Góp ý của Hiệp hội đầu tư xây dựng năng lượng

Thứ Năm 15:02 09-08-2007


HIỆP HỘI ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NĂNG LƯỢNG
GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP

Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
 


Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Công văn số 2245/PTM-PC ngày 26 tháng 7 năm 2007 về việc góp ý “Dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”. Sau khi nghiên cứu Dự thảo, Hiệp hội đầu tư xây dựng năng lượng Việt Nam (VEA) tham gia ý kiến như sau:

A. Không cần thiết ban hành Dự thảo Nghị định hỗ trợ Pháp lý cho Doanh nghiệp

Sau khi nghiên cứu Dự thảo Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Hiệp hội chúng tôi thấy rằng không cần thiết ban hành Nghị định này, với lý do:

Thứ nhất: Việc phổ biến và tổ chức thi hành các văn bản luật là một trong các nội dung quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp.

Trách nhiệm của Bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện pháp luật cũng đã được quy định tại Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 và Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2004. Vì vậy, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh có trách nhiệm thực hiện theo các quy định chứ không cần ban hành thêm “Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”

Thứ hai: các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ công chức đã hưởng lương từ Ngân sách nhà nước để làm chức năng nói trên, nay lại lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nữa là bất hợp lý, vì như vậy trong một vụ chức năng ai hưởng lương từ nguồn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp?

Thứ ba: Đã ban hành Nghị định thì nó là văn bản pháp luật có điều khoản quy định bắt buộc phải thi hành chứ không thể gọi là “hỗ trợ”, vì đã gọi là hỗ trợ thì cơ quan, tổ chức họ có thể làm hoặc có thể không làm tuỳ thuộc khả năng điều kiện.

Kiến nghị: không cần thiết ban hành “Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” mà chỉ cần có Chỉ thị của Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện tốt chức năng của mình là được. Đồng thời giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các Hiệp hội, thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

B. Tham gia vào nội dung dự thảo Nghị định:

Nếu Nghị định hỗ trợ doanh nghiệp ban hành thì đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số vấn đề sau:

1. Trong dự thảo Nghị định có nhiều chỗ sử dụng danh từ “Hiệp hội doanh nghiệp”, đề nghị sửa lại là “Hiệp hội ngành nghề”, vì ở Việt Nam ta hiện nay chỉ có Hội luật gia, Hội cựu chiến binh và nhiều Hội, Hiệp hội ngành nghề, mà Hội và Hiệp hội ngành nghề là tổ chức độc lập không nằm trong doanh nghiệp.

2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Trong dự thảo chúng tôi thấy chưa thống nhất về đối tượng áp dụng, cụ thể như:

- Tại điều 1 thì chỉ có các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Nhưng tại Điều 4 và Điều 10 thì có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Hiệp hội.

3. Về chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Tại Điều 10 Khoản 4 đề nghị sửa lại là: “Đáp ứng yêu cầu về hỗ trợ pháp lý để thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp”. Vì chúng tôi hiểu mục tiêu hỗ trợ pháp lý là chung cho tất cả các doanh nghiệp chứ không phải là chỉ riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

4. Nơi nhận: Thành phần nơi nhận đề nghị thêm các Hiệp hội, vì tại Điều 4 và Điều 10 có thành phần Hiệp hội.

Trên đây là một số ý kiến của Hiệp hội đầu tư xây dựng năng lượng Việt Nam góp ý với Ban soạn thảo Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để nghiên cứu.
 


CHỦ TỊCH HH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NĂNG LƯỢNG  
 
Trần Viết Ngãi


Các văn bản liên quan