Góp ý của TS Nguyễn Văn Tuyến – ĐH Luật Hà Nội

Thứ Sáu 15:14 22-02-2008


MỘT SỐ Ý KIẾN TRAO ĐỔI, BÌNH LUẬN
VỀ DỰ ÁN LUẬT THUẾ
THU NHẬP DOANH NGHIỆP VÀ DỰ ÁN LUẬT THUẾ GTGT
TS. Nguyễn Văn Tuyến
Trường Đại học Luật Hà Nội
 
 
 
I. MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

1. Về đối tượng nộp thuế (Điều 2):

Ý tưởng của quy định tại khoản 1 Điều này là hợp lý và đã bao quát hết các đối tượng cần điều tiết bằng thuế TNDN. Tuy nhiên, đối với trường hợp doanh nghiệp tư nhân có thu nhập chịu thuế thì Dự thảo chưa đề cập đến một cách rõ ràng và điều này có thể gây tranh cãi hoặc giải thích, áp dụng luật không thống nhất, bởi lẽ có thể có ý kiến cho rằng thu nhập của doanh nghiệp tư nhân đã được cá nhân chủ doanh nghiệp nộp thuế thu nhập cá nhân[1]. Theo chúng tôi, dự thảo luật này cần tính đến sự mập mờ về trường hợp này của Luật thuế thu nhập cá nhân đã ban hành để tránh nguy cơ quy định chồng chéo, trùng lặp giữa Luật thuế thu nhập cá nhân với Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cách diễn đạt như dự thảo chưa thể hiện rõ ràng những dấu hiệu hay điều kiện để giúp cho người thu thuế và người nộp thuế xác định được chính xác về chủ thể nộp thuế, nghĩa là một doanh nghiệp như thế nào thì sẽ phải nộp thuế TNDN, bởi lẽ, không phải cứ là doanh nghiệp thì đương nhiên và chắc chắn sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này là rất quan trọng, không chỉ đối với cơ quan thuế, cán bộ thuế mà cũng rất quan trọng đối với người nộp thuế, vì họ có nghĩa vụ tự kê khai thuế, tự tính thuế và tự nộp thuế theo cơ chế quản lý thuế hiện hành.

Xuất phát từ lập luận như vậy, chúng tôi đề nghị diễn đạt lại khoản 1 Điều này như sau: “1. Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là các tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này, bao gồm: doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Luật hợp tác xã; tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp ; tổ chức được thành lập và hoạt động theo luật pháp Việt Nam, tổ chức nước ngoài được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam trong các lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội khác vì mục tiêu hoà bình, hữu nghị, phát triển kinh tế - xã hội có thu nhập nhưng không chia (gọi tắt là tổ chức có thu nhập không chia); các tổ chức khác có sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ (dưới đây gọi chung là doanh nghiệp), trừ đối tượng quy định tại Điều 3 của Luật này. 

2. Về thu nhập chịu thuế (Điều 5)

Thu nhập chịu thuế là một trong số những vấn đề cốt lõi nhất, nhạy cảm nhất của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, việc xác định rõ ràng nội hàm của khái niệm thu nhập chịu thuế bao gồm những khoản thu nhập gì và quy định rõ cách xác định chúng như thế nào là điều rất quan trọng.

Theo ý kiến chúng tôi, cần thống nhất quan điểm là mọi khoản thu nhập hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, bất luận từ nguồn nào đều phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và từ đó đòi hỏi doanh nghiệp phải kê khai trung thực để tính thuế, nộp thuế. Riêng đối với khoản thu nhập về lợi nhuận được chia do góp vốn cổ phần vào doanh nghiệp khác (cổ tức) hoặc do liên doanh, liên kết thì có thể cân nhắc chưa tính thuế ngay nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư tài chính ra bên ngoài và tránh nguy cơ làm giảm sút khát vọng đầu tư của các nhà đầu tư.

Đối với khoản thu nhập về chuyển nhượng bất động sản, chúng tôi cho rằng do tính phức tạp của các chi phí cần được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nên có thể tách ra để xác định riêng nhưng cuối cùng, vẫn phải gộp vào tổng thu nhập chịu thuế trong năm của doanh nghiệp để tính thuế chung cùng với các khoản thu nhập khác.

3. Về điều kiện xác định các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (Điều 7)

Chúng tôi cho rằng ý tưởng khái quát hóa thành các điều kiện xác định chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như Dự thảo là rất tốt so với cách liệt kê như Luật hiện hành, bởi lẽ nó cho phép các doanh nghiệp có một khoảng tự do và quyền chủ động lớn hơn trong việc xác định và kê khai mọi khoản chi phí hợp lý của mình để tính thuế. Tuy nhiên, cách thiết kế và diễn đạt như Điều 7 của Dự thảo là chưa chặt chẽ và chưa hợp lý, vì thế, chúng tôi đề nghị nên chỉnh sửa bổ sung thêm một điều kiện nữa vào Điều 7 như sau:

Điều 7. Các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Doanh nghiệp được trừ các khoản chi phí không thuộc danh mục quy định tại Điều 8 của Luật này, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Các khoản chi hợp pháp, có đủ hoá đơn, chứng từ theo chế độ quy định;

b) Các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

c) Các khoản chi là cần thiết để tạo ra thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

2. Tổ chức có thu nhập không chia được trừ các khoản chi phí liên quan đến hoạt động của tổ chức được pháp luật công nhận và ghi trong điều lệ của tổ chức.

Các khoản chi phí bằng ngoại tệ khi tính trừ phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh chi phí.

4. Về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (Điều 8)

Theo ý kiến chúng tôi, các khoản chi phí không được trừ cần được quy định theo hướng khuyến khích doanh nghiệp giảm dần và tiến tới loại bỏ các khoản chi phí không hợp lý, không cần thiết để tạo ra thu nhập. Với quan niệm như vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung thêm vào khoản 1 Điều 8 khoản chi phí về tiền phạt vi phạm hợp đồng. Cụ thể như sau:

Điều 8. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Các khoản tiền phạt do vi phạm hành chính, vi phạm hợp đồng trong quá trình sản xuất kinh doanh;

2. Các khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác;

3. Phần chi phí quản lý kinh doanh do công ty nước ngoàiphân bổ cho cơ sở thường trú ở Việt Nam vượt mức tính theo phương pháp phân bổ do pháp luật  quy định;

4. Phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật có liên quan về: trích lập dự phòng; tiền trang phục; tiền ăn giữa ca;
5. Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa vượt mức tiêu hao hợp lý và giá thực tế xuất kho.

6. Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của đối tượng ngoài các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức kinh tế vượt quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay bình quân của  các ngân hàng thương mại tại thời điểm vay;

7. Trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định của pháp luật về khấu hao tài sản cố định;

8. Các khoản trích trước vào chi phí mà thực tế không chi khi hết thời hạn quy định;

9. Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên công ty không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; các khoản chi trả cho người lao động không được quy định trong hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể theo quy định của Bộ luật lao động;

10. Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu;

11. Số thuế giá trị gia tăng nộp theo phương pháp khấu trừ; số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hoặc tạm nộp.

12.Phần chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, chi tiếp tân, khánh tiết, chi hoa hồng môi giới, chi phí hội nghị; chi phí hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chi phí chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của các cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ vượt quá 10% tổng số chi phí được trừ không bao gồm các khoản chi thuộc diện khống chế nêu trên. Đối với hoạt động thương nghiệp, tổng số chi phí để xác định mức khống chế không bao gồm giá mua của hàng hoá bán ra.

13. Các khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

5. Về thuế suất (Điều 10)

Chúng tôi cho rằng Dự thảo nên quy định thuế suất theo hướng khuyến khích các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp để kinh doanh nhằm tăng cường đội ngũ doanh nghiệp và do đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Vì thế, có thể cân nhắc việc ấn định thuế suất là 20% hoặc 22%, trên cơ sở đối chiếu với quy định về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của các nước trong và ngoài khu vực, từ đó làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của quốc gia về môi trường đầu tư. Mặt khác, việc quy định thuế suất khoảng 20% - 22% cũng cho phép Nhà nước tăng thu ngân sách dễ dàng hơn do mức thuế trở nên “hợp lý” hơn đối với người nộp thuế. Điều này cũng có thể có tác dụng khuyến khích các cá nhân và hộ gia đình đang kinh doanh và đang nộp thuế thu nhập cá nhân chuyển sang thành lập doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để được áp dụng thuế suất của Luật thuế thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu họ thấy rằng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là có lợi hơn so với nộp thuế thu nhập cá nhân.

II. MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT THUẾ GÍA TRỊ GIA TĂNG

  1. Về một số vấn đề chung

  Chúng tôi cho rằng cần bổ sung thêm một Điều luật quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật thuế giá trị gia tăng, giống như Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này không những đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch của Luật thuế GTGT mà còn đảm bảo tính thống nhất về cấu trúc giữa các Luật thuế. Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi hơn của đạo luật này, cần gia tăng các điều khoản theo hướng quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa các vấn đề “khó”, nhạy cảm và dễ gây tranh cãi nhất như vấn đề chủ thể nộp thuế là ai, căn cứ tính thuế như thế nào, việc miễn giảm thuế như thế nào và phương pháp tính thuế ra sao…

  2. Về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng

 Theo ý kiến chúng tôi, để đảm bảo tính hợp lý, khoa học và khuyến khích phát triển thị trường dịch vụ tài chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần quy định bổ sung thêm dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ và sử dụng cụm từ “dịch vụ ngân hàng” để thay cho “dịch vụ tín dụng” vào danh mục các hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT tại Điều 4 của Dự thảo.

3. Về điều kiện khấu trừ, hoàn thuế

Khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hoàn thuế GTGT là những vấn đề rất khó, rất mới và cũng rất nhạy cảm hiện nay của lĩnh vực hành thu thuế GTGT. Vì lẽ đó, chúng tôi cho rằng Ban soạn thảo Dự luật thuế GTGT cần xem xét lại quan điểm và cách hiểu của mình về bản chất và mục đích của việc Khấu trừ thuế GTGT cũng như Hoàn thuế GTGT, bởi lẽ thông qua các quy định của Dự thảo, chúng tôi cảm nhận được sự lúng túng và không chắc chắn của những người biên soạn Dự thảo về triết lý của việc hoàn thuế cũng như sự giống nhau hay khác nhau về bản chất giữa khấu trừ thuế GTGT với hoàn thuế GTGT.
 
Điều chúng tôi trăn trở nhất là không biết Người soạn thảo có suy nghĩ, cân nhắc kỹ càng về bản chất và triết lý của việc hoàn thuế hay không, khi quy định rằng việc hoàn thuế GTGT và quyền được hưởng lợi từ hoàn thuế GTGT là dành cho tổ chức, cá nhân kinh doanh - người nộp thuế GTGT thay cho người tiêu dùng, trong khi đó về bản chất, khoản tiền thuế GTGT vốn dĩ là do người tiêu dùng nộp cho Nhà nước thông qua việc mua hàng hóa, dịch vụ với giá đã có thuế GTGT của người sản xuất, kinh doanh. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, có vẻ như việc hoàn thuế GTGT cho người sản xuất kinh doanh – người nộp thuế như lâu nay là không đúng, mà đáng lẽ ra phải là hoàn thuế GTGT cho người chịu thuế là người tiêu dùng, bởi số tiền thuế GTGT mà Nhà nước phải hoàn lại, vốn do người tiêu dùng đóng góp. Mặt khác, dường như người soạn thảo cũng có ý đồng nhất giữa khấu trừ thuế và hoàn thuế GTGT nên điều này được thể hiện rõ nhất ở các quy định tại Điều 10 của Dự Luật.
 
 


[1] Trên thực tế, Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành cũng không xác định rõ cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân có phải là chủ thể nộp thuế thu nhập cá nhân hay không. Vì thế, sự tranh luận hay giải thích khác nhau về trường hợp này là hoàn toàn có thể xảy ra, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật.

Các văn bản liên quan