Ý kiến của ĐBQH Dương Kim Anh – Tỉnh Trà Vinh

Thứ Năm 09:54 09-11-2006


Kính thưa Quốc hội,

Tôi thống nhất trong Tờ trình của Chính phủ trình hôm trước về Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá của Uỷ ban khoa học công nghệ và môi trường. Tôi tham gia đóng góp một số điểm như sau:

Thứ nhất, về tên gọi của Luật. Tôi thống nhất nên lấy tên gọi là "Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá". Tôi thấy tên gọi như dự thảo là đầy đủ, hợp lý. Tên gọi nhằm đẩy mạnh việc quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh. Tôi thống nhất với dự thảo, tuy nhiên tôi đề nghị thêm cụm từ "chất lượng sản phẩm hàng hoá" sau từ "về" và sửa lại như sau "luật này quy định về chất lượng sản phẩm hàng hoá, các biện pháp quản lý, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, người sử dụng, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá". Quy định như trên là đầy đủ, hợp lý. Bởi vì luật này không chỉ điều chỉnh các biện pháp quản lý, quyền và nghĩa vụ của tổ chức sản xuất kinh doanh, người sử dụng, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá mà nó còn điều chỉnh chủ yếu là chất lượng hàng hoá. Chất lượng hàng hoá đó được quy định như thế nào thì được lưu thông trên thị trường, được xuất khẩu hay nhập khẩu. Vì vậy, bổ sung cụm từ chất lượng sản phẩm hàng hoá là phù hợp nhất.

Thứ ba, về phân nhóm sản phẩm hàng hoá theo tôi để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về chất lượng của hàng hoá lưu thông trên thị trường, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như bảo vệ sức khoẻ tính mạng của con người, an toàn về tài sản và bảo vệ thực vật, động vật, môi trường và công tác kiểm tra giám sát tập trung vào nhóm sản phẩm hàng hoá có nguy cơ gây mất an toàn nhiều hơn.

Từ đó tôi thấy nên phân chia thành 2 nhóm là hợp lý:

Nhóm 1 là nhóm sản phẩm hàng hoá thông thường.

Nhóm 2 là nhóm sản phẩm hàng hoá có nguy cơ gây mất an toàn.

Về cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Tôi thống nhất như dự thảo luật, cơ quan kiểm tra nên là cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá thuộc Bộ quản lý chuyên ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, dự luật nên quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về trách nhiệm của cơ quan này. Bởi việc phân cấp thẩm quyền cho chính quyền ở địa phương nhằm đẩy mạnh và tăng cường xã hội hoá hoạt động dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá một cách kịp thời, cần thiết và phải được chú trọng.
Về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước và bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Tôi thấy công tác quản lý chất lượng hiện nay còn nhiều bất cập, tuy rằng thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như pháp lệnh, nghị định và gần 140 văn bản của các cấp để hướng dẫn thi hành. Nhưng do bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước về chất lượng còn phân tán, việc phân công trách nhiệm không rõ ràng, còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý, do đó cần đổi mới quản lý Nhà nước về chất lượng nhằm mục đích làm cho hoạt động ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế. Vì vậy, tôi tán thành việc giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong phạm vi cả nước như quy định ở Điều 61.

Về một số điều khoản cụ thể, tôi xin được đóng góp như sau:

Điều 5 quy định về nguyên tắc chất lượng. Tôi thấy để cho phù hợp với tên của luật và chính xác về mặt ngôn từ, tôi đề nghị thêm cụm từ "sản phẩm, hàng hoá" vào tiêu đề. Tiêu đề sẽ là "Nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá". Khoản 5, Điều 5 tôi đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ thêm cụm từ "không phân biệt đối xử" để áp dụng cho đúng.

Tại Điều 12 và Điều 7 của dự thảo luật, đề nghị nhập 2 điều thành 1 điều lấy tiêu đề của luật là "chính sách của Nhà nước về nâng cao chất lượng", chứ không thành 2 điều như dự luật, tôi thấy chưa hợp lý. Bởi lẽ việc nâng cao nhận thức về chất lượng sản phẩm, hàng hoá hay khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia vào hoạt động này, nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hoá cũng xuất phát từ chính sách của Nhà nước. Vì vậy, theo tôi không nên tách 2 điều luật này.
Ở Điều 13 quy định khen thưởng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại dự thảo như sau: "Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động bảo đảm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa được khen thưởng theo quy định của pháp luật". Vì các quy định hình thức tôn vinh, khen thưởng của Nhà nước phải đúng theo quy định của pháp luật, vì Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, phải tôn trọng pháp luật.
Tại Điểm d và Điểm d, Khoản 2, Điều 14 để tránh dùng điệp từ, đề nghị nhập 2 điểm thành 1 điểm, viết lại như sau: "Nghiên cứu áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ giải pháp nâng cao năng suất"

Tại Điều 24 quy định nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đề nghị bỏ cụm từ: "Tại Khoản 2, Điều 21 luật này" tôi thấy không cần thiết quy định dẫn chiếu tại luật này, vì tại Khoản 2, Điều 21 quy định "Chính phủ ban hành danh mục" còn Điều 24 quy định "Bộ quản lý chuyên ngành quy định chi tiết", điều này là hoàn toàn đúng và hợp lý. Nhưng sẽ không hợp lý nếu chúng ta đọc Điều 24 được dẫn chiếu đến Khoản 2, Điều 21, mà Điều 21 phải đợi nếu Chính phủ chưa ban hành, vì vậy tại Điều 24 này không nên quy định dẫn chiếu, là đúng.
Tại Khoản 2, Điều 27 và Điều 36 của dự luật, đề nghị viết lại như sau: "Bộ Tài chính quy định mức thu sử dụng và quản lý phí, lệ phí kiểm tra chất lượng hàng hóa" Vì theo quy định của pháp luật hiện hành, phí và lệ phí bất cứ khoản thu phí, lệ phí nào đều được cơ quan thu phí trích lại phần trăm để bổ trợ cho kinh phí hoạt động thường xuyên và được thanh toán những chi phí hợp lý khác. Vì vậy, điều chỉnh lại như trên là hợp lý và thống nhất.

Khoản 2, Điều 29 đề nghị thêm từ "theo" trước cụm từ "quy định" Đồng thời đề nghị dự thảo luật nên thêm một điều quy định về hàng hóa có dấu hiệu vi phạm là những loại hàng hóa nào, có dấu hiệu gì cần phải liệt kê cụ thể để quá trình vận dụng luật được dễ dàng, nhất là trong trường hợp mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, áp dụng về các biện pháp xử lý hành chính.
Ở Điều 32 và Điều 25 quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra, tôi thống nhất với quy định này, nhưng đề nghị luật cần quy định về thời hạn giải quyết từng vụ việc cụ thể như thời hạn xác nhận hàng hóa đáp ứng yêu cầu hoặc không đáp ứng yêu cầu chất lượng, thời hạn thông báo kiểm tra, thông báo kết quả kiểm tra v.v... nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà nhập khẩu và người bị kiểm tra.

Ở điểm a, Khoản 2, Điều 33 đề nghị thêm cụm từ "tiêu hủy" sau cụm từ "tái chế", bởi vì theo quy định của dự thảo luật thì đối với hàng hóa không phù hợp, có nghĩa là hàng hóa đó không an toàn, không tái xuất được thì phải bị tiêu hủy. Vì vậy bổ sung biện pháp tiêu hủy đối với hàng hóa không phù hợp là thống nhất với Điều 40 trong dự luật.

Ngoài ra tại Mục 1, Chương IV, Điều 37, 38, 39, 40, 41 của dự luật đề nghị Ban soạn thảo xem lại mục này, nhất là việc dùng thuật ngữ chưa được thống nhất, có khi dùng là tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, khi dùng là nhà sản xuất, nhà nhập khẩu.

Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ cũng chưa phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật, có điều quy định nghĩa vụ mà không quy định quyền và ngược lại. Mà theo quy định hiện hành thì quyền và nghĩa vụ là 2 phạm trù đi liền nhau. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo trong dự thảo luật nên điều chỉnh lại cho phù hợp. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan