Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Hoá chất

Thứ Tư 22:32 09-05-2007
Đại biểu Vũ Tuyên Hoàng - Tỉnh Quảng Nam
Kính thưa Quốc hội! 

Tôi thấy Luật Hoá chất này đã được soạn thảo hết sức công phu và cũng tương đối đầy đủ trên ý nghĩa vừa rồi Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng có những bình luận, tôi cho rằng rất nhiều vấn đề sác đáng. Nhưng ở đây tôi thấy có vấn đề, tức là chúng ta nói rằng có những luật và những chỗ khác đã quy định cho nên ở đây miễn, thành ra nếu tôi là người dân thì tôi thấy rất khó hiểu. Ví dụ, cách giải thích từ ngữ đối tượng chúng ta đặt ra ngoài luật này chúng ta cứ định nghĩa hoá chất là các đơn chất, hợp chất hỗn hợp v.v... nhưng lại trừ các chất sau ma tuý và các chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, chất thải phóng xạ, các sản phẩm là phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm cho người và động vật, thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy nó lại sang chỗ luật khác, tôi cho rằng chúng ta đang đi tới hoàn chỉnh các luật, nếu đã có những chất như thế này ở trong luật khác thì không biết rằng có nên trong tương lai chúng ta rút bớt ở chỗ đấy ra và đưa vào đây để cho nó hoàn chỉnh. Bởi vì ở đây chúng ta giải thích là hoá chất, nhưng lại trừ các chất sau, các chất sau cũng là hoá chất, nếu tôi là người dân tôi cũng chẳng hiểu thế nào, tại sao bên kia bảo cấm vào, nó là hoá chất nằm ở bên kia, nhưng tôi không thể nào có một trình độ về hoá có thể hiểu được chỗ này là hoá chất, cũng tên như vậy sang chỗ kia nó lại không phải là hoá chất. Theo tôi nên bao gồm và chúng ta có lẽ có một cách đưa vào luật những vấn đề gì đã hoàn chỉnh mà thực tiễn nó tồn tại khách quan thì phải đưa đúng vào luật đấy, không nên nói rằng ở chỗ kia đã có rồi, chỗ này chúng ta thôi, không gọi tên nó là như vậy. Thế thì tôi là người dân, tôi không hiểu vậy nó là hoá chất hay nó là cái gì. Tôi nói mỹ phẩm của chị em dùng cũng là hoá chất mà đặc biệt là dược phẩm hay thuốc bảo vệ thực vật, cũng là những hoá chất rất dễ gây nên độc hại cho con người. Đấy là một vấn đề cũng nên có suy nghĩ để cho nó toàn diện, nó chính xác trong dùng thuật ngữ về hoá học về khoa học.

Thứ hai, tôi nghĩ rằng khi chúng ta phát triển, công nghiệp hoá và hiện đại hoá, đặc biệt là phát triển công nghiệp hoá chất tôi nghĩ rất dễ gây ô nhiễm môi trường, rất đáng sợ những nước tiền tiến mà có công nghiệp hoá chất thì thưa các đồng chí gây ô nhiễm môi trường rất đáng sợ cho nước, cho không khí, cho đất thì như vậy chúng ta sẽ bảo vệ như thế nào? Ở đây nó có vấn đề có những hoá chất độc hại, có những hoá chất có khi không độc hại, chưa độc hại nhưng dùng quá liều, quá lượng cũng là độc hại. Ví dụ: Hàn the có thể cho người ta dùng thực phẩm nó mức độ dưới ngưỡng hại thôi, nhưng người ta dùng quá nhiều nó trở nên độc hại. Có sự chuyển biến trong hoá chất khi sử dụng lượng nhiều thì nó biến thành độc. Hay hoá chất này vốn không độc hại nhưng sử dụng lại cộng với hoá chất kia thì thưa các đồng chí nó lại trở nên độc hại. Tôi nghĩ vấn đề này chúng ta phải có những suy nghĩ và những quy định cho khái quát để thấy rằng việc sử dụng hoá chất không phải việc đơn giản. Chúng ta chỉ nói hoá chất độc hại thì đúng rồi, là có quy định một số hoá chất bản thân nó độc hại. Có những hoá chất bản thân nó chưa phải là độc hại, nhưng dùng quá lượng thì nó lại trở nên biến đổi về chất lại trở nên độc hại. Tôi cho những vấn đề này phải có định nghĩa khái quát và phòng, tránh để đưa vào trong luật cho nó hiện đại, cho nó toàn diện.

Tôi nghĩ hiện nay công nghiệp hoá chất của chúng ta còn ở trình độ chưa cao, nhưng trong tương lai nếu chúng ta phát triển hoá chất đến trình độ cao thì muôn vàn những hoá chất mới sẽ sản sinh ra và cũng có vô số cái độc hại và rất dễ gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, chúng ta nên soạn thảo như thế nào để cho Luật Hoá chất của chúng ta nó mang tính hiện đại, có thể trong tương lai vẫn sử dụng được luật này. Tất nhiên, chúng ta vẫn thường xuyên sửa đổi, nhưng nên có một khung để thấy những vấn đề đó.

Vấn đề hoá chất rất dễ gây ô nhiễm môi trường, tôi rất sợ vấn đề này, khi chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hoá mà kỷ luật không nghiêm, tất cả các mặt từ sản xuất, sử dụng, vận chuyển, cất giữ v.v...mà không nghiêm túc thì gây ô nhiễm, cực kỳ khó khăn, rất khó khắc phục. Tôi nghĩ vấn đề này nó phải được xem là có hai mặt.
Một, trong nội bộ đất nước ta.
Hai, từ nước ngoài.

Tôi cho nước ngoài rất khó khăn, ví dụ vừa rồi chúng ta được thông báo là 10 dòng sông lớn nhất thế giới, trong đấy có dòng sông Mê Kông đều bị ô nhiễm. Ô nhiễm đấy không biết là từ Trung Quốc, từ Thái Lan, từ Lào, từ Cămpuchia ai gây ra, nó chảy vào ta hay là ta cũng gây ra luôn. Như vậy, nếu nó đã ô nhiễm môi trường như vậy thì không biết hợp tác quốc tế trong vấn đề này, trong luật này có nên nói hay không. Bởi vì hóa chất nó có thể chảy từ nước này sang nước khác, đặc biệt là ô nhiễm dòng sông mà chúng ta có khi bị động không giải quyết được, thì phải có một hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn những hại độc do hóa chất chảy xuống dòng sông, nó lan hết nước này, sang nước kia có khi mình là nạn nhân cuối cùng. Tôi cho vấn đề này cực kỳ quan trọng, nếu chúng ta không có một điều khoản trong vấn đề này, để có những hiệp ước quốc tế ngăn chặn những độc hại trong công nghiệp hóa, thì nước ta có khi hứng chịu những chất độc hại do các nước khác thải ra. Tôi cho vấn đề này nên suy nghĩ:

Một là trong nội bộ của chúng ta phòng tránh, Luật hóa chất ngăn cấm như thế nào, nhưng đối với quan hệ quốc tế chúng ta cũng phải có một đề xuất, hiệp ước hoặc có cái gì đấy đối với xung quanh, rồi vấn đề chống ô nhiễm dòng sông, dòng nước, chống những loại ô nhiễm khác mà chúng ta có khi phải gánh chịu một cách bị động và không thể nào có thể phòng, tránh được khi mà ở bên nước bạn người ta cứ dùng, cứ phóng hoá chất sang ta và không cần biết là ô nhiễm hay không, bởi vì nó đã ra khỏi nước đấy rồi. Tôi cho hiện nay trong vấn đề chúng ta vào WTO và quan hệ quốc tế mở rộng nên phải đi sâu vào toàn diện rất nhiều vấn đề trong đó phải lường trước những sự phát triển về hoá chất trong công nghiệp, trong sản xuất. Tôi nghĩ các đồng chí nói công nghiệp hoá chất thì chúng ta cũng nhấn mạnh vấn đề đấy, nhưng tôi nói từ phấn son trở đi đều là công nghiệp hoá chất cả. Cho nên chúng ta định nghĩa một cái lớn như vậy thì nó phải bao quát tất cả những cái gì là hoá chất và coi trọng sự biến đổi của hoá chất, bởi vì đã là hoá thì chất này cộng với chất kia đưa vào môi trường này, môi trường kia nó rất dễ biến đổi và chúng ta nên có quy định như vậy.

Tôi nghĩ đã gọi hoá chất ví dụ chúng ta nói đến về dược phẩm, phụ gia thực phẩm v.v... những cái hại độc, chúng ta gọi ma tuý v.v... Kể ra nếu cho đúng thuốc lá cũng là một loại hoá chất độc hại, nhưng chúng ta lại không quy định, vẫn phải hút thuốc lá, tôi cho rằng nói như vậy thì hết sức nhiều những loại có khi sử dụng hàng ngày nó độc, nhưng chúng ta không nói. Như vậy nên như thế nào, vì đã gọi như thế, không phải đưa vào luật nhưng nên có những khuyến cáo. Tôi xin phép có một số ý kiến như vậy.

Các văn bản liên quan