Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Châu – Tỉnh An Giang

Thứ Năm 09:58 09-11-2006

Kính thưa Quốc hội,

Tôi thống nhất với tên của Luật là Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá như Dự thảo đã trình, tôi xin đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, về phân loại sản phẩm hàng hoá ở Điều 6 tôi thống nhất là phân loại sản phẩm hàng hoá để có cơ sở ta quản lý cho tốt. Trên cơ sở đó các cơ quan chuyên môn có cơ sở để phân loại cụ thể các loại sản phẩm để tránh tình trạng tùy tiện và gây khó khăn trong khi quản lý.
Ý kiến thứ hai ở Điều 14 về nâng cao chất lượng sản phẩm trọng điểm, tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ là "chất lượng sản phẩm, hàng hóa" sau tiết đ, Khoản 2, Điều 14. Vì theo tôi nâng cao chất lượng sản phẩm là một mục tiêu quan trọng của điều này, nhưng nội dung của điều luật chưa đề cập tới. Do đó tiết đ sẽ trở thành: Nghiên cứu, áp dụng các công cụ, giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa... (mất tín hiệu)... là thiết lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Tôi cho rằng đây cũng là một nội dung rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm trọng điểm. Nội dung này có thể bổ sung thêm một tiết trong Khoản 2.

Ý kiến thứ ba, ở tiết a, tiết b, Khoản 1, Điều 16 về áp dụng phương thức quản lý chất lượng, quy định các sản phẩm phải công bố tiêu chuẩn, không phải công bố tiêu chuẩn áp dụng. Liên quan đến nội dung này ở Khoản 3, Điều 20 quy định các loại sản phẩm phải tuân theo các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, thực vật. Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại 2 nội dung này. Bởi vì theo tôi một là hiện nay chúng ta đang vận động nông dân sản xuất theo hướng an toàn, và áp dụng bộ tiêu chuẩn GAP, hoặc là nếu trong thuỷ sản thì chúng ta áp dụng bộ tiêu chuẩn SQF, đây là những bộ tiêu chuẩn, còn gọi là quy trình sản xuất an toàn.

Thứ hai, nếu như chúng ta áp dụng các bộ tiêu chuẩn này thì nên khuyến khích người sản xuất công bố tiêu chuẩn áp dụng, để chúng ta quảng bá tiêu thụ sản phẩm, chứ không nên hạn chế việc công bố. Tôi đề nghị xem xét nội dung này.

Thứ ba, về hàng hoá xuất khẩu phải kiểm tra chất lượng ở Điều 21, thì tôi cũng hoàn toàn thống nhất với ý kiến của anh Thắng vừa mới đề xuất. Tôi đề nghị nghiên cứu lại điều này, bởi vì nếu chúng ta quy định như dự thảo thì chúng ta hạn chế hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp mà không giải quyết được yêu cầu chính của xuất khẩu hàng hoá, tôi đề nghị chỉ quy định theo hướng là chỉ kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu khi có yêu cầu của nước nhập khẩu, chứ chúng ta không nên bắt buộc phải kiểm tra sản phẩm khi mà đối tác không có yêu cầu.

Ý kiến tiếp theo ở Điều 32, về trình tự, thủ tục kiểm tra. Tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung là trình tự, thủ tục kiểm tra trong trường hợp kiểm tra đột xuất, vì ở địa phương tôi thấy việc kiểm tra đột xuất về chất lượng sản phẩm, hàng hoá là một kiểm tra khá phổ biến, do yêu cầu thực tế của địa phương. Do đó, pháp luật cần quy định để chúng ta tránh tình trạng lạm quyền, kỳ thị trong chúng ta. Và cũng trong nội dung Muc 3, Chương III của điều này, tôi đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm trình tự thủ tục về thanh tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Vậy chúng ta cần quy định trường hợp nào phải thanh tra, trường hợp nào cần tiến hành kiểm tra, để trên cơ sở đó chúng ta quản lý địa phương cho tốt.

Ý kiến tiếp theo, về biện pháp xử lý đối với hàng hoá không phù hợp ở Điều 33. Tôi đề nghị bổ sung thêm 1 nội dung là hàng hoá bị xử lý nếu không phù hợp, thêm nội dung nữa là hàng hoá không đáp ứng điều kiện ra thị trường. Theo tôi đây là 1 nội dung quan trọng mà chúng ta cần quy định. Ví dụ, việc ghi nhãn hàng hoá hoặc là việc phân nhóm sản phẩm, nhóm 2, nhóm 3 mà trên chúng ta đã phân loại. Như vậy Khoản 2, Điều 33 được sửa lại như sau: Tùy theo mức độ không phù hợp của hàng hoá với yêu cầu về chất lượng, không đáp ứng điều kiện hàng hoá đưa ra thị trường, thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định 1 trong các biện pháp xử lý sau. Cũng trong điều này ngoài 4 biện pháp xử lý đã nêu, tôi đề nghị bổ sung thêm biện pháp xử phạt vi phạm hành chính vì chất lượng sản phẩm. Đây cũng là 1 biện pháp xử lý rất quan trọng.

Điều 34 chi phí lấy mẫu và thử nghiệm. Tôi đề nghị bỏ Tiết đ, Khoản 2 của điều này. Vì quy định hướng như thế này tôi nghĩ có ưu điểm tức là chúng ta hạn chế việc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, nếu chúng ta quy định như thế này thì tôi cho rằng sẽ hạn chế lớn quyền khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng. Như vậy chúng ta hạn chế một lượng lớn thông tin quan trọng về chất lượng sản phẩm hàng hoá, từ phía người tiêu dùng đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Vì nếu nhiều người khiếu nại, tố cáo mà không đúng, thì phải trả chi phí kiểm nghiệm, người ta sẽ không tố cáo nữa. Cho nên tôi đề nghị cần bỏ khoản này.

Tôi đề nghị thay cụm từ "không an toàn" bằng cụm từ "không phù hợp với tiêu chuẩn công bố ở Khoản 7, Điều 38" Vì sản phẩm có khi là an toàn nhưng chất lượng kém đưa ra thị trường không được, tôi đề nghị là "không phù hợp với tiêu chuẩn công bố" thì nó bao quát hơn, còn "không an toàn" thì chưa đủ.

Ý kiến tiếp theo về tranh chấp chất lượng sản phẩm hàng hóa ở Điều 44, tôi đề nghị bổ sung thêm một nội dung tranh chấp nữa là tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa nhà sản xuất kinh doanh với cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm. Đây là một nội dung tranh chấp, tôi thấy thường xảy ra trong thực tế. Do đó, cần có quy định đưa vào để chúng ta xử lý cho tốt.

Tiếp theo, tôi đề nghị bổ sung thêm một nội dung bồi thường do hàng hóa không đảm bảo chất lượng ở Điều 50 đó là: "Hàng hóa kém chất lượng, thiếu trọng lượng so với tiêu chuẩn công bố và hàng hóa quá hạn sử dụng thì phải bồi thường"

Ở Điều 55, tôi đề nghị bổ sung thêm: "Sản xuất sản phẩm không công bố tiêu chuẩn áp dụng, cũng là hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm". Chúng ta quy định là sản phẩm phải áp dụng tiêu chuẩn và phải được công bố, do đó đề nghị bổ sung thêm khoản đó trong Điều 55. Đồng thời chúng ta bỏ tiết 1, Khoản 1 điều này đó là quy định về các hành vi khác về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định có hiệu lực. Tôi cho rằng quy định này không công bằng đối với người sản xuất và kinh doanh. Chúng ta cứ tìm hết những giải pháp nào, những hành vi nào, chúng ta đề ra chứ không nên có câu quét như vậy thì rất khó cho người sản xuất kinh doanh.

Cũng trong điều này chúng ta có sử dụng cụm từ "hàng giả", tôi đề nghị nếu như sử dụng cụm từ "hàng giả" thì cần phải đưa vào phần giải thích từ ngữ để chúng ta phân biệt mức độ nào là hàng giả, mức độ nào là hàng kém chất lượng. Trên cơ sở đó các cơ quan thực thi các nhiệm vụ có cơ sở để xử lý cho tốt hơn.

Ý kiến cuối cùng, tôi nhất trí với sự phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở các Điều 60, 61, 62, 63 như dự thảo đã đề ra. Vì theo tôi trong điều kiện hiện nay của đất nước chúng ta phân công như vậy là hợp lý. Tôi chỉ tham gia đóng góp một ý kiến nhỏ ở Điều 63 là điều về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tôi bổ sung thêm nhiệm vụ là xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án nâng cao chất lượng sản phẩm trọng điểm của tỉnh. Theo tôi tôi cho đây là một nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, mà luật cần phải quy định về tỉnh để tiến hành trong sản xuất công nghiệp của mình cho tốt hơn. Đó là một số ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan