Góp ý của ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình – Bến Tre

Thứ Sáu 10:23 02-11-2007
Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Được sự cho phép tôi xin phát biểu 3 ý, trước hết tôi xin bày tỏ sự đồng quan điểm với những ý kiến đóng góp trước. Ở đây tôi rất quan tâm đến vấn đề phòng ngừa ứng phó sự cố hoá chất, trong Chương IV của dự luật có quy định vấn đề phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất thì tập trung vào thủ tục xem xét xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất. Tôi thống nhất là cần phải có quy định này, nhưng nên có sự đối chiếu với trình tự, thủ tục và phẩm quyền xem xét, thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, để quản lý có hiệu quả nhưng đồng thời đối với các dự án đầu tư cũng không chồng chéo về thủ tục, vì nếu theo quy định của Khoản 3, Điều 39 quy định về chủ dự án đầu tư sản xuất sử dụng cất giữ hóa chất thuộc danh mục quy định tại Khoản 1 điều này phải lập kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chỉ được đưa dự án vào hoạt động sau khi kế hoạch được phê duyệt. Việc phê duyệt này và việc thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, nên có một sự thống nhất và trong thủ tục của Báo cáo đánh giá tác động môi trường cần thiết xem xét luôn kế hoạch về phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất, vừa đảm bảo quản lý và cũng đảm bảo thuận lợi cho vấn đề đầu tư, để tránh 2 thủ tục hành chính song song ảnh hưởng đến các dự án đầu tư.

Cũng về vấn đề phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất tại chương này, quan điểm của riêng tôi, tôi đề nghị bổ sung trong chương này là chương phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố hóa chất. Tất nhiên, trong nội dung về ứng phó có khắc phục, nhưng quy định trách nhiệm về khắc phục sự cố hoá chất trong luật này chưa thể hiện cụ thể. Cho nên đề nghị ít nhất phải có một điều bổ sung vào trong chương này, quy định về trách nhiệm khắc phục sự cố hoá chất. Bởi vì sự cố hoá chất nếu có sảy ra thì hậu quả cho môi trường, cho người dân, cho đời sống rất lớn, có những hậu quả thì thấy ngay, nhưng có những trường hợp rất lâu dài sau đó mới thấy được hậu quả. Cho nên vấn đề khắc phục hậu quả của sự cố hoá chất là thiết thực đối với đời sống dân sinh. Cần quy định rõ chịu trách nhiệm về khắc phục sự cố hoá chất, kể cả trường hợp phát hiện ngay cũng như trường hợp hậu quả xảy ra lâu dài. Ví dụ như một số vụ ảnh hưởng về sự cố hoá chất thông tin đã đưa gần đây.

Cho nên đề nghị Chương IV bổ sung tên của chương là chương phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố hoá chất, nhấn mạnh thêm để có nội dung về khắc phục và sau này có trách nhiệm gắn với cơ sở hoạt động hoá chất cũng như các cơ quan phối hợp hỗ trợ.

Về vấn đề phê duyệt phòng ngừa sự cố hoá chất. Vấn đề này chúng tôi đề nghị nên bổ sung về thành phần của Hội đồng thẩm định về kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất, nên bổ sung vào ngay trong dự án luật. Trong dự thảo chúng tôi đọc thấy có quy định về Hội đồng này. Nhưng tôi nghĩ Hội đồng này nên quy định vào trong luật, rất cần thiết, bởi vì đảm bảo tính pháp lý và pháp nhân trong quá trình hoạt động và phê duyệt cũng như chịu trách nhiệm sau khi phê duyệt kế hoạch về phòng ngừa, ứng phó sự cố mà sau này nếu kế hoạch đó không đảm bảo, xảy ra sự cố.

Vấn đề thứ hai, về vấn đề thanh tra hoạt động hóa chất, tôi nghĩ đây là vấn đề rất quan trọng. Điều 66, quy định nội dung và thẩm quyền thanh tra theo quy định của luật này và Luật thanh tra, tôi thấy chưa rõ và có các vấn đề . Ví dụ nôi dung về thanh tra cần có các nội dung cụ thể, những nội dung lớn. Thứ hai, đặc biệt về thẩm quyền của thanh tra hóa chất, thanh tra hóa chất có thẩm quyền gì trong việc thanh tra như thế này. Bởi vì Luật thanh tra quy định đấy là thẩm quyền chung, nhưng còn có các thẩm quyền, ví dụ như lấy mẫu, đình chỉ các hoạt động có khả năng gây sự cố hóa chất. Cho nên cần quy định rõ thẩm quyền của thanh tra hoá chất trong Điều 66. Quy định cụ thể sẽ thuận tiện cho cơ quan thanh tra cũng như sự chấp hành của đối tượng bị thanh tra.

Vấn đề thứ ba, mang tính chất về kỹ thuật lập pháp. Tôi thống nhất với các ý kiến trước, những ý kiến đã nói rồi, tôi không nói lại. Nhưng đối với Điều 67, trong xử lý về kỹ thuật có những trùng lặp, ví dụ xử lý về hành chính, về dân sự, về hình sự, về bồi thường thiệt hại thì bồi thường thiệt hại thực tế nó là vấn đề dân sự. Cho nên nếu nói về dân sự thì nói chung luôn.
Điều 68, giải quyết tranh chấp trong hoạt động hoá chất. Tôi thấy nếu đã quy định tất cả các doanh nghiệp hoặc cá nhân khi tham gia hoạt động hoá chất có các quan hệ giao dịch hợp đồng hoặc các quan hệ về quyền sở hữu trí tuệ được giải quyết theo các quy định của pháp luật dân sự, cho nên không cần quy định Điều 68 ở trong dự luật. Tôi xin phép có một số ý kiến như thế. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan