Bản góp ý của VCCI

Thứ Tư 15:07 19-09-2007


Kính gửi:    BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG


Phúc công văn số 1544/BBCVT-VNNIC ngày 19/7/2007 về việc xin ý kiến đóng góp cho Dự thảo “Quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia .VN”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu dự thảo và có một số ý kiến như sau:

I.                   NHẬN XÉT CHUNG

Dự thảo cần đáp ứng các tiêu chí sau:

1.      Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác;

2.      Đảm bảo phù hợp với các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia;

3.      Các nội dung trong Dự thảo phải đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch;

4.      Ngôn ngữ soạn thảo phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt dễ dàng, rõ hiểu;

5.      Đảm bảo tính hợp lý và khả thi;

II.                CÁC GÓP Ý CỤ THỂ

1.     Về tên Dự thảo

Tên của Quy định nên được đổi thành “Quy chế giải quyết tranh chấp tên miền .vn” cho ngắn gọn. Tên của cơ quan ban hành sẽ là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

2.     Phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Việc quy định như trong dự thảo còn dài dòng, chưa đi thẳng vào vấn đề. Mục đích ban hành Quy chế này là nhằm điều chỉnh các tranh chấp tên miền .vn. Do đó, phạm vi điều chỉnh nên được soạn lại ngắn gọn là: “Quy chế này quy định về việc giải quyết tranh chấp liên quan tới việc đăng ký hoặc sử dụng tên miền .vn giữa các cá nhân, tổ chức Việt Nam và/hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài.”

3.      Đối tượng áp dụng (Điều 2)

Nếu Điều 1 đã được sửa đổi theo đề xuất tại mục 2 nêu trên thì không nhất thiết phải đưa quy định về Đối tượng áp dụng vào trong Dự thảo. 

4.     Giải thích từ ngữ (Điều 3)

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nếu những định nghĩa đã được quy định trong các văn bản khác thì không cần thiết phải định nghĩa lại trong Dự thảo. Hơn thế, một số thuật ngữ như “người khiếu kiện”, “người bị khiếu kiện” là hai khái niệm mới không phù hợp với những khái niệm nguyên đơn, bị đơn đang được sử dụng trong trình tự trọng tài hoặc theo trình tự toà án. Do đó, các thuật ngữ này trong toàn bộ Quy chế nên được đổi lại như sau: “Người khiếu kiện” đổi thành “nguyên đơn” và “Người bị khiếu kiện” đổi thành “bị đơn”.

5.     Hình thức giải quyết tranh chấp tên miền (Điều 4)

Chỉ nên quy định hai hình thức giải quyết tranh chấp (thương lượng và hoà giải không nên đưa vào vì thương lượng và hoà giải (Điều 5) là một giai đoạn trong hai thủ tục còn lại. Hơn nữa, việc thương lượng, hoà giải do các bên tự tiến hành nếu thấy thích hợp, vì vậy không cần đưa vào trong Dự thảo). Do đó, điều này nên được đổi thành: “Tranh chấp tên miền có thể được giải quyết theo thủ tục trọng tài hoặc thủ tục toà án.”

6.     Giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài (Điều 6)

Việc quy định chỉ các tranh chấp tên miền trong hoạt động thương mại mới được giải quyết theo thủ tục trọng tài là không phù hợp với quy định quốc tế về thủ tục giải quyết tranh chấp. Hơn thế nữa, bất cứ tranh chấp nào liên quan tới tên miền cũng đều có mục đích thương mại (xem phần một trong những yếu tố để có thể kiện đòi tên miền “Điều 10”).

7.     Điều kiện để Người khiếu kiện khởi kiện (Điều 9)

Nên được đổi thành “Các vấn đề cần chứng minh trong đơn khởi kiện” và nội dung được sửa lại như sau:

1)     Tên miền tranh chấp trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên của nguyên đơn, nhãn hiệu của nguyên đơn.

2)     Bên bị đơn không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan tới tên miền;

3)     Tên miền được sử dụng với mục đích xấu.

8.     Các hành vi sử dụng tên miền với ý đồ xấu (Điều 10)

Đề nghị Ban soạn thảo sửa lại như sau:

1)     Đăng ký tên miền hoặc mua lại tên miền nhằm mục đích bán, cho thuê hoặc chuyển nhượng cho nguyên đơn có tên hoặc nhãn hiệu mà tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với hoặc đối thủ cạnh tranh của nguyên đơn nhằm đạt được các lợi ích không chính đáng; hoặc

2)     Người nắm giữ tên miền đăng ký tên miền nhằm ngăn cản nguyên đơn quảng bá nhãn hiệu hoặc tên của mình thông qua tên miền; hoặc

3)     Người nắm giữ tên miền đăng ký hoặc có được tên miền nhằm mục đích phá hoại uy tín, cản trở hoạt động kinh doanh bình thường của nguyên đơn hoặc tạo ra sự nhầm lẫn của công chúng đối với tên và nhãn hiệu của nguyên đơn;

4)     Các trường hợp khác do do Trọng tài hoặc toà án xem xét.”

9.      Bằng chứng cho quyền và lợi ích hợp pháp nằm trong tên miền (Điều 11)

Nên được sửa lại là “Bằng chứng về quyền và lợi ích hợp pháp liên quan tới tên miền”. Nội dung nên được sửa lại như sau:

1)     Sử dụng tên miền hoặc tên liên quan tới tên miền một cách ngay tình để cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ; hoặc

2)     Được công chúng biết đến thông qua tên miền mặc dù chưa từng đăng ký nhãn hiệu hoặc không có quyền đối với nhãn hiệu; hoặc

3)     Sử dụng tên miền một cách ngay tình hoặc không vì mục đích thương mại, không có ý định kiếm lợi bằng việc làm cho khách hàng nhầm lẫn;

4)     Các trường hợp khác do trọng tài hoặc toà án xem xét.

Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.

Xin trân trọng cảm ơn./.


 
 
Nơi nhận:
- Như trên                    
- Lưu VT, Ban Pháp chế, ITB


KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
 
 
 
 
HOÀNG VĂN DŨNG

Các văn bản liên quan