Góp ý của Luật sư Đào Nguyên Khải – VPLS Đào và Đồng nghiệp

Thứ Ba 14:01 17-07-2007


MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN BÀN THÊM TRONG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI
 

Kính thưa các Quý vị đại biểu, sau khi nghiên cứu Dự thảo, dưới góc độ nghề nghiệp, chúng tôi xin có một số ý kiến nhỏ, mang tính chủ quan để đóng góp nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại như sau:

1. Các quy định trong Dự thảo cần cụ thể, chi tiết hơn:

Theo chúng tôi, Dự thảo cần phải quy định chi tiết hơn cụ thể hơn và những quy định chỉ nên được hiểu theo một nghĩa. Những quy định mang tính chất chung chung, đa nghĩa sẽ rất khó cho việc áp dụng trên thực tế và dễ phát sinh những tiêu cực trong việc thực hiện. Chúng tôi xin có một vài dẫn chứng:

- Tại Khoản 5 Điều 5 của Dự thảo đã quy định “Trong thời hạn quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, nếu cá nhân, tổ chức lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới trong cùng lĩnh vực trước đây đã vi phạm…thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới”. Ở đây có một vấn đề cần được làm rõ đó là phạm vi của thuật ngữ “lĩnh vực”. Trong khuôn khổ của Dự thảo Nghị định này thì chúng ta nên hiểu phạm vi của thuật ngữ này như thế nào, theo nghĩa rộng hay theo nghĩa hẹp. Hiểu theo nghĩa rộng (theo tên của Dự thảo) thì lĩnh vực ở đây là lĩnh vực thương mại, như vậy thì một chủ thể đã thực hiện một hành vi vi phạm nào đó được quy định trong Dự thảo này, trong thời gian còn thời hiệu xử lý vi phạm lại thực hiện bất kể một hành vi vi phạm khác nào đó cũng được quy định trong Dự thảo này thì thời hiệu xử phạt vi phạm của hành vi trước được tính lại kể từ thời điểm chủ thể đó thực hiện hành vi vi phạm sau.

Ví dụ: Doanh nghiệp A đã có vi phạm về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong thời gian còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, Doanh nghiệp A lại có vi phạm về kinh doanh hàng hóa cấm kinh doanh thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính của hành vi vi phạm về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với Doanh nghiệp A lại được tính lại kể từ thời điểm Doanh nghiệp A thực hiện hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa cấm kinh doanh. 

Còn hiểu theo nghĩa hẹp thì chỉ khi một chủ thể thực hiện hai hành vi vi phạm được quy định trong cùng một Mục của Dự thảo tại hai thời điểm khác nhau thì mới đặt ra vấn đề tính lại thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Ví dụ: Doanh nghiệp A đã có vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, trong thời gian còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, Doanh nghiệp A lại có vi phạm về kinh doanh hàng hóa cấm kinh doanh thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính của hành vi vi phạm quy định về nhãn hàng hóa đối với Doanh nghiệp A lại được tính lại kể từ thời điểm Doanh nghiệp A thực hiện hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa cấm kinh doanh.

Ở đây chúng tôi không bàn về việc hiểu như thế nào sẽ hợp lý hơn, phù hợp với thực tiễn hơn mà chúng tôi chỉ đề cập tới vấn đề là những nhà chức trách có thẩm quyền xử phạt sẽ phải hiểu như thế nào đối với thuật ngữ này khi áp dụng trên thực tế. Nếu không quy định cụ thể thì dễ dẫn tới tình trạng muốn hiểu theo cách nào cũng đúng. Nên chăng, chúng ta sẽ có sự giải thích nào đó hoặc quy định cụ thể hơn về thuật ngữ lĩnh vực trong Khoản 5 Điều 5 của Dự thảo để giúp cho đối tượng áp dụng và những người thực thi công vụ có cùng cách hiểu giống nhau, giúp cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất hơn và tránh xảy ra tình trạng hiểu như thế nào cũng được từ đó phát sinh tiêu cực trong việc xử phạt vi phạm hành chính.

- Dự thảo nên định lượng được những gì có thể định lượng được, chỉ khi nào không thể định lượng được mới nên định tính.

Ví dụ: Thuật ngữ nhỏ trong Điểm a Khoản 2 Điều 7 cũng vậy, Dự thảo đã quy định: Phạt cảnh cáo được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ và nếu Nghị định này có quy định hình thức xử phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm hành chính đó. Như vậy, thế nào thì được coi là nhỏ? Nếu không quy định cụ thể thì vi phạm hành chính được coi là nhỏ hay không nhỏ hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức chủ quan của người có thẩm quyền xử phạt.

2. Nên quy định những hành vi giống nhau trong cùng một Điều, Mục: 

Theo chúng tôi, nên chăng chúng ta quy định những hành vi tương tự như nhau, giống nhau vào trong cùng một Điều, Mục. Như vậy, sẽ tạo ra sự nhất quán của Dự  thảo, tránh nhắc đi nhắc lại và tạo ra sự thống nhất trong việc áp dụng trên thực tế. Xin có một ví dụ: Chúng ta nên gộp những hành vi như nhập lậu hàng cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu (Khoản 9 Điều 22), nhập lậu hàng hóa cấm kinh doanh (Khoản 11 Điều 22), hành vi nhập khẩu các loại hàng hóa thuộc diện tạm ngừng nhập khẩu (Khoản 1 Điều 33), nhập khẩu các loại hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu mà không được phép (Khoản 2 Điều 33) vào một Điều trong Mục 5.

Xét về bản chất thì hành vi nhập khẩu các loại hàng hóa thuộc diện tạm ngừng nhập khẩu, nhập khẩu các loại hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu mà không được phép của cơ quan quản lý nhà nước thì cũng là hành vi nhập lậu hàng hóa. Bởi vì nhà nước quy định rằng nhập khẩu một loại hàng hóa nào đó thuộc diện tạm ngừng, hoặc cấm nhập thì phải xin phép. Nay người kinh doanh nhập loại hàng hóa đó khi mà chưa/không được phép của cơ quan quản lý nhà nước thì đó chính là hành vi nhập lậu hàng cấm nhập. 

Cùng một hành vi vi phạm nhưng chủ thể vi phạm lại có thể bị xử lý theo những mức độ khác nhau, ở những Điều Mục khác nhau rất có thể sẽ tạo ra một sự không thống nhất. Với những phân tích trên thì tôi chắc chắn rằng, trên thực tế sẽ phát sinh những vi phạm mà người có trách nhiệm xử phạt sẽ lúng túng khi không biết phải áp dụng mức xử phạt nào, ở Điều Mục nào, coi hành vi đó là nhập lậu hàng cấm nhập khẩu hay nhập khẩu các loại hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu để xử lý vi phạm. Chính việc không biết áp dụng theo quy định nào hoặc áp dụng theo quy định nào cũng đúng/không sai có thể sẽ phát sinh một thực tế là người vi phạm sẽ phải chịu một mức phạt không tương xứng với hành vi vi phạm.

3. Có quy định còn chưa phù hợp với thực tế:

Tại Điểm a Khoản 1 Điều 48 có quy định cho thuê hàng hoá mà không có hợp đồng theo quy định thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Hoặc Điểm a Khoản 1 Điều 51 đã quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đặt gia công hàng hoá trong thương mại mà không có hợp đồng theo quy định. Chúng tôi thấy có điểm chưa phù hợp với thực tế đó là giá trị của giao dịch. Tôi xin lấy ví dụ:

Ví dụ 1: Một cá nhân có đăng ký kinh doanh cho thuê băng đĩa nhạc, hành vi cho thuê băng đĩa nhạc của người đó là hành vi thương mại. Theo quy định của Dự thảo mà chúng tôi vừa viện dẫn ở trên thì nếu cá nhân này khi cho người khác thuê 01 chiếc đĩa VCD mà không lập hợp đồng thì sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Ví dụ 2: Một cá nhân có đăng ký kinh doanh bán quần áo may sẵn ở chợ, mua vải về và thuê một người khác may gia công quần áo. Hành vi thuê người khác may gia công quần áo của người đó là hành vi thương mại. Và nếu người đó không lập hợp đồng khi đặt gia công thì sẽ bị phạt ít nhất là 1 triệu đồng.

Giá trị của các giao dịch mà tôi vừa nêu trên là rất nhỏ, cho thuê 01 chiếc đĩa VCD thì chỉ thu được một vài ngàn đồng. Đặt gia công quần áo may sẵn cũng vậy, giá trị giao dịch là không đáng kể. Nếu quy định một mức phạt tiền quá cao cho một hành vi vi phạm rất nhỏ là bất hợp lý. Hơn nữa quy định cho thuê băng đĩa hình phải lập hợp đồng là một điều không cần thiết và không khả thi. Vì vậy, theo chúng tôi, nên chăng chúng ta định lượng mức độ của hành vi vi phạm về đặt gia công và cho thuê hàng hóa. Chỉ khi nào hành vi vi phạm lớn tới mức nhất định và gây thiệt hại cho xã hội thì mới bị xem xét xử phạt.

4. Cần cụ thể hóa các quy định về trình tự, thủ tục xử lý: 

Theo chúng tôi, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại là một vấn đề có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các thương nhân, từ đó, có tác động mạnh tới nền kinh tế của đất nước, do vậy, Dự thảo nên quy định về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm, áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo hướng đơn giản hơn, rút ngắn thời hạn xử lý hơn so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Cụ thể:

- Thời hạn ra quyết định xử phạt nên quy định chi tiết hơn: Ví dụ như đối với những vi phạm có chứng cứ rõ ràng, người vi phạm đã thừa nhận hành vi vi phạm thì phải ra quyết định xử phạt ngay (thời hạn tối đa là 10 ngày trong Pháp lệnh là quá dài và trong trường hợp này thì không cần thời gian dài như vậy);

Thực tế, chúng tôi đã gặp trường hợp một người kinh doanh hàng nhập lậu, thuê phương tiện vận chuyển, khi bị quản lý thị trường kiểm tra lập biên bản vi phạm thì người đó đã phải thừa nhận vi phạm và ký vào biên bản. Sau đó người này có nguyện vọng là được xử phạt sớm để giải phóng phương tiện vận chuyển, giảm bớt thiệt hại nhưng không được đáp ứng trong khi người lập biên bản là người có thẩm quyền xử phạt. Tôi đặt trường hợp nếu có khiếu nại thì người có thẩm quyền xử phạt không sai vì chưa hết thời hạn theo quy định của Pháp lệnh.

- Phải công khai việc xác minh cho đối tượng bị lập biên bản vi phạm: Theo chúng tôi, vấn đề này hết sức cần thiết, cơ quan quản lý nhà nước cần minh bạch, công khai việc xác minh vi phạm làm cơ sở cho việc ra quyết định xử phạt như thời gian, địa điểm xác minh; kết quả xác minh cho người bị lập biên bản. Việc công khai các vấn đề này giúp cho việc giải quyết vi phạm được khách quan, đúng pháp luật, không gây thiệt hại tới quyền lợi hợp pháp của người kinh doanh;

- Việc xác minh phải tiến hành liên tục, không được ngắt quãng.

- Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ hàng hóa, tạm giữ phương tiện cũng cần được quy định cụ thể về trường hợp nào thì chỉ tạm giữ hàng hóa; trường hợp nào thì tạm giữ cả hàng hóa, cả phương tiện vận chuyển; trường hợp nào thì chỉ tạm giữ giấy tờ của phương tiện vận chuyển. 

Theo chúng tôi thì các vấn đề trên cần được quy định hết sức cụ thể. Điều đó sẽ giúp cho người kinh doanh biết rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, từ đó làm hạn chế sự tùy tiện, nhũng nhiễu trong khi thi hành công vụ của một số công chức nhà nước. 

Trên đây là một số ý kiến chủ quan của chúng tôi, kính mong      Ban Soạn thảo và các Quý vị đại biểu cùng nghiên cứu, góp ý và thảo luận.

Hà Nội, ngày 16 tháng 07 năm 2007 

Luật sư Đào Nguyên Khải

Các văn bản liên quan