Trích ý kiến của ĐBQH Lê Minh Hồng – Tỉnh Ninh Bình

Thứ Năm 09:44 09-11-2006
Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số ý kiến xung quanh Dự án Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa:
Trước hết, về tên gọi của luật, tôi cũng tán thành với tên gọi là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tức là có dấu phảy. Tên gọi này, tôi thấy nó vừa gọn, vừa rõ, chúng ta có thể có nội dung và biện pháp quản lý, kể cả quản lý về chất lượng sản phẩm cũng như quản lý về chất lượng hàng hóa.

Tại Điều 3 giải thích từ ngữ là sản phẩm và hàng hóa là hai khái niệm khác nhau và trách nhiệm của cơ quan quản lý, tức là quản lý cả chất lượng sản phẩm và quản lý cả về chất lượng hàng hóa, cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia. Tôi thấy tên gọi của dự thảo như vậy là hợp lý, chúng ta cũng nên nâng một bước Pháp lệnh hiện hành lên,

Thứ hai, về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa ở Điều 5, điều này có 6 khoản, tôi đề nghị chúng ta nên soát xét lại, bỏ một số khoản không phải là nguyên tắc quản lý. Ví dụ như Khoản 4: "Có biện pháp quản lý tương ứng với khả năng gây mất an toàn sản phẩm, hàng hóa" Đây là biện pháp quản lý chứ không là nguyên tắc quản lý.

Chúng tôi cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc các thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải công khai, minh bạch, chính xác và kịp thời. Đây cũng có thể nói là một nguyên tắc rất quan trọng, bắt buộc nhà sản xuất, bắt buộc các cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp cho người tiêu dùng biết để mà lựa chọn. Không để cho người tiêu dùng bị lừa, ví dụ như mua giống ngô, nhưng cuối cùng không có hạt, rồi lúa không có bông chẳng hạn, hay tránh tình trạng như sản phẩm sữa vừa qua, tức là quảng cáo là sữa tươi, nhưng không phải là sữa tươi, về xi măng ta nói là mác 400, nhưng thực chất chỉ là mác 300 thôi. Như vậy là làm thiệt hại rất lớn đến lợi ích của người tiêu dùng.

Về phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, ở Điều 15 thì dự thảo có quy định là ngoài việc công bố tiêu chuẩn, công bố sự phù hợp, còn có việc chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm sang tiêu chuẩn. Việc chứng nhận này do một tổ chức tiến hành, trong dự thảo chúng tôi có đọc đi đọc lại thì không thấy mô hình của tổ chức này như thế nào? Nó là cơ quan quản lý Nhà nước, hay là một đơn vị sự nghiệp có thu, hay là một tổ chức dịch vụ. Vì mỗi mô hình sẽ có cách tổ chức và tư cách pháp nhân khác nhau.

Đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu và xác định rõ mô hình tổ chức chứng nhận này và quy định rõ điều kiện để thành lập tổ chức chứng nhận này như thế nào? Nhất là điều kiện về con người, cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, để làm sao đủ năng lực anh có thể chứng nhận được một cách chính xác, một cách khách quan, nếu như không đủ năng lực thì cuối cùng chứng nhận một cách lung tung, gây tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho người sản xuất các sản phẩm, hàng hoá. Tôi thấy cái đó rất gay, không được, cuối cùng là cơ quan quản lý Nhà nước của chúng ta không kiểm soát được.

Về quản lý chất lượng hàng hoá xuất khẩu, hàng hoá nhập khẩu được quy định ở Mục 2 Chương III từ Điều 21 đến Điều 28, chúng tôi thấy ở đây tiêu chí để xác định hàng hóa xuất khẩu có liên quan đến lợi ích quốc gia, phải kiểm tra chất lượng là không có cho nên không rõ ràng. Ví dụ: tại Điều 21 chúng ta nói hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu lớn, thì ở đây lớn là bao nhiêu, 1 tỷ hay là 2 tỷ đôla. Ví dụ năm 2005 chúng ta xuất các sản phẩm dệt may được 4,8 tỷ đôla, thì có phải hàng dệt may là hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn hay không. Hay giầy dép là 5 tỷ đôla, gạo của chúng ta cũng cỡ 5 tỷ đôla, chúng tôi thấy chữ "lớn" này chúng ta phải xác định xem nó là bao nhiêu. Hay hàng hóa có tính chất nhạy cảm là như thế nào cũng không rõ.

Theo tôi nên để việc xuất khẩu những mặt hàng này được thực hiện theo thông lệ quốc tế thì tốt hơn. Kiểm tra khi nước nhập khẩu họ có yêu cầu, còn họ không có yêu cầu thì đây là hợp đồng giữa bên a và bên b, tức là giữa bên b là xuất khẩu và bên a là nhập khẩu. Tôi thấy như vậy sẽ phù hợp hơn, nếu bây giờ mình quy định như thế này thì nó rất ngặt nghèo, gây khó khăn cho nhà sản xuất khi xuất khẩu hàng hóa của mình sang nước khác. Quy định bắt buộc phải kiểm tra như vậy vừa tốn kém công sức và tiền của, vừa gây phiền hà cho người sản xuất kinh doanh trong nước.

Đối với mặt hàng nhập khẩu tôi tán thành phải kiểm tra rất chặt chẽ như quy định trong dự thảo luật, để đảm bảo hàng hóa chúng ta nhập vào dứt khoát phải đảm bảo chất lượng.
Về cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và kiểm tra chất lượng hàng hóa trên thị trường quy định tại Điều 23 và Điều 31. Ở đây tôi tán thành chúng ta phải phân cấp việc kiểm tra chất lượng hàng hóa cho các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, vì mình Bộ Khoa học và Công nghệ không kham nổi, tức là không làm hết được, vì nó hàng nghìn nghìn mặt hàng như thế, làm sao chúng ta kiểm tra được. Cụ thể, các Bộ, ngành phải chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, giám sát việc kiểm tra. Còn Uỷ ban nhân dân các địa phương trực tiếp kiểm tra theo sự hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Còn Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Tôi thấy phân cấp như thế là hợp lý, sau này trong chương nói về quản lý Nhà nước tôi thấy cái đó cũng rất hợp lý, nếu chúng ta để riêng mình Bộ Khoa học và Công nghệ, tôi thấy không thể làm được.

Tuy nhiên, ở đây tôi có băn khoăn về cơ quan kiểm tra. Đó là tại Khoản 1, Điều 23 và Khoản 1, Điều 31 có ghi: Cơ quan kiểm tra là cơ quan thuộc các Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vấn đề đặt ra ở đây tức là cơ quan kiểm tra này có khác với cơ quan thanh tra chuyên ngành hay không, được quy định ở Điều 54 dự thảo luật. Nếu  khác nhau thì tôi e rằng giữa cơ quan kiểm tra này và cơ quan thanh tra có sự chồng chéo nhau về công việc, về nhiệm vụ. Nếu không có sự khác nhau thì rõ ràng hoạt động của cơ quan này tuân theo Luật Thanh tra mà chúng ta đã ban hành, kể cả về thẩm quyền, kể cả về trình tự thủ tục. Tức là nội dung và hình thức thanh tra thì buộc anh phải tuân thủ Luật Thanh tra, không thể nói đây là cơ quan kiểm tra riêng thì tôi thấy không được.

Khi nói về trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành tại Điều 62 trong dự thảo luật. Chúng tôi không thấy nói gì về trách nhiệm kiểm tra của các Bộ, ngành, chỉ thấy nói trách nhiệm thanh tra thôi. Như vậy tức là có mâu thuẫn với Điều 23 và Điều 31, chúng tôi đề nghị các đồng chỉ ở Ban soạn thảo nghiên cứu vấn đề này để làm sao cho khớp với Luật Thanh tra của chúng ta. Tôi xin hết, xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan