Góp ý của Ông Nguyễn Đình Xuân – Tây Ninh

Thứ Sáu 10:22 02-11-2007

Kính thưa Quốc hội, trước hết tôi xin được bày tỏ sự đồng tình với phần sửa đổi, bổ sung từ sau kỳ họp lần trước của Quốc hội Khoá XI đã góp ý, lần này chúng ta đã sửa đổi được rất nhiều điểm quan trọng. Tuy nhiên tôi thấy rằng có một số điểm, tôi xin được góp ý thêm với Ban soạn thảo và Quốc hội xem xét.

Thứ nhất là về giải thích từ ngữ, ở đây chúng ta giải thích hoá chất theo một nghĩa rất chung và rất rộng, tức là "chất và hỗn hợp chất được con người tạo ra bởi các phản ứng hoá học, chiết, tách, tinh chế từ nguồn nguyên liệu tự nhiên", có thể nó do con người tạo ra và cũng có thể do thiên nhiên tạo ra như đại biểu vừa phát biểu. Đôi khi những quá trình tự nhiên cũng có thể tạo ra những hoá chất, cho nên cũng có thể ta định nghĩa đầy đủ. Tuy nhiên sau định nghĩa này, trong phạm vi điều chỉnh chúng ta lại phải thu hồi bớt vì nếu theo luật này thì chúng ta điều chỉnh luôn cả những thứ ta ăn uống hàng ngày như muối, đường, các loại nông dược, các loại dược phẩm, các nguyên, nhiên liệu khác.

Theo luật của Slôvakia hoặc của Hàn Quốc họ đều loại trừ những chất không được điều chỉnh bởi luật này vì hoá chất là rất chung, nhưng những hoá chất được dùng trong thực phẩm, trong dược liệu thì nó có những luật khác quy định, chứ nếu không thì chẳng hạn bán muối ăn cũng là bán cloruanatri thì cũng đúng là một hóa chất thật, nhưng trong luật này nó không điều chỉnh nếu nó là thực phẩm, thì tôi đề nghị chúng ta phải loại trừ trở lại.

Thứ hai, về định nghĩa "chất" thì chúng ta gộp giữa đơn chất và hợp chất vào chung một định nghĩa. Việc này rất khó, vì hai khái niệm này khác nhau. Tuy nhiên, nếu chúng ta cố ý thì chúng ta vẫn phải định nghĩa theo hướng gồm cả định nghĩa đơn chất và định nghĩa hợp chất. Nhưng ở đây có một điều rất tối nghĩa là "chất" mà lại không bao gồm các dung môi mà khi tách ra thì tính chất của chất đó không thay đổi. Thật ra ở đây chúng ta đã hơi khiên cưỡng khi định nghĩa hợp chất và đơn chất. Nếu dung môi mà khi tách ra tính chất của nó thay đổi thì nó là hợp chất, còn nếu nó  không thay đổi thì nó là hỗn hợp chất. Vấn đề ở đây rất chuyên môn, cho nên tôi cũng chỉ góp ý thế này thôi, Ban soạn thảo thì chắc chắn là có rất nhiều chuyên gia thì sẽ định nghĩa lại rất rõ ràng. Định nghĩa giữa đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất là phải tương đối rõ ràng để chúng ta khi áp dụng vào những điều sau nó không vướng, không gây ra những tranh cãi không cần thiết.

Về hoa chất nguy hiểm, thì ở đây chúng ta lại chỉ dẫn ra một Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất. Về vấn đề này có lẽ luật tôi thấy thường không chiếu ra như thế này. Một là chúng tôi dẫn chiếu ra một phụ lục quy định từ luật Việt Nam, một phụ lục từ Công ước quốc tế và điều này đã nằm trong nguyên tắc áp dụng luật của chúng ta, tức là áp dụng theo Công ước quốc tế mà chúng ta ban hành. Chứ nếu chúng ta ban hành cái này, mà nó lại không kèm theo luật thì người ta sẽ không biết chúng ta định nghĩa hóa chất nguy hiểm là như thế nào. Cho nên là hoặc chúng ta nội địa hóa quy định này, thì chúng ta không nên áp dụng như thế này nữa. Hai nữa là trong định nghĩa hóa chất nguy hiểm thì lần trước tôi có nói là hóa chất ở dạng này nó nguy hiểm mà ở dạng khác nó lại không nguy hiểm, ở nồng độ này nó nguy hiểm, ở nồng độ khác nó không nguy hiểm hoặc ít nguy hiểm hơn.

Có rất nhiều ví dụ. Chẳng hạn như chúng ta thấy nhôm và chì đều là những nguyên tố độc, nhưng nhôm vẫn có thể dùng trong dân dụng bình thường được, chì bình thường thì không được quy định, chì kim loại thì không độc, nhưng chì hữu cơ thì lại rất độc. Hay là các chất ôxy hóa mạnh như axit sunfuric, nhưng nó phải ở nồng độ đậm đặc, còn nồng độ thông thường thì nó lại là chất bình thường, chỉ là chất ăn mòn thôi, chứ không phải là chất ôxy hóa mạnh nữa. Cho nên như vậy định nghĩa hoá chất nguy hiểm cũng phải nói rõ với một nồng độ hoặc một tình trạng tồn tại ở một dạng nào đó mà nó nguy hiểm, thì chúng ta có danh mục kèm theo hơn là chúng ta quy định chung như vậy, chẳng hạn như ta ghi axitsunphuaric, lập tức là tất cả những loại nồng độ khác nhau, đều rơi vào danh sách là những chất nguy hiểm cả, nó cũng không hoàn toàn đúng với ý định của chúng ta từ đầu. Đó là một số khái niệm và định nghĩa.

Một vấn đề nữa, một số đại biểu đã phát biểu trước, tôi chỉ nói rõ lại. Tức là trong này chúng ta quy định đến 8 Bộ, ngành liên quan, để mà quản lý liên quan luật này là qúa nhiều, theo tinh thần của Chính phủ là một việc chỉ giao cho một Bộ quản lý thôi. Nếu mà đọc Luật của Slovenkia thì họ giao cho Bộ Y tế, nếu đọc Luật của Hàn Quốc thì họ giao cho Bộ Môi trường. Chúng ta có quyền giao cho Bộ nào cũng được, nhưng mà phải là một Bộ trước đã, còn những Bộ khác do Chính phủ có quy định phối hợp với nhau, chứ không nhất thiết. Ví dụ như khai báo nhập khẩu hoá chất chúng ta đồng thời phải khai báo hải quan, khai báo với Bộ chuyên ngành, song lại khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước về hoá chất và cũng không loại trừ phải khai báo với cả cơ quan quản lý môi trường, chúng ta khai báo quá nhiều như vậy, nhưng khi xảy ra một sự cố thì chúng ta không biết anh nào phải chịu trách nhiệm. Vì chúng ta dùng thông tin khai báo này để quản lý Nhà nước, như vậy chúng ta phải có cơ quan cụ thể và theo ý kiến của tôi phần lớn những hoạt động hoá chất này nên giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường và điều này đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, chứ không phải chúng ta tự đặt ra điều này.

Chẳng hạn như sự cố hoá chất thật ra đó là sự cố môi trường và sự cố môi trường đã được quy định ở Luật Bảo vệ môi trường. Nếu không cứ luật chuyên ngành chúng ta lại cứ đá luật chung. Có một lần tôi đã nói chỗ này nếu cần thiết thì rõ ràng luật sau có hiệu lực hơn luật trước, luật chuyên ngành có hiệu lực hơn luật chung, nhưng mà nếu sự thực cần thiết, còn nếu không cần thiết thì chúng ta phải soạn thảo luật chuyên ngành theo hướng phù hợp với luật chung, luật sau phù hợp hơn với luật trước thì nó đúng với lô gích của nó. Chứ bây giờ chúng ta làm như vậy thì Bộ Công thương cấp phép là quản lý cả an toàn hoá chất nhưng sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường thì lại do Bộ Tài nguyên môi trường quản lý. Như vậy ít nhất có nhiều, quá nhiều các cơ quan tham gia vào quá trình này và khả năng lớn nhất sẽ gây phiền hà về thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà và không hiệu quả. Tôi xin hết, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan