Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Ngân – Hải Dương

Thứ Sáu 10:04 02-11-2007

Kính thưa Quốc hội,

Tôi tham gia có hai ý trong Dự luật Luật Hoá chất.

Thứ nhất, tôi rất tán thành Báo cáo giải trình, chỉnh lý, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tôi không đi sâu vào thuật ngữ, nhưng ở Điều 4, tôi thấy có sự không thống nhất trong cách dùng thuật ngữ và giải thích từ ngữ. Ví dụ, trong Điều 4 hoá chất chúng ta giải thích là chất, hỗn hợp chất, như thế chưa chính xác và chưa thống nhất với Khoản 8, Điều 4. Tức là chúng ta nói rằng hoá chất là hợp chất, trong tất cả các từ điển tiếng Việt người ta cho rằng hoá chất là hợp chất có phân tử xác định. Như vậy hoá chất chỉ có thể là một hợp chất, còn chất là đơn chất. Hơn nữa hoá chất không chỉ do con người tạo ra như giải thích trong dự thảo, mà hoá chất còn có trong thiên nhiên, điều này lại được khẳng định trong Khoản 8, Điều 4. Tức là có quy định khai thác các hoá chất tự nhiên. Như thế tôi đề nghị chúng ta nên dùng thuật ngữ, từ ngữ cho thống nhất, cho chính xác.

Vấn đề thứ hai xung quanh về chức năng quản lý Nhà nước về hóa chất thì tại Chương VII về khai báo, đăng ký, cung cấp thông tin về hóa chất và Chương IX về trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động hóa chất, thì tôi cho rằng có một số điểm, nếu quy định thế này thì chúng ta phải sửa lại Bộ luật lao động.

Thưa Quốc hội, theo Điều 96 của Bộ luật lao động đã sửa đổi, bổ sung thì giao trách nhiệm cho Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Bộ Y tế là cơ quan ban hành danh mục các loại máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, về vệ sinh lao động. Khoản 2, Điều 96 có quy định việc sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại hóa chất này phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn lao động và phải đăng ký kiểm định theo quy định của Chính phủ. Các nghị định hướng dẫn của bộ luật này cũng đã quy định như thế. Vậy thì tôi cho rằng, nếu không sửa Luật lao động thì sẽ có sự trùng lắp như thế.

Hiện nay, theo khái niệm hóa chất nguy hiểm tại Khoản 4, Điều 4của Dự thảo Luật hóa chất thì hóa chất nguy hiểm là những chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và như vậy thì theo quy định tại Chương VII dự thảo này, cùng với mục đối tượng thì phải khai báo quan lý ở hai cơ quan khác nhau là điều rất bất hợp lý hiện nay là Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Bộ Công thương nếu thực hiện theo điều này. Do đó tôi đề nghị giao Chính phủ quy định cơ quan quản lý Nhà nước về hóa chất trên cơ sở thống nhất một đầu mối quản lý và tôi thống nhất là nghị định Chính phủ sẽ giao cho Bộ Công thương để quản lý về việc này. Còn các bộ ngành liên quan thì phối hợp theo đúng chuyên ngành của mình. Như thế thì nếu như chúng ta không sửa lại Bộ luật lao động và không quy định lại ở dự luật này thì nó sẽ có sự chồng lấn nhau giữa hai luật. Và như thế thì có rất nhiều điều ở các chương đều có một quy định, thì phía dưới giao cho Bộ Công thương, tôi đề nghị nên giao cho Chính phủ, còn Bộ Công thương sẽ được quy định rất cụ thể tại nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật hoá chất. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan