Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Hoá chất

Thứ Tư 22:34 09-05-2007
Đại biểu Nguyễn Đình Lộc - Thành phố Hồ Chí Minh
Kính thưa Đoàn Chủ tịch.
Kính thưa Quốc hội.

Tôi không chuyên về hóa chất, nhưng đọc luật này thì còn rất nhiều băn khoăn và xin nhân dịp này xin kiến nghị một vài vấn đề mới.

Điều đầu tiên mà chúng tôi thể hiện thái độ là chúng tôi vẫn rất ủng hộ việc mà tính cần thiết phải ban hành luật này. Hai là chúng tôi đặc biệt hoan nghênh Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đề xuất được một loạt vấn đề mà đáng ra luật phải đi thêm. Tuy nhiên, đến luật này cũng như một vài luật trước và nhìn lại cả các số lượng luật mà chúng ta đã ban hành, cái tính luật khung vẫn không thoát được. Bản Báo cáo thẩm tra nói có 23 điều, nếu tính cho chặt chẽ, nếu như tính cả các cơ quan của Chính phủ, của các bộ nữa thì không phải 23 đâu. Trong 63 đó thì có hàng 30-40 điều phải liên quan đến các bộ và giao cho các bộ ban hành. Tôi đã tính cụ thể ở đây nhưng xin phép không đọc lại những điều đó.

Điều đó nói lên tình trạng không dễ dàng mà chúng ta thoát được cái bệnh luật khung hiện nay. Nhưng vì sao chúng ta thường có luật khung như thế này. Tôi sơ bộ xin phép nói suy nghĩ của mình. Vì chúng ta đang ham ban hành luật chung, luật tổng hợp về tất cả một ngành, vì vậy do chưa có điều kiện để đi vào từng lĩnh vực sâu, cho nên đến đâu chúng ta cũng gạt sang cho Chính phủ. Chúng ta gạt sang cho Chính phủ thì chính là Chính phủ đề nghị như vậy, nhưng Chính phủ đề nghị như vậy do Ban dự thảo chuẩn bị như vậy trình cho Chính phủ và như thế chúng ta cứ lặng lẽ chấp nhận hết luật này đến luật khác. Phải chăng chúng ta đi bằng con đường khác, vì xã hội ta là một xã hội mới bước vào cuộc sống mới như thế này, lĩnh vực nào cũng chứa luật, lĩnh vực nào cũng đòi hỏi những luật tổng hợp toàn ngành, nhưng bước đi nên như thế nào? Theo chúng tôi có lẽ chúng ta phải điều chỉnh lại cách làm luật hiện nay.

Nhân có các đồng chí trong Thường vụ Quốc hội, tuy thiếu các đồng chí bên Chính phủ, chúng tôi thấy chúng ta nên đi từng văn bản cụ thể để rồi tổng hợp lại về sau khi mà ban hành đầy đủ thành một luật tổng hợp. Chẳng hạn đối với luật này chúng ta có đến 8, 9, 10, 12 chương. Nhưng những chương đó là những lĩnh vực một nhánh rất cụ thể của lĩnh vực này. Chẳng hạn như qui hoạch, an toàn hoặc sản xuất kinh doanh, hoặc phân loại ghi nhận, hoặc sử dụng hoá chất. Đây chính là những cái mạnh trong lĩnh vực này, nếu chúng ta tập trung có thể ban hành từng luật riêng một, sau 3-4 năm khi chúng ta đã ban hành được đầy đủ các lĩnh vực đó thì chúng ta tổng hợp lại thành một luật chung. Luật chung đó có thể nâng thành một bộ luật nhưng rất cụ thể. Mỗi luật ban hành xong chẳng hạn như vấn đề bức xúc hiện nay đó là kinh doanh, sản xuất hoá chất. Nếu chúng ta ban hành kiểu này thì luật ban hành xong trở thành cuốn sách gối đầu giường cho những người có liên quan. Họ chỉ cần giở trong đó biết tất cả những gì mình có thể làm và những gì cấm, không đi vào những chuyện mình không quan tâm lắm. Chúng ta bây giờ có tật đã là luật thì tất cả các bộ phận của luật đó nhưng cứ dùng, cái gì cũng chung chung đều gạt cho Chính phủ. Trong này có 8 điều gạt cho Chính phủ, 4 điều gạt cho Thủ tướng, khoảng gần 10 điều cho Bộ Công nghiệp, vừa là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, vừa là Bộ Công nghiệp. Tôi xin kiến nghị nếu muốn thoát khỏi tình trạng luật khung, luật treo hiện nay thì chúng ta phải chuyển đổi cách làm luật, không thể tiếp tục như thế này. Đây không chỉ là bệnh riêng của luật này mà là bệnh chung hệ thống luật hiện nay của chúng ta, nhưng phải bằng cách khác mới sửa được nó, chứ không phải là do chúng ta muốn như thế, chính là cách làm việc hiện nay của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên những nước như Trung Quốc phát triển mạnh mẽ như vậy, về hoá chất nó có ý nghĩa như vậy nhưng họ chỉ mới ban một Nghị định của Chính phủ, Quốc vụ viện tức là Chính phủ, cũng như một vài nước khác đều ban hành. Như Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường đều làm theo cách đó. Chúng tôi đề nghị một ý cơ bản như vậy.

Thứ hai, nói đến hoá chất thực chất là đề cập đến một nội dung đặc biệt quan trọng, một bước phát triển sắp đến của chúng ta.
Vấn đề chính sách hoá chất như thế nào, theo tôi cách nói trong này còn rất chung chung, chưa đề cập đến một vấn đề hết sức cơ bản của chúng ta là hoá chất có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, nhưng mặt trái của nó cũng hết sức kinh khủng. Vấn đề đặt ra là chúng ta làm thế nào để phát huy được hiệu quả của hoá chất trong đời sống, cho sự phát triển của đất nước, nhưng đồng thời cũng bảo đảm được an sinh xã hội, an toàn cho con người, cho môi trường. Xin thưa, không phải ngẫu nhiên Trung Quốc phát triển mạnh mẽ như vậy và cũng không phải ngẫu nhiên mà hoá chất môi trường ở Nhật lại sạch sẽ như vậy, chúng ta thăm Nhật thấy là Nhật nói với chúng tôi là nước trên những dòng sông có thể uống được, hoặc một xí nghiệp, một công ty lớn dùng rất nhiều hoá chất và nước, họ lọc ngay được và họ xây dựng thành một dòng suối chảy xung quanh róc rách xí nghiệp đó, doanh nghiệp đó, nước đó có thể múc uống được. Không phải ngẫu nhiên mà Nhật đạt tới trình độ đó, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc có sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Tôi nghĩ rằng nếu trình độ phát triển của một nước mà chúng ta chỉ nói chung chung về hoá chất, về mặt được và không được của nó thì rất không thực tế, mỗi thế hệ phải chăng trong bước phát triển đi lên của đất nước phải chấp nhận một thiệt hại nhất định về hoá chất, để bảo đảm sự phát triển vững chắc như thế nào, đồng thời phải chủ động về mặt đó, không để tràn lan như hiện nay. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi xin dùng một từ gọi là mỗi thế hệ phải chấp nhận mặt trái của hoá chất đến đâu, mặt tích cực của nó và trách nhiệm chúng ta phòng ngừa nó đến đâu thì phải cho rõ ràng. Trong luật này chúng tôi thấy rất mơ màng, chỉ nói đến vấn đề môi trường, vấn đề an sinh v.v...nhưng không tính đến rằng trình độ phát triển của chúng ta cho phép đến đâu, nếu chúng ta chỉ tập trung vào thanh toán những mặt trái của hoá chất, có khi là huy động toàn bộ quốc dân vào đấy cũng không đủ. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà ở một số nước người ta phải có những bước đi nhất định, các bạn Châu Phi khi mà tranh luận với những nước Châu Âu họ nói rằng các ông cũng đã từng đi qua con đường này, nhưng đến trình độ cao thì các ông mới đạt được trình độ về mọi mặt như vậy. Chúng tôi đang bước những bước đầu tiên, cho nên chúng tôi phải chấp nhận những thiệt hại nhất định thì ta như thế nào đây, về mặt này chúng tôi thấy rất mơ màng. Vì vậy chúng ta cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc, cho nên chúng tôi nghĩ rằng nói đến chính sách hóa chất hiện nay phải cho rõ ràng, làm thế nào bảo đảm được sự phát triển của đất nước, phù hợp với trình độ khoa học kỹ thuât, trình độ phát triển của đất nước chúng ta. Đó là ý thứ hai mà chúng tôi thiết tha muốn đề xuất.

Còn đi vào cụ thể nữa thì chúng tôi đề nghị luật này cần phải có bổ sung lớn. Nếu Luật có hiệu lực thì những hóa chất hiện nay đang trôi nổi trên thị trường thì chúng ta chưa có chính sách. Chúng tôi đề nghị nên nghiên cứu Luật về hóa chất của Slôvakia họ có hẳn một chương về việc sau khi Luật có hiệu lực thì từng cơ quan một xã hội phải suy nghĩ vấn đề này như thế nào. Những hóa chất độc hại hiện nay đang trôi nổi trên thị trường để khai báo thế nào, ngừng kinh doanh thế nào và những công việc cụ thể khác thì phải như thế nào. Đồng thời chúng tôi đề cập đến một vấn đề tính chất khung đã ảnh hưởng đến hiệu quả như thế nào. Hiện nay khi nói đến hóa chất vì sao một số người vẫn say sưa với nó và lén lút một cách bất hợp pháp sử dụng nó. Ở đây vấn đề lợi ích, vấn đề lợi ích rất lớn xung quanh vấn đề này và luật chúng ta thì chung chung, khung cho nên hầu hết các đại biểu phát biểu chế tài không có, cấm thì có vẻ rất nhiều, nhưng cuối cùng cấm để làm gì, nếu phạm thì làm gì thì bó tay. Chúng tôi cũng nghĩ rằng hôm qua và sáng hôm nay có những đồng chí phát biểu và bản thân tôi cũng phát biểu đã đến lúc chúng ta đưa vào từng luật chuyên nghành, từ xử phạt hành chính đến xử phạt hình sự phải có những quy định như thế nào. Chúng tôi có mang theo Bộ luật Hình sự ở đây chỉ có một vài điều chung chung về một vài hoá chất. Có một chương gọi là các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, có vật liệu nổ, chiếm đoạt chất phóng xạ, chất độc hại v.v... chỉ có một vài điều, còn cả mười mấy điều cấm này thì chúng ta cần phải hình sự hoá đến đâu? Xử phạt hành chính đến đâu thì chúng ta né tránh nó. Vì vậy chúng ta nói cho vui thôi, không có ý nghĩa.

Các văn bản liên quan