Góp ý của Bà Lê Thu Hà – Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Thương mại

Thứ Ba 13:58 17-07-2007

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo lần thứ 5
 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.


Trong những nỗ lực chuẩn bị tham gia hội nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ngày 14/06/2005, Quốc hội Việt nam đã thông qua Luật thương mại sửa đổi, thay thế cho Luật thương mại cũ ban hành năm 1997. Luật Thương mại năm 2005 đã quy định một khung pháp luật tương đối hoàn chỉnh để điều tiết các mối quan hệ kinh doanh và cơ sở pháp lý cho việc thiết lập các hợp đồng thương mại. So với Luật Thương mại 1997, Luật Thương mại năm 2005 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, không giới hạn hoạt động thương mại trong 14 loại hình như luật cũ, mà quy định hoạt động thương mại là tất cả các hoạt động nhằm mục đích sinh lời, đồng thời, không chỉ giới hạn trong các giao dịch mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan khác, mà bao gồm cả các hoạt động cung cấp dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động thương mại khác. Chính vì vậy, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại số 175/2004/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 10/10/2004 không còn phù hợp trong quá trình xử lý các vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại phong phú và đa dạng như hiện tại. Việc gấp rút soạn thảo và ban hành một Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại trở nên quan trọng và có tính cấp thiết để đảm bảo môi trường hoạt động thương mại của các doanh nghiệp được lành mạnh và bình đẳng, đồng thời kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sai phạm của doanh nghiệp.

Đối chiếu với yêu cầu về một Nghị định mới, dự thảo 5 của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại đã có một số ưu điểm như sau:

Thứ nhất, dự thảo đã tương đối bám sát và đầy đủ các hành vi quy định trong Luật Thương mại 2005 và các Nghị định hướng dẫn thi hành trong các lĩnh vực: kinh doanh dịch vụ giám định thương mại, nhượng quyền thương mại, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử v.v.. Ngoài ra đối với những hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại về: đo lường và chất lượng hàng hoá, dịch vụ; an toàn vệ sinh thực phẩm; hoá đơn, chứng từ bán hàng, cung ứng dịch vụ; giá cả và niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ; cạnh tranh; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về hàng hoá, tem nhãn, bao bì hàng hoá giả về sở hữu trí tuệ được áp dụng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân người viết bài, cần bổ sung hai điểm như sau:

- Một là, đối với những hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa, không thuộc trường hợp xuất xứ hàng hóa được bảo hộ (ví dụ: chè tuyết Mộc Châu, bưởi Năm Roi v.v..) và là hàng hóa sản xuất trong nước, không thuộc loại hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định chưa nhắc đến các quy định xử phạt đối với hành vi này.

- Hai là, đối với các vi phạm của Hiệp hội thương mại trong quá trình tham gia các hoạt động thương mại có thể coi là một dạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, tuy nhiên trong dự thảo Nghị định chưa hề đề cập đến vấn đề này.

Thứ hai, các quy định về hình thức xử phạt, mức phạt tiền và các biện pháp khác đối với vi phạm hành chính phù hợp với các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể trong dự thảo sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực thi khi áp dụng. Tuy nhiên, do hạn chế trong quy định về mức phạt tiền tối đa áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực thương mại là 70.000.000 đồng (Điều 14 Pháp lệnh ngày 2 tháng 7 năm  2002 về việc xử lý vi phạm hành chính) nên các mức phạt tiền mà dự thảo đưa ra đối với nhiều hành vi là chưa đảm bảo sức răn đe đối với các hành vi vi phạm. Ví dụ: hành vi cung cấp thông tin sai lệch, thiếu trung thực, không đầy đủ cho khách hàng, người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ kinh doanh trong một số trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng chỉ chịu mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng (Điều 27)chỉ mang tính tượng trưng, không đảm bảo ngăn chặn tái phạm từ phía các doanh nghiệp, hay như các hành vi vi phạm quy định về dịch vụ cấm kinh doanh chỉ chịu mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điều 17) là bất hợp lý, cần phải căn cứ vào lợi nhuận mà thương nhân thu được khi kinh doanh các loại hình dịch vụ này.

Thứ ba, các hành vi vi phạm hành chính và chế tài xử phạt trong dự thảo Nghị định đã phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đây là một ưu điểm của Ban soạn thảo, các chế tài xử phạt cũng như các mức phạt tiền áp dụng cho các thương nhân đều phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, quyền kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp đều được đảm bảo. Các quy định của dự thảo Nghị định cũng thể hiện tính công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài, minh bạch trong xử lý các hành vi vi phạm.
 
Thứ tư, nhìn chung, các quy định trong dự thảo Nghị định đảm bảo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính và nguyên tắc pháp chế trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, cần thay đổi một số điểm sau:
 
- Một là, bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan quản lý cạnh tranh tại Điều 61, dự thảo Nghị định, căn cứ vào Nghị định số 120/2005/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.
 
- Hai là, tại Điều 28, dự thảo Nghị định nên sửa thành “Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về ... cạnh tranh không lành mạnh” thành “Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về ... cạnh tranh” vì cạnh tranh không lành mạnh chỉ là một nhóm hành vi trong các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh.

- Ba là, Tại Điều 67-Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại mà có hành vi sách nhiễu, dung túng, bao che vi phạm, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức, không đúng thẩm quyền; chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền bạc, hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm; làm cản trở lưu thông hàng hoá hợp pháp, gây thiệt hại cho người kinh doanh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Cụm từ người kinh doanh nên sửa thành “thương nhân” cho phù hợp với quy định của Luật thương mại và thống nhất cách dùng từ trong các văn bản pháp luật.

Thứ năm, do các vi phạm hành chính bị xử phạt thể hiện trong dự thảo bám sát các quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành, do đó, các quy định này đảm bảo nguyên tắc không hành chính hoá quan hệ dân sự hoặc hình sự hoá các vi phạm hành chính cũng như nguyên tắc pháp chế trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính. Nguồn gốc của các quan hệ thương mại là các quan hệ dân sự, chính vì vậy, việc đảm bảo quá trình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại không hành chính hóa các quan hệ dân sự là rất quan trọng mà trong đó, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các thương nhân là chìa khóa của vấn đề.
 
Thứ sáu, bên cạnh việc xem xét tính đồng bộ, phù hợp của dự thảo nhằm đảm nguyên tắc pháp chế trong xử phạt vi phạm hành chính thì mối quan tâm của các doanh nghiệp đối với dự thảo có ý nghĩa rất lớn, bởi chính các doanh nghiệp là đối tượng đầu tiên chịu tác động khi các quy định của dự thảo đi vào cuộc sống. Do đó, các quy định của dự thảo phải đảm bảo tính minh bạch khi thực hiện. Đặc biệt, đối với quá trình Định giá hàng hoá vi phạm để xác định mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính – tại Điều 64 của dự thảo. Mặt khác, cũng cần chú trọng vào việc quy định mức phạt tiền căn cứ vào lợi nhuận thu được từ hàng hóa, dịch vụ của thương nhân.
 
Lê Thu Hà (Cục Quản lý cạnh tranh - BTM)
 

Các văn bản liên quan