Góp ý của ĐBQH Huỳnh Nghĩa – TP Đà Nẵng

Thứ Sáu 10:08 02-11-2007

Kính thưa Quốc hội, 

Trước hết chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật hoá chất. Về cơ bản, nội dung của dự thảo luật tương đối cụ thể, rõ ràng, tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của luật, chúng tôi đề nghị cần xem xét thêm một số ý kiến như sau:

Một là, về vấn đề kinh doanh, mua bán hoá chất, đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm vì các hoạt động hoá chất được  bày bán tràn lan, thậm chí hoá chất được bày bán lẫn lộn cùng với các mặt hàng khác, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường sống, đặc biệt đối với vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhưng chưa có cơ chế kiểm soát và quy trách nhiệm cụ thể. Tác dụng nguy hại của các loại hoá chất này đến đâu cũng không rõ, do đó chúng tôi đề nghị ngoài vấn đề quy định về quy trình kiểm soát, mua bán hoá chất thông qua phiếu kiểm soát, đề nghị phải có quy định rõ về việc quy hoạch tập trung các khu buôn bán hoá chất. Theo hướng nếu cửa hàng nào kinh doanh, mua bán hoá chất thì không được bày bán các mặt hàng khác.
Vấn đề thứ hai là vấn đề trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động hoá chất. Chúng tôi thấy các quy định này trong dự thảo luật có sự chồng chéo, không rõ trách nhiệm giữa bộ và ngành. Vấn đề này một số đại biểu đã phát biểu trước, nhưng tôi muốn dẫn chứng cụ thể để Ban soạn thảo nghiên cứu. Đó là tại điểm a, Khoản 2, Điều 63 của Dự thảo luật quy định trách nhiệm của Bộ Công thương là ban hành theo thẩm quyền hoặc quy trình có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghịêp hóa chất, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hóa chất.

Trong khi đó tại Khoản 2, Điều 12 của Dự thảo quy định bộ quản lý ngành quy định cụ thể điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh hóa chất thuộc phạm vi quản lý.

Tại Khoản 4, Điều 14 của Dự thảo luật quy định bộ quản lý ngành trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình quy định cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên môn, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản xuất, kinh doanh hóa chất quy định theo điều này. Như vậy, trách nhiệm của Bộ Công thương và các bộ quản lý ngành chồng chéo với nhau. Mặt khác, theo quy định tại Điều 63 của Dự thảo luật, chỉ riêng lĩnh vực quản lý về hoạt động hóa chất đã có đến 8 bộ cùng tham gia quản lý, chưa kể các cơ quan ngang bộ khác. Tại Điều  65, lại quy định cơ quan quản lý hoạt động hóa chất là cơ quan trực thuộc Bộ Công thương. Điều này cho thấy, về mặt quản lý Nhà nước có gì đó chưa ổn,  chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ vấn đề này theo hướng chỉ giao cho một cơ quan Nhà nước quản lý hoạt động hóa chất, để thực hiện việc quản lý tập trung thống nhất trong phạm vi cả nước.

Thứ ba, về vấn đề xử lý vi phạm, chúng tôi thấy rằng việc quy định chế tài xử lý vi phạm tại Điều 67 của Dự thảo luật còn mang tính chất chung chung, chưa cụ thể, khó có thể áp dụng trong thực tế. Do đó, chúng tôi đề nghị cần ghi hẳn trong luật là giao cho Chính phủ quy định những hành vi nào là hành vi vi phạm hành chính và chế tài xử phạt các hành vi vi phạm hành chính đó trong lĩnh vực hoạt động hoá chất. Có như vậy mới đảm bảo được tính khả thi của luật.

Thứ tư, về kỹ thuật lập pháp chúng tôi cho rằng để đảm bảo thuận lợi trong việc nghiên cứu áp dụng một văn bản pháp luật, đòi hỏi việc trình bày các điều khoản của luật phải tuân theo một trình tự lô gích nhất định rõ ràng và dễ hiểu. Trên tinh thần đó chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cần điều chỉnh lại một số điều, khoản của dự thảo luật như sau:

Việc sắp xếp vị trí của Điều 24, Điều 25 chưa thật hợp lý. Điều 23 đang đề cập đến hoá chất độc, Điều 23 quy định hoá chất nói chung. Rồi đến Điều 25 lại quy định về hoá chất độc. Đề nghị đổi vị trí của 2 điều luật này, để phù hợp theo trình tự của tên gọi tại Chương IV của dự thảo luật, đề nghị đổi vị trí của Điều 28 và Điều 29.

Điểm a, Khoản 2, Điều 15 là một quy định dẫn chiếu điểm a, b Khoản 2, Điều 14. Trong khi đó điểm a, Khoản 2, Điều 14 cũng là một quy định dẫn chiếu đến Điều 11, Điều 12, Điều 13. Chúng tôi cho rằng việc quy định dẫn chiếu như vậy là lòng vòng không hợp lý. Đề nghị sửa lại nội dung của điểm a, Khoản 2, Điều 15 theo hướng dẫn chiếu ngay đến Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Khoản 2, Điều 14 của dự thảo luật thì phù hợp hơn.

Trên đây là một số ý kiến về các vấn đề dự thảo luật mà chúng tôi thấy còn vướng mắc cần tập trung xem xét chỉnh sửa nhằm đảm bảo tính khả thi của luật. Xin chân thành cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan