Góp ý của Ông Vũ Thái Hà – Giám đốc công ty Luật Youme VietNam

Thứ Tư 14:54 19-09-2007

 
GÓP Ý QUY ĐỊNH VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TÊN MIỀN
QUỐC GIA VIỆT NAM “.VN”
 
  

Vũ Thái Hà
Giám đốc Công ty luật Youme Vietnam
havu@youmevietnam.com
 
   

1. Tên của Quy định nên được đổi thành “Quy chế giải quyết tranh chấp tên miền .vn” cho ngắn gọn. Tên của cơ quan ban hành có thay đổi trong thực tế do đó sẽ được ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông.

2.Phạm vi điều chỉnh: Việc quy định như trong dự thảo là quá dài dòng, không đi thẳng vào vấn đề. Mục đích ban hành Quy chế này là nhằm điều chỉnh các tranh chấp tên miền .vn. Do đó, phạm vi điều chỉnh nên được soạn lại ngắn gọn là: “Quy chế này quy định về việc giải quyết tranh chấp liên quan tới việc đăng ký hoặc sử dụng tên miền .vn giữa các cá nhân, tổ chức Việt Nam và/hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài.”

3.  Đối tượng áp dụng: Quy định trong dự thảo là vô nghĩa khi quy định rằng: “Quy định này áp dụng để giải quyết tranh chấp tên miền giữa Người khiếu kiện và Người bị khiếu kiện.” Điều này nên được lược bỏ do đã được quy định lại tại Điều 1. Phạm vi điều chỉnh nêu trên.

4. Giải thích từ ngữ. Việc giải thích lại các từ ngữ đã được quy định trong các văn bản khác là hoàn toàn không cần thiết. Hơn thế nữa, một số thuật ngữ như “người khiếu kiện”, “người bị khiếu kiện” là hai khái niệm mới không phù hợp với những khái niệm nguyên đơn, bị đơn đang được sử dụng trong trình tự trọng tài hoặc theo trình tự toà án. Do đó, các thuật ngữ này trong toàn bộ Quy chế nên được đổi lại như sau: “Người khiếu kiện” đổi thành “nguyên đơn” và “Người bị khiếu kiện” đổi thành “bị đơn”.

5. Hình thức giải quyết tranh chấp tên miền. Chỉ nên quy định hai hình thức giải quyết tranh chấp (thương lượng và hoà giải không nên đưa vào vì thương lượng và hoà giải là một giai đoạn trong hai thủ tục còn lại, hơn thế nữa việc hoà giải do các bên tự tiến hành nếu thấy thích hợp, không cần quy định). Do đó, điều này nên được đổi thành: “Tranh chấp tên miền có thể được giải quyết theo thủ tục trọng tài hoặc thủ tục toà án.”

6. Nên bỏ quy định: Giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải

7. Giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài. Việc quy định chỉ các tranh chấp tên miền trong hoạt động thương mại mới được giải quyết theo thủ tục trong tại là không phù hợp với quy định quốc tế về thủ tục giải quyết tranh chấp. Hơn thế nữa, bất cứ tranh chấp nào liên quan tới tên miền cũng đều có mục đích thương mại (xem phần một trong những yếu tố để có thể kiện đòi tên miền).

8. Điều kiện để Người khiếu kiện khởi kiện. Nên được đổi thành “Các vấn đề cần chứng minh trong đơn khởi kiện” và nội dung được sửa lại như sau:

            a)     Tên miền tranh chấp trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên của nguyên đơn, nhãn hiệu của nguyên đơn. 

            b)     Bên bị đơn không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan tới tên miền; 

            c)     Tên miền được sử dụng với mục đích xấu.” 

9.  Các hành vi sử dụng tên miền với ý đồ xấu. Nên được sửa lại như sau:

            a)     Đăng ký tên miền hoặc mua lại tên miền nhằm mục đích bán, cho thuê hoăc chuyển nhượng cho nguyên đơn có tên hoặc nhãn hiệu mà tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với hoặc đối thủ cạnh tranh của nguyên đơn nhằm đạt được các lợi ích không chính đáng; 

            b)     Người nắm giữ tên miền đăng ký tên miền nhằm ngăn cản chủ quảng bá nhãn hiệu hoặc tên của mình thông qua tên miền;

            c)     Người nắm giữ tên miền đăng ký hoặc có được tên miền nhằm mục đích phá hoại uy tín, cản trở hoạt động kinh doanh bình thường của nguyên đơn hoặc tạo ra sự nhầm lẫn của công chúng đối với tên và nhãn hiệu của nguyên đơn;

           d)     Các trường hợp khác do do Trọng tài hoặc toà án xem xét.”

10.  Bằng chứng cho quyền và lợi ích hợp pháp năm trong tên miền. Nên được sửa lại là “Bằng chứng về quyền và lợi ích hợp pháp liên quan tới tên miền”. Nội dung nên được sửa lại như sau: 

            a)     Sử dụng tên miền hoặc tên liên quan tới tên miền một cách ngay tình để cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ; 

            b)     Được công chúng biết đến thông qua tên miền mặc dù chưa từng đăng ký nhãn hiệu hoặc không có quyền đối với nhãn hiệu; 

            c)     Sử dụng tên miền một cách ngay tình hoặc không vì mục đích thương mại, không có ý định kiếm lợi bằng việc làm cho khách hàng nhầm lẫn; 

            d)     Các trường hợp khác do trọng tài hoặc toà án xem xét.

Trên đây là một số ý kiến góp ý của tôi, đề nghị Ban soạn thảo xem xét.
  
 

Các văn bản liên quan