Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Hoá chất

Thứ Tư 22:22 09-05-2007

Đại biểu Phạm Quang Dự - Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 

Tôi xin đóng góp một số ý kiến bước đầu về Luật Hóa chất. Qua nghiên cứu luật cũng như qua nghe Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường thì chúng tôi thấy, mặc dù Ban soạn thảo đã có cố gắng soạn Luật Hóa chất một cách công phu, thậm chí đã dự thảo cả nghị định, tuy nhiên chúng tôi thấy nhìn chung thì Luật Hóa chất không chỉ nhằm mục đích là quản lý, kiểm soát mà tôi cho rằng Luật Hóa chất cũng như là các luật khác phải tạo một hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp hóa chất. Đây là mục đích, yêu cầu quan trọng mà tôi cho là phải xuyên suốt. Đọc dự thảo luật thì có lẽ luật mới nặng về quản lý, kiểm sát, bảo đảm an toàn nhiều hơn. Tất nhiên các phần khác cũng nói, nhưng nhìn chung thì luật nặng về quản lý, kiểm sát chứ chưa phải là về tạo một hành lang pháp lý để chúng ta bảo đảm cho sự phát triển công nghiệp hoá chất.

Hiện nay có thể nói rằng chúng ta đang ở mức độ chưa phát triển lắm, ngoài việc sản xuất một số hoá chất cơ bản, các nguyên liệu cơ bản thì hiện nay cả một lĩnh vực công nghiệp hoá chất, theo quan điểm công nghiệp hoá, hiện đại hoá của chúng ta nó phải tiến đến toàn diện hơn, nhằm không những bảo đảm cho các nghành công nghiệp, bảo đảm cho dân sinh, bảo đảm cho quốc phòng, mà đặc biệt thêm một lĩnh vực còn mờ nhạt bấy lâu nay là phục vụ cho sức khoẻ nhân dân, tức là lĩnh vực hoá dược. Nhìn khái quát chung có thể nói như vậy. Chúng ta trong khi có nguyên liệu, bấy lâu nay chúng ta khai thác các nguyên liệu khoáng sản, chúng ta mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất một số hoá chất cơ bản vô cơ, trong khi đó chúng ta lại có một nguồn nguyên liệu dầu khí rất phong phú, rồi rào mà hiện nay chúng ta mới chỉ dừng ở mức làm nhà máy lọc dầu tức là sản xuất ra các nhiên liệu, hoàn toàn chưa đụng đến lĩnh vực toàn diện phát triển sau này là hoá dầu. Vì chính công nghiệp hoá dầu sau mới đem lại lợi ích nhiều hơn, giá trị gia tăng nhiều hơn cho nguyên liệu dầu khí. Do đó chúng tôi cho rằng luật này phải lượng định trước, hình dung trước sự phát triển của công nghiệp hoá chất của chúng ta toàn diện trong tất cả các lĩnh vực từ nguồn nguyên liệu chúng ta có, từ khoáng sản tự  nhiên cho đến các khoáng sản như dầu khí, các cây cỏ của chúng ta, để từ đó chúng ta phát triển một cách toàn diện công nghiệp hoá chất của chúng ta trên mọi mặt. Luật này tôi cho rằng chưa lượng định được hết tất cả cái này. Chính vì vậy, nếu luật này chúng ta ra đời theo mức độ soạn thảo như thế này, chỉ mới để nhằm quản lý, kiểm soát với hiện trạng hiện tại, chưa nhằm tạo một hàng lang pháp lý để phát triển một lĩnh vực công nghiệp hoá chất rất quan trọng cho đất nước chúng ta. Đấy là khái quát chung chúng tôi xin nhận xét.

Đi vào cụ thể, chúng tôi cho rằng chính xuất xứ từ phạm vi điều chỉnh của luật, rõ ràng trong soạn thảo phạm vi điều chỉnh của luật hiện nay đúng như ý kiến thẩm định của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường là nó còn hạn hẹp, nó còn tản mạn, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường trong Báo cáo thẩm định đã nêu, có lẽ phạm vi điều chỉnh của luật phải nêu rõ luật này quy định về hoạt động hoá chất, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hoá chất, quản lý Nhà nước về hoạt động hoá chất hoặc như phạm vi thứ hai trong Báo cáo thẩm định đã nêu, chúng tôi không xin nhắc lại để khỏi mất thì giờ. Chính là ở phạm vi hoạt động này, từ đó chúng ta mới có thể toát lên toàn bộ nội dung của luật, cũng như ý tưởng xuyên suốt luật. Trong này chúng tôi xin nêu là trong cơ cấu của luật đúng, như ý kiến của đồng chí phát biểu trước tôi, cũng như Báo cáo thẩm định của Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường, tức là thiếu vắng hẳn phần về sản xuất, không có những quy định rõ về quyền hạn, nhiệm vụ, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất hoá chất, mặc dù nếu người ta có thể nói rằng những việc này có thể nêu ở những luật khác rồi, nhưng vì sản xuất hoá chất nó mang tính đặc thù riêng. Vậy tại sao ở chương kinh doanh, mặc dù có Luật Thương mại, nhưng chúng ta vẫn có những quy định riêng, những quy định riêng về sản xuất hoá chất vẫn phải được hình thành một cách rõ rệt và có lẽ phải thành một chương riêng, nếu không viết chung với chương kinh doanh là sản xuất kinh doanh hoá chất cũng phải quy định cho rõ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh hoá chất. Đấy là ý thứ hai chúng tôi muốn đóng góp ý kiến.

Thứ ba, chúng tôi thấy rằng ở đây nội dung quan trọng nữa là các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất thì có lẽ những hành vi này đề nghị càng cụ thể hóa được hơn thì càng rõ hơn, càng tốt trong này ví dụ như nghiêm cấm điều khoản 1, 2, 3 đều chỉ là kinh doanh sử dụng hóa chất, cấm kinh doanh hoặc kinh doanh sử dụng hóa chất mới chưa đăng ký hoặc kinh doanh hóa chất hạn chế kinh doanh. Sản xuất có thuộc hành vi cấm này không, nếu thế nó phải rõ, sản xuất kinh doanh chứ không phải chỉ kinh doanh. Bởi vì bấy lâu có lẽ đa phần là nhập các nguyên liệu hóa chất về để sản xuất kinh doanh, cho nên chúng ta nặng về kinh doanh, trong soạn thảo nặng quản lý những cái này, chúng ta chưa đề cập đến cái này.

Điểm cấm thứ tư, chúng tôi thấy không biết nó có lý hay không? bán, cho, tặng hóa chất độc cho người dưới 18 tuổi. Hóa chất độc chỉ cấm đối với người dưới 18 tuổi, chẳng lẽ người trên 18 tuổi thì có thể bán, cho, tặng hóa chất độc. Cho nên, chỗ này Ban soạn thảo phải nghiên cứu và lý giải cho rõ vì sao mà bán, cho, tặng hóa chất độc cho người dưới 18 tuổi. Tôi đọc tôi thấy nó cũng không có lý, đây tôi chỉ nêu một số ví dụ là khi soạn thảo những điều nghiêm cấm phải cụ thể thì chúng ta mới có chế tài được ở Điều 62. Ở Điều 62 chúng tôi cho rằng soạn như thế này thì nó theo khung chung cho tất cả các luật khác và nó như là chúng ta đã phát biểu khi thảo luận về tổng kết vừa qua. Tôi cho rằng từ nhiệm kỳ mới khi mà đi vào chính thức xem xét thông qua luật này đề nghị với Quốc hội mới, cũng nên phải cụ thể hoá hơn về vấn đề xử lý. Bởi vì nếu như thế này thì rất khó xử lý theo Điều 62 viết soạn chung như thế này. Bởi vì nó liên hệ với các hành vi nghiêm cấm ở Điều 7, cho nên cần phải cụ thể hoá và xử lý như thế nào đối với các hành vi khi mà người ta vi phạm, Điều 7 thì rất cụ thể và thành tội danh cụ thể, có lẽ quy định ngay một số trong luật này. Tôi đã đọc sơ qua ở Bộ luật hình sự cũng rất thiếu vắng những quy định cụ thể để xử lý khi người ta vi phạm những hành vi cấm như thế này. Về tổng thể chúng tôi có một số ý kiến bước đầu như vậy.

Còn về tên gọi, chúng tôi thống nhất nên gọi chung Luật hoá chất để nó khái quát hơn phạm vi điều chỉnh, như chúng tôi vừa có ý kiến và sắp xếp các chương có lẽ phải sắp xếp lại, sau chương những quy định chung nên thành một chương viết về sản xuất kinh doanh tiếp theo, rồi sau đó mới đến các chương nó liên quan đến sử dụng, quản lý v.v... Tất cả những cái này có lẽ sau này khi mà soạn chính thức để trình Quốc hội khóa tới xem xét, thì các đồng chí có thể xem xét lại và chúng tôi cho rằng với nền của soạn thảo này hoàn toàn chúng ta có thể soạn thành một Luật Hóa chất hoàn chỉnh để Quốc hội khóa sau thông qua, để tạo hành lang pháp lý, tôi xin nhấn mạnh là để phát triển công nghiệp hóa chất, chứ chúng ta đừng có nặng chỉ có về quản lý. Quản lý là quan trọng, nhưng nếu không tạo một hành lang pháp lý mà chỉ quản lý như thế này thì không phát triển được.

Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan