Ý kiến của ĐBQH Võ Quốc Thắng – Tỉnh Long An

Thứ Năm 09:56 09-11-2006

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi hoàn toàn thống nhất sự cần thiết ban hành Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và sau khi nghiên cứu dự thảo luật. Nói chung là tôi đồng tình cao với dự thảo luật này tôi có một số ý kiến sau.

Tôi xin góp ý kiến thẳng vào các điều, về tổ chức chứng nhận ở Điều 18 và tổ chức thử nghiệm ở Điều 26. Tại Khoản 2, Điều 18 dự thảo luật quy định: tổ chức chứng nhận thực hiện việc đánh giá sản phẩm thuộc nhóm 2 và nhóm ba do Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định và quản lý hoạt động.

Tại Khoản 1, Điều 26 quy định đó là: Tổ chức, thử nghiệm chất lượng hàng hoá là do tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định.

Tôi thấy quy định trên có một số mâu thuẫn với nội dung Điều 10 của dự thảo. Tại Khoản 3, Điều 10 quy định là khuyến khích phát triển các dịch vụ đo lường, thử nghiệm, giám định, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hoá, các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức, cá nhân phụ thuộc vào sản xuất và kinh doanh. Theo tôi, việc chúng ta đang xã hội hoá, và nãy thì đồng chí Hậu cũng đã có một vài ý kiến về vấn đề này.

Về dịch vụ đo lường, thử nghiệm, giám định, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hoá của các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước là việc làm thiết thực và có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp, nó sẽ tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp lựa chọn tổ chức, chứng nhận và tổ chức thử nghiệm phù hợp với sản phẩm và yêu cầu của mình. Mặt khác khi các cơ quan Nhà nước không còn độc quyền thì các hoạt động chứng nhận, thử nghiêm sẽ cạnh tranh hơn, chất lượng của các kết quả kiểm nghiệm và chứng nhận sẽ đúng với giá trị thực tế của sản phẩm, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người tiêu dùng, và hạn chế những tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực này.

Vì vậy, tôi đề nghị nên thiết kế là Khoản 1, Điều 18 là phải bảo đảm cho doanh nghiệp được chủ động, lựa chọn các chứng nhận thử nghiệm, về vấn đề này tôi có ý kiến như thế này, chúng ta là cơ quan quản lý Nhà nước về cấp phép để cho các cơ quan kiểm nghiệm này hoạt động, nếu như đúng tiêu chuẩn, đúng các quy định cho phép. Doanh nghiệp người ta muốn kiểm định sao, như thế nào, là do doanh nghiệp tự đi tìm kiểm định, nơi nào kiểm định tốt nhất, giá cả phù hợp, gần nhất, thì người ta tìm đến nơi đó người ta kiểm định. Bởi vì chúng ta đã có kiểm tra trước khi chúng ta cấp phép rồi và nếu như anh kiểm tra mà không đúng thì Nhà nước có biện pháp xử lý đơn vị đó và chúng ta phạt hoặc rút giấy phép không cho hoạt động nữa, tôi nghĩ chúng ta không lo vấn đề này.

Về điều kiện sản phẩm được đưa ra thị trường, trong dự thảo quy định về điều kiện sản phẩm được đưa ra thị trường còn quá chung chung, khó áp dụng thực tiễn sẽ tạo kẽ hở cho các cơ quan quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì dự thảo luật không quy định rõ đối với sản phẩm nào thể hiện dấu hợp quy, còn sản phẩm nào cần doanh nghiệp, cần công bố hợp chuẩn. Theo tôi cần quy định cụ thể rõ ràng điều kiện cho từng nhóm sản phẩm để dễ dàng áp dụng trong thực tế.

Mặt khác tại Điều 5 dự thảo quy định các nguyên tắc quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quy định nhà sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình để bảo đảm sức khỏe, tính mạng con người, bảo vệ động, thực vật và tài sản môi trường. Với nguyên tắc này nhà sản xuất hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, về chất lượng sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường. Như vậy sao chúng ta không cho nhà sản xuất có quyền chủ động, trong việc đáp ứng các điều kiện của sản phẩm đưa ra thị trường. Theo tôi môi trường cạnh tranh hiện nay, ngày nay các nhà doanh nghiệp muốn có chỗ đứng ở thị trường, thì bản thân doanh nghiệp cũng phải có ý thức về việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ tính mạng và tài sản của người tiêu dùng phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tôi đề nghị nên thiết kế Điều 20 như sau, chúng ta có thể nhóm chung 2 nhóm sản phẩm thuộc nhóm 1 và nhóm 2 cùng một điều kiện: sản phẩm được thực hiện công bố hợp chuẩn chứng nhận phù hợp hoặc công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy và ghi nhãn hiệu hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và việc chọn hình thức nào là do doanh nghiệp tự lựa chọn phù hợp với sản phẩm và điều kiện của doanh nghiệp. Đối với sản phẩm nhóm 3, do đây là sản phẩm đặc thù có khả năng gây mất an toàn cho nên điều kiện cao hơn. Đó là sản phẩm đã được chứng nhận hợp chuẩn hoặc chứng nhận hợp quy, ghi nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật về hàng hoá.

Về quy định hàng hoá xuất khẩu và kiểm tra ở Điều 21. Tôi thấy trong dự thảo như vậy thì rất khó cho các nhà xuất khẩu. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa thì tôi rất đồng tình với chỉnh sửa này. Tôi xin nói thêm, chúng ta gia nhập WTO, phải nói là tín hiệu rất tốt, nhưng cũng là một áp lực cho các doanh nghiệp trong nước. Ở các nước hiện nay thì người ta cũng có những biện pháp để làm sao cho hạn chế hàng nhập khẩu vào, bằng những quy định của nước sở tại, mình có quyền quy định những tiêu chuẩn để khi hàng hoá nào đạt yêu cầu thì chúng ta mới cho nhập khẩu vào. Ngược lại một số nước cũng vậy, không thể nào chúng ta lại có thể quy định trước khi xuất khẩu phải kiểm tra hàng hoá và số lượng lớn là lớn bao nhiêu? Chúng ta nói chung chung như vậy, rất khó.

Tôi đề nghị chúng ta không nên giàng buộc cái này, nếu đã quy định thì phải quy định cho rõ. Tôi nghĩ mỗi lần đi kiểm tra thì rất khó cho doanh nghiệp, tốn thêm chi phí rất nhiều. Giàng buộc cái này là giàng buộc ở nước nhập khẩu. Còn những trường hợp do thoả thuận giữ nhà xuất khẩu và nhập khẩu ghi rõ trong hợp đồng thì yêu cầu cơ quan Nhà nước phải kiểm tra trước khi xuất khẩu, thì lúc đó doanh nghiệp mới cần có sự kiểm tra. Nếu không có quy định, người ta không có yêu cầu thì cũng không kiểm tra. Cũng như trong sản phẩm gạch chúng tôi, trước khi xuất đi sang một số thị trường ví dụ ở Mỹ, Đài Loan, Thái Lan v.v... , như ở Mỹ họ kiểm tra rất nghiêm ngặt, phải đạt tiêu chuẩn trước khi xuất, họ đem họ kiểm tra đạt cấp tiêu chuẩn của mình mới được nhập vào nước của họ, người ta không yêu cầu kiểm tra ở Việt Nam. Cho nên, chúng ta cũng nên xem lại điều này, làm sao tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp.

Về biện pháp xử lý hàng hóa không phù hợp ở Điều 33 trong dự thảo quy định: "Tùy theo mức độ phù hợp của hàng hóa như yêu cầu về chất lượng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định một số biện pháp sau: yêu cầu sửa chữa, tái chế hàng hóa, yêu cầu bồi thường hàng hóa và chỉ định lưu thông hàng hóa, đình chỉ xuất" Theo tôi quy định như trên là chưa đủ, đề nghị bổ sung thêm biện pháp là: "Thu hồi và tiêu hủy hàng hóa" Nếu những hàng hóa hư, có ảnh hưởng lây lan thì chúng ta phải hủy ngay, không chỉ đơn giản là đình chỉ sản xuất. Tôi đề nghị chúng ta nên bổ sung.

Điều 42, quyền của người sử dụng, dự thảo quy định: "Người sử dụng có quyền được bổi thường thiệt hại khi sản phẩm hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn và chất lượng như đã công bố và không phù hợp với hợp đồng" Theo tôi, đề nghị luật cần quy định rõ trường hợp bồi thường thiệt hại cho người sử dụng khi có thiệt hại thực tế xảy ra, tránh những yêu cầu không thích đáng của người sử dụng. Nếu không có thiệt hại thực tế thì người kinh doanh hoặc nhà sản xuất chỉ bồi hoàn cho người sử dụng.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa, dự luật có chia thành hai mục chính:

 Mục 1 quy định quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Mục 2 quy định quyền, nghĩa vụ của người sử dụng, theo tôi quy định như trên là chưa đủ và một ý tưởng không kém phần quan trọng liên quan đến cả người sản xuất, người tiêu dùng hiện nay trong thời gian vừa qua chúng ta có , Ban dự thảo nên xem cái này, về thực tế tổ chức này có vai trò rất quan trọng.

Về giải quyết khiếu nại, chất lượng hàng hoá có thể nói Hội bảo vệ người tiêu dùng vừa qua trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh tôi thấy hội hoạt động rất tốt, có thể nhiều khi người tiêu dùng không đồng tình với cách giải quyết của nhà sản xuất, như vậy họ đều đứng ra xem xét thực tế và giải thích cho người tiêu dùng nhận ra vấn đề này đúng hay không đúng. Đây là vấn đề chúng ta nên lưu tâm, hiện nay có Hội bảo vệ người tiêu dùng đang hoạt động.

Về phân cấp quản lý Nhà nước, theo tôi chúng ta nên mạnh dạn phân cấp xuống các địa phương, chúng ta nên trao quyền và có sự quy định cao hơn ở các Bộ, cho nên chúng ta mạnh dạn phân cấp, chúng ta quản lý nhiều quá thì rất khó cho các doanh nghiệp, chúng ta cảm thấy những cái gì mà địa phương có thể kiểm soát  và làm được thì chúng ta nên mạnh mẽ phân cấp cho địa phương quản lý. Trên đây là một số ý kiến đóng góp vào Dự luật, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan