Góp ý của ĐBQH Lê Thị Dung – An Giang

Thứ Sáu 10:13 02-11-2007

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự án luật và nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý tôi nhận thấy Luật Hoá chất là một luật chuyên ngành rất sâu đã được Ban soạn thảo chỉnh lý, tiếp thu khá đầy đủ so với dự án luật trình tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá XI. Tôi nhất trí với nhiều nội dung trong dự án luật và một số ý kiến phát biểu của các đại biểu phát biểu trước tôi. Do tôi phát biểu sau nên trùng nội dung cũng khá nhiều, nhưng tôi không bấm xoá là tôi muốn góp ý vừa rồi Chủ toạ đã đề nghị vấn đề lựa chọn đại biểu trong thứ tự ưu tiên. Đáng lẽ vấn đề này Chủ toạ phải có ý kiến trước là một, thứ hai là lựa chọn đoàn, tất nhiên là đoàn nào được lựa xong rồi các đại biểu khác xem đoàn người sẽ phát biểu chứ không lý gì, đại biểu đăng ký rồi thì tới đại biểu đó khi đoàn chưa phát biểu mà tới 9, 10 đại biểu  khác phát biểu, trong khi tới đơn vị người ta phát biểu, mà không được phát biểu, làm như vậy thì nó rất khó, tất nhiên chúng tôi cũng chia sẻ rất nhiều đại biểu đăng ký, đồng thời cũng phải nghe ý kiến của các Bộ ngành sẽ có nhiều thông tin hơn để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thì tôi rất thống nhất với cách điều hành như vậy.

Riêng đây tôi để Luật khả thi hơn tôi xin đóng góp về vai trò trách nhiệm quản lý Nhà nước. Tôi rất đồng tình và chia sẻ với tất cả các đại biểu vấn đề trách nhiệm của quản lý Nhà nước. Đối với Dự án Luật này thì trách nhiệm quản lý Nhà nước phải là số một, bởi vì để đảm bảo việc an toàn và vấn đề dân sinh và vấn đề môi trường, cuộc sống của người dân và kể cả môi trường của toàn cầu, thì vai trò trách nhiệm quản lý Nhà nước phải rất cụ thể, do vậy mà việc quy định chung chung cho 8 Bộ trong nhiệm vụ này. Tôi nghĩ rằng Chính phủ nên xem xét. Như vậy thì đối với các nhiệm vụ quyền hạn trong các Bộ. Tôi nghĩ rằng đây là nhiệm vụ do Chính phủ giao thì giao cho Bộ ngành nào như các đồng chí khác đã phát biểu tôi thống nhất, các ngành khác trong sự phối hợp nên để Nghị định hướng dẫn, làm cho nhẹ đi trong luật này.

Điều tôi đóng góp là điều trong xu thế cải cách hành chính hiện nay vấn đề chúng ta ra luật là thực hiện ngay, không chờ thông tư hướng dẫn. Nhưng trong quy định quản lý Nhà nước ở Điều 64, đối với vai trò của cấp quản lý Nhà nước ở địa phương và cơ sở rất chung chung, chỉ có 2 khoản và rất ngắn gọn. Như vậy sẽ sinh ra nhiều Nghị định hướng dẫn cho các cấp này thực hiện, điều đó làm cho luật chậm đi vào cuộc sống hơn.

Tôi đề nghị đối với công tác quản lý Nhà nước cần làm rõ, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm tới đâu? Tôi nghiên cứu Điều 63, Điều 68, Điều 64 còn rất chung chung, phần lớn chỉ thể hiện vai trò của các Bộ thôi, mà đây là sự phân công của Chính phủ, nếu cần chuyển sang nghị định của Chính phủ, tôi đề nghị như vậy.

Về vấn đề nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm tới đâu phải phân rất rõ để thôi đùn đẩy. Ví dụ trong cấp phép, trong thu hồi, trong phê duyệt, trong thực hiện, mỗi quy định v.v... như vậy thì nhiệm vụ của Chính phủ các Bộ, ngành tới đâu, tỉnh tới đâu, huyện, xã tới đâu thì cần phải làm nó rõ ràng để tránh sự chồng chéo mà tôi có nghiên cứu nghị định kèm theo thì chưa có quy định rõ điều này. Tôi tha thiết đề nghị nên cần phải ghi rất rõ cụ thể chức năng nhiệm vụ, quyền hạn tới đâu.

Một vấn đề nữa trong quản lý Nhà nước tôi cũng thấy so với ý kiến đóng góp của Quốc hội Khoá XI, Kỳ XI thì Ban soạn thảo có chỉnh lý, bổ sung một điều đó là một điều rất quan trọng trong việc thực hiện hợp tác quốc tế, ở trong việc quản lý hoạt động hoá chất. Tôi rất hoanh nghênh nhưng tôi đề nghị để đúng tầm và thể hiện trong điều kiện hội nhập ngày nay và trong lĩnh vực hoạt động hoá chất này còn nhiều vấn đề cần phải có sự hợp tác quốc tế, tôi đề nghị tách riêng một điều độc lập chứ không phải chỉ làm một điểm nhỏ trong một khoản nhỏ. Ở đây tôi thấy thể hiện trong Điều 65, Khoản 2, điểm i, tôi đề nghị để đúng tầm hơn là tách ra một điều riêng. Xin cảm ơn Quốc hội, tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan