Góp ý của ĐBQH Nguyễn Hữu Nhơn – Đồng Tháp

Thứ Sáu 10:15 02-11-2007

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin đóng góp mấy điều trực tiếp, trước hết về Điều 18: Nói về gia hạn, sửa đổi thu hồi giấy phép kinh doanh hoá chất, hạn chế kinh doanh. Điều 18 trong này có hai điểm, điểm b: Giả mạo hồ sơ giấy phép. Điểm d: Vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật này. Có hai điểm này của Khoản 3, Điều 18, tôi nghĩ hai điểm này nó thuộc hành vi hình sự. Cho nên Điều 18 nói về quan hệ pháp lý về hành chính. Tôi đề nghị hai điểm này đưa vào Điều 67, về xử lý nếu vi phạm thuộc hành chính hay là nặng hơn là hình sự thì xử lý hình sự. Vì hai điểm này thuộc hành vi hình sự, chứ không phải quan hệ pháp lý về hành chính. Do đó đề nghị Ban Soạn thảo đưa hai điểm này vào Điều 67 về xử lý.

Vấn đề thứ hai là tại Điều 23 về kiểm soát mua bán hóa chất, mua bán chất độc thì cả hai Khoản 1 và Khoản 2 trong này có đặt vấn đề là bên mua và bên bán. Bên bán thì tất nhiên là chủ thể, bên bán đã có đăng ký cơ sở pháp lý, hành nghề của bên bán rồi. Nhưng bên mua thì ở trong này tại Khoản1 quy định là phải có xác nhận, nhưng không nói cơ quan nào xác nhận, tức là có liên quan đến các điều sau, thí dụ như Điều 43 nói về các cơ quan chuyên môn và ủy ban nhân dân xã, như vậy thì có xác nhận này thì của ủy ban nhân dân xã hay cơ quan chuyên môn.

Ở đây tôi có suy nghĩ là chưa hình dung được trong quan hệ giao dịch mua bán về chất độc ở thị trường thì chưa có đề xuất được việc xác nhận là của cơ quan nào. Chất độc thì rất đa dạng và phong phú cho nên ủy ban nhân dân xã không thể nào kiểm soát và nắm được chất độc hại mà để xác nhận.Ủy ban nhân dân xã là cơ quan cấp cơ sở quản lý hành chính thôi. Vì vậy về vấn đề này phải có một cơ quan chuyên môn. Như vậy trong Khoản 1 Điều 23 là có xác nhận thì đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu cho chủ thể cơ quan chuyên môn đó là ai, để bên mua có cơ sở người ta đến người ta xác nhận. Tôi đề nghị về bên mua cũng phải báo cáo rõ mục đích sử dụng và được cơ quan chuyên môn đó xác nhận. Vì trong tình trạng thực tế hiện nay, việc sử dụng hóa chất độc xảy ra rất nhiều. Ví dụ như axit đậm đặc hay các thứ khác v.v. Tôi đề nghị trong Khoản 1 Điều 23 thì nên nói rõ để cho luật khả thi hơn.

Điểm thứ ba là Điều 24 về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển, quá cảnh hoá chất. Trong này quy định một khoản rất chung về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển, quá cảnh v.v... Tôi có chuẩn bị việc đóng góp cụ thể, tôi xin gửi cho Ban soạn thảo sau, nhưng tôi đề nghị Điều 24 nên quy định chặt chẽ hơn. Bởi vì trong thực tế không chỉ xuất nhập qua đường chính ngạch kiểm soát của Nhà nước mà còn đi đường tiểu ngạch, tức là đi qua đường lậu thì chúng ta không kiểm soát được, tức là những chất độc từ động vật và thực vật v.v..... Việc này cần nghiên cứu qua các cửa khẩu biên giới, nhất là giữa ta với Trung Quốc, Campuchia và từ Thái Lan qua. Cho nên đề nghị Điều 24 phải quy định rất nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn nữa, việc thiết kế các khoản cụ thể tôi sẽ đóng góp bằng văn bản gửi sau.

Tại Điều 38 về trang bị lực lượng ứng phó, sự cố hoá chất, trong này có quy định 3 khoản nhưng có liên quan đến Khoản 2 và Khoản 3. Khoản 2 quy định: lực lượng ứng phó tại chỗ, tôi cũng chưa hình dung được ý đồ của Ban soạn thảo và cơ quan soạn thảo thành lập lực lượng ứng phó này như thế nào và lực lượng ứng phó này thuộc cơ quan nào, tức là thuộc Uỷ ban nhân dân xã hay thuộc cấp huyện hay thuộc cơ quan chuyên môn nào, cũng chưa rõ. Đề nghị Khoản 2 cần phải nói rõ lực lượng ứng phó này như thế nào, có thành lập thêm bộ máy, lực lượng và tổ chức lực lượng hay không? cũng cần phải nghiên cứu xem.

Khoản 3 trong này cũng có đề cập đến phòng cháy, chữa cháy, phòng cháy, chữa cháy trong thực tế thì thuộc cơ quan công an, nhưng đoạn cuối là tăng cường năng lực cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy để ứng phó các sự cố hoá chất nghiêm trọng, nhưng chức năng phòng cháy, chữa cháy chủ yếu là chữa cháy thôi, còn chất độc hại khi nó có sự cố thì không phải chỉ cháy không mà còn các loại khác, khối hơi ngạt các thứ v.v... Vậy phòng cháy, chữa cháy có đảm bảo ứng phó được hay không? Cho nên trong thiết kế của Khoản 3 có liên quan đến Điều 43 về giao cho Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn. Tôi đề nghị thiết kế là giao cho cơ quan chuyên ngành, có tính chuyên môn sâu để giải quyết vấn đề này thì khả thi hơn, nếu chúng ta nói chung như vậy thì rất khó cho nên luật không thể có tính khả thi được. Xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan