Ý kiến của ĐBQH Trần Kim Mai – Tỉnh Tiền Giang

Thứ Sáu 09:59 10-11-2006

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi nhất trí với Tờ trình của Quốc hội và Báo cáo thẩm tra một số điểm cơ bản của Ủy ban Ủy ban pháp luật. Tôi có một số suy nghĩ xin được tham gia thêm.

Thứ nhất là những suy nghĩ chung nhất về dự án luật này, tôi thấy rằng đây là một dự án luật rất khác so với các dự án luật mà Quốc hội chúng ta đã và đang ban hành trong thời gian vừa qua, vì đây là lĩnh vực gia đình, coi như nó là một xã hội thu nhỏ, cho nên toàn bộ nội dung dự thảo luật của chúng ta hướng vào điều chỉnh các mối quan hệ rất tế nhị, thậm chí rất thầm kín của mối quan hệ vợ chồng. Hơn nữa, đặc biệt đối với gia đình Việt Nam có những sắc thái khá đặc thù so với gia đình của các nước. Cho nên theo tôi dự án luật này chúng ta thể hiện như thế nào, để mọi thành viên trong gia đình cũng như 1 xã hội thu nhỏ, thấy được những điều chúng ta cần làm và những điều chúng ta không nên làm, để tiến tới mục tiêu xây dựng tổ ấm của gia đình, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ. Cho nên tôi thấy đây là 1 vấn đề rất khó. Vì vậy trong 44 điều của dự thảo luật chúng ta chỉ có 6 điều về xử lý vi phạm, còn lại toàn bộ quy định về căn cứ, về nguyên tắc, về điều kiện, về trách nhiệm trong công tác phòng là chính. Cho nên đây là điểm rất khác so với các dự án luật khác. Chính điểm này là điểm rất khó và chưa tạo sự thống nhất cao. Theo tôi đây là điểm chúng ta nên cân nhắc, xem xét.

Thứ hai, bạo lực gia đình hiện nay ở tại nước ta không còn là 1 hiện tượng số ít nữa, chỉ có điều nó bộc lộ đối với 1 số trường hợp mà nó quá bức xúc, bản lĩnh của người bị bạo lực hoặc là trách nhiệm cộng đồng ở một số nơi đó người ta có thể xem xét, tham gia kịp thời. Còn phần nhiều đối tượng của chúng ta là chịu đựng, chịu đựng, rồi đi đến bức tử hoặc là rạn nứt gia đình, rất đáng tiếc. Cho nên chúng tôi thấy thực tế xã hội chúng ta hiện nay, yếu tố bền vững của gia đình ở trong cộng đồng xã hội bộc lộ nhiều điều mà chúng ta rất đáng quan tâm, đó là những điểm chúng ta thấy rằng luật pháp của chúng ta phải đi đến để điều chỉnh các mối quan hệ đó. Thực tế chúng ta thấy rằng qua các con số chứng minh cho chúng ta thấy, chúng ta cũng đáng suy nghĩ, hiện nay tình trạng từ bạo lực gia đình gây ra hậu quả đáng tiếc, làm cho con phải lìa cha, xa mẹ, vợ phải xa chồng v.v...

Theo báo cáo của Bộ Công an thì khoảng 2, 3 ngày chúng ta có một trường hợp tử vong vì gia đình. Như vậy, một năm bình quân chúng ta sẽ có khoảng 100 người chết vì hành vi bạo lực gia đình và nhiều cái chết khác, hoặc nhiều hành vi bạo lực khác mà chúng ta chưa tổng kết được. Tôi nghĩ rằng đây là điều mà pháp luật chúng ta phải hướng tới, cho nên theo tôi ban hành Luật bạo lực trong gia đình lúc này chưa phải là sớm mà trước một thực trạng, một dự báo không phải đất nước chúng ta mà trong điều kiện phát triển của thế giới về kinh tế về hội nhập, hoà nhập, thì chúng ta thấy rằng sự cần thiết lại càng phải cần thiết hơn và thế giới hiện nay cũng dự báo được tình hình này rồi, cho nên xung quanh chúng ta đã có gần 90 nước đã ban hành Luật bạo hành gia đình.

Thực tế, ở tại đất nước Việt Nam thì các tổ chức phi Chính phủ cũng đã đến Việt Nam làm thí điểm mô hình về tư vấn và xử lý các hành vi bạo lực gia đình, hoặc làm các nơi tạm trú cho các nạn nhân. Thực tế các tổ chức phi Chính phủ đã làm ở 3 tỉnh và trên cơ sở những mô hình này thì Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã thực hiện trên 20 tỉnh. Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề không phải còn là phạm vi hẹp nữa và chúng ta ban hành dự án Luật này trong điều chỉnh phạm vi gia đình, để xây dựng yếu tố bền vững của xã hội thì cũng không phải là sớm. Cho nên, theo tôi đây là một vấn đề mà nó có tính về xây dựng con người, xây dựng về tính bền vững nhân tố con người trong xã hội mới, đặc biệt trong thời kỳ phát triển về kinh tế và nó cũng là một trong những yếu tố tạo khung pháp lý để xây dựng xã hội an toàn văn minh. Vấn đề chung nhất về Dự án Luật tôi xin được tham gia suy nghĩ của mình như vậy.

Thứ hai, về vấn đề dự thảo luật, đi vào chi tiết thì thực ra đối với dự thảo này chúng tôi cũng được tham gia một vài lần, nhưng nó là một vấn đề khó cho nên càng suy nghĩ, càng nghiên cứu thì tôi thấy còn nhiều điều cần tham gia góp ý thêm.

Thứ nhất, đối với tên luật, theo tôi suy nghĩ có lẽ chắc chúng ta nên bổ sung từ “trong” tức là bạo lực trong gia đình thì nó đúng hơn. Bởi vì như vậy thì nó sẽ giới hạn được phạm vi điều chỉnh như trong các nội dung chương điều mà luật đã quy định. Và nó cũng chỉ định thẳng đối tượng áp dụng của luật này, tức là những thành viên trong gia đình, sống trong một ngôi nhà. Và nó cũng phù hợp với Khoản 1, Điều 2 về giải thích từ ngữ thành viên gia đình là gì, gồm những ai. Vấn đề thứ nhất xin được tham gia thêm là nên bổ sung tên luật từ “trong” với lý do như vậy.

Thứ hai, cũng với nghĩa đó theo tôi nên bổ sung từ “trong” sau cụm từ “thành viên” của Điều 3, tôi không nói thêm lý do của mình.

Thứ ba, xin được tham gia Điều 4 về nguyên tắc, ở Điều 4 tôi xin được tham gia 2 ý, tại Khoản 2 theo tôi nên bỏ cụm từ “phải được” sau từ “gia đình”, thay vào từ “khi”, bổ sung từ “phải được” sau từ “phát hiện”. Vì có mấy lẽ sau, nếu để như vậy vì lý do nào đó mà xảy ra chết người, hoặc hậu quả khó lường do hành vi bạo lực của một thành viên nào đó trong gia đình, mà chúng ta không phát hiện được thì cái đó chúng ta quy trách nhiệm về ai thì cũng rất khó. Cho nên ở Khoản 2 này nên bỏ từ “phải được” ở đằng trước từ “gia đình”, Khoản 2 được sửa lại là: "Các hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời, công minh theo quy định của pháp luật”, nó sẽ phù hợp hơn. Ở Khoản 4, Điều 4 nên bỏ cụm từ “Phát huy vai trò trách nhiệm” mà thêm từ “Mọi” ở đằng trước, bổ sung cụm từ “Đều phải có trách nhiệm” sau từ “tổ chức” từ “trong” sau từ “bạo lực". Bởi lẽ đây là một nguyên tắc cho nên, nội dung quy định của chúng ta phải quy định là nội dung bắt buộc trong phạm vi điều chỉnh.

Thứ hai, trong nguyên tắc chúng ta không thể  kêu gọi, động viên chung chung được. Theo tôi, Khoản 4, Điều 4 sửa lại: “Mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức đều phải có trách nhiệm phòng, chống bạo lực trong gia đình” Tôi xin tham gia 2 khoản của Điều 4 như vậy.

Ở Điều 5, tôi xin tham gia ở Khoản 3, theo tôi nên bỏ từ “Cộng đồng” thay vào cụm từ “Cá nhân, cơ quan, tổ chức, cộng đồng” Như thế, nó sẽ đủ các đối tượng luật đã quy định và loại trừ được đối tượng quá khích, đồng thời nó phù hợp với Khoản 2, Điều 17. Cho nên ở Khoản 3, Điều 5 nên sửa lại: “Tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của các cá nhân, cơ quan tổ chức, cộng đồng v.v...” nó sẽ phù hợp hơn.

Cuối cùng, toàn bộ Chương III, tôi rất nhất trí với các biện pháp bảo vệ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giáo dục ở Chương III. Thực tế tôi thấy có thể có khả thi và sẽ khả thi. Vì điều kiện phát triển kinh tế của đất nước chúng ta hiện nay, cho nên, tôi nghĩ rằng nó sẽ khả thi. Nhưng ở Điều 18, theo tôi nên bổ sung cho phù hợp hơn, ở tại Khoản 2 quy định: Thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ra quyết định, để cho đối tượng bạo lực là cấm tiếp xúc với người bị bạo lực trong vòng 12 giờ. Theo tôi 12 giờ là quá dài, bởi mấy lẽ, ví dụ hành vi bạo lực có thể là một bệnh như các bác sỹ đã nói, hoặc hành vi bạo lực lúc đó người ta thiếu bình tĩnh, rất hung hăng, dễ quá khích, nhất là khi có rượu. Nếu quyết định của Uỷ ban nhân dân xã quyết định can thiệp trong vòng 12 giờ thì nó sẽ chậm và không đáp ứng được yêu cầu. Cho nên theo tôi khoảng trong vòng 6 giờ, không quá 6 giờ vì cả một bộ máy chính quyền từ xã tới ấp, khu phố chúng ta đã có rồi, dày đặc ở dưới đó. Thứ hai, yêu cầu cải cách hành chính chúng ta đặt ra một hành vi quyết định hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thì không nên kéo dài, nhất đây là biện pháp tạm thời, thì nó phải đáp ứng được yêu cầu kịp thời. Khoản 3 nên bổ sung cụm từ "trong vòng 6 giờ", như vậy nó mới đáp ứng được yêu cầu khẩn cấp và tính hiệu lực của quyết định Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.

Cuối cùng, ở Khoản 5, theo tôi nên bỏ cụm từ "đã" cho tới từ "bạo lực", vì ở Khoản 5 quy định như thế này rất khó, không rõ nghĩa, cho nên theo tôi nên bỏ từ: "Đã bạo lực", cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình, nên sửa là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã khi huỷ bỏ quyết định cấm tiếp xúc với nạn nhân, người bị bạo lực thì phải có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, hoặc thấy biện pháp này không cần thiết. Tôi thấy nên sửa như vậy nó sẽ phù hợp hơn. Xin hết.

Các văn bản liên quan