách, vụ lợi hoặc các lý do khác nên đã ban hành chậm hoặc không ban hành gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới lợi ích của các doanh nghiệp, nhân dân và nền dân chủ xã hội thì chủ thể ban hành cũng phải chịu trách nhiệm.  

7. Về kỹ thuật văn bản

Kỹ thuật văn bản của dự thảo còn nhiều hạn chế cần chỉnh sửa
            + Về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật (khoản 1 Điều 1) diễn đạt còn lủng củng. Theo tôi chỉ nên mô tả những dấu hiệu của văn bản là đủ. Do vậy, có thể sửa lại là: “Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là văn bản chứa (có) quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, theo hình thức, trình tự và thủ tục luật định để điều chỉnh các quan hệ xã hội”.
            Bỏ Khoản 2 Điều 1, bởi các văn bản không thoả mẵn những dấu hiệu đã nêu trong Khoản 1 điều 1 thì đương nhiên không thể là VBQPPL Nếu vẫn muốn giữ Khoản 2 thì bỏ “và không có hiệu lực bắt buộc chung”, bởi đã không được coi là văn bản quy phạm pháp luật thì cũng không có hiệu lực bắt buộc chung được.
            + Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Điều 2), bỏ từ “do” và “ban hành” trong các khoản và thay bằng “của”. Chẳng hạn, Quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước...  Khoản 12, nên diễn đạt giống các khoản trên là: “Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân các cấp”
            + Rất nhiều điều, khoản trong dự thảo sử dụng những từ văn nói mà không phải văn viết như từ “thì”, “thì việc làm này…”… Nên bỏ từ “thì” và chỉ cần thay bằng dấu phẩy sẽ trong sáng hơn. Có thể liệt kê một số điều, khoản sau: điểm a khoản 3 Điều 7; điểm a khoản 1 Điều 24; khoản 1 Điều 40, 41;…
            + Thuật ngữ sử dụng không thống nhất, nên bỏ chữ “làm” trong Khoản 1 điều 11 thay bằng chữ “ban hành”;
            + Khoản 3 Điều 39 cũng không chuẩn về diễn đạt, vì khái niệm pháp luật đã bao hàm cả Hiến pháp. Nên diễn đạt theo hướng “ Sự phù hợp… với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, với nội dung văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn” Hơn nữa dự thảo lại diễn đạt “ Sự phù hợp của nội dung dự thảo…với Hiến pháp, pháp luật và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật”. Ở đây chủ ngữ là sự phù hợp của nội dung dự thảo, vế sau lại là tính thống nhất nên không lôgíc về ngữ nghĩa. Nếu muốn coi tính thống nhất của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nội dung phải thẩm tra, nên tách thành một khoản riêng trong Điều 39 này.
            + Bỏ cụm từ “bảo đảm việc lồng ghép giới” trong khoản 2 điều 37 vì: thứ nhất, chữ “giới” không rõ nghĩa là giới tính (nam nữ) hay nhóm xã hội (giới học sinh, sinh viên…); thứ hai, pháp luật đã quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật nên việc xem xét tinh thần đó là đương nhiên; thứ ba, nếu đã thẩm tra việc lồng ghép giới sao không kiểm tra những khía cạnh khác của nộI dung dự thảo. 
            + Nên chuyển nội dung của Điều 6 thành khoản 2 Điều 5 để quy định trọn vẹn về ngôn ngữ. Vì Luật quy định văn bản quy phạm pháp luật phải được thể hiện bằng Tiếng Việt nên mới phát sinh quy định về dịch văn bản ra tiếng dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài để thuận tiện cho quá trình tổ chức thực hiện văn bản.
            + Khoản 4 Điều 83, khoản 3 Điều 86 nên sắp xếp lại các chủ thể theo thứ tự địa vị pháp lý từ cao đến thấp vì đương nhiên Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao… có địa vị pháp lý cao hơn Bộ trưởng. 
            + Điều 3: Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. nêu như dự thảo là chưa đủ bởi các nguyên tắc đó mới chỉ đề cập về mặt kỹ thuật pháp lý của quá trình xây dựng, ban hành văn bản mà chưa đề cập các góc độ chính trị, dân chủ, khoa học… của quá trình đó, do vậy nên chuẩn lại tên điều theo hướng thu hẹp lại.
            + Nên bổ sung tính nghiêm túc của ngôn ngữ trong văn bản quy pháp luật vào Điều 5; 
            + Cần ấn định khoảng thời gian tối thiểu để văn bản QPPL có hiệu lực trong quy định tại khoản 3 Điều 75 cho đảm bảo tính thống nhất khi áp dụng;
            + Trong quy định về văn bản ban hành theo thủ tục rút gọn cũng nên quy định thêm điều kiện để đảm bảo tính khả thi của những văn bản này, nhất là khâu dự báo tác động của văn bản sau khi ban hành.
            + Văn bản QPPL bị huỷ bỏ, bãi bỏ, sửa đổi… (Điều 9), nhưng đến Điều 90 chỉ quy định về biện pháp bãi bỏ mà không quy định huỷ bỏ. Như vậy quy định này có quyền hiểu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không xử lý văn bản QPPL với biện pháp huỷ bỏ như vậy sẽ không thống nhất với Điều 9.
           
Trên đây là một số ý kiến đóng góp có tính chất cá nhân cho dự thảo Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi), rất mong các cấp có thẩm quyền lắng nghe, xem xét để ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng cao nhất. 

Các văn bản liên quan