Góp ý của luật sư Đào Nguyên Khải – Phó trưởng văn phòng ls Đào và Đồng nghiệp

Thứ Năm 15:00 09-08-2007


GÓP Ý XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP


Luật sư Đào Nguyên Khải
Phó trưởng văn phòng Luật sư Đào và Đồng nghiệp


Ý nghĩa của việc ban hành Nghị định:

Việc ban hành Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết đối với sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Hiện nay, rất nhiều nhà quản trị, điều hành doanh nghiệp chưa hiểu/hiểu không đúng/hiểu không đầy đủ pháp luật về kinh doanh. Điều đó đã gây ra nhiều thiệt hại cho chính bản thân doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế. Pháp luật quy định rằng các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp giải quyết được một số khó khăn trong việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Do vậy, Chính phủ cần ban hành sớm Nghị định này để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ những gì?

Trước khi thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần phải tiến hành khảo sát, tìm hiểu xem doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ những gì để từ đó các cơ quan nhà nước thực hiện hỗ trợ theo đúng những vấn đề mà doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ, như vậy việc hỗ trợ pháp lý của nhà nước cho doanh nghiệp sẽ có trọng tâm hơn, tránh dàn trải, hiệu quả mang lại không cao.
Theo ý kiến của chúng tôi, cần nâng cao ý thức pháp luật trong kinh doanh cho doanh nghiệp. Trong quá trình hành nghề, chúng tôi nhận thức được một điều là chỉ khi nào gặp rắc rối với pháp luật (tranh chấp hợp đồng dẫn đến kiện tụng; bị các cơ quan nhà nước xử lý …) thì doanh nghiệp mới tìm hiểu xem là mình đúng hay sai, mình có vi phạm pháp luật không. Có nghĩa là khi đã phát bệnh rồi mới đi tìm cách chữa bệnh. Đa số các doanh nghiệp không có ý thức tự phòng bệnh, không tìm hiểu kỹ pháp luật trước khi ký hợp đồng hoặc thực hiện một hành vi kinh doanh nào đó dẫn đến nhiều trường hợp không kịp chữa trị, phải ngậm ngùi gánh chịu hậu quả pháp lý. Do đó, điều đầu tiên doanh nghiệp cần nhà nước hỗ trợ về mặt pháp lý là nhà nước có kế hoạch, biện pháp tuyên truyền cho doanh nghiệp về ý thức pháp luật, giúp doanh nghiệp hiểu được ý nghĩa quan trọng của việc phòng ngừa những căn bệnh pháp lý.

Vấn đề thứ hai doanh nghiệp cần được hỗ trợ là khi họ muốn tìm toàn bộ những văn bản pháp luật điều chỉnh tới vấn đề mà họ đang quan tâm thì tìm ở đâu? Đây cũng là một vấn đề khó khăn của doanh nghiệp. Trên thực tế thì các quy định của pháp luật điều chỉnh về một vấn đề được đăng rải rác trên các số công báo, còn những tập hệ thống văn bản pháp luật được in ấn bày bán ở các hiệu sách thì vừa thừa vừa thiếu và không kịp cập nhật những văn bản mới ban hành. Vì thế, nếu có một địa chỉ cung cấp đầy đủ những văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành sẽ giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn khi tìm hiểu pháp luật.

Hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

Xuất phát từ nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng mới xác định được việc hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào để chi phí bỏ ra là thấp nhất mà doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất.

Dự thảo Nghị định đưa ra một số biện pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (quy định từ Điều 5 tới Điều 9) nhưng theo chúng tôi, những biện pháp hỗ trợ này chưa đủ giúp cho doanh nghiệp hay nói cách khác là hỗ trợ như vậy thì hiệu quả mang lại chưa cao. Vdụ 1: Điều 6 dự thảo quy định các Bộ và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm biên soạn, xuất bản tài liệu, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật cho doanh nghiệp. Vậy triển khai trách nhiệm này trên thực tế như thế nào hay chỉ là hệ thống hóa các văn bản pháp luật rồi bán cho doanh nghiệp. Vdụ 2: Điều 8 của dự thảo quy định: “Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc hiểu không rõ hoặc hiểu không thống nhất về nội dung các quy định pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương do mình quản lý”. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không biết được bản chất của những vướng mắc của mình là gì để làm công văn hỏi cơ quan nhà nước, dẫn tới việc sau khi hỏi và nhận được văn bản trả lời thì vấn đề vướng mắc vẫn không được giải quyết.

Nên chăng, nhà nước cần tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách:

-         Tổ chức tuyên truyền cho doanh nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc vận dụng những quy định của pháp luật, những thông lệ thương mại vào thực tế kinh doanh. Trong quá trình tuyên truyền, cần nhấn mạnh tới những rủi ro pháp lý, hậu quả pháp lý mà doanh nghiệp có thể phải gánh chịu do chưa coi trọng tới việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh.

-         Tổ chức một cổng thông tin chứa đựng đầy đủ các văn bản pháp luật về kinh doanh do các cơ quan từ trung ương tới địa phương ban hành để doanh nghiệp có thể tìm kiếm và đọc các quy định của pháp luật có liên quan tới vấn đề họ đang tìm hiểu. Và cổng thông tin này phải được coi là nguồn văn bản pháp luật hợp pháp để khi giải quyết tranh chấp, các tổ chức, cá nhân dùng để tham chiếu.

-         Ở một số địa phương có khó khăn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật thì nên thành lập các Trung tâm truy xuất dữ liệu miễn phí, tại đó trang bị máy vi tính, đường truyền ADSL cho các doanh nghiệp có nhu cầu tới tìm hiểu, tra cứu văn bản pháp luật.

-         Mở rộng chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với các Trung tâm Trợ giúp pháp lý của nhà nước ở các tỉnh.

Ai thực hiện việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp?

Theo dự thảo thì đội ngũ cán bộ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là những người làm công tác pháp chế của các Bộ và các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh. Nếu thực hiện theo phương án này thì sẽ có một số bất cập: thứ nhất, biên chế của các cơ quan nhà nước sẽ lại tăng lên làm cản trở công cuộc cải cách hành chính, tinh giảm biên chế; thứ hai, năng lực của nhiều cán bộ công chức của chúng ta còn hạn chế dẫn tới việc hỗ trợ cho doanh nghiệp không đạt được kết quả như mong đợi.

Chúng tôi cho rằng, nên giao việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cho các Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước ở các tỉnh. Các Trung tâm này có thể được ký hợp đồng cộng tác viên với các luật sư, luật gia để thực hiện việc hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước có trách nhiệm giúp doanh nghiệp những công việc như: hướng dẫn tìm kiếm văn bản pháp luật, gửi ý kiến tới các cơ quan có liên quan về việc hướng dẫn thực hiện pháp luật.

Cán bộ của Sở  Tư pháp và Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cho doanh nghiệp việc tuân thủ pháp luật.
Cán bộ công chức của các cơ quan nhà nước khác có trách nhiệm giải đáp pháp luật, hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện những vấn đề mà doanh nghiệp đang vướng mắc.

Một số quy định cần bổ sung thêm:

Theo chúng tôi, Nghị định cần bổ sung thêm một số quy định như:

-         Quy định chế tài đối với cán bộ, công chức thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

-         Quy định về sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc giải đáp những vướng mắc cho doanh nghiệp có liên quan tới nhiều bộ, ngành.

-         Quy định về việc các cơ quan nhà nước phải thiết lập một hộp thư điện tử để tiếp nhận những vướng mắc cần giải đáp thông qua email.

Các văn bản liên quan