Ý kiến của ĐBQH Trần Hữu Hậu – Tỉnh Tây Ninh

Thứ Năm 09:52 09-11-2006
Kính thưa Quốc hội,

Đọc dự thảo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa tôi thực sự vui mừng, đây là lần thứ hai trong kỳ họp này tôi vui mừng đến như thế, khi đọc luật. Lần thứ nhất là Luật quản lý thuế và lần này là Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bởi lẽ cũng như Luật quản lý thuế tinh thần bào trùm và xuyên suốt của dự thảo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bởi lẽ cũng như Luật quản lý thuế, tinh thần bao trùm và xuyên suốt của dự thảo Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá cho chúng ta thấy sự thay đổi to lớn của Chính phủ, của Ban Soạn thảo trong cách nhìn nhận, đáng giá, cũng như trong việc đổi mới phương thức quản lý xã hội, quản lý nền kinh tế nói chung và quản lý hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, đó là: tin ở số đông doanh nhân là tốt, là làm ăn nghiêm túc vì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mình, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

 Vì vậy, Nhà nước tạo mọi điều kiện thông thoáng cho họ chủ động làm ăn và tự do làm ăn, không can thiệp vào hoạt động hàng ngày của họ, mà tăng cường ở khâu định hướng, khâu kiểm tra, kiểm soát và dùng các công cụ vĩ mô để điều tiết, chúng ta có thể thấy tinh thần ấy được thể hiện xuyên suốt trong các điều luật, hoặc được thể hiện một cách rõ ràng, được khẳng định trong luật này. Ví dụ, chúng ta có thể thấy trong quy định ở Điều 14 "Nhà nước tôn trọng và phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, và đồng thời cũng cho phép các tổ chức và các cá nhân được phát triển các dịch vụ đo lường, thử nghiệm, giám định, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hoá" Tức là Nhà nước không ôm, không làm thay những việc mà doanh nghiệp cần phải làm để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mình. Nhà nước cũng giảm bớt những việc mà xã hội có thể làm tốt, khi có một cơ chế giám sát chặt chẽ, và phù hợp.

 Chúng ta cũng có thể tìm thấy những quy định cụ thể hơn nữa, ví dụ, để quản lý chất lượng thì tại Điều 6, sản phẩm hàng hoá được phân làm hai nhóm, trong đó: Nhóm một, sản phẩm, hàng hoá không có, hoặc ít có nguy cơ gây mất an toàn thì được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do tổ chức và cá nhân công bố. Quy định này, ngoài việc thể hiện những quan điểm mà tôi đã nêu ở trên, thì nó còn xác lập một cách ứng xử mới giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và Nhà nước, đối với một số lượng rất lớn sản phẩm hàng hoá thuộc loại không có, hoặc ít có nguy cơ gây mất an toàn, phù hợp với tính chất của thị trường đó là: với doanh nghiệp thì tuỳ phân khúc thị trường mà mình hướng tới để sản xuất và công bố rõ ràng, chính xác chất lượng tương ứng. Với người tiêu dùng thì phải thực sự là người tiêu dùng thông minh để lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và túi tiền của mình. Với Nhà nước thì Nhà nước thiết lập kỷ cương trong công bố chất lượng và phân xử đúng sai của doanh nghiệp khi bị nhiều người tiêu dùng khiếu nại trên cơ sở chất lượng mà doanh nghiệp đã công bố. Một cái áo sơ mi bằng vải cotton có chất lượng thấp giá 15.000 đồng thì không thể đòi hỏi thoáng mát, dễ chịu như một cái áo khác may bằng vải 100% cotton có giá 150.000 đồng. Đó là chuyện bình thường, thế nhưng trong nhiều trường hợp tương tự vẫn còn xảy ra nhiều tranh cãi, trách nhiệm của các đối tượng liên quan là Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Có thể nói dự thảo đã quy định khá đầy đủ, chặt chẽ những vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tôi xin được góp ý 2 nội dung: Một nội dung theo tôi chưa phù hợp và chưa đầy đủ và một nội dung khác thì chưa được dự thảo đề cập đến.

Khoản 1, Điều 23 về điều kiện của sản phẩm được đưa ra thị trường ghi rằng sản phẩm đã được thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy hoặc chứng nhận hợp quy. Tại Khoản 1, Điều 20 quy định 4 loại sản phẩm được miễn công bố tiêu chuẩn là các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, sản phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến thủ công và các sản phẩm khác không thể có quy trình sản xuất ổn định. Quy định như vậy của 2 điều này là chưa phù hợp với thực tế, mẫu thuẫn với nhiều quan điểm đúng đắn và thông thoáng mà tôi đã phân tích ở trên, do đó chúng sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Ở đây sẽ có 2 trường hợp xảy ra là:

Thứ nhất, có rất nhiều sản phẩm mà khách hàng đặt nhà sản xuất làm theo mẫu hoặc theo thiết kế của họ với số lượng lớn, thường xuyên. Ví dụ: Công ty của chúng tôi hiện nay đang sản xuất và cung ứng các cấu kiện bằng thép, cho việc trang bị mới và nâng cấp hàng trăm siêu thị trên khắp đất nước Mỹ. Hay bạn của tôi đang cung cấp các loại cửa bằng nhôm, bằng thép cho rất nhiều khách hàng trên cả nước. Theo 2 điều khoản của dự thảo trên thì chúng tôi phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy hoặc chứng nhận hợp quy trước khi bán ra cho khách hàng. Nhưng các khách hàng của chúng tôi lại không cần điều ấy, vì chất lượng của chúng tôi đã được khẳng định. Họ tin và chúng tôi ràng buộc với họ bằng cam kết trong hợp đồng. Nếu chúng tôi phải làm theo quy định của dự thảo thì vừa mất thêm chi phí, vừa mất thời gian mà lại hoàn toàn không cần thiết. Đó là chưa nói đến trường hợp khách hàng lại yêu cầu giữ bí mật về các thông số thiết kế hoặc muốn giữ bí mật về sản phẩm trước các đối thủ cạnh tranh, thì việc công bố tiêu chuẩn, công bố hợp quy là không thể thực hiện, nếu không muốn mất khách hàng. Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét để có những quy định phù hợp với những trường hợp này.

Trường hợp thứ hai, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, thì hiện nay tuổi đời của một sản phầm ngày càng ngắn, chủng loại của sản phẩm ngày một đa dạng và thay đổi thường xuyên do doanh nghiệp phải thích ứng rất nhanh với nhu cầu luôn biến động của thị trường trong điều kiện cạnh tranh vô cùng gay gắt. Nếu theo như dự thảo thì tất cả sản phầm hàng hoá khi buôn bán ra thị trường đều ít nhất phải tự xây dựng tiêu chuẩn và công bố chúng.

Trong nhiều trường hợp điều đó sẽ gây khó khăn và tăng chí cho doanh nghiệp, trong khi người mua hàng thực sự không cần thiết. Trên thế giới và cả trong nước ta có một sự tiếp cận khác về chất lượng, đó là xem xét chất lượng thương mại của hàng hoá theo quá trình. Ví dụ, chứng nhận ISO 9001 đối với các nhà máy cơ khí chúng tôi chẳng hạn. Sau khi xây dựng và được công nhận đạt ISO bởi 1 tổ chức có uy tín thì toàn bộ công tác quản lý từ việc ra quyết định của lãnh đạo, tới các thao tác sản xuất của người công nhân, đều được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, nhằm đạt được mục tiêu là luôn có chất lượng sản phẩm ổn định theo một mức xác định nào đó. Do đó khi đã đạt ISO 9001 thì dù sản phẩm A qua các khâu rèn, khoan, hàn, lắp ráp, hay là sản phẩm B phải qua các khâu như tiện, xây, lắp ráp đều được khách hàng tin tưởng, không cần phải xây dựng và công bố tiêu chuẩn cho từng sản phẩm đó. Tôi cho rằng, cách tiếp cận này phù hợp hơn với những sản phẩm thông thường, không có khả năng gây mất an toàn. Dự thảo đề cập rất mờ nhạt về phương thức quản lý chất lượng theo cách tiếp cận này. Chúng tôi rất mong Ban soạn thảo xem xét và bổ sung.

Nội dung cuối cùng, thời gian vừa qua, hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao được báo Sài Gòn tiếp thị tổ chức thành công. Sau khi đó đã xuất hiện rất nhiều loại hội chợ có tổ chức bình chọn sản phẩm, để trao những danh hiệu khá gần gũi với chất lượng. Thậm chí hội chợ được tổ chức hàng năm còn dùng danh hiệu Sản phẩm hợp quy. Không thể phủ nhận các hội chợ ấy, đặc biệt là hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao đã tạo ra được những điều kiện rất tốt cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và nước ngoài, giúp điều chỉnh thói quen của người tiêu dùng, đưa họ đến nhiều hơn với hàng hóa Việt Nam.

Với một số loại danh hiệu hội chợ ra đời sau này khá tùy tiện, việc trao danh hiệu nặng về mua bán danh, bỏ qua yêu cầu chất lượng của sản phẩm. Theo tôi, đây là một bất cập cần phải được quản lý, nhằm tôn vinh những sản phẩm, những doanh nghiệp xứng đáng. Đồng thời ngăn chặn những sản phẩm, những doanh nghiệp núp bóng những danh hiệu không thực chất để lừa người tiêu dùng. Tôi xin nói thêm, có một số tổ chức ở nước ngoài thường xuyên mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam để đăng ký được chứng nhận chất lượng này nọ, mang tầm quốc tế, nhưng để nhận cúp ấy, giấy chứng nhận ấy chỉ cần phải làm một hồ sơ hết sức đơn giản, nộp vài ngàn đô la, mua vé máy bay, bay sang nhận về. Thế mà không ít doanh nghiệp dùng những cúp, giấy chứng nhận ấy để đi khoe khắp bàn dân thiên hạ và lòe những đối tác thiếu thông tin. Ở dự thảo này, chưa thấy đề cập đến những vấn đề như vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung cho thích hợp. Tôi hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan